Chỉ đến từ trên cao - Ở lại trong Lời
CHỈ ĐẾN TỪ TRÊN CAO
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”.
Oswald Chambers nói, “Tất cả thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô, tất cả địa ngục sợ hãi nó một cách khủng khiếp, đang khi loài người là ‘những sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó! Ơn cứu độ thế giới ‘chỉ đến từ trên cao’, nghĩa là từ thập giá Chúa Kitô! Ngài đến để trả một món nợ Ngài không mắc; bởi vì chúng ta mắc một món nợ không bao giờ trả nổi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, rằng, ơn cứu độ nhân loại ‘chỉ đến từ trên cao’; từ thập giá, nhưng là thập giá của một Thiên Chúa hoá thành nhục thể, Đức Kitô! Bởi lẽ, không có sự cứu rỗi trong các ý tưởng viễn vông,trong sự sẵn lòng của một ai đó; trong ước muốn của một ai đó...Nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờcủa Thiên Chúa!
Như con rắn xưa được treo lên cây cột để cứu dân, thì Chúa Kitô chịu treo trên thập giáđể cứu được con người, cứu một cách đích thực. Bởi lẽ, phải như thế, Ngài mới có thể chuốc lấy mọi độc tố của tội lỗi; nhờ đó, chúng ta được chữa lành. Bài đọc Dân Số cho biết, Israel kêu trách Thiên Chúa, đến nỗi, Ngài cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môisen xin Chúa thứ tha; vì xót thương, Ngài bảo ông, “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Như vậy, ai không nhìn lên nó, sẽ không được cứu!
Dấu hữu hình về rắn đồng được nâng cao cho thấy hai sự thật quan trọng: tội lỗi dẫn đến cái chết; sự ăn năn dẫn đến lòng thương xót Chúa và sự chữa lành của Ngài. Việc nâng cao con rắn lên cột gỗ trong sa mạc báo trước việc Chúa Kitô được nâng cao trên giá gỗ tại đồi Canvê. Thập giá Chúa Kitô đã phá bỏ lời nguyền của tội lỗi và sự chết; đồng thời, giành được sự tha thứ, sự chữa lành và sự sống đời đời cho tất cả những ai tin Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới.
Thật thú vị, “được giương cao” không chỉ đề cập đến việc Chúa Giêsu được nâng lên thập giá mà còn bao hàm sự tôn vinh Ngài. “Tôi Hằng Hữu”, một định nghĩa chỉ dùng cho Thiên Chúa; như vậy, Chúa Giêsu còn cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài được nâng lên để ngồi bên hữu Chúa Cha. Dẫu thế, với Gioan tông đồ, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh quang của Chúa Giêsu, là đỉnh cao chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.
Nói đến việc ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, thánh Augustinô viết, “Thiên Chúa Cha phán, ‘Ta đã sai đến với con, Đấng sẽ tìm kiếm con, bước đi với con, và tha thứ cho con! Đấng ấy có đôi chân để bước đi, có đôi tay để tha thứ. Vì thế, sau khi sống lại, Đấng ấy lên trời, đã đưa tay ra, đưa cạnh sườn và bàn chân ra. Bàn tay đã ban sự tha thứ cho mọi tội nhân; cạnh sườn chảy ra giá cứu chuộc cho một nhân loại được cứu rỗi!’”.
Anh Chị em,
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”. Đúng thế, không ai biết đích xác Chúa Giêsu là ai, phải đợi cho đến lúc Ngài tắt thở. Chính trong khoảnh khắc chứng kiến cái chết nhục nhằn, đau đớn nhưng rất thánh thiện và bình an của Ngài, viên đại đội trưởng dưới chân thập giá đã thốt lên, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Phải chăng, ông đã nhận chân giá trị của thập giá Ngài. Bởi lòng độc dữ, nhân loại đã giương cao Con Đức Chúa Trời lên, để Ngài chết ô nhục; nhưng bởi lòng thương xót, Thiên Chúa giương cao Con Ngài lên, để từ đó,tuôn trào lai láng ơn tha thứ cho con người. Đó là đường lối và cách thức cứu độ ‘ngoài trí hiểu’của Thiên Chúa. Trước Thượng Hội Đồng, Phêrô đã lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. Như thế, ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, ‘chỉ đến từ trên cao’. Chân lý này, mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi sự tầm thường của cuộc sống mà với tới Chúa Kitô, Đấng được treo lên. Đụng chạm được Ngài, chúng ta đụng chạm được ơn cứu độ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để tội lỗi ghì chặt con xuống; cho con biết nhìn lên thập giá Chúa để trỗi dậy mỗi ngày, vì ơn cứu độ của con ‘chỉ đến từ trên cao’, từ giá Chúa chịu treo lên!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
Ở LẠI TRONG LỜI
“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.
Hudson Taylor, một Phaolô của thế kỷ 19, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa, đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, tôi không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé, và hạnh phúc‘ở lại trong lời’ của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hạnh phúc‘ở lại trong lời’ của Ngài”, trải nghiệm của Hudson Taylor, một lần nữa, được cảm nghiệm qua hai bài đọc Lời Chúa hôm nay. Ba người bạn của Đaniel có một niềm tin sắt đá vào Chúa, đã ‘ở lại trong lời’ Ngài; và Chúa đã giải thoát họ.Cũng thế, Chúa Giêsu, một người đã ‘ở lại trong lời’ của Cha, chu toàn đến cùng sứ vụ Cha trao, Ngài được Chúa Cha tôn vinh!
‘Ở lại trong lời’ của ai giả thiết phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến thái độ; và trên hết,chạm đến những lựa chọn cụ thể của một con người. Bài đọc Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn anh dũng không phải của một người, nhưng của những ba người. Họ chọn chịu ném vào lò lửa phừng phừng khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua,buộc họ bái lạy tượng thần. Thật tuyệt vời, “Con của thần minh” đã đến, ‘cùng đi với họ’ giữa lửa; Ngài giải thoát họ,đến nỗi vua Nabucôđônosor cũng phải ngưỡng mộ và hẳn, ông đã cùng họ ca khen, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.‘Ở lại trong lời’của Chúa Kitô là làm cho cuộc sống chúng ta phù hợp với cuộc sống và các nhân đức của Ngài, đặc biệt là nhân đức yêu mến và vâng lời. ‘Ở lại trong lời’ của Chúa Giêsu là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Chúa Giêsutừng nói, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ Chúa Giêsu là thuộc về Ngài, trở nên môn đệ Ngài.‘Ở lại trong lời’ còn là một điều gì đó thánh thiêng, một điều gì đó kiên trì bền bỉ mỗi ngày và biết cách đứng dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta chùn bước hay vấp ngã trên đường đời.
Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là sự tự do đích thực Ngài ban cho những ai ‘ở lại trong lời’ của Ngài. Nó sâu xa hơn nhiều so với tự do thế gian ban tặng. Tự do của Chúa Giêsu không chỉ đơn giản là tự do chính kiến; hoặc tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Ai ‘ở lại trong lời’ Ngài, sẽ được tự do để làm điều lành, đạo đức, nội tâm và chính trực; và nhất là được ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng hiến mình làm một lễ dâng như Ngài đã nên một “Lễ Dâng!”.
Anh Chị em,
“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. Nếu xác tín Lời là Ánh Sáng, là Sự Sống, và là chính Thiên Chúa thì khi ‘ở lại trong lời’ Ngài, chúng ta ở lại trong cung lòng Thiên Chúa; nói như Hudson Taylor, “nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”. Và quả thế! Bởi một lòng xót thương vô điều kiện, Lời đã trở nên một người phàm như bạn và tôi ! Như “Con của thần minh” đã ‘cùng đi với’ các bạn trẻ giữa lửa, Chúa Giêsu cũng sẽ đồng hành, dẫn chúng ta tự do bước đi trong cuộc đời này. ‘Ở lại trong lời’ của Ngài, coi Lời Ngài như “nhà” của mình, chúng ta sẽ được tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi bị ràng buộc để sống theo bản năng nhưng theo các phẩm tính thần linh. Chính xác hơn, chúng ta được tự do để nên giống Chúa Giêsu và làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù đi qua lửa, hay lao vào giông bão cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi trong sự ung dung tự do với phong thái của một người con trai, con gái của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con luôn muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa ưa thích; đó chính là sự khôn ngoan của con khi con biết ‘ở lại trong lời’ của Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: