Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Với độ chính xác không thể sai lầm - Một so sánh đáng kinh ngạc

Tác giả: 
Lm Minh Anh

VỚI ĐỘ CHÍNH XÁC KHÔNG THỂ SAI LẦM

“Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!”.

 

Olga J. Weiss, nhà thơ, đã có một lời cầu nguyện rất thực, “Tôi nói, ‘Đường con đi quá gồ ghề. Chúa ơi! Những viên đá làm con đau đớn’; và Ngài nói, ‘Con yêu, Ta hiểu, Ta đã đi trên nó từ lâu!’. ‘Gánh của con quá nặng, sao con vác nổi?’; ‘Này con, Ta nhớ rất rõ trọng lượng cây thập giá của Ta’. ‘Nhưng con ước có những bạn đồng hành’; ‘Ồ, vâng! Gethsêmani, thật khó để chịu đựng một mình’. Và tôi tiếp tục leo lên con đường đầy đá! Cuối cùng, tôi hiểu, nơi nào Ngài không đi qua, tôi sẽ không cần phải đi. Và kỳ lạ thay, tôi đã tìm thấy những người bạn mới, gánh nặng bớt nhức nhối. Và tôi nhớ, từ lâu, Ngài đã đi con đường đó trước!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Từ lâu, Ngài đã đi con đường đó trước!”; vì thế, Chúa Giêsu rất đáng tin cậy để chúng ta hỏi đường! “Hãy theo tôi!” là cách dễ nhất để chỉ đường! Trong Tin Mừng hôm nay, Tôma hỏi, “Làm sao chúng con biết được đường đi?”; Chúa Giêsu đáp, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!”, Ngài tự cho mình là câu trả lời ‘với độ chính xác không thể sai lầm!’.

 

“Hãy theo Tôi!”. Chính nhờ mối quan hệ cá nhân nồng nàn của chúng ta với Chúa Kitô, mà chúng ta biết Ngài, yêu Ngài và sẵn sàng đi theo Ngài. Đây là cách chắc chắn nhất, an toàn nhất để vượt qua thế giới khó hiểu này. Chỉ cần giữ mối tương quan với Ngài luôn bền chặt, hệ thống chỉ đường ‘GPS Giêsu’ sẽ chỉ cho chúng ta lộ trình để đạt đến đích nhanh nhất. Không chỉ là người dẫn đường, Ngài còn “là Đường”. Như vậy, bất cứ khi nào ngờ vực, bất cứ khi nào rối bời hay ngã lòng… hãy tự hỏi, ‘Tôi có còn bước đi trên đường Giêsu hay tôi đã đi trệch?’, ‘Đâu là đường Ngài đã đi, và sẽ chỉ cho tôi?’. Tắt một lời, dán mắt cố định vào Ngài, một ‘Thiết Bị’ chỉ đường ‘với độ chính xác không thể sai lầm!’.

 

“Hãy tin Tôi”. Chúa Giêsu ban cho những ai theo Ngài một lẽ thật vững chắc đến nỗi không gì có thể khiến họ dao động. Không chỉ “là Đường”, Ngài còn là “Sự Thật!”. Thánh Phêrô đã từng tuyên bố, “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ!”. Với “Sự Thật” Giêsu, chúng ta có câu trả lời cho mọi nan đề! An ủi biết bao khi có Chúa Giêsu là Chân Lý trong một thế giới thường gây mệt mỏi, một thế giới mà thuyết tương đối đang khiến nhiều người mất phương hướng; hay ít nữa, chao đảo, ngả nghiêng!

 

“Hãy đến với Tôi!”. Chúa Giêsu là nguồn sức sống. Có Ngài, cuộc sống sẽ không bao giờ buồn tẻ. Không chỉ là cuộc sống, Ngài còn là “Sự Sống”, một sự sống đem lại hạnh phúc ở đời này, và cả hạnh phúc đời sau. Một khi có mối tương giao mãnh liệt với Chúa Kitô, Kitô hữu sống cuộc sống viên mãn, hạnh phúc; một cuộc sống đang hướng về cuộc sống miên viễn trên trời.

 

Nhưng Đấng “Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” đó là ai? Phaolô, trong bài đọc hôm nay, đưa ra một câu trả lời hùng hồn và đầy đủ nhất. Ngài là Con Thiên Chúa, là Lời Cứu Độ, là Đấng Chúa Cha sai xuống trần, Đấng hoàn tất những gì Chúa Cha đã hứa với các tổ phụ và các ngôn sứ; cũng là Đấng được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, là Thái Tử của Cha như lời Thánh Vịnh đáp ca công bố, “Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con!”.

 

Anh Chị em,

“Từ lâu, Ngài đã đi con đường đó trước!”. Đường Giêsu đã đi có khi dẫn chúng ta lên tận đỉnh núi Taborê, có khi là triền Núi Sọ; nhưng chắc chắn một điều, đi trên đường Giêsu, chúng ta sẽ không bao giờ lạc lối, và nhất là được no thoả ân sủng, tình yêu và hoan lạc. Nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, tương quan giữa chúng ta với Ngài ngày càng sâu sắc và mãnh liệt. Lời Chúa mời gọi chúng ta phó mình cho Chúa Giêsu, dán mắt vào Ngài, dính kết với Ngài! Và như thế, chắc chắn chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi cảm giác phiền muộn, lo lắng và luôn đi đúng hướng, được no thoả trên mọi nẻo đường. Ngài đã sống lại và nay, ở bên chúng ta như “người bạn mới”; Ngài đã rảo qua những nẻo đường, mang nhân loại trên chính mình, mang nó vượt qua cái chết; và cũng mang nó đến “một nơi ở mới”, đến cung lòng Cha, để chúng ta được ở với Ngài. “Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ‘với độ chính xác không thể sai lầm!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là Mục Tử, xin cho con biết dán mắt vào Chúa; biết lặng thinh đủ để nghe rõ tiếng Ngài. Nhờ đó, con không sợ lạc đường, và cũng không sợ những gì xảy ra trên đường!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT SO SÁNH ĐÁNG KINH NGẠC

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy!”.

 

Một ẩn sĩ nói, “Đừng bao giờ quên rằng, sự hào nhoáng không phải là sự vĩ đại; tiếng vỗ tay không phải là tiếng tăm! Một viên đá có thể lấp lánh, nhưng điều đó không làm cho nó trở thành một viên kim cương! Dù thắm thiết đến đâu, tình yêu con người vẫn không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu con người không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”. Ấy thế, Tin Mừng ngày lễ kính thánh Matthia tông đồ lại tiết lộ một điều gần như ngược lại! Đắm chìm trong bầu khí yêu thương những ai thuộc về mình, Chúa Giêsu đã so sánh tình yêu Ngài dành cho họ với tình yêu bao la mà Chúa Cha dành cho Ngài, ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’, “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy!”.

 

Trước khi cả thế giới này chào đời, Cha và Con đã đắm chìm trong tình yêu thương lẫn nhau vô bờ bến; Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu này. Sự mật thiết gắn kết và tự hiến của Thiên Chúa Ba Ngôi vượt trội bất kỳ gắn kết và tự hiến nào mà con người có thể nghĩ đến hay tưởng tượng ra. Vậy mà, Chúa Giêsu lại nói, Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài theo cách tương tự; yêu họ như Chúa Cha yêu Ngài! Lắng nghe trực tiếp những gì Chúa Giêsu nói, hay lắng nghe gián tiếp khi đọc lại những lời này, hẳn các tông đồ, Matthia và cả chúng ta đều nhận ra rằng, tình yêu mà Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi người quả là bao la, sâu thẳm và thâm trầm! Ngài yêu chúng ta như Chúa Cha yêu Ngài, ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’. Vậy, sự thật về tình yêu Chúa Kitô dành cho tôi, được chứng minh từ đỉnh cao thập giá của Ngài, có khiến tôi kinh ngạc và tìm cách đáp trả hào phóng hơn bao giờ hết trong đời sống thiêng liêng không?

 

“Các con là bạn hữu của Thầy!”. Hoàn cảnh và thời gian chung quanh việc Chúa Giêsu gọi ‘những người bạn’ của Ngài nhắc lại ‘tính xác thực’ của danh xưng này. Chỉ vài giờ nữa, Ngài sẽ bị bỏ rơi, bị phản bội, bởi những người mà ngay lúc này, Ngài ‘gọi là bạn!’. Ngài yêu họ đến mức nhìn xa hơn sự phản bội của họ; đến mức hướng đến một chiến thắng Ngài sắp giành cho họ! Với tình bạn đó, Chúa Giêsu cũng dành cho Matthia, cho cả bạn và tôi! Ngài mời chúng ta “Ở lại trong tình yêu của Ngài”. Tôi không được gọi để trở thành một khán giả, nhưng ‘được gọi để khám phá niềm vui’. Việc đi theo “Đấng bị đóng đinh” sẽ luôn luôn đòi hỏi nhiều khó khăn, nhưng tình bạn của Chúa Giêsu là một kho báu vượt xa sức nặng của bất cứ thập giá nào!

 

Tình yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con, mà Chúa Giêsu đã ‘vô cớ’ mở rộng cho chúng ta với tư cách là ‘bạn’ của Ngài, sẽ sinh hoa trái trong tình bác ái; bác ái này là ‘lực từ’ cuốn hút nhiều người gia nhập hàng tín hữu ban đầu. Bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy sự yêu thương trân trọng đó. Để thế chỗ Giuđa, kẻ hư hỏng, Phêrô lên tiếng xin cộng đoàn chọn một người khác. Và sau khi cầu nguyện, họ bỏ thăm, Matthia được chọn; một điều rất phù hợp với tiên báo của Thánh Kinh; Thánh Vịnh đáp ca nhắc lại, “Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý!”.

 

Anh Chị em,

“Tình yêu con người không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”. Làm sao có thể hiểu hết hay nói hết về một Đấng Siêu Việt và tình yêu không thể so sánh của Ngài? Vậy mà, để diễn tả tình yêu vô điều kiện của mình, Chúa Giêsu lấy lại tình yêu vĩ đại đó để diễn tả tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Đúng là ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’. Nguyên việc chọn cách so sánh này cũng đã nói lên tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Một điều gì đó sâu sắc và thâm trầm vượt quá trí tưởng tượng. Và đó không phải là những mỹ từ chót lưỡi đầu môi, nhưng là cả mạng sống và cái chết của Ngài. Còn hơn thế, Ngài gọi chúng ta là ‘bạn’ và tha thiết xin chúng ta ở lại trong tình yêu ấy như những chứng nhân yêu thương. Hạnh phúc thay nếu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Ngài dành cho chính mình! Hãy sống tình bạn với Chúa Giêsu như người được yêu và đang yêu say đắm!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho cội rễ của tình yêu Chúa cắm sâu trong trái tim con, để không điều gì có thể trào tuôn từ nó, ngoại trừ yêu thương!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)