Một yếu tố gây kinh ngạc - Quên hết dĩ vãng, để chỉ nhớ đến tương lai
MỘT YẾU TỐ GÂY KINH NGẠC
“Xưa nay chưa hề có ai đã nói năng như người ấy!”.
David H. Johnson nói, “Tình yêu và sự thật như Natri và Clo. Tình yêu không có sự thật là mơ hồ, đôi khi mù quáng; sự thật, tự nó, có thể gây khó chịu, đôi khi, là độc hại. Nói mà không có tình yêu, khiến mọi người xa lạ với Phúc Âm. Tuy nhiên, khi sự thật và tình yêu tích hợp nơi bản thân, chúng ta trở nên “muối của đất”, và là ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ cho thế giới!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với ý tưởng “muối của đất” như David H. Johnson nêu lên, Tin Mừng hôm nay cho thấy, sống trong sự thật là cách chuẩn bị tốt nhất để truyền đạt nó một cách hấp dẫn! Chúa Giêsu đã sống trong sự thật và truyền đạt sự thật một cách tuyệt vời. Ngài đã trở nên “muối của đất”, và là ‘một yếu tố gây kinh ngạc’, đến nỗi “dân chúng bất đồng ý kiến về Ngài”.
‘Không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với Chúa Giêsu, nhất là khi nhờ Ngài, họ biết được những sự thật về Chúa Cha, công việc của Chúa Cha; và quan trọng hơn, Ngài đến từ Chúa Cha! Cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự thật về Chúa Cha; sứ điệp của Ngài, lòng thương xót của Ngài, và các dấu lạ Ngài làm trong quyền năng và sức mạnh của Cha. Tất cả nói lên sự thật đó! Như một hậu quả, nó thật hấp dẫn! Tuy nhiên, nó cũng gây chia rẽ! Một số tin Ngài là tiên tri, số khác, Đấng Kitô; và số khác nữa, không tin. Phản ứng của các vệ binh là hoang mang, họ đến bắt Ngài và trở về tay không. Phản ứng của giới lãnh đạo là khinh thị; của Nicôđêmô là rụt rè; trái tim ông bảo ông phải bênh vực Chúa Giêsu, nhưng cái đầu ông bảo ông, đừng mạo hiểm!
Vậy thì điều gì nơi Chúa Giêsu khiến cho người đương thời phải phân hoá đến thế? Sở dĩ họ phân hoá, chỉ vì Ngài đã trở nên ‘một yếu tố gây kinh ngạc!’. Khi Ngài giảng dạy, “Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền!”; chỉ một lời, quỷ xuất ra, và “Mọi người kinh hãi, lời gì mà lạ lùng thế?”. Đúng! Lời Ngài có sức mạnh biến đổi! Thật khó để giải thích, nhưng rõ ràng là khi nói, Chúa Giêsu truyền đạt một sức mạnh, sự bình tĩnh, niềm tin và sự hiện diện đầy quyền năng mà chỉ một mình Thiên Chúa có. Và điều đó không thể nhầm lẫn! Mọi người chỉ biết, người này là Giêsu, khác với những người còn lại, và họ trông cậy vào lời Ngài. Và đó là sự thật khiến Ngài trở nên ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ vì lời Ngài quá hấp dẫn!
Một điều thú vị là, một con người gây kinh ngạc thường kéo theo những phê phán! Trước Chúa Giêsu, ai có đức tin giản dị và trung thực, họ sẽ tích cực đáp lại; đang khi những người tự cao tự đại thì lên án và giận dữ. Rõ ràng, họ ghen tị; thậm chí, họ miệt thị những ai có ấn tượng tốt với Ngài. Bài đọc thứ nhất cho thấy Giêrêmia cũng đã trải qua những gì Chúa Giêsu đã trải nghiệm. Người đương thời chống ông, nhưng trong sự thật, Giêrêmia vẫn nói; ông phó mọi sự cho Chúa, “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca. Cuối cùng, sự thật và công lý sẽ thắng. Giêrêmia cũng là ‘một yếu tố gây kinh ngạc!’.
Anh Chị em,
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu phải là ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ cho chúng ta trong những ngày Hội Thánh sắp bước vào những TuầnThương Khó của Ngài! Tình yêu hy tế của Ngài phải là ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ đối với chúng ta, vốn là những người không thể thờ ơ quá lâu trước cảnh Ngài “như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” vì tội lỗi nhân loại; trong đó, có tội lỗi của mỗi người chúng ta! Thế nhưng, qua mầu nhiệm sự dữ và sự chết, chúng ta cũng hiểu được thế nào là tình yêu và sự tha thứ đầy xót thương của Thiên Chúa, Đấng đã cho Ngài phục sinh vinh hiển! Để từ đó, “Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”. Nhờ mầu nhiệm Phục Sinh, Ngài trở nên “muối của đất”, ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ cho thế giới! Cũng thế, Thiên Chúa đang ước mong làm những điều vĩ đại qua cuộc sống đời thường với những việc nhỏ bé nhưng chất chứa tình yêu của chúng ta. Sống được như thế, như Chúa Giêsu, chúng ta thật sự là “muối của đất”, ‘một yếu tố gây kinh ngạc’ cho thế giới!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết ngạc nhiên trước tình yêu hiến tế của Chúa. Đến lượt con, cho con trở nên ‘một yếu tố gây kinh ngạc’; đừng là ‘một yếu tố gây kinh hoàng’ cho bất cứ ai!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
QUÊN HẾT DĨ VÃNG, ĐỂ CHỈ NHỚ ĐẾN TƯƠNG LAI
“Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng!”; “Thôi chị cứ về đi; và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Một nhà tu đức nói, “Những người sống trong quá khứ làm tôi nhớ lại một món đồ chơi từ thuở ấu thơ. Đó là một con chim nhỏ bằng gỗ, được gọi là “Floogie Bird”. Quanh cổ nó là dòng chữ, “Tôi bay ngược, tôi không quan tâm mình bay đi đâu. Tôi chỉ muốn xem, tôi đã ở đâu!”. Đang khi với Thiên Chúa, điều quan trọng là, hãy ‘quên hết dĩ vãng, để chỉ nhớ đến tương lai!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy tấm lòng xót thương của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn chúng ta hướng về phía trước, ‘quên hết dĩ vãng, để chỉ nhớ đến tương lai!’. Đó là một Thiên Chúa đã nói với Israel cứng đầu, “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng!”; cũng là Đấng, trong Chúa Giêsu, đã nói với người nữ phạm tội ngoại tình, “Thôi chị cứ về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Có đến hai hạng người phạm tội trong câu chuyện Tin Mừng! Người phụ nữ tội lỗi vốn không lẻ loi chút nào; cô ấy đại diện cho tất cả chúng ta, những người đã phạm tội. Đúng thế! Cô ấy đại diện cho bạn và tôi! Các kinh sư và biệt phái, cũng là những tội nhân, họ đại diện cho bạn và tôi! Chúng ta phạm tội theo cả hai cách! Một, chúng ta làm tổn thương người khác bằng việc thoả mãn dục vọng của mình với cái giá mà người khác phải trả; chồng, vợ, con cái hoặc Hội Thánh! Hai, chúng ta làm tổn thương người khác bằng cách tự cho mình đứng trên họ, tốt hơn họ, để xét đoán họ! Chúng ta có tội, nhưng khi hành xử với anh chị em, chúng ta xem mình là quan toà vô tội, nên sẵn sàng ném đá mà không thương xót. Đó là cách con người hành xử!
Giờ đây, hãy xem cách Chúa Giêsu đối xử với tội nhân! Trước hết, Ngài không phủ nhận tội lỗi của người phụ nữ. Cô ấy đã phạm tội, một tội rất nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng nằm ở sự vi phạm lòng tin và bất công đối với người phối ngẫu hơn cả hoạt động tình dục, trong trường hợp này, vốn chỉ là thứ yếu. Câu chuyện không cho biết người phụ nữ đã kết hôn hay chưa; nhưng điều mà tất cả mọi người, kể cả Chúa Giêsu, thừa nhận là, cô ấy đã phạm tội. Tuy nhiên, có một yếu tố không được đề cập rõ, nhưng ẩn ý lại rất sâu sắc. Người phụ nữ bị kéo đến trước Chúa Giêsu như một con tốt trong một trò chơi mê cung, “Ông Môisen truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Thoạt tiên, Chúa Giêsu phớt lờ, Ngài cúi xuống, lấy tay viết trên đất như để từ chối bước vào cái bẫy của cuộc chơi. Nhưng họ cứ nằn nì, Ngài ngẩng lên, “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Ngài lại viết.
Ôi! “Những người ở trong nhà kính không thể ném đá!”. Nghe thế, lần lượt, họ rút lui, bắt đầu là những người lớn tuổi. Và đây, cao trào của câu chuyện, “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”; “Thưa ông, không ai cả!”. “Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!”. Ngài cho cô ấy một cơ hội để hoán cải, để thay đổi. Ngài đến, không để lên án, nhưng để cứu, để phục hồi, ban sự sống mới. Ngài để ngỏ một cánh cửa, “Ngài là Thiên Chúa của cơ hội thứ hai!”, luôn ‘quên hết dĩ vãng, để chỉ nhớ đến tương lai!’.
Anh Chị em,
Sách Isaia hôm nay viết, “Đây Ta sẽ làm những cái mới!”. Quả thật, đây là điều Chúa Giêsu đã nói với cô ấy, khi chỉ còn hai người, ‘Hãy quên đi tủi nhục của tội lỗi con, hãy bắt đầu cuộc sống mới và đừng phạm tội nữa!’. Ngài làm tươi mới trái tim cô khi nhìn cô với đôi mắt yêu thương nhân từ. Thật tuyệt vời! Trải nghiệm điều đó, Phaolô hôm nay quả quyết, “Tôi coi mọi sự như thua lỗ, trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu, Chúa tôi”. Bước vào Tuần Thương, Giáo Hội mời gọi chúng ta đăm đăm nhìn vào đôi mắt Chúa Giêsu. Ngài nhìn chúng ta không để trách móc; nhưng nhìn với trái tim đầy xót thương. Hãy nhìn Ngài và quên đi những gì đã làm cho Chúa và anh em buồn lòng, hầu cố gắng tạo nên một tương quan mới thân tình với Chúa và anh em. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay reo lên, “Ôi vĩ đại thay, việc Chúa làm cho ta; ta thấy mình chan chứa một niềm vui!”. Việc vĩ đại là việc Chúa đã tha thứ cho chúng ta, những tội nhân!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con nhìn lên ánh mắt nhân từ của Chúa; Đấng muốn con ‘quên hết dĩ vãng, để chỉ nhớ đến tương lai’, một tương lai thoát ách tội lỗi, để bước đi trên con đường mới!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)