Nâng cao những mong đợi - Những ấn tượng chủ quan
NÂNG CAO NHỮNG MONG ĐỢI
“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”.
William Tyndale, người đầu tiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Anh. Năm 1535, bị bắt giam ở lâu đài Vilvoorde, ông vẫn tiếp tục công việc, nhưng không thể hoàn thành vì bị thắt cổ và đốt trên cọcnhư một kẻ dị giáo. Ngày 06/10/1536, ông kêu lên lời cuối cùng, “Lạy Chúa, nguyện ý Chúa được thành sự; xin mở mắt cho vua nước Anh!”. Sau đó, ông chết. Lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ của ông đã được đáp lại trong vòng một năm!
Kính thưa Anh Chị em,
Với William Tyndale, “Nguyện ý Chúa được thành sự!”; với Esther hôm nay, “Xin ban cho con lòng tin tưởng!”; và với Chúa Giêsu trong Tin Mừng, “Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”,Lời Chúa hôm nay nói đến cầu nguyện; nhưng còn hơn thế nữa, nói đến việc ‘nâng cao những mong đợi’ nơi con người cầu nguyện!
Những gì chúng ta cầu xin có thể tiết lộ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Thiên Chúa luôn chờ đợi một lời cầu xin và một ước muốn cao thượng nơi một con người; rất khác với những nhu cầu như xin điều này, điều kia. Lời cầu nguyện sâu sắc nhất sẽ là lời cầu cho thánh ý Thiên Chúa được thành sự, mà thánh ý Ngài là điều tốt nhất cho hạnh phúc đời đời của một con người, vốn sẽ đưa chúng ta đến gần Ngài hơn, tin tưởng Ngài sâu sắc hơn; đồng thời, giúp chúng ta tương tác trong sự thật và tình yêu chân thành hơn đối với tha nhân. Đó là một lời cầu để trở thành người mà chúng ta phải trở thành; một đứa con luôn ‘nâng cao những mong đợi’ của mình lên Cha mà Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối!
Estherlà kiểu mẫu của một người con cầu nguyện như thế! Bà không xin cho mình, gia đình mình được điều này, điều kia; nhưng xin cho được xác tín, “Chúa là Vua”, cũng là “Đấng thực hiện mọi điều đã hứa”. Esther biết, vận mạng bà, dân tộc bà hoàn toàn nằm trong tay Ngài. Bà không thách thức, thao túng, cũng không mặc cả; trái lại, chỉ xin Ngài “ban thêm lòng tin tưởng”, hầu có thể kiên định tựa nương vào một mình Ngài, một Thiên Chúa tốt lành; để rồi bà giao lại tất cả cho Chúa, tuỳ Ngài định đoạt. Và Thiên Chúa đã không thể từ chối một lời cầu thuộc loại ‘nâng cao những mong đợi’ đến thế! Ngài đã cứu Esther và cứu cả dân tộc bà. Thật ý nghĩa, tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại!”.
Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một lời đầy thách thức và thuyết phục, “Hãy xin!”, “Hãy tìm!” và “Hãy gõ!” để khuyến khích các môn đệ cầu nguyện. Ngài muốn ‘nâng cao những mong đợi’ nơi họ qua dụ ngôn người cha cho đứa con mình của ăn. Làm sao một người cha lại từ chối cho con mình những gì tốt đẹp; tệ hơn, trao cho nó những gì là có hại? Để cuối cùng, Ngài đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc, “Huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”. “Của tốt lành” là chìa khoá của một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’; “Của tốt lành” chính là thánh ý Thiên Chúa!
Về một lời cầu nguyện ở cấp độ được ‘nâng cao’ như thế, thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Một lời cầu như thế là một bộ giáp lộng lẫy, hiệu quả; đó là một kho báu không mòn hao, một hầm mỏ không bao giờ cạn kiệt, một bầu trời không bị che khuất, một thiên đường không bão tố. Nó là gốc rễ, là đài phun nước, và là mẹ của ngàn phước lành. Nó vượt quá quyền lực của một vị vua... Tôi không nói đến những lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lửa!”.
Anh Chị em,
“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”. Đó là lời cầu của Esther, “một thiên đường không bão tố” giữa cuộc đời phong ba ! Ước gì đó cũng là lời cầu của chúng ta lúc gặp nguy nan. Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha, là suối nguồn ân phúc sẽ luôn ban những gì tốt lành nhất cho con cái Ngài. Tuy nhiên, đừng quên, lắm lúc lòng trí chúng ta quá hạn hẹp, không hiểu hết sự tốt lành của Thiên Chúa; vì thế, cầu xin cho được lòng tin tưởng sẽ mãi mãi là bệ đỡ ‘nâng cao những mong đợi’ của chúng ta. Đó cũng là điều Thiên Chúa muốn có nơi con cái Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, khi con cầu nguyện, là con đang gõ cửa nhà “Bạn con”, chớ gì lời cầu của con là một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ mà con sẽ không hổ thẹn thưa lên!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
NHỮNG ẤN TƯỢNG CHỦ QUAN
“Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.
Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình với ‘những ấn tượng chủ quan’. Khi điều này xảy ra, điều tốt trở thành xấu; nhân đức trở thành tệ nạn! Chúng ta dễ dàng trở nên một giảng viên giáo lý ngày Chúa Nhật, người đã kể câu chuyện về người Pharisêu; sau đó, anh nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không giống như người Pharisêu!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với “Sự tinh tế của kiêu ngạo”mà Powell nhận xét, thật thú vị, Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ‘những ấn tượng chủ quan’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những người tưởng mình là ‘thánh sống!’.Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng người, nói với các môn đệ của Ngài về họ, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.
Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều, thật đáng nghi ! Bởi lẽ, sự công chính của họ chỉ là sự thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và người ta sẽ khám phá ra điều gì ở “bên trong” của một linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều sự tự lừa dối bản thân; rất nhiều tự mãn trong ‘những ấn tượng chủ quan’ về sự thánh thiện; một thái độ hợm hĩnh khi cho mình thánh thiện hơn người!Thật dễ dàng để chúng ta đọc Phúc Âm và nhăn mũi trước những biệt phái‘khó thương’ đó. Vậy mà, trên thực tế, cả chúng ta, cũng rất dễ dàng để trở nên những con người đui chột mù loà với bản thân như họ!
Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất hôm nay, những người đương thời với Êzêkiel cũng khá chủ quan khi họ nghĩ, họ chính trực, còn Thiên Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.
Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực thực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện thực và vờ thánh thiện’dường như khá mong manh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn kiểm tra bản thân trước mặt Chúa với một nhận thức sâu sắc về sự khốn cùng và giới hạn của mình. Tôi sống cuộc đời tôi với mục đích theo đuổi sự ‘thánh thiện thực’, hay thực sự đang theo đuổi sự phù phiếm những tìm kiếm tôn vinh bản thân?Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ trở thành thánh hay thích thành thánh thực mà không giả vờ?’.Đừng quên, Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt tâm can từng gang tấc; ai sống làm sao, Ngài sẽ trả cho như vậy!”. Vì thế, thái độ đúng đắn nhất của chúng ta, những tội nhân, là xin Ngài xót thương. Thật thâm trầm với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.
Anh Chị em,
“Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa quay về với lòng mình, mùakhiêm tốn nhìn nhận bao yếu hèn tội lỗi; Mùa Chay,còn là mùa tháo cởi và ném xa ‘những ấn tượng chủ quan’ về sựthánh thiện. Cốt lõi của sự thánh thiện chân chính nơi một con người là đức chính trực;chính trực có nghĩa là giống nhau cả bên trong lẫn bên ngoài, người ấy không sống hai mặt ! Chính trực còn là khiêm nhường, cũng là thử thách của người môn đệ trên hành trình nên thánh.Như dầu với nước, kiêu ngạo rất xa lạ với thánh thiện, không bao giờ chúng hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa ! Điều này có nghĩa là gì khi một người trở nên môn đệ trên danh nghĩa hoàn toàn thuộc về Chúa, đưa Ngài đến với mọi người, lại là một người đầy ắp cái tôi?Làm thế nào ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa có thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu hãnh? Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu căng! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những ấn tượng chủ quan’ sai lầm. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: