Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đóng đinh một Vị Thần - Một ngày với Mẹ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN

 

“Chính Tôi đây!”.

Heywood Broun nói, “Không ai nói liên tục về Chúa như những người khăng khăng rằng, ‘Không có Chúa!’”. Một nhà tu đức khác thì nói, “Cũng không ai biết Đức Giêsu là Chúa mà lại đưa tay đóng đinh Ngài! Thế nhưng, với ai tin Chúa, mỗi lần phạm tội trọng, là họ đóng đinh Ngài; ‘đóng đinh một vị Thần!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu; Ngài đã chết để cứu chuộc chúng ta. Lời khẳng định can đảm, “Chính Tôi đây!” của Ngài trước quân lính được phái đến bắt Ngài trong vườn Cây Dầu nhắc nhở chúng ta một sự thật vô cùng quan trọng; rằng, Ngài là Thiên Chúa. Vì thế, đóng đinh Ngài, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

 

“Chính Tôi đây!”, “Chính là Ta!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!”, là những lời dành riêng cho Thiên Chúa; chính Thiên Chúa đã dùng nó để mô tả về Ngài cho Môisen trên núi Sinai. Trong tư tưởng Kitô giáo, chúng là lời được sử dụng để chỉ Đấng tạo thành muôn loài, nghĩa là tất cả mọi vật hiện hữu. Tuyệt vời thay, “Chính Tôi đây!” cũng là lời mà Chúa Kitô lấy lại để công bố trước quân dữ! Như thế, chẳng vô tình chút nào, Chúa Giêsu muốn công khai thần tính của Ngài! Vì lý do này, Gioan viết, “Nghe thế, họ lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta đừng bao giờ quên thần tính của Ngài; Ngài là một Thiên Chúa bị đóng đinh, nhưng lại là Đấng Cứu Rỗi của thế giới, một thế giới nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

 

Thú vị thay! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời ‘không thể phàm nhân hơn’, “Không phải tôi!”. Nó hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Chúa Giêsu. Đó là lời chối Thầy của Phêrô trước một cô gái trẻ; mỉa mai thay, không phải với một bà hoàng, nhưng với một đầy tớ, người nhận ra ông có liên hệ với ông Giêsu! Có thể nói, “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả những gì yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người, vốn được thể hiện qua miệng Phêrô, đại diện mỗi người chúng ta. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình đối với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta nên đồng ý với Phêrô và nhận ra nhu cầu của mình trước sự hy sinh và lòng nhân ái của Con Thiên Chúa.

 

Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc chối Thầy của Phêrô và bản án tử hình của Ngài. Mặc dù cái chết của Chúa Giêsu vẫn sẽ xảy ra nếu không có sự phủ nhận của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến Phêrô. Ngài đã chết thay cho Phêrô và tất cả mọi người; Ngài đã cứu cả nhân loại khỏi mọi tội lỗi. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi Phêrô quay lại và tin, ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã làm tất cả cho ông. Từ đó, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá”; khác nào ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại…; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”.

 

Anh Chị em,

Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu nói lên tất cả! Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ lề luật của con người, và chết bởi lề luật của nó. Ngài chấp nhận bản án của nó, chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Thế nhưng, chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, ơn cứu độ cho con người được ban. Và đó là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Thiên Chúa đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ” như Isaia tiên báo qua bài đọc hôm nay; cũng là Đấng mà tác giả thư Do Thái hôm nay tuyên xưng, “Con Thiên Chúa trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”; hoặc đó còn là Đấng gọi Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, là mỗi lần con đóng đinh Chúa, ‘đóng đinh một vị Thần!’. Như Phêrô, xin giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai trong con; đó là khả năng thống hối và biết quay trở lại cùng Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT NGÀY VỚI MẸ

 

“Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”.

Tại các Giáo Phận, phần lớn giáo dân của các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay. Riêng Tổng Giáo Phận Huế, kinh nguyện tuyệt vời này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Nó được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến, hoặc đèn, được đốt lên trên cùng một giá. Cách thức đọc Kinh Lễ Đèn được hướng dẫn đến từng chi tiết; cách chung, ngắm một chặng, tắt một cây nến, đọc 10 Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến thứ 15, sẽ không được tắt! Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối để ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh”; sau đó, nến được đem trở lại và đặt trước bàn thờ. Ngọn nến này tượng trưng cho Chúa Giêsu! Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ. Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi là ‘một ngày với Mẹ’, các Kitô hữu cùng với Mẹ mình, Mẹ Hội Thánh, lặng yên để đợi ngày Con Chúa phục sinh!

 

Kính thưa Anh Chị em,

Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không có một Thánh Lễ nào, mãi cho đến buổi cử hành trọng thể đêm Vọng Phục Sinh. Hôm nay, Giáo Hội trầm mình để suy gẫm chậm rãi với Mẹ; và nắm lấy tay Mẹ, mỗi tín hữu tìm đến một ‘nơi vắng vẻ’ của lòng mình, để chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu, và nhất là, ‘một ngày với Mẹ’ Maria, chúng ta yên lặng chờ đợi Chúa Phục Sinh.

 

Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều lễ nghi; thế nhưng, thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua một cách thanh thản, lặng lẽ. Đó là một ngày để tận hưởng tất cả, một ngày của đan xen giữa những trầm buồn và niềm hy vọng! Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua chỉ như một ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là ‘một ngày với Mẹ’ Thiên Chúa; và cùng Mẹ, chúng ta tĩnh lặng và chiêm ngắm.

 

Chỉ trong sự suy gẫm thầm lặng này, các tông đồ, và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau như thế nào. Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ tất cả những gì sẽ xảy ra với Ngài, kể cả sự phục sinh; Ngài đã nói cách rõ ràng với họ, nhưng tâm trí họ chưa chuẩn bị đủ để hiểu. Chỉ trong sự im lặng của thứ Bảy Tuần Thánh, và nhờ có ‘một ngày với Mẹ’ Chúa Giêsu, họ mới có thể hy vọng hiểu được những gì Thầy mình đã nói. Cũng thế, đối với chúng ta; cùng với Mẹ Maria, chúng ta ghi nhớ những lời Chúa Giêsu đã nói, vì đôi khi tâm trí của chúng ta cũng đóng kín. Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Chúa Giêsu là ai và Ngài đang dạy chúng ta điều gì, nhưng thực sự, điều đó không đi vào trái tim của chúng ta; bằng chứng là cuộc sống của chúng ta chưa được biến đổi! Chúng ta phải lắng nghe, cẩn thận suy gẫm những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, hầu mới hiểu được cách sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống. Hãy làm điều này với Đức Mẹ và cho phép Đức Mẹ giúp chúng ta!

 

Anh Chị em,

Sự im lặng của ngày hôm nay giúp chúng ta suy gẫm về tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trong những ngày qua. Chúng ta biết, im lặng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh không phải là im lặng của thoái chí và tuyệt vọng, nhưng là ‘im lặng thánh’, một sự im lặng của một niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui ngập tràn của đêm Vọng Phục Sinh. Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng với các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để vui mừng với các thiên thần khi họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”. Và như thế, nhờ có ‘một ngày với Mẹ’, chúng ta sẽ vui mừng nói cùng Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”, và cùng Mẹ, chúng ta hát khúc ca khải hoàn, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin cho con có một tâm hồn biết chờ đợi Chúa như Mẹ. Không chỉ hôm nay, khi con có ‘một ngày với Mẹ’; nhưng mỗi ngày, cùng Mẹ con chờ đợi Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)