Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm - Khao khát và mong muốn nhiều hơn thế
TỘI LỖI CÓ THỂ LÀM ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU THÊM SÂU ĐẬM
“Con có yêu mến Thầy không?”.
Joséphine, một phụ nữ xinh đẹp mà Napoléon say đắm. Năm 1795, hai người phải lòng nhau; tháng 3 năm sau, họ thành hôn! Napoléon đắm đuối trong cuộc tình; nhưng xem ra, Joséphine chẳng mấy rung cảm với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Phải chăng, chỉ vì quyền lực và địa vị! Ngay sau đám cưới, Napoléon viễn chinh Italy; Joséphine gần như công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, là Trung Uý Hippolyte Charles. Vậy mà năm 1804, tức 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, Joséphine được triệu vào cung, được phong tước “Hoàng Hậu”. Câu hỏi đặt ra, tại sao một phụ nữ phản bội đến thế lại được đón nhận như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Một học giả chuyên về Napoléon nói, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu cũng quên hết quá khứ của Phêrô. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài hỏi Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?”. Ngài hỏi đến ba lần! Hẳn Chúa Giêsu không cần Phêrô xin lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ba lần. Như vậy, thông điệp Lời Chúa thật rõ ràng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”.
“Ba” cũng là con số của sự hoàn hảo. Ví dụ, khi tuyên xưng Thiên Chúa là “Thánh, Thánh, Thánh”, biểu thức ba lần này nói lên rằng, Thiên Chúa là Đấng Thánh Khiết nhất. Vì thế, khi trả lời Chúa Giêsu ba lần, “Con yêu mến Thầy”, Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo những cách sâu xa nhất; ba lần bày tỏ tình yêu thay cho ba lần từ chối tình yêu! Điều này tiết lộ một nhu cầu của chúng ta là phải yêu mến Thiên Chúa và tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách “gấp ba lần”. Hãy để Chúa Giêsu hỏi chúng ta ‘ba lần với một câu hỏi’; và biết rằng, Ngài không hài lòng với câu trả lời giản đơn, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa! Ngài muốn chúng ta bày tỏ tình yêu một cách sâu sắc nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!” Đây phải là câu trả lời cuối cùng!
‘Ba lần với một câu hỏi’ cho chúng ta cơ hội biểu lộ lòng khát khao cháy bỏng của mình đối với lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều phạm tội; đều phủ nhận Thiên Chúa cách này, cách khác. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”. Ngài không ngồi và giận dỗi; Ngài không bĩu môi, cũng không viết tội của chúng ta trên trán mỗi người. Nhưng Ngài đòi chúng ta phải có một sự đau buồn chân thành và một sự hoán cải hoàn toàn từ trong trái tim, Ngài muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, chính Ngài đã hiến thân chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; tội lỗi và sự chết không có quyền trên Ngài; Ngài đã sống lại và vẫn sống! Trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, tù nhân Phaolô đã xác tín điều đó. Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”.
Anh Chị em,
“Con có yêu mến Thầy không?”. Hãy dành thời giờ, lặp đi lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của chính chúng ta đối với Chúa Giêsu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Ngài. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn đối với Thiên Chúa theo cách gấp ba lần. Hãy để nó trở nên sâu sắc, chân thành và không đổi thay. Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng gấp trăm lần. Đừng sợ vì sự bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa nào ai xứng đáng! Hãy đến với Chúa dù chúng ta có thế nào đi nữa, hãy đến kín múc ân sủng thứ tha của Ngài. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và Chúa cũng biết con yếu đuối thế nào. Xin biến đổi con, hầu con có thể dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
KHAO KHÁT VÀ MONG MUỐN NHIỀU HƠN THẾ
“Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”.
Charles Swindoll nói, “Hãy coi Thánh Kinh như một bản đồ chính xác tuyệt đối. Nó cho bạn biết cách đi đến một điểm đến nhất định. Nhưng chỉ nhìn vào bản đồ, sẽ không tự động giúp bạn khám phá Arizona, Anh hoặc Peru. Để đến được đó, khám phá nó, bạn phải nỗ lực, trả chi phí, dành thời gian cho việc di chuyển; ở lại… đồng thời, ‘khao khát và mong muốn nhiều hơn thế!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng ‘Khao khát và mong muốn nhiều hơn thế’ của Charles Swindoll cũng là những gì chúng ta rút ra từ câu nói cuối cùng của Tin Mừng thứ tư hôm nay. Nói đến những việc Chúa Giêsu đã làm, Gioan cho biết, “Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Đây là một câu nói không thường xuyên được nghe, nhưng là một câu nói tiết lộ một số hiểu biết rất thiết thực!
Phúc Âm không bao giờ cung cấp đủ kiến thức về Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Thiên Chúa; nhưng cũng chính lý do đó mà chúng ta cần phải ‘khao khát và mong muốn nhiều hơn thế!’. Tất cả những gì chúng ta biết về cuộc đời của Chúa Giêsu đều có trong các Phúc Âm; nhưng làm thế nào với chỉ bốn cuốn ngắn gọn, lại có thể mô tả toàn bộ con người của Ngài? Chắc chắn, đó là điều không thể! Để làm được điều này, như Gioan nói, “Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Thực tế này nói lên nhiều điều! Trước hết, sự hiểu biết chúng ta rút ra từ lưu ý của Gioan là, chúng ta biết ‘chỉ một phần rất nhỏ’ về cuộc đời thực sự của Chúa Kitô. Những gì chúng ta biết thật tuyệt vời! Nhưng bên cạnh đó, ‘còn rất nhiều điều’ chúng ta chưa biết! Nhận thức này sẽ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng những khắc khoải, quan tâm, ‘khao khát và mong muốn nhiều hơn thế!’. Ý thức sự ít ỏi đến mức nào trong việc hiểu biết này đòi buộc chúng ta, thúc bách chúng ta, phải tìm kiếm Chúa Giêsu nhiều hơn, và nhiều hơn nữa!
Cái nhìn sâu sắc thứ hai có thể rút ra từ nhận định của Gioan là, mặc dù vô số sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu không thể chứa đựng trong vô vàn cuốn sách; nhưng chúng ta vẫn có thể khám phá Ngài với những gì ẩn chứa trong Thánh Kinh. Có thể chúng ta không biết mọi chi tiết về cuộc đời của Chúa Giêsu; phải! Nhưng thật kỳ diệu, chúng ta có thể gặp gỡ Ngài, tiếp xúc Ngôi Lời Thiên Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Thể! Chúng ta có thể tiếp cận Ngài, và Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần! Điều chúng ta cần, là một kiến thức ‘ngày càng đào sâu hơn’ về Ngài trong cầu nguyện, trong việc sống Lời Chúa, và nhất là trong việc ngày càng nên giống Ngài. Đồng thời, với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta tiếp tục công việc của Ngài nơi trần gian với tư cách một chứng nhân. Phaolô, trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, đã đóng một vai trò như thế. Suốt hai năm, “Phaolô tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ nhiều điều về Chúa Giêsu Kitô cách dạn dĩ”.
Anh Chị em,
“Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Và cho dù cả thế giới có thể chứa hết các sách viết về Chúa Giêsu thì việc bạn biết Chúa Giêsu sâu sắc đến thế nào? Một câu hỏi hết sức thú vị! Điều quan trọng là chúng ta có dành đủ thời gian để đọc Thánh Kinh và suy gẫm những gì Chúa đang ban cho chúng ta không; và quan trọng hơn, Lời Chúa có tạo nên một sự khác biệt nào nơi chúng ta không? Nghĩa là, chúng ta có được biến đổi bởi Lời Ngài không? Đó là những câu hỏi vô cùng quan trọng! Ước gì, chúng ta ngày càng biết khát khao Chúa Giêsu hơn, tìm cách học biết và yêu mến Ngài hơn; ý thức sự hiện diện thường xuyên hơn với Ngài, ‘khao khát và mong muốn nhiều hơn thế!’. Tắt một lời, hãy để cho linh hồn bạn được khát khao Chúa Giêsu; và bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng, Ngài cũng đang rất khao khát linh hồn bạn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con khát khao Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Và việc biết Chúa đồng nghĩa với việc con phải biến đổi; hầu con chỉ muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: