Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Yên tâm về một sự hiện diện - Sinh lại bởi trên

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

YÊN TÂM VỀ MỘT SỰ HIỆN DIỆN

 

“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”.

 

Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Đứng trên đỉnh đồi, nhìn từ thung lũng này sang thung lũng khác; từ ánh nắng đến sương mù, từ bóng tối nhất của đêm. Tôi bước theo Chúa trên con đường quanh co cuộc đời, bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác. Thật dễ dàng để nhìn thấy sự hiện diện của Ngài như tia chớp, nghe tiếng Ngài như sấm rền. Thế nhưng, Ngài lại dẫn dắt trong yên tĩnh bằng tiếng của Thánh Thần và tôi theo đuổi tình yêu vì tôi đã chọn Ngài. Dù mạnh mẽ hay dịu dàng, tôi vẫn ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Tôi vẫn ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài!”, cùng với William Cowper, Lời Chúa ngày lễ kính thánh Marcô, một lần nữa, cho thấy sự hiện diện thường xuyên của Chúa Phục Sinh nơi những con người được Ngài sai đi.

 

Marcô, tác giả cuốn Phúc Âm ra đời sớm nhất, cũng là cuốn ngắn nhất, hôm nay ghi lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Đó là mệnh lệnh cho một sứ mệnh có tên là “Vô Biên”; vô biên vì lẽ, nó không có ranh giới,nó vô thời hạn, và dĩ nhiên,nó vượt quá sức người! Thật vậy, nhiệm vụ lớn lao được giao cho một nhómngười bình thường, thiếu năng lực, trí tuệ… dường như thực sự quá táo bạo! Tuy nhiên, họ mạnh dạn ra đi làm chứng về một Đấng Vô Hình, và sống chết cho Đấng ấy, bởi lẽ họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ tràn đầy của Ngài, “Đấng cùng hoạt động với họ”. Đó là một sự thật ! So với các cường quốc, những con người yếu hèn này thật không đáng kể; ấy thế, họ đã mang ‘một sứ điệp vĩ đại’ về ‘một tình yêu vĩ đại’, và ‘một lòng thương xót vĩ đại’ của ‘một Thiên Chúa vô cùng vĩ đại’đến với mọi người khắp hang cùng ngõ hẻmtận cùng thế giới!

 

Sứ mệnh đi đến với mọi người không chỉ dành riêng cho nhóm nhỏ đầu tiên ấy, nhưng còn là lời kêu gọi dành cho mọi giáo dân; trong đó, có chúng ta, muối men trong ‘thúng bột’ thế giới. Trong cuốn chú giải Tin Mừng Marcô, “Memoirs of St. Peter”, “Hồi Ký Của Thánh Phêrô”, Michael Pakaluk có một cái nhìn khá sâu sắc, “Việc “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ngụ ý rằng,sự khéo léo cũng như sự chăm chỉ của chúng ta cần được Tin Mừng thắm đượm; từ đó, ngang qua một nền văn hoá và một sự chủ động tốt, các Kitô hữu chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi mà Satan từng ở, cũng là nơi nó bị trục xuất. Theo một nghĩa nào đó, sứ mệnh cao cả này bao gồm mọi hình thức và cách cư xử ‘có thể có’ của mọi giáo dân. Bất kể nghề nghiệp hay đấng bậc, họ được sai đi rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa cho thế giới; ở đó, họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ quyền năng của Đấng đồng hành!”.

 

Trong thư của mình hôm nay, Phêrô bảo đảm với các Hội Thánh rằng, mặc dù họ đang đau khổ, nhưng “Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”; Ngài đang ở với ai đang gặp khó khăn, giữ cho họ trung thành. Hãy ‘yên tâm về một sự hiện diện’ gần gũi của “Đấng chăm sóc anh em”, Đấng mà tình yêu Ngài sẽ được ngợi khen như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!”.  

 

Anh Chị em,

 

“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Các tông đồ là ai mà dám ra đi nói Lời Thiên Chúa? Họ là những con người bình thường, nếu không nói là ít học, nhưng là những con người ‘có Chúa ở cùng’. Nhờ ‘Đấng Ở Cùng’ đó, họ ra đi rao giảng Đấng Siêu Việt và sống chết cho Đấng ấy. Phần chúng ta thì sao? Đừng quên, đây là công việc của Thiên Chúa, Chúa Phục Sinh đang dẫn dắt trong âm thầm bằng tiếng của Thánh Thần; Ngài soi sáng chúng ta để luôn đi theo đường lối và chân lý của Ngài. Vì vậy, dẫu khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn trung thành đến cùng bởi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài. Vấn đề là chúng ta phải được Tin Mừng thắm đượm; ngõ hầu, từ cung cách cư xử đến lời ăn tiếng nói, và cả con người, chúng ta toát ra một sứ điệp yêu thương cho anh chị em mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con trung thành với sứ mệnh vô biên Chúa trao; chớ gì, như Marcô, con là một khí cụ sắc bén của Lời, một vũ khí lợi hại của Tin Mừng mà ma quỷ phải run khiếp!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

SINH LẠI BỞI TRÊN

 

“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”.

 

Tại một buổi thuyết trình, Paul Brand nói về chủ đề “Toả sáng Chúa Kitô”. Trước bục, ông đặt một ngọn đèn, bấc cháy từ đĩa dầu. Bỗng đèn hết dầu, bấc cháy khô và khói làm ông ho. Brand tận dụng cơ hội, “Một số trong chúng ta khác nào ngọn bấc này, toả sáng Chúa Kitô; nhưng bỗng nhiên, chúng ta bốc mùi khét lẹt. Điều này xảy ra khi chúng ta lấy mình làm nhiên liệu thay vì Chúa Thánh Thần! Bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu, nếu nhiên liệu Thánh Thần được cung cấp liên tục. Tôi muốn nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Chủđề của Paul Brand được Tin Mừng hôm nay lặp lại.Lần đầu tiên, Chúa Giêsu nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên’. Thật thú vị, Chúa Giêsu cũng nói khích! Tuy nhiên, Ngài nói khích không để chê bai, nhưng để khích lệ một sự hiểu biết về một phương thế cứu rỗi. Ngài khích Nicôđêmô, “Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”.

 

Nicôđêmô, một trong những thầy dạy hàng đầu của Israel, nhưng ông lại âm thầm đến thụ giáo với Chúa Giêsu; bởi lẽ, nơi Chúa Giêsu có một điều gì đó quan trọng mà ông không có. Quả thế, ông thông thạo các quy tắc và lề luật; nhưng trong kiến ​​thức của ông, vẫn còn một lỗ hổng! Ông không biết Chúa Thánh Thần, không biết ‘một sự tồn tại mới’ mà một người sẽ lãnh nhận khi được sinh ra bởi “nước và thần khí”. Một cách nào đó, ông không có lỗi, vì Chúa Giêsu chưa tiết lộ điều này! Tuy nhiên, qua đó, chúng ta thấy, để trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần đáng tin cậy, kiến ​​thức tâm linh của một người thật quan trọng biết bao! Là những người Công Giáo dấn thân, chúng ta cần dẫn dắt người khác đến với đức tin sâu sắc hơn; nhưng liệu chúng ta có làm như vậy với mức độ xác tín cao về đức tin và đang sống đức tin đó trong lòng không?

 

Thật cần thiết để được ‘sinh ra bởi trên!’. Ấy thế, không ít lần, như những người duy vật thực dụng, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của cuộc sống hàng ngày, đến nỗi, không mảy may quan tâm đến thế giới tinh thần, một điều gì đó lớn hơn vô cùng so với thế giới vật chất, vốn tiêu tốn tất cả sự chú ý của chúng ta. Qua phép Rửa, chúng ta được đánh dấu cho những gì thuộc về trên trời; in trong tâm hồn chúng ta một dấu ấn không thể xoá nhoà, một dấu ấn tuyên bố với vũ trụ rằng, chúng ta là con Thiên Chúa, mang hình ảnh Ngài. Mỗi khi hít thở thần khí, nhìn lên trời, chúng ta ‘làm mới sự sinh lại’ trong Thánh Thần; qua đó, Thiên Chúa tuyên bố chúng ta là của Ngài. Vì thế, đừng bao giờ dành quá một phút để sống như một người duy vật thực dụng!

 

Khi nói, “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành nhân chứng về “những thực tại trên trời” cho thế giới. Bằng chứng lớn nhất là hạnh phúc và lòng bác ái! Vui vẻ, bác ái, bình an là phong thái rất riêng, là dấu cho thấy đức tin của chúng ta là đích thực. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay dẫn chứng điều đó, “Các tín hữu thời bấy giờ chỉ một lòng một ý”, “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn”; qua đó, Thiên Chúa được ngợi khen; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc thiên oai tựa cẩm bào!”.

 

Anh Chị em,

 

“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”. Chuyện gì? Chuyện ‘sinh lại bởi trên’. Chúng ta được một lần sinh ra trong thể xác và một lần sinh ra trong Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa Tội. Như thể xác cần được nuôi dưỡng bởi cơm bánh và khí trời; linh hồn cũng được hít thở bằng Thánh Thần, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thịt Máu Ngài. Ân sủng của Thiên Chúa tựa hồ một đĩa dầu không bao giờ vơi, một giếng nước không bao giờ cạn. Từ đĩa dầu này, giếng nước này, chúng ta thường xuyên được nuôi dưỡng và được đổi mới để sống đúng phẩm giá mà chúng ta được kêu gọi để sống; nhờ nguồn thánh sủng đó, chúng ta vui sống như những con trai, con gái của Cha trên trời. Hãy cảm tạ Chúa về những ân huệ Thánh Thần, ân huệ Thánh Thể, và các Bí tích như nhiên liệu để “bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, con được ‘sinh lại bởi trên’, xin hướng lòng con lên những thực tại trên cao. Xin đừng bao giờ để con sống như một người duy vật thực dụng, dù chỉ một phút!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)