Để có thể trải nghiệm niềm vui - Tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!
ĐỂ CÓ THỂ TRẢI NGHIỆM NIỀM VUI
“Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”.
Andrew Murray viết, “‘Để có thể trải nghiệm niềm vui’, chớ gì không một giây phút nào trong đời tôi ở ngoài ánh sáng, tình yêu và sự hiện diện của Chúa ! Không một giây phút nào mà tôi không phó toàn thân như chiếc bình rỗng cho Ngài, để Ngài đổ đầy vào đóThánh Thần và tình yêu!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hẳn không mấy người trong chúng ta được như Andrew Murray, vì hầu hết chúng ta đang mất bình an, thiếu tự do và cạn niềm vui…vìlo lắng, toan tính và sợ hãi. Bởi đó, những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay thật an ủi, “Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”. Đây không chỉ là một lời khuyên, nhưng còn là một mệnh lệnh;vì lẽ, đây là bí quyết ‘để có thể trải nghiệm niềm vui’ mà Chúa Phục Sinh muốn tiết lộ cho những ai thuộc về Ngài!
Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng, một trái tim sợ hãi và bối rối không phải là của Ngài; bởi lẽ, cánh cửa tâm hồn của người đó đã bị đóng chặt, Ngài không thể bước vào. Ngài cũng biết, khó khăn, xao xuyến và sợ hãi là một gánh nặng tì đè chúng ta. Ngài rất muốn chúng ta thoát khỏi những gánh nặng này, Ngài muốn chúng ta được tự do ‘để có thể trải nghiệm niềm vui’ đích thực. Vậy thì đâu là gánh nặng ‘nặng nhất’của bạn trong cuộc sống? Điều gì ám ảnh, chi phối, khiến bạn tức giận, không thể buông bỏ đến nỗi nó ảnh hưởng đến cả cuộc sống? Hoặc gánh nặng của bạn có lẽ tinh vi hơn, nó có thể không khiến bạn choáng ngợp;nhưng thay vào đó, là một gánh nặng thường xuyên đeo bám, dai dẳng; nó luôn ở đó, sau mặt trái của ngày sống. Và đó là một gánh nặng có thể khá khó khăn khi nó kéo dài từ năm này qua năm khác!
Để được tự do, bước đầu tiên không thể thiếu là bạn cần thấy cho được gánh nặng đó là gì; xác định nó, gọi tên nó, và tìm cách truy nguyên gốc gác của nó. Nếu nguyên nhân gây ra gánh nặng này là một tội lỗi, bạn hãy ăn năn và tìm đến Bí tích Hoà Giải; đây là cách tốt nhất để trải nghiệm tự do ngay lập tức.Tuy nhiên, nếu gánh nặng của bạn là kết quả do hành vi của những người khác, hoặc một số tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn; bạn cứ yên tâm, chỉ cần quy phục Chúa, giao cho Ngài toàn quyền kiểm soát tình huống này. Tự do sẽ đến với bạn khi bạn hoàn toàn quy phục, tín thác cho thánh ý nhiệm mầu của Ngài, dù nó có là gì đi nữa!
Phaolô, qua bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, là một mẫu gương cho sự tín thác trọn vẹn này. Tình huống Phaolô gặp phải hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Bị ném đá, người ta tưởng ông đã chết; thế nhưng, biết mình còn sống, Phaolô không xao xuyến, chẳng sợ hãi; và thay vì trốn chạy, ông lập tức vào thành và đi đến các thành để rao truyền danh Chúa; nhờ đó, “Các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca tiên báo.
Anh Chị em,
“Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”.Đấng thuyết phục chúng ta là Đấng đã từng xao xuyến, sợ hãi và buồn phiền đến chết được; cũng là Đấng từng bị nhục mạ, giết chết và vùi sâu trong lòng đất. Thế nhưng, Ngài đã phục sinh, và nay đang ngự trong cung lòng Cha mà chuyển cầu cho chúng ta. Ngài là món quà vô giá Chúa Cha tặng trao; nhờ Ngài, chúng ta mạnh sức để vượt qua mọi tối tăm của thế gian này. Vậy, bao lâu không ở trong Ngài và Ngài không ở trong chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục xao xuyến và sợ hãi !‘Để có thể trải nghiệm niềm vui’, “Chớ gì không một giây phút nào mà tôi không phó toàn thân như chiếc bình rỗng cho Ngài, để Ngài đổ đầy vào đó Thánh Thần và tình yêu!”.Thánh Thể của Ngài, Lời của Ngài, các Bí tích; đặc biệt, Bí tích Hoà Giải là những gì Ngài sẵn sàng đổ đầy chúng ta; nguồn thánh sủng này sẽ trả lại cho chúng ta tất cả những gì đã mất, băng bó những thương tổn và chữa lành mọi tật nguyền!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘để có thể trải nghiệm niềm vui’, xin Thánh Thần Chúa soi rọi những gì đang đè nặng lương tâm con, xin lửa tình yêu của Ngài thiêu rụi nó, hầu linh hồn con có thể bay bổng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
TÔN THỜ MỘT THỨ GÌ ĐÓ ÍT HƠN CHÚA
“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”.
“Tội thờ ngẫu tượng là tội tôn thờ bất cứ thứ gì chỉ nên được sử dụng, hoặc sử dụng Bất Cứ Thứ Gì chỉ nên được tôn thờ!”. Những lời của thánh Augustinô đưa J. McMath đi đến một kết luận, “Điều mà tôi sẽ cho đi bất cứ thứ gì để có được, và không nhận bất cứ thứ gì để ai đó đổi lấy nó; đó là Thiên Chúa của tôi. Tôi không bao giờ ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật rất hiển nhiên, nhưng lại là một sự thật khá bất ngờ; rằng, con người luôn có xu hướng ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’.
Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ! Tại Lystra, sau khi Phaolô chữa cho một người bại chân bẩm sinh đi được, một số người Lycaonia kết luận, “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Coi Phaolô và Barnaba là những vị thần, họ định đem bò và vòng hoa để dâng, tế hai ngài. Phaolô lên tiếng, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm!”. Thấy được xu hướng muốn ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’ nơi họ, Phaolô chỉ cho họ phải tôn thờ ai! Một mình Chúa và chỉ một mình Ngài, Đấng tự mặc khải trong Đức Kitô. Thánh Vịnh đáp ca cất lên, “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, lạy Chúa, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ!”.
Phải, con người luôn có xu hướng ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’.Một phong trào, một hệ tư tưởng, một cá nhân… có thể có một địa vị ‘gần như thần thánh’,vốn đòi hỏi; và đôi khi, nhận được một lòng sùng bái vốn chỉ một mình Thiên Chúa mới đáng có ! Thờ ngẫu tượng là tội căn bản, cội rễ các tội. Chính sức hấp dẫn của một thực tế nào đó có thể là chất xúc tác để người ta coi nó như thần thánh. Sở dĩ, những người Lycaonia sùng bái Phaolô và Barnaba, là vì họ chưa được soi sáng; họ cần được điều chỉnh về cácquan niệm đang có, các hành vi đang làm.
Trong Tin Mừng hôm nay,đối với những ai theo Ngài, Chúa Giêsu thừa nhận một nhu cầu liên tục cần được hướng dẫn, soi sáng bởi một ‘Ai đó’. Ngài nói với các môn đệ trước khi chia tay, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con”. Chính Thánh Thần sẽ dẫn dắt để ngăn ngừa chúng ta khỏirơi vào những ngẫu tượng, ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’; chính Thánh Thần giúp chúng ta biết đánh giá sâu sắc hơn về tương quan cần thiết mỗi người phải có với Chúa Giêsu, hầu có thể dõi bước theo Ngài trên hành trình về cùng Cha!
Anh Chị em,
“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Dẫu không công khai la lên những lời này như những người Lycaonia; nhưng khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thần thánh hoá những gì làm cho mình vui thoả, dễ chịu. Nó dẫn chúng ta đến một lối sống buông thả khi chọn thoả hiệp với các giá trị thế tục; đó là những ‘ngẫu tượng’ khiến chúng ta tròn xoe đôi mắt, thán phục, mê mải; để rồi mụ mẫm, ngơ khờ sùng bái. Thuyết tương đối và chủ nghĩa tiêu thụ đang âm thầm hoặc công khai quyến rũ chúng ta. Nó đầy hấp lực và tinh vi khiến chúng ta đi theo mà không biết; để rồi, vô tình phá đổ các giá trị cao đẹp, linh thánh. Chúa Giêsu thấy trước điều đó; vì thế, Ngài đã ban Chúa Thánh Thầncho chúng ta. Ngài là món quà vĩ đại, là Thiên Chúa, và là Thầy Dạy tâm linh. Ước gì chúng ta biết đón nhận và yêu quý quà tặng này; đồng thời, ngoan nguỳ với Ngài,hầu không dễ dàng buông mình cho việc ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’ thường làm con già đi và mỏi mệt. Xin Thánh Thần Chúa sưởi ấm linh hồn con, trả lại cho nó sự trẻ trung và sống động!”, Amen
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: