Một sự thật khá bẽ bàng - Có thể tạo nên một sự khác biệt!
MỘT SỰ THẬT KHÁ BẼ BÀNG
“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”.
Nghệ sĩ Raphael mô tả sự nghèo nàn tội nghiệp của các môn đệ, những người đang đợi Thầy từ trên núi xuống sau cuộc Biến Hình của Ngài. Họ đang vẫy tay thất vọng,phân bua; khuôn mặt thì hốt hoảng, khi tự bào chữa trước người cha tuyệt vọng đang ôm lấy đứa con bị quỷ ám!
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay phản ánh ‘một sự thật khá bẽ bàng’ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta! Như các môn đệ, bao lần chúng ta cố sức làm những công việc, rõ ràng là của mình, mà không cần đến Thiên Chúa thực sự, theo bất cứ cách nào.
Vì thế, thật không lạ, công việc của chúng ta dường như ‘chết lên, chết xuống’ cho đến khi Chúa Giêsu ‘được phép’ cộng tác; để sau đó,Ngài ‘làm cho nó sống’. Thông thường, chúng ta thậm chí cũng không cần tự hỏi, liệu những gì tôiđang làm có phải là ý muốn của Thiên Chúa không?Thế mà, khi loại trừ Ngài khỏi công việc hoặc cuộc sống gia đìnhhay cộng đoàn mình,chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu đức tin nhất ! Chúa Giêsu luôn có đó, nhưng chúng ta không cho Ngài một chỗ làm, đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng!’.Với lòng tin ít ỏi của mình, các môn đệ bắt tay vào việc mà lòng không mấy cậy trông, vì nghĩ rằng,‘ca này’ vượt quá khả năng của họ; người cha và gia đình đứa bé có thể cũng thiếu niềm tin với những gì mà các“môn đệ” này có thể làm. Vì thế, với họ, và với cả chúng ta, những lời của Chúa Giêsu dẫu khá xót lòng nhưng thật cần thiết , “Hỡi thế hệ cứng lòng tin!”. Khi nói thế, Chúa Giêsu rất chân thành; và nếu chúng ta khiêm tốn đón nhận, mọi sự có thể đổi thay!Những lời Ngài lại làm cho ấm lòng, như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng!”.
Thấy sự thiếu đức tin của các môn đệ và của những người khác, Chúa Giêsu tận dụng hoàn cảnh để khơi dậy đức tin nơi họ. Vì thế, những gì Ngài đã làm cho ba môn đệ ưu tuyển qua cuộc Biến Hình trên núi, thì nay, Ngài làm cho chín vị còn lại ở dưới chân núi! Ngài cho phép họ thất bại để học lấy bài học đức tin; Ngài cũng chất vấn người cha đáng thương, “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể?”. Và Ngài đã ra tay, đứa trẻ hồi sinh; mọi người đều kinh ngạc! Sau đó, Ngài hướng dẫn họ về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Rõ ràng, ở đâu không có Chúa Giêsu, ở đó, chỉ có cãi vã và đổ lỗi cho nhau; hay chí ít, đổ lỗi cho Thiên Chúa, chỉ vì Ngài vắng mặt! Thư Giacôbê hôm nay nói, “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan!”.
Anh Chị em,
“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu chờ đợi! Tiếng kêu thất thanh của người cha là tất cả những gì Chúa Giêsu cần! Người cha đã khẳng định lại đức tin của ông;cùng lúc, thừa nhận sự kém tin của mình. Thật không dễ dàng để chấp nhận mình bất lực trong một thế giới được gọi là “hậu hiện đại” như hôm nay. Thế nhưng, sự hoành hành của Corona đã chứng minh, con người hoàn toàn bất lực trước một con vật ‘gần như’ vô hình. Dẫu thế, nó vẫn được nhìn thấy, nhưng các nhà khoa học vẫn thúc thủ… thì phương chi những loại virus gậm nhấm tâm hồn, chỉ mình Thiên Chúa nhìn thấy, thì ai có thể loại trừ được nó? Không lạ gì, Chúa Giêsu kết luận, “Thứ này chỉ chữa được bằng cầu nguyện và ăn chay!”. Vậy, chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng, cùng với những hy sinh âm thầm, hầu đủ sức chiến thắng những cơn cám dỗ thường ngày, những thói quen cố hữu đang ngày đêm gặm nhấm tâm hồn; chúng đang khiến chúng ta ngày càng xa lìa Thiên Chúa và tách rời anh chị em mình. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được! Đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng’, nhưng cũng là một chân lý mà chúng ta phải chân nhận.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, bao lần trong cuộc sống, con đã ngu khờ để Chúa đứng đợi ngoài cửa, ‘một sự thật khá bẽ bàng’. Xin cho con biết, con cần Chúa; xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
CÓ THỂ TẠO NÊN MỘT SỰ KHÁC BIỆT
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.
