Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ .

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

TỪNG NGƯỜI “TÌNH” BỎ TA ĐI NHƯ NHỮNG DÒNG SÔNG NHỎ ...

 

            Mới sáng sớm, nhận được tin chả vui : Linh mục Phaolô Lê Văn Nhẫn về nhà Cha.

 

            Mới chiều hôm qua, trong câu chuyện  với người anh kết nghĩa, anh em có nhắc nhau về Cha Phaolô quý mến. Cha Phaolô lớn hơn tôi mấy tuổi nên rồi mỗi khi gặp trực tiếp hay trao đổi qua điện thoại, vẫn là anh anh em em ... cách thân tình.

 

            Anh Phaolô là bộ đội phục viên, anh lăn xả nhiều trong xã hội để rồi có kinh nghiệm cũng như những mối tương quan cần thiết cho cuộc sống. Nhiệt tình và bộc trực cũng như khiêm hạ là cung cách sống mà những ai đã từng tiếp xúc với Anh đều nhận ra nơi con người của Anh. Anh đã dâng hiến cuộc đời của Anh cho những người nghèo cách trọn vẹn. Những họ đạo nghèo vẫn còn ghi dấu hình ảnh cũng như tấm lòng của Anh.

 

            Tôi, như duyên phận cũng đã gắn bó với Anh non kém 15 năm ròng. Từ những ngày ở Giồng Quýt, Giồng Ổi Anh mời về chia sẻ. Rồi đến Cái  Bông Anh cũng không quên mời. Những ngày tang Lễ của ba tôi, dù không được báo nhưng Anh vẫn đến nhà dâng Lễ tại gia cầu cho người thân yêu nhất của tôi đã qua đời.

 

            Vậy đó, tình người, tình anh em linh mục gắn kết với nhau có vậy.

 

            Cách đây ít lâu, anh em vẫn tâm sự, chia sẻ với nhau về những thao thức về Giáo Hội, về những chia sẻ và cố gắng của hai anh em. Ấy vậy mà, giờ đây Anh đã đi xa. Anh về Nhà Cha nơi Anh hằng mong đợi và Anh không còn phải khắc khoải những lo toan của bụi trần cũng như không còn những cơn đau của bệnh tật dằn vặt nữa.

 

            Anh, như một người “tình” (tình anh em, tình thân hữu, tình linh mục) đã bỏ tôi, bỏ người thân ra đi.

 

            Vài ngày gần đây, tang chế thật nhiều với tôi và nhiều người thân quen khác đã đến.

 

            Bà Anna, người thân yêu đã đóng góp phần mình để nuôi dưỡng ơn gọi linh mục.

 

            Cha Giuse, một linh mục đam mê với những cổ vật.

 

            Cha G. B., một linh mục cả đời gắn kết đời mình với người nghèo vùng miềng Trung nóng cháy da người.

 

            Bà Maria, người thân quen của người em kết nghĩa ...

 

            Những người “tình” đã lặng lẽ rời xa cuộc đời này cũng như từ nay chúng ta không còn gặp họ trên phương diện thể lý nữa.

 

            Nhớ lại những ngày này của năm trước. Có quá nhiều người “tình” đã ra đi trước chúng ta giữa cơn đại dịch.

 

            Cha Cố Giuse Trần Ngọc Thao (mà chúng ta vừa tưởng nhớ Ngài ra đi 1 năm) trong Thánh Lễ cầu nguyện vừa qua. Rồi kế đến là ông bà Cố của 2 Cha Phú (Cha GioaKim Hà Ngọc Phú và Cha Anphongso Đinh Khắc Phú) cùng nhiều linh mục và những người thân quen khác nữa. Cứ nhắc tới và nghĩ tới thì lại thấy đau  và buồn bởi lẽ các đấng bậc ra đi trong thời điểm của đỉnh dịch đó thì tang Lễ diễn ra trong bầu khí trầm buồn.

 

            Cuộc đời này nó quá ồn ào và náo nhiệt để rồi nhiều khi ta quên đi cái thân phận của mình, cái thân phận có ngần và có hạn.

 

            Nhìn những người “tình” của ta ra đi, ta lại nghĩ đến cái phận người quá hạn hẹp của chúng ta.

 

            Mẹ tôi, mới đó mà đã đi xa 28 năm

 

            Cha tôi, 4 năm rồi mỗi khi về nhà không còn gặp mặt Cha nữa.

 

            Và tôi, chả biết ngày nào rồi cũng đi xa và đoàn tụ với những người thân yêu.

 

            Trong cuộc sống, trong những bài chia sẻ, tôi vẫn thường hay nói về phận người, về cái con người mong manh. Chả phải là tôi nói gỡ hay tôi sắp ra đi nhưng khi nói như vậy tôi nhắc nhớ bản thân tôi bớt đi cái tham sân si trong cuộc đời.

 

            Thật thế, mỗi lần đứng trước phòng chia tay ở trung tâm hỏa táng hay nơi huyệt mộ của người “tình” của chúng ta thì chúng ta cũng được nhắc nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng phải vào đây chứ không còn con đường nào khác. Thử hỏi có ai thoát khỏi cái chết trong cuộc đời này không ? Có điều người ta ngại hay tránh nhắc đến đó thôi.

 

            Thánh Vịnh 89 ở trong kinh sách ngày hôm nay cũng đã nhắc lại cho chúng ta cái phận người chứ chả cần đâu xa :

 

4 Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

 

5 Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trỗi mọc ban mai, *
6 nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

 

7Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,
nổi trận lôi đình : thấy mà khủng khiếp ! *
8Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài,
lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ.

 

9Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.

 

10 Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, *
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

 

11Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,
trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên ? *

 

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

 

            Vâng ! Nhìn những người “tình” của chúng ta ra đi, ta không quên cầu nguyện cho họ và cho chính cả chúng ta bởi lẽ một ngày nào đó ta cũng ra đi để lại bao người thân thương như vậy. Ta cũng xin Chúa cho chúng ta luôn biết đếm tháng ngày ta sống để ngõ hầu tâm trí ta được khôn ngoan. Khôn ngoan ở đây là khôn ngoan theo cách lối của con cái Thiên Chúa để dọn tâm hồn để sao khi qua đi ta có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa.

 

Lm. Anmai, CSsR