Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một niềm vui không cần khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc - Sự hồn nhiên của trái tim

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT NIỀM VUI KHÔNG CẦN KHỞI ĐẦU, CŨNG CHẲNG CÓ KẾT THÚC

 

“Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó!”.

 

“Niềm vui”, tiếng Anh là “JOY”, có thể mang một ý nghĩa hết sức ý vị! “J”, JESUS, Giêsu; “O”, OTHERS, tha nhân; và “Y”, YOU, bạn ! Để có niềm vui đích thực, ưu tiên số một, phải là Giêsu; thứ đến, tha nhