Không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát! - Ngài sẽ lo phần còn lại!
KHÔNG CẦN ĐO LƯỜNG, KHÔNG CẦN PHÂN BIỆT, KHÔNG SỢ MẤT MÁT
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”.
John Wesley nói, “Hãy cho tôi 100 người yêu mến Thiên Chúa hết lòng và không sợ hãi gì, ngoài tội; tôi sẽ đem cả thế giới về cho Chúa Kitô!”. Đó là những con người yêu thương, phục vụ cho đến chết mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu đem ý tưởng của J. Wesley áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay,thì một câu hỏi rất bất ngờ có thể được đặt ra, “Như vậy, tình yêu có thể bị điều khiển?”. Đức Bênêđictô XVI trả lời, “Không!”. Ngài giải thích, tình yêu không đơn thuần là một tình cảm; nó là một hành động của ý chí. Khi ý chí con người ‘hành động trùng khớp’ với ý chí của Chúa Kitô, nó có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Trong thông điệp Deus Caritas Est, Bênêđictô viết, “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một cảm giác mà bản thân chúng ta không có khả năng tạo ra!”. Chúng ta không thể được ra lệnh “phải thích” ai đó, hoặc “phải lòng” ai đó; nhưng chúng ta có thể “chọn yêu” kẻ thù của mình ! Quan trọng hơn, một khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì chính niềm vui “được yêu” đó sẽ cởi trói con tim mỗi người, khiến chúng ta muốn đáp lại tình yêu Ngài. Vậy mà, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước ! Một khi cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho chúng ta như một thực tại liên lỉ mỗi khi lãnh nhận các Bí Tích; hay mỗi lần suy gẫm về một sự thật rằng, Ngài “đang giữ” cho chúng ta tồn tại, thì những trải nghiệm cá nhân này cho phép chúng ta hiểu được tình yêu và muốn chia sẻ nó, bằng cách yêu như Chúa yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Đức Thánh Cha nói thêm, tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ”. Tôi muốn biết bạn tôi đang nghĩ gì và mong muốn gì để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ đó và thậm chí,thoả mãn những mong muốn đó! “Câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao gồm một thực tế là, sự hiệp thông ý chí càng tăng lên thì sự hiệp thông về tư tưởng và tình cảm cũng tăng lên; do đó, ý chí của con người và ý muốn của Thiên Chúa sẽ ‘ngày càng trùng khớp!’. Từ đó, ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi, không còn là một ý chí xa lạ ; không còn là một cái gì đó áp đặt lên tôi như một mệnh lệnh hoặc giới răn. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, nó đã là ý muốn của tôi; vì tôi nhận biết rằng, Thiên Chúa thực sự hiện diện với tôi, sâu sắc hơn tôi đối với chính tôi”.
Tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ” đó đã thể hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Các tông đồ đã đồng tâm nhất trí, “không đặt thêm một gánh nặng nào khác” cho người trở lại, nghĩa là họ không cần phải “cắt bì”, ngoài “mấy điều cần kíp” phải giữ. Nhờ đó,các tín hữu sơ khai hớn hở thưa lên, “Lạy Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ” như Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ; và như thế, với sự dẫn dắt của Thánh Thần, các tông đồ đã cư xử cách yêu thương mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Anh Chị em,
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu,mới nghe qua, xem racũng khá dễ dàng;nhưng, trong thực tế,rất khó! Bởi lẽ, phải yêu như Chúa Giêsu yêu, chúng ta mới có thể sống được điều Ngài dạy. Ngài yêu thương từng người chúng ta trước bằng một tình yêu ‘không thể đo lường’; Ngài yêu mỗi người mà ‘không cần phân biệt’ tốt xấu; Ngài yêu chúng ta đến nỗi hiến trao cả thân mình mà ‘không sợ mất mát!’. Như thế, chỉ khi nên một với Chúa Kitô,sống trong Lời Ngài, ý chí chúng ta hành động ‘trùng khớp với ý chí’ của Ngài, con tim của chúng ta cùng nhịp với con tim Ngài, lúc đó chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đánh thức sự hiểu biết của con về tình yêu Chúa đang bao phủ đời con. Hãy để sự thật này truyền cảm hứng cho con, hầu con có thể yêu như Chúa yêu, mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
NGÀI SẼ LO PHẦN CÒN LẠI
“Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước!”.
E. Stanley Jones nói, “Con rắn đuôi chuông, nếu bị dồn vào đường cùng, đôi khi sẽ tức giận đến mức tự cắn mình! Đó chính xác là những gì xảy ra nơi một người tích chứa sự căm ghét, oán hờn; họ cắn rứt bản thân ! Ôm chặt những ghét bỏ và thù hận, người ấy nghĩ, họ đang làm nhức nhối người khác; thế nhưng, cái hại sâu sắc hơn là hại chính bản thân!”. Tốt nhất,hãy chấp nhận sự thù ghét, cứ tìm dịp để yêu thương, phó thác cho Chúa, ‘Ngài sẽ lo phần còn lại!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cứ tìm dịp để yêu thương, phó thác cho Chúa, ‘Ngài sẽ lo phần còn lại!’”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đã sống, trước một nền văn hoá chống lại Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước!”.
Sứ vụ của Chúa Giêsu càng mở ra, các thế lực phản diện càng trở nên tồi tệ. Thế nhưng, Ngài đã chấp nhận ôm lấy thập giá đó.Ngài yêu thương giới biệt phái cừu hận Ngài; yêu đến cùng người môn đệ bán Ngài; yêu cả những kẻ đã đóng đinh Ngài. Đây là một gánh nặng thực sự, “Ngài đã đến nhà của Ngài, mà người nhà lại không tiếp đón Ngài!”. Chúa Giêsu đã không phàn nàn, Ngài phó dâng tất cả cho Chúa Cha, và Ngài đã có được sức mạnh để vượt qua. Ai trong chúng ta, vào một giai đoạn nào đó, cũng cảm thấy gánh nặng này khi trải qua sự từ chối tương tự. Đây là gánh nặng của bậc cha mẹ có con cái và những người thân yêu quay lưng chống lại mình. Chúng ta thường xuyên đối mặt với những vấn đề, cả khi chỉ muốn làm điều tốt cho người khác. Đây là những khoảnh khắc đáng nhớ, khoảnh khắc chúng ta nên giống Chúa Giêsu nhất, chấp nhận thập giá đời mình. Dĩ nhiên, sự chấp nhận đó không hề dễ dàng, nhưng nếu được vậy, nó sẽ lấp đầy trái tim chúng ta bằng một sự bình an sâu sắc, và đôi khi,với cả niềm vui; với một điều kiện, như Chúa Giêsu, chúng ta phó mặc cho Chúa Cha, ‘Ngài sẽ lo phần còn lại!’.
Và tình yêu luôn luôn tìm kiếm các giải pháp! Dù bị từ chối, Chúa Giêsu vẫn không ngừng tìm kiếm các giải pháp để đến được với các nền văn hoá, Ngài đi từ thành này sang thành khác. Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng làm điều tương tự. Chỗ thì họ được đóntiếp, chỗ thì bị chối từ. Tại Đerbê, sau đó là Lystra, Phaolô tiếp nhận Timôtê; các ngài đi qua Phygia, Galat, Trôa và xuống Macêđônia. Nhờ đó Tin Mừng được toả lan. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca , “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!”.
Anh Chị em,
“Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước!”. Thế gian ghét Chúa Giêsu? Đúng thế! Họ ghét Ngài hơn ghét một tên cướp, họ xin quan tổng trấn tha cho Baraba. Tại sao ? Vì Ngài đã nói cho họ sự thật về Thiên Chúa, về chính mình và về con người. Ngài chấp nhận tất cả và cứ tìm dịp để yêu thương, yêu cho đến chết trên thập giá. Cuối cùng, tình yêu của Ngài đã chiến thắng; tình yêu là tiếng nói cuối cùng, vì tình yêu mạnh hơn sự thù ghét và mạnh hơn sự chết. Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho nhân loại, một nhân loại thù ghét Ngài. Lời Chúa hôm nay thật an ủi ! Giữa một thế giới thù ghét Thiên Chúa; nhưng, như Chúa Giêsu, với trái tim yêu thương, chúng ta luôn tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục yêu thương, tha thứ. Với sự trợ lực của Ngài, sẽ không trở ngại nào là quá lớn đối với chúng ta; chính Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Điều quan trọng là chúng ta cứ tập trung vào việc mở mang Nước Chúa, thực hiện ý nguyện yêu thương; phó thác cho Chúa, và ‘Ngài sẽ lo phần còn lại!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết điều gì khiến con mất ngủ, điều gì khiến con trỗi dậy lo lắng. Xin giúp con ôm lấy thập giá đời con như Chúa đã ôm lấy thập giá đời Ngài; để ngày kia, như Ngài, thập giá của con cũng nở hoa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: