Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời Ngôn Sứ

Tác giả: 
Lm Nguyễn Văn Nghĩa

 

LỜI NGÔN SỨ

(Chúa Nhật IV TN B)
 
“Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Đnl 18,16). Thấy dân chúng kêu ca có lý, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Người sẽ đặt lời của Người vào miệng ngôn sứ. Như thế, sứ ngôn là người nói thay cho Thiên Chúa, nói nhân danh Thiên Chúa, nói đúng Thánh ý Thiên Chúa. Sự tồn vong của ngôn sứ hệ tại ở sứ mệnh cao cả và lắm cũng gian truân này. Vì ngôn sứ nào cả gan nhân danh Thiên Chúa mà nói lời Người đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết (x.Đnl 18, 20).
 
Tuy nhiên làm sao để biện phân đâu là ngôn sứ thật và đâu là ngôn sứ giả? Làm thế nào để nhận biết một ngôn sứ thật nhưng không nói lời Thiên Chúa truyền mà chỉ nói lời của mình hay lời của các thần giả trá xui khiến? Một Đại Ngôn sứ, một ngôn sứ trên mọi ngôn sứ đã xuất hiện chính là Đức Kitô. Bài trích Tin mừng thánh Maccô mà Hội Thánh giới thiệu trong thánh Lễ Chúa Nhật IV TN B gợi mở cho chúng ta hai tiêu chí để thẩm định sự chính danh, chính ngôn, chính phận của một ngôn sứ.
 
Lời có uy quyền: Dân chúng kinh ngạc vì Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư. Lời nói của một đấng có uy quyền thì thuyết phục người nghe và làm cho người nghe biết nghe theo. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ vì nội hàm của chúng mà trên hết vì Người là Ngôi Lời, đồng thời chính Người là người tiên phong sống và thực hiện những gì Người giảng dạy.
 
Các Kinh sư cũng giảng dạy nhưng họ lại không sống điều mình giảng dạy khiến Chúa Giêsu đã từng nói với dân chúng rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm và hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất trên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4). Đức cố giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nói: ngày nay người ta không thích nghe (nghe theo) những nhà giảng thuyết mà lại nghe theo những chứng nhân. Sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì họ đã là những chứng nhân, tức là đã thực hiện những gì mình giảng dạy.
 
Lời có sức diệt trừ sự dữ và ban sự sống: Dân chúng sững sờ nói với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, Người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27). Thần ô uế bị trục xuất thì người bị quỷ ám được chữa lành. Lời của Ngôn sứ thật là lời phát xuất từ Thiên Chúa. Xưa Thiên Chúa đã phán với Giêrêmia: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,9-10).
 
Cả hai hiệu quả là diệt trừ sự xấu, sự dữ và trao ban sự sống, những điều thiện hảo luôn cùng đi sánh đôi. Nếu chỉ tuyên phán những lời hứa tốt đẹp hay ngược lại chỉ nói những lời quở trách phê phán mà thôi thì hầu hết là do thần dữ xúi khiến. “Đức Chúa các đạo binh phán như sau: “Đừng nghe lời các ngôn sứ (giả  hiệu) tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra. Chúng dám nói với những kẻ khinh miệt Ta: “Đức Chúa phán: anh em sẽ được bình an!” Và với những kẻ lòng chai dạ đá: “Tai hoạ chẳng bao giờ ập xuống anh em” (Gr 22,16-17). Vì tuyên bố những lời dối trá phỉnh phờ dân nên ngôn sứ giả Khanangia đã phải bị trừng phạt nhãn tiền (x.Gr 28,1-17).
 
Sứ mạng ngôn sứ của mọi Kitô hữu: Từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều đã được thông phần vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Đường lối của Thiên Chúa thì trước sau như một. Xưa nhiều lần, nhiều cách Người đã nói với tổ tiên cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, đến thời viên mãn Người đã nói với loài người chúng ta cách trọn vẹn qua chính Người Con Một làm người là Chúa Giêsu Kitô (x. Dt 1,1-2). Và mãi cho đến ngày tân thế, Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục nói với loài người qua những con người. Nhân loại này, thế gian này vẫn mãi cần đến sứ ngôn để nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Con người, đặc biệt các Kitô hữu được mời gọi làm ngôn sứ của Thiên Chúa để nhân danh Thiên Chúa, nói lời của Người.
 
Sứ mạng ngôn sứ thật cao cả và cũng thật lắm gian truân, nguy hiểm. Sự hiểm nguy, gian truân không chỉ đến do người đời bách hại mà còn có thể do bởi chính các ngôn sứ, vì lý do nào đó, đã không nói lời của Thiên Chúa mà chỉ nói lời của mình, thậm chí con nói lời do thần dữ xui khiến. Để tránh những tai hoạ này, không gì hơn, Kitô hữu chúng ta, cách riêng những người chuyên lo việc giảng dạy hãy xét xem mình đã thực hiện ra sao điều mình giảng dạy, hãy xét xem những lời mình giảng dạy có sức thuyết phục như thế nào và đồng thời hãy xét xem các lời tuyên dạy của mình có đủ đầy tính vừa xua trừ sự xấu, sự dữ và vừa làm phát sinh tình yêu, phát sinh sự sống như thế nào?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột