Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có một cơ hội - Bình an giữa bão tố

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CÓ MỘT CƠ HỘI

 

“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”.

 

Nhà giáo dục nổi tiếng Booker T. Washington nhớ lại “kỳ thi tuyển sinh” đã giúp ông có được một suất vào Học Viện Hampton. Cô hiệu trưởng yêu cầu cậu bé lấy chổi quét lớp, Washington quét đến ba lần và lau đồ đạc đến bốn lần. Cô giáo quay lại, kiểm tra sàn nhà, lấy khăn tay quẹt lên gỗ. Không tìm thấy một hạt bụi, cô nói, “Tôi đoán bạn sẽ làm như thế nào để vào học viện này, bạn biết,bạn ‘có một cơ hội!”. Washington, về sau, tâm sự, đó là bước ngoặt đời ông!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta biết mình ‘có một cơ hội!”. Giữa hoang địa, ngàn người đang đói, Ngài ngước mắt lên rồi bảo, “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Ngài thách thức các môn đệ và cả chúng ta, dám để mình lớn lên trong niềm tin!

 

Dường như Chúa Giêsu thường thích dò xem phản ứng những ai ở gần Ngài trước những tình huống tưởng như không thể xảy ra. Thiếu lương thực cho hàng ngàn người có thể gây ra hoảng sợ, xáo trộn. Nhìn đám đông ô hợp, các ông cảm thấy bất lực trước một nhu cầu quá lớn. Có lẽ hiểu theo nghĩa đó, họ đã ‘bỏ giấy trắng’ bài kiểm tra! Vậy mà ở đây, Chúa Giêsu muốn họ ‘có một cơ hội’ để trải nghiệm rằng, sự khéo léo của con người,dù tài giỏi đến đâu, vẫn không thể là nền tảng của Giáo Hội; hoặc dù các tông đồ hay những người kế vị họ, thông minh đến mấy, nhu cầu của các linh hồn và thế giới vẫn sẽ luôn vượt xa khả năng con người của họ. Vậy, đâu là câu trả lời? Chỉ một mình Ngài, “Chúa là Thiên Chúa!”.

 

Ngạc nhiên thay, khi các ông còn đang bối rối, một cậu bé lại rất hào phóng. Hồn nhiên và giản dị, cậu bước tới, tay xách chiếc giỏ của mình. Với chút lương khô này, Chúa Giêsu sẽ làm một điều gì đó tuyệt vời; Ngài từng nói, “Nếu không hoán cải nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không vào được Nước Trời!”.Qua chú bé nhỏ, các môn đệ học được bài học lớn, giao mọi sự cho Chúa ! Không thành vấn đề nó quá nhỏ bé đối với bạn hay đối vớiai, nó vẫn luôn ‘có một cơ hội’ khi nằm trong tay Chúa Giêsu; với sức mạnh thần thánh của Ngài, điều kỳ diệu vẫn có thể xảy đến!

 

Một chi tiết đáng chú ý khác, là Chúa Giêsu đã cử các môn đệ thu lại những bánh vụn.Dẫu quyền năng Thiên Chúa là vô hạn, đừng ai tự mãn để xem ân huệ Ngài như một thứ hàng hoá thặng dư khi cung vượt cầu. Đó là những ân huệ quý giá, đừng lãng phí! Vậy mà, chính xác đó lại là điều đang xảy ra. Lãnh nhận rất nhiều Bí tích, nhưng còn lâu, chúng ta mới nên thánh! Điều này một lần nữa tiết lộ sự kiên nhẫn lạ lùng của Thiên Chúa; cả khi không ‘có một cơ hội’ được đánh giá đúng mức, ân sủng của Ngài vẫn không ngừng tuôn đổ xuống chúng ta.

 

Gamaliel trong bài đọc thứ nhất hôm nay thật dứt khoát. Trước Thượng Hội Đồng, về các tông đồ,ông nói, “Hãy cho họ về! Vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ; không khéo quý vị lại thành kẻ chống Thiên Chúa”. Rõ ràng, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần đã cho họ ‘có một cơ hội’ để tin; nhưng các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đánh mất. Họ tiếp tục cứng lòng!

 

Anh Chị em,

 

“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Đó không chỉ là lời thách thức các môn đệ, nhưng còn là ‘tiếng của lòng!’. Trái tim thương xót của Chúa Giêsu ‘mách trước’ những gì Ngài sẽ làm. Đó là một câu hỏi tiết lộ thực tế ‘lực bất tòng tâm’ đối với con người, nhưng cũng là một câu hỏi hướng niềm tin chúng tavào một Đấng,“Chúa là Thiên Chúa!”. Đấng ấy không ai khác,“Giêsu!”. Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mọi thứ chóng qua của trần thế vẫn mang một giá trị vĩnh cửu. Như vậy, một việc bác ái, một hy sinh dù nhỏ đến đâu, nếu ‘có một cơ hội’ được trao cho Chúa Giêsu, nó vẫn có thể trở nên điều vĩ đại. Vì thế, nếu biết tận dụng mọi biến cố buồn vui của ngày sống,trao cho Ngài, chúng ta sẽ nên thánh và cả thế giới được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày, có biết bao cơ hội để con nên thánh, nhưng thật tiếc, con để nó vụt mất. Xin cho con biết trao những gì con có vào tay Chúa, hãy sử dụng nó cho vinh hiển Ngài!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

BÌNH AN GIỮA BÃO TỐ

 

“Thầy đây, đừng sợ!”.

 

Một cụ già hấp hối thều thào với một người bạn, “Tôi như người đang chới với trong một chung cư yếu ớt, mục nát; gió đang làm nó chao đảo, và bão tố sắp xô nó đổ sập. Và tất cả những gì tôi có thể học được là, Chủ Nhà không có ý định sửa chữa! Thế nhưng, điều tôi cảm nhận là Chủ Nhà, Chúa của tôi, vẫn ở bên tôi, Ngài là ‘bình an giữa bão tố!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ngài là ‘bình an giữa bão tố!’”. Phút hấp hối của cụ già kia tựa như bối cảnh của Tin Mừng hôm nay. Như cụ già đã trải qua, các môn đệ Chúa Giêsu cũng trải qua những giờ phút hãi hùng trong đêm tối giữa biển khơi đang nổi giận. Thế nhưng, tuyệt vời thay! Thầy của họ, Chúa của họ, vẫn xuất hiện đúng lúc, để kịp trấn an họ dù chỉ vỏn vẹn mấy lời, “Thầy đây, đừng sợ!”.

 

Lênh đênh giữa biển trong đêm, các môn đệ khác nào những người mù lạc lõng giữa hư không, chẳng có gì bao quanh; họ cảm nhận một sự trơ trọi vô bờ! Giữa những phút bàng hoàng ấy, Chúa Giêsu đã đến gần; Ngài hô to, “Thầy đây!”. Thật an ủi! Trải nghiệm của những ngư phủ này cũng là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Giữa một thế giới quay cuồng, tranh đua và chen chúc; thế nhưng, không ít lần, chúng ta cảm thấy chung quanh mình trống không, lắm lúc mỗi người cảm thấy đơn độc và lạc lõng. Dĩ nhiên, đây không phải là một cảm giác quá sức đối với một số người, nhưng nó thường là một trải nghiệm mà nhiều người đã phải trải qua ở mức độ này hay mức độ khác. Tin Mừng hôm nay tiết lộ, Chúa Giêsu, ‘bình an giữa bão tố’, luôn ở với chúng ta bất kể chúng ta ở đâu, bất kể chúng ta đối mặt với hoàn cảnh nào!

 

Trải nghiệm trên biển giữa bóng tối có nhiều dạng. Có lẽ cuộc sống của bạn tràn ngập hoạt động, nhưng bạn vẫn cảm thấy đơn độc; hoặc cuộc sống của bạn là nơi mà bạn không có nhiều người chung quanh và luôn cảm thấy cô lập. Hoặc bên ngoài, bạn có vẻ tự tin, có tất cả; nhưng bên trong, bạn đang chiến đấu sâu sắc với một nỗi cô đơn nhất định. Hoặc đôi khi, dòng nước trong tâm hồn bạn bị khuấy động bởi những cảm xúc không kiểm soát, khi niềm kiêu hãnh hoặc những ước mơ phù phiếm hay nhục dục dậy sóng... Những lúc ấy, chúng ta mất phương hướng và dường như chèo chống mấy cũng vô ích! Vậy mà, dù cho hoàn cảnh xảy đến thế nào, Chúa Giêsu vẫn muốn đến với chúng ta như đã đến với các môn đệ, để nói,“Thầy đây, đừng sợ!”.

 

Không chỉ cho mỗi người, Lời Chúa hôm nay còn đưa ra một hình ảnh tuyệt vời về thực tại của Giáo Hội qua các thời đại. Giáo Hội, con thuyền phải vượt qua những cơn gió trái chiều và bão tố; đôi khi nó có nguy cơ bịlật úp. Điều đã cứu con thuyền không phải là lòng can đảm và phẩm chất của thuỷ thủ đoàn, nhưng là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, Ngài là ‘bình an giữa bão tố’. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Khi các tín hữu kêu trách lẫn nhau; giữa họ, có sự kỳ thị giữa người Hy Lạp và Do Thái. Nhờ lời cầu nguyện và khôn ngoan Thánh Thần ban cho, các phó tế đầu tiên ra đời; giông bão qua đi. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

“Thầy đây, đừng sợ!”. Phận người mong manh, bao nhiêu điều khiến chúng ta đối mặt với sợ hãi; chiến tranh, thiên tai, đói khát, thất nghiệp, mất nước, vong thân, tệ nạn, cô đơn, ly dị… và cuối cùng là cái chết. Chúa Phục Sinh, nguồn bình an, nguồn sống và là nguồn hy vọng của nhân loại; nơi Ngài và chỉ trong Ngài, chúng ta tìm được sức mạnh đích thực để đối diện với mọi bất trắc của cuộc đời, kể cả cái chết, mà không sợ hãi. Bởi lẽ, ngay trong chính ‘huyệt mộ’ của cái chết, chúng ta vẫn gặp thấy Chúa của chúng ta ở đó. Nếu chúng ta tin và sống trọn niềm xác tín này, chúng ta là những người đang sống những lời của Chúa Giêsu, “Phúc cho ai không thấy mà tin!”. Ước mong sao, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, Đấng là ‘bình an giữa bão tố’ của cuộc đời mình; để từ đó, niềm vui và bình an của chúng ta không bao giờ mai một;đồng thời, chúng ta cũng sẽ là nguồn bình an cho những ai đang gặp bão tố!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, có Chúa, con sẽ an toàn qua ‘bờ bên kia’; có Chúa, bến bờ xa xôi của con, dường như ngắn hơn một chút, vì Chúa là ‘bình an giữa bão tố’ của thuyền đời con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)