Một triết gia nhận định, “Không một tiến bộ vĩ đại nào đã được thực hiện trong khoa học, chính trị và tôn giáo mà không gây tranh cãi ! Cũng không một con người nào có thể thắp sáng thế giới, truyền cảm hứng cho thế giới, ảnh hưởng nhất đến tâm trí loài người trên thế giới; để sau cùng, cứu lấy thế giới… cho bằng “Giêsu”, một con ngườicũng gây tranh cãi nhất thế giới!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Tin Mừng ngày lễ Lập Tông Toà Phêrô hôm nay cho biết, “Giêsu”, con người gây tranh cãi nhất thế giới ấy, muốn thăm dò dư luận về Ngài; và quan trọng hơn, “Giêsu” đó, yêu cầu mỗi cá nhân chúng ta xác nhận Ngài, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, một xác nhận ‘có thể tạo nên một sự khác biệt!’.
Công bằng mà nói, cách chúng ta trả lời câu hỏi “Thầy là ai?” sẽ quyết định cách chúng ta sống chính cuộc đời mình: các giá trị và niềm tin của chúng ta, niềm hy vọng cho cuộc sống mai sau của chúng ta, lòng bác ái và sự phục vụ hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều này được gợi hứng bởi một niềm tin chúng ta có về Ngài. “Thầy là ai?”, một câu hỏi nhất thiết liên quan đến một cam kết quan trọng từ phía chúng ta; việc trả lời câu hỏi này đòi hỏi một sự thay đổi trong thái độ và hành vi của mỗi người, một thái độ và hành vi vốn ‘có thể tạo nên một sự khác biệt!’.
Với Phêrô, ông đã trả lời, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”. Phêrô hiểu rằng, Đấng Kitô không chỉ là một tiên tri hay một thầy dạy khai sáng các lẽ thật, nhưng là ‘một Ai đó’, ‘một Điều gì đó’ hơn thế nữa! Ngài là Đấng Kitô, tức là Đấng Cứu Thế; không chỉ là Đấng Messia, nhưng còn là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ôi, một Giêsu Kitô ngang hàng với Thiên Chúa trong mọi sự! Câu trả lời này đã đổi thay cuộc đời Phêrô, một câu trả lời thực sự đã cởi mở trái tim Phêrô để có thể đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin của Phêrô; mỗi khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng đáp lại lời Phêrô: ‘Chúng con tin Ngài là Con Thiên Chúa; ngoài Ngài ra, không có ơn cứu độ nào khác!’.
Lời tuyên xưng của Phêrô lúc đó, có lẽ ông chưa hiểu rõ, nhưng dần dà, nhờ Chúa Thánh Thần, Phêrô hiểu, đây không phải là câu trả lời đơn giản của trí tuệ cho một câu hỏi, nhưng là nhận lấy một vị trí, một lập trường dứt khoát trước Thiên Chúa và trước thế giới. Phêrô chấp nhận lẽ thật về Đấng Kitô; đổi lại, Chúa Kitô cũng đã trao Hội Thánh cho Phêrô coi sóc. Qua thư của mình hôm nay, Phêrô căn dặn các Kỳ Lão, những mục tử đã được cắt đặt, hãy hy sinh cho đoàn chiên, “Không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên”. Nhờ đó, đoàn chiên Chúa được chăm sóc, mỗi con chiên cảm nghiệm, Chúa đang chăm sóc mình, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.
Phêrô sẽ là “đá”, nền tảng của Hội Thánh mà Chúa Kitô là Đá Tảng Góc Tường. Chính Ngài đã ban cho Phêrô sự bảo đảm rằng, Hội Thánh sẽ trường tồn mãi. Khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Ngài, Chúa Kitô cũng giao cho chúng ta một nhiệm vụ; được làm “tông đồ”, và được cử làm “sứ giả của Đấng Kitô” cho thế giới và dĩ nhiên, ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’. Lập trường của chúng ta trước sự thật này kéo theo một cam kết, cũng là một hậu quả: Chúng ta phải kiên định với đức tin của mình mỗi ngày bằng cả cuộc sống. Phải, bằng cả cuộc sống!
Anh Chị em,
“Giêsu”, một con người gây tranh cãi nhất thế giới! Và còn hơn thế nữa, “Giêsu” ấy đã làm cho thế giới, toàn thể vũ trụ và nhân loại trong đó, trở về trật tự ban đầu trong công trình tạo dựng. Vì thế, chính nhờ mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu, nhờ ân sủng Thánh Thần của Ngài, chúng ta sẽ thay đổi cách sống, lối nghĩ, và phương thức hành động. Hãy để niềm tin của mình trở thành một lối sống vốn có thể làm chứng cho Ngài trước thế giới. Như vậy, trong mọi đấng bậc, mỗi chúng tasẽ ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’ khi quyết nên giống Đấng kêu gọi mình. Lời gọi ấycó thể là thập giá, bắt bớ… những gì Phêrô đã trải qua; nhưng biết rằng, phần thưởng mai ngày dành cho chúng ta, như đã dành cho Phêrô, thật trọng hậu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin trở nên trung tâm của đời con, trở nên mục tiêu dấn thân của con trong Giáo Hội và trong xã hội; ở đó, con cũng ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’. Tại sao không?”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: