Cực đoan thánh thiện - Rất mực khoan nhân
CỰC ĐOAN THÁNH THIỆN
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”.
Edgar Hoover điều hành FBI, không ai nghi ngờ về khả năng của ông. Hầu như tất cả cấp dưới đều tìm cách gây ấn tượng với người sếp quyền lực của mình. Một thanh niên FBI, trong một nỗ lực cắt giảm chi phí văn phòng, muốn gây ấn tượng với sếp; anh đã giảm kích thước của tất cả giấy tờ. Hoover xem qua, tỏ vẻ không thích kích cỡ và đường viền của tờ giấy; ông viết nguệch ngoạc, “Hãy quan sát đường viền!”. Lưu ý được chuyển qua văn phòng. Sáu tuần tiếp theo, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Mexico hoặc Canada bằng đường bộ là vô cùng khó khăn! FBI đang theo dõi biên giới. Tại sao? Họ nghĩ, họ đã nhận được một lời cảnh báo từ sếp của họ; họ đã ‘cực đoan’ biến một nhận xét vô thưởng vô phạt thành một lời cảnh báo nghiêm túc!
Kính thưa Anh Chị em,
Như những nhân viên FBI ‘cực đoan’, Phêrô trong câu chuyện Biến Hình của Tin Mừng hôm nay xem ra cũng ‘cực đoan’. Một chi tiết khá thú vị đáng dừng lại là câu nói có phần ngớ ngẩn của ông, “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”. Chi tiết này đưa chúng ta về một sự thật tinh tế; đúng hơn, một cám dỗ tinh vi trong đời sống thiêng liêng. Cám dỗ này có tên là ‘cực đoan thánh thiện!’.
Trước sự rạng ngời vinh quang Thiên Chúa nơi Thầy mình, dù trong chốc lát, ba môn đệ choáng ngợp, đến nỗi Phêrô đã thốt lên như thế! Tin Mừng nói, “Phêrô không rõ mình nói gì!”. Chứng kiến thần tính xán lạn diệu kỳ của Thầy, ba môn đệ vô cùng phấn khích; cũng thế, nhiều lúc, chúng ta có thể thấy mình rất gần gũi với Thiên Chúa và từ đó, được truyền cảm hứng sâu sắc bằng cách này, cách khác. Khi điều đó xảy ra, phản ứng cảm xúc nơi chúng ta, bấy giờ, theo một nghĩa nào đó, là đi quá đà. Đó không phải là tình yêu đối với Chúa nơi chúng ta đã đạt đến mức lý tưởng, điều đó là không thể, nhưng là một sự nhiệt thành vốn dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dựa trên ý muốn của Chúa. Đúng hơn, đó chỉ là những phút chốc ‘sốt sắng cao độ’ mà thôi; dĩ nhiên, chúng ta ước mong trở nên thân mật với Thiên Chúa, nhưng phải luôn bảo đảm rằng, cả những cảm xúc tốt lành nhất cũng không được dẫn chúng ta đi vào những ‘cực đoan thánh thiện’, nghĩa là đi vào con đường theo ý riêng mình hơn là theo ý của Thiên Chúa.
Chi tiết này gợi lên câu chuyện Thầy trò Chúa Giêsu bị một làng nọ từ chối; Giacôbê và Gioan đã lên tiếng, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”. Ôi, thiêu huỷ cả một làng! Và Chúa Giêsu đã khiển trách họ. Có lẽ vì đã nhớ lại phút chốc ‘sốt sắng cao độ’, có phần ‘cực đoan thánh thiện’ muốn đốt làng người ta, nên hôm nay, trong thư của mình, Giacôbê đã nói đến việc phải cẩn thận với ngôn từ, và nhất là, cảnh giác với chiếc lưỡi, “Ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành”. Vì thế, cả với miệng lưỡi, chúng ta cũng phải cậy vào ơn Chúa mới tránh được “tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người” này. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc khi nói, “Vâng, lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con!”.
Anh Chị em,
Mục tiêu của một đời sống đạo đức là sự quân bình đích thực giữa các thái cực, cả khi nguội lạnh hay khi sốt mến. Mặc dù phải cam kết 100% với Chúa và ý muốn của Ngài, nhưng cũng phải chắc chắn rằng, chúng ta không bị cuốn vào bên này hoặc bên kia; vì lẽ, ma quỷ luôn tìm dịp để kéo chúng ta vào những cạm bẫy khôn lường của nó. Ma quỷ có thể làm chúng ta ngây ngất trong việc đạo đức này, bác ái kia; nhưng thực chất, lôi chúng ta về những hậu quả nó nhắm đến. Chẳng hạn, khi thấy mình đạo đức, chúng ta khinh chê kẻ khác; hoặc khi đứng trước một thử thách lớn, chúng ta tuyệt vọng… Vậy hãy cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta vững bước trên con đường dẫn đến Ngài và thánh ý Ngài; hầu tránh được những ‘cực đoan thánh thiện’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con có được sự quân bình nội tâm; đừng để con nản lòng trước thử thách; cũng đừng để con cuốn theo những cảm xúc sản sinh từ những ‘cực đoan thánh thiện’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
RẤT MỰC KHOAN NHÂN
“Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân”.
Thật thâm thuý câu nói của thánh Augustinô, “Lòng khoan nhân của Thiên Chúa… đi trước sự lưỡng lự không sẵn lòng của Ngài; nó đi theo ước muốn, làm sao ý chí Ngài phải có hiệu lực!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật hôm nay rạng ngời một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Và như thế, câu nói của thánh Augustinô một lần nữa cho thấy, ý chí của Thiên Chúa là yêu thương; vì lẽ, “Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và ‘rất mực khoan nhân!’”.
Chân lý đó đã làm cho Kitô hữu trở nên những con người khác biệt và Kitô giáo trở nên khác biệt bất cứ một tôn giáo nào! Tại sao? Chính ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa đã ban cho con cái Ngài khả năng để đối xử với người khác, không như họ đáng đối xử, nhưng như Chúa muốn họ được đối xử. Vì lẽ, Chúa nhân ái với mọi người, kẻ lành, người ác; “Ngài cho mưa xuống trên người công chính cũng như hạng bất lương”. Tình yêu Ngài bao trùm cả thánh nhân lẫn tội nhân; Ngài tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của chúng ta, dạy chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của người khác, cả những người thù ghét mình, “Các con hãy yêu kẻ thù!”.
“Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ các con!”. Lời cầu nguyện dành cho những người làm chúng ta đau khổ vừa phá vỡ ước muốn trả thù, vừa giải phóng sự tù hãm của con tim. Thế nhưng, làm sao có thể yêu thương những người đã gây tổn hại hoặc ác ý với chúng ta? Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể! Ngài sẽ ban quyền năng và ân sủng Thánh Thần của Ngài; Thánh Thần sẽ chinh phục tất cả, ngay cả những tổn thương, sợ hãi, định kiến và đau buồn của mỗi người. Thập giá Chúa Kitô có thể giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược của độc ác, hận thù, trả thù, và oán ghét; thập giá Ngài cho chúng ta can đảm để đáp lại điều ác bằng điều thiện.
Khi dạy chúng ta yêu kẻ thù, Chúa Giêsu không nói những điều không tưởng, mâu thuẫn, hoặc Ngài đang sử dụng những câu nói hoa mỹ. Không, hoàn toàn không! Đây là sự cách tân của Kitô giáo và cũng là sự khác biệt của Kitô giáo! Thiên Chúa đòi chúng ta can đảm để có một tình yêu không tính bằng giá; bởi lẽ, thước đo của Ngài là tình yêu không có thước đo. Đã bao lần chúng ta quên điều đó, nên cư xử như bao người khác! Ấy thế, giới răn yêu thương của Chúa không đơn giản chỉ là một thách đố; nhưng còn là trọng tâm của Tin Mừng. Đừng lo lắng về ác ý của người khác, về những ý nghĩ tiêu cực họ dành cho chúng ta; thay vào đó, hãy mở rộng trái tim vì lòng yêu mến Chúa! Những ai yêu mến Ngài, sẽ không có kẻ thù trong lòng, vì sự thờ phượng Thiên Chúa luôn luôn trái nghịch với văn hoá hận thù!
Sách Samuel hôm nay đã cống hiến tấm gương cao quý của Đavít. Saolê dẫn 3.000 quân truy lùng ông, Chúa lại trao Saolê, vào tay Đavít. Ấy thế, đó là cơ hội cho trái tim và nhân cách của Đavít thể hiện sự vĩ đại và hào hiệp của nó. Đavít chưa biết Chúa Giêsu, nhưng đã đối xử cao thượng theo hình ảnh “Ađam mới”, Đấng từ trời, hậu duệ của ông, như bài đọc thứ hai lưu ý.
Anh Chị em,
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng: hãy khoan nhân như Thiên Chúa ‘rất mực khoan nhân!’. Hãy xem, Chúa Giêsu trên thập giá, điều đầu tiên Ngài nghĩ tới là, “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!”. Cũng thế, Đavít đã khoan nhân với Saolê vì ông cảm nhận sự khoan nhân của Thiên Chúa dành cho cá nhân ông và gia tộc ông. Như vậy, chúng ta không thể yêu thương kẻ thù, khoan nhân với người hiềm khích nếu không cảm nhận thế nào là sự tha thứ nơi thập giá Con Thiên Chúa. Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, chúng ta trở nên những con người thuộc thiên giới; khoan nhân với anh chị em mình như Chúa, chúng ta thực sự mang hình ảnh của con người thần thiêng. Hãy để mình bay cao, bay xa như con cái Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng ‘rất mực khoan nhân’, Chúa đã tha thứ cho kẻ tra tấn và đóng đinh Chúa; xin giúp con làm điều tương tự với những ai đang trở nên thập giá đời con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: