Không thể phi thường hơn - Tác phẩm của sự thánh thiện
KHÔNG THỂ PHI THƯỜNG HƠN
“Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”; “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết”.
Khoảng năm 125 sau Công Nguyên, Aristeides, một người Hy Lạp, viết cho bạn mình; ông giải thích sự thành công lạ thường của “một tôn giáo mới”, Kitô giáo! Trong thư, ông nói, “Bất kỳ một người công chính nào trong các Kitô hữu rời khỏi thế giới, họ đều vui mừng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa; họ mang theo thân xác mình những ca khúc và lời tạ ơn! Như ‘bất tử’,họ đang đi từ một nơi này đến một nơi khác gần đó; một sự dịch chuyển ‘không thể phi thường hơn!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhận xét về sự ‘bất tử’ của Aristeides thật phù hợp với Lời Chúa hôm nay ! Những ngày cuối đời, những gì cần nói, người ta phải nói, và Chúa Giêsu cũng không là một ngoại lệ.Hôm nay, Ngài đưa ra một tuyên bố khiến người Do Thái phải lấy đá ném Ngài, một tuyên bố ‘không thể phi thường hơn’, “Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.
Ghi lại lời Chúa Giêsu, “Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”,phượng hoàng Gioan khác nào đang chấp cánh bay về tận dẫn nhập lời tựa Phúc Âm của mình, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Ngôi Lời đã có mặt cùng Chúa Cha ngay buổi đầu tạo dựng ; Ngài xuất hiện trước cả Abraham,trước cả phút chào đời của bất cứ tạo vật nào! Tuy nhiên, Ngôi Lời lại đã hoá thành nhục thể; Ngài nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.Xuống thế làm người, Ngài vẫn ở với Chúa Cha; trở về với Chúa Chasau cái chết và phục sinh, Ngài vẫn ở với loài người; và giờ đây, Ngài vừa đang ở với Chúa Cha, vừa đang ở với chúng ta. Đây là sự hiện diện tất yếu củamột tình yêu ngàn đời bất tử nơi Thiên Chúa, một sự hiện diện ‘không thể phi thường hơn!’.
Chúa Giêsu nói, “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Phải chăng, đây là một tóm kếtgọn ghẽ điều Chúa hứa với Abraham,một người xem ra “không bao giờ chết”mà sách Sáng Thế hôm nay tiết lộ,“Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi… từ thế hệ này qua thế hệ khác”.Kỳ diệu thay ! Giao ước Chúa lập với Abraham; cũng như về sau, với Đavít, “Dòng dõi ngươi sẽ trường tồn vạn kỹ”, đã nên hiện thực nơi Chúa Giêsu, một giao ước ‘không thể phi thường hơn!’.Một lần nữa, Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.
Nói rằng, “sẽ không bao giờ phải chết”;ở đây, Chúa Giêsu nói đến cái chết linh hồn, cái chết đời đời. Ai giữ lời Ngài, sẽ không biết đến cái chết ‘kiểu đời đời’này ! Bởi lẽ, họ đã bắt đầu chia sẻ cuộc sống Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’, một cuộc sống vượt quá cái chết thể xác. Nếu trao phó đời mình cho Chúa, để lời Ngài uốn nắn, chúng ta sẽ bắt đầu sống cuộc sống không bị cái chết thể xác làm gián đoạn. Cuộc sống hiệp thông với Chúa đã bắt đầu từ bây giờ, sự hiệp thông này sẽ không bị phá vỡ bởi cái chết; đúng hơn, được đào sâu hơn qua cái chết ! Nếu nhận ra‘Chủ Nhân’của sự sống và cái chết là ai, người Do Thái sẽ tò mò thay vì tức giận, hy vọng thay vì dể duôi, đón nhận thay vì báng bổ! Têrêxa Hài Đồng nói, “Không phải Thần Chết sẽ đến tìm tôi, nhưng là Chúa nhân lành. Tôi không sợ một cuộc chia ly như thế! Đó là cuộc chia ly gắn kết tôi với Đấngtừ nhân.Một cuộc chia ly đáng ao ước, ‘không thể phi thường hơn!’”.
Anh Chị em,
“Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đó là một lời hứa tuyệt vời của Đấng Hằng Hữu, Đấng đã chết cho tội lỗi của con người và đã sống lại cho sự bất tử của nó! Ngài đang sống trong bạn, trong tôi,ngay trong thế giới thê lương này. Vì thế, ngày ngày, không chỉ khi còn sống, chúng ta hân hoan ca tụng Ngài, mà cả khi rời thế giới này, chúng ta mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn! Là con của ‘Đấng Bất Tử’, chúng ta đang được thông chuyển sự sống thần linh và sống muôn đời với Ngài. Quả thế, tuân giữ Lời Thiên Chúa, thì ‘không thể phi thường hơn’; chúng ta đã quá vĩ đại ! Do đó, đừng để cho sự tẻ nhạt của đời sống với những tân toan kéo ghì chúng ta xuống. Hãy sống tâm thế của con cái Thiên Chúa ngay giữa đời sống thường nhật này,“Tâm hồn luôn hướng lên cao cùng với lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã gọi con cho một sứ vụ phi thường. Đừng để con hoá tầm thường; vì như vậy, con sẽ cản trở những công trình ‘không thể phi thường hơn’ Chúa dành cho con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
TÁC PHẨM CỦA SỰ THÁNH THIỆN
“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.
Trong Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môisen cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ, phẩm phục và các thứ khác. Môisen phải tìm các nghệ nhân; họ lấy vàng, bạc, vải và những đá quý chói lọi để thiết kế cầu kỳ nhất có thể. Mục đích của Chúa đối với các công việc này gợi lên mục đích chung cho mọi công trình,mọi tác phẩm: “tôn vinh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang Ngài”. Chúng phải là những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’. Đó còn là những chứng từ không bằng lời nói, nhưng bằng việc làm.Với lời nói, người ta có thể tranh luận ; với việc làm thì không ! Mỗi việc tốt lành của một chứng nhân, là một ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu, đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Thiên Chúa đã hứa, nhưng còn trên những gì Thiên Chúa đã làm! Chúa Giêsu chỉ ra các công việc của Chúa Cha lofuhonhư là nền tảng đức tin nơi Ngài với tư cách là Con,“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”. Công việc vĩ đại nhất trong những công trình của Cha là phục sinh Chúa Con từ cõi chết mà chúng ta sắp tưởng niệm. Lời nói không có sức mạnh bằng việc làm! Lời nói có thể thuyết phục lý trí, nhưng việc làm sẽ dịch chuyển ý chí của lý trí đến hành động, đến quyết định. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Chúa Cha, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải Tội, cũng như trong các Bí tích khác… đó cũng là những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.
Thế giới cần lời chứng về một đời sống thánh! Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu kích thích. Biết bao từ ngữ, hình ảnh, và khẩu hiệu ! Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ các ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ thực sự,mới có thể nói tiếng nói mạnh mẽ nhất, vang vọng nhất ! Về điểm này, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã có một câu nói bất hủ, “Con người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!”. Với cá nhân mỗi người, các việc chúng ta làm có phù hợp với lời chúng ta nói không? Công việc của chúng ta có nói lên điều chúng ta tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ mà không có lấy một ‘tác phẩm của sự thánh thiện?’”.
Kết thúc Tin Mừng hôm nay, Gioan viết, “Và có nhiều kẻ tin Ngài”. Dẫu gặp bao chống đối, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu vẫn có một khả năng đặc biệt để thâm nhập trái tim con người; sự chống đối khủng khiếp và thậm chí thâm độc, không thể khiến người khác không tin vào Ngài. Mầu nhiệm này được lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh; nơi nào có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, nơi đó luôn có những cuộc hoán cải lớn nhất! Sự thật này bảo vệ chúng ta khỏi nản lòng trong nỗ lực truyền giáo của mình.Vậy, hãy để ánh sáng bạn toả sáng trên thế giới để họ có thể tin, hãy để ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ nơi bạn nói tiếng nói của chúng ! Giêrêmia, trong bài đọc hôm nay, đã trải nghiệm niềm vui của một chứng tá thánh thiện, “Hãy ngợi khen Chúa, vì Ngài đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo!”; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Ngài đã nghe tiếng tôi!”.
Anh Chị em,
“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”. Từ hư vô, Thiên Chúa tạo dựng con người cách lạ lùng; nhưng Ngài cứu chuộc nó, còn lạ lùng hơn nữa. Hãy chiêm ngắm thật lâu con người Giêsu trên thập giá, trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để nghiệm thấy việc Thiên Chúa làm, hầu con tim chúng ta có thể dịch chuyển mà vững tin nơi Ngài. Nếu các việc làm của Chúa Giêsu tiết lộ danh tính Ngài là Con Thiên Chúa, thì trên thập giá, Ngài tiết lộ danh tính Ngài là Con Thiên Chúa một cách trọn vẹn nhất! Nhờ ‘kiệt tác’ chết và phục sinh của Ngài, chúng ta được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng trở nên một ‘tác phẩm của sự thánh thiện’. Chớ gì, bạn và tôi, chúng ta toả sáng sự thánh thiện này qua những việc làm xem ra tầm thường nhưng thật sự rất phi thường nơi trần thế này!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa , xin dạy con cách kiến tạo một ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ mà không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng bắt đầu từ việc hoán cải chính bản thân con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: