Chớ quên điều chính yếu!
CHỚ QUÊN ĐIỀU CHÍNH YẾU!
Chúng ta thường đánh đồng những chuyện không may mắn, rủi ro, bệnh tật, sự bất hạnh với thân phận đáng phải nhận của kẻ bất nhân và người tội lỗi. Nhiều lúc, mọi sự tốt lành, thành công, may mắn, chúng ta lại nhận hết công trạng về mình!
Thái độ, tư tưởng trên chẳng khác nào lối suy nghĩ của dân chúng thời Đức Giê-su mà Thánh Sử Lu-ca tường thuật trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Ga-li-lê-a bị ngược đã như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Ga-li-lê-a ư?…các ngươi tưởng mười tám người bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết, tội lỗi hơn những người khác ở Giê-ru-sa-lem ư?” (x. Lc 13, 2. 4)
Đứng trước xu hướng nghĩ suy này, Đức Giê-su không ngần ngại vạch rõ vấn đề chính yếu cho họ, cũng như cho chúng ta: “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 3. 5). Cũng thế, dân gian thường có câu: “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”! Chưa đọc nội dung cuốn sách, mà đã phán nó hay hoặc dở!
Chuyện kể rằng: một hôm trời bỗng mưa to, thằng Tí mặc áo mưa lôi thôi lếch thếch, chạy vội ra sân trước nhà, leo lên chiếc xe đạp để đi học cho kịp, vì đã bị trễ giờ vào lớp. Vì bất cẩn, chưa xỏ hết chân vào giày, hớt ha hớt hãi chạy ra sân ướt liền bị chợt chân, suýt ngã đập đầu xuống đất. Hú hồn hú vía, Tí chấp tay nhẩm trong miệng: “Lạy Chúa, may quá, con chưa ‘đi đời’!” Thế là bình an vô sự, Tí tiếp tục lên xe đạp đến trường. Vừa bước vào lớp, Tèo (hàng xóm với Tí) cũng chạy vội, vô tình chợt té! Thấy vậy, Tí lẩm bẩm trong miêng: “Đáng đời, ai bảo không tốt với tớ làm chi!”
Hai sự cố này do bất cẩn mà ra, nhưng phản ứng của Tí lại trái ngược. Và thiết nghĩ, chúng ta lắm lúc rơi vào tình huống này nhiều lần trong ngày. Thay vì, chúng ta nhìn lại bản thân và tìm ra nguyên nhân tại sao, thì chúng ta vội vàng đánh đồng tai ương, tai nạn, mọi điều rủi ro…phải đến với những người mình chẳng ưa hoặc không thích, hay vì họ là những con người tội lỗi hơn ta, xứng đáng với điều không may đó! Quả thật, Thiên Chúa chúng ta chẳng nhỏ nhen như vậy đâu! Ngài luôn luôn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn sám hối trở về. Ngài hằng tuôn đổ ơn thiêng đủ đầy, hầu giúp chúng ta trở nên hoàn thiện. Ngài mãi để ý, quan tâm, chăm nom chúng ta theo cách thức trìu mến của Ngài, như thể ông chủ vườn đồng ý chờ để người làm công cải tạo đất, chăm bón cho cây vả trong vườn nho: “…xin để cho nó một năm nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi” (x. Lc 13, 8-9).
Tương tự, Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, ngài khẳng định: “Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa…Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng” (1Cr 10, 6. 11). Vì vậy, mọi biến cố xảy ra quanh chúng ta đều có lí do và mục đích của nó cả! Thay vì chúng ta oán trách, than phiền những điều chẳng may đến với mình, thì chúng ta nên suy xét, nghiệm ra nguyên nhân, và nhất là làm tròn bổn phận trong tinh thần hân hoan, vui tươi, biết nhận ra sai lầm, lỗi tội của bản thân, cũng như hoán cải tận căn. Vì chưng, “Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi, Thiên Chúa của Ab-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp…là Đấng Tự Hữu” (Xh 3, 6. 14) thấu tỏ tâm can, hiểu rõ tâm tư, thấy rõ tâm tính, hành vi của con người chúng ta. Tuy nhiên, Ngài chẳng bao giờ trói buộc, nhưng giải thoát chúng ta. Ngài chẳng bao giờ giận lâu, giữ trong lòng oán hận, nhưng hằng từ bi và thương xót. Ngài chẳng cắt đứt mọi cơ hội trở về, nhưng luôn mở toan cánh cửa, dang rộng đôi tay chờ trông chúng ta quay về với Ngài.
Lời nguyện:
Lạy Chúa, nhiều phen con ngã sa
Rơi vào chốn mịt mờ, chông chênh
Thuyền đời con mãi trôi lênh đênh
Sóng thét gào, thác ghềnh bủa vây.
Chẳng rời xa con thơ tháng ngày
Hằng cạnh bên đong đầy tình mến
Soi trí lòng, thoát khỏi đam mê
Về với Ngài, lê thê dừng chân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
- Loại bài viết: