Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một phần không thể thiếu - Vị khách ngọt ngào của linh hồn!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU

 

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.

 

Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú dữ ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha ngồi chứng kiến con cái Ngài vui mừng chết; các tín hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở khi sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể giữ họ lại. Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống một chứng nhân!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống một chứng nhân!”. Đó cũng có thể là nội dung của Tin Mừng hôm nay. Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ những gì sẽ xảy đến, “Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”; và còn hơn thế nữa!

 

Rất có thể, khi nghe Chúa Giêsu nói về việc họ sẽ bị trục xuất khỏi hội đường, và thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều đó có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút ; cũng rất có thể, họ chỉ nghe qua mà không quá lắng lo !Thế nhưng, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con, để khi đến giờ họ hành động, các con nhớ lại, là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có thể tin chắc,đến giờ bị bách hại, các tông đồ đã bình tĩnh và can đảm hơn trước thập giá đang chờ đợi họ, ‘một phần không thể thiếu’mà Thầy của họ đã báo trước. Và điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng và mất niềm tin.

 

Thế nhưng,điều thú vị ở đây lại là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói với họ, hãy chống trả, hãy bạo động, hay chuẩn bị vũ trang… Thay vào đó, thật tuyệt vời, Ngài nói với họ về Chúa Thánh Thần! Rằng, Thánh Thần sẽ đảm đang mọi sự; Ngài sẽ dẫn dắt họ, và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ nét nhất, có thể là tù đày, và cũng có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Vì vậy, Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng; để củng cố, đỡ nâng,hầu làm chứng cho Ngài. Và một khi điều này bắt đầu xảy ra, các môn đệ biết cậy trông tuyệt đối vào Chúa Thánh Thần.

 

Anh Chị em,

 

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường”; và còn hơn thế nữa! Chính Chúa Giêsu đã trải qua các điều ấy.Ngài đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha; cũng vậy, bách hại, bắt bớ là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài; đó cũng là lúc chúng ta nên giống Thầy mình. Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, tình yêu đã chiến thắng; Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Từ đó, Ngài trở nên Đấng Cứu Độ ! Với chúng ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm của mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ.

 

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ đang ở trong chúng ta; Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta mạnh mẽ vượt qua mọi sự với trái tim tràn đầy yêu thương,và mỗi người tiếp tục trở nên những chứng nhân của Tin Mừng. Hãy để những hy sinh bên ngoài và bên trong này trở thành cơ hội nuôi dưỡng niềm hy vọng và lòng tín thác của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần. Được như thế, mỗi ngày, chúng ta khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm nhìn trời,nhìn ngưỡng cửa thiên đàng, nhà của Cha mình; ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đang mở rộng vòng tay chờ đón mỗi người! Vậy, hãy tin cậy Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, khi mỗi con đứt hơi vì thập giá bên ngoài và bên trong, xin cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì biết rằng, thập giá là ‘một phần không thể thiếu’ để con nên thánh!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

VỊ KHÁCH NGỌT NGÀO CỦA LINH HỒN

 

“Thầy sẽ sai Ngài đến với các con!”.

 

Dwight Morrow, cha của Anne MorrowLindbergh, sau này là một nhà văn rất nổi tiếng, từng tổ chức một bữa tiệc tối mà Calvin Coolidge được mời.Sau khi Coolidge rời đi, Morrow nói với những khách còn lại,“Coolidge sẽ trở thành một tổng thống tốt”. Những người khác không đồng ý;họ bảo, Coolidge quá trầm lặng và thiếu cá tính .Anne, lúc đó sáu tuổi, lên tiếng, “Cháu thích ông ấy”. Sau đó, cô bé đưa một ngón tay lên với một miếng băng nhỏ chung quanh. “Ông ấy là người duy nhất trong bữa tiệc hỏi về ngón tay bị đau của cháu”; “Đó là lý do tại sao ông ấy sẽ là một tổng thống tốt”. Anne nói thêm, “Với cháu, ông ấy là vị khách ngọt ngào của linh hồn!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ông ấy là vị khách ngọt ngào của linh hồn!”. Một sự trùng hợp thú vị khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một vị khách mà lắm lúc chúng ta bỏ lỡ trong cuộc sống ! Đây không phải là một vị khách bình thường, hoặc như Coolidge, sau này là tổng thống thứ 30 của Mỹ,nhưng là “Vị Khách” Chúa Phục Sinh sai đến;đó là Chúa Thánh Thần, ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn!’.

 

Chưa bao giờ có ai trong chúng ta được đặc ân thấy Chúa Giêsu theo cách các tông đồ thấy; nhưng như các ngài, chúng ta có Chúa Giêsu luôn ở bên mình; đồng thời, có cùng một đặc ân khác nữa,là nhận được dẫy đầy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Điều này thật là tốt; rất tốt. Nhưng đó là một điều tốt mà chúng ta thường bỏ lỡ;‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ xem ra chưa có một nơi cư ngụ xứng đáng trong mỗi người chúng ta. Bằng chứng là cuộc sống của chúng ta chưa được Ngài biến đổi; và dường như Ngài vẫn còn xa lạ với linh hồn.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến Đấng Bảo Trợ mà Ngài sẽ sai đến với các tông đồ. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta thông phầnmột tình bạn mật thiết với Chúa Thánh Thần.Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hầu mỗi người trở nênmột tạo vật mới; ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức để trở nên một dũng sĩ mới. Chúa Thánh Thần là người thợ tạonên sự thánh khiết nơi chúng ta; là Thầy Dạy và là Đấng ủi an nhất là khi chúng ta gặp gian truân.

 

Chính Ngài, ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ sẽ là bạn đồng hành với chúng ta suốt cả cuộc đời; đặc biệt trong những lúc tăm tối.

 

Câu chuyện của bài đọc thứ nhất hôm nay là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài. Sau một trận đòn chí mạng, Phaolô và Sila bị giam vào ngục sâu nhất, nhưng “Vào quãng nửa đêm, hai ông hát thánh ca, cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát”. Bỗng, động đất xảy ra, xiềng xích vỡ tung. Viên cai ngục chạy vào, toan tự vẫn vì tưởng hai ông đã trốn thoát; nhưng Phaolô và Sila kịp trấn an. Câu chuyện kết thúc một cách thần diệu với việc viên cai ngục và gia đình ông đáp lại lời giảng của Phaolô! Ông đưa hai ngài lên nhà, dọn bữa; ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa. Như thế, rõ ràng, Chúa Phục Sinh và ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’đã viếng thăm những kẻ Ngài yêu thương ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất của họ. Từ đó, Phaolô và Sila có thể tiếp tục tán tụng Chúa như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành!”.

 

Anh Chị em,

 

“Thầy sẽ sai Ngài đến với các con!”.Còn chưa đầy hai tuần nữa, chúng ta sẽ cử hành trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đây là lễ kỷ niệm hàng năm về việc Chúa Giêsu thực hiện lời hứa của Ngài. Hôm nay và những ngày sắp tới, hướng về ngày lễ Chúa Thánh Thần, ước gì chúng ta biết dành thời giờ nhiều hơn để suy gẫm và tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Thần. Hãy khiêm tốn thừa nhận, bạn đang rất cần Ngài; Ngài phải trở nên sống động hơn trong cuộc sống bạn. Hãy xác tín, Chúa Giêsu muốn bạn tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong sự sung mãn của Ngài; đừng ngần ngại để sự kết hợp này diễn ra. Được như thế, chắc chắn ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn " sẽ biến đổi bạn, Ngài sẽ tạo nên một sự khác biệt cho linh hồn bạn!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin thổi bùng ngọn lửa yêu mến trong con;đốt cháy những gì là bợn nhơ, hầu linh hồn con trở nên thánh khiết, xứng đáng làm nơi Ngài ngự!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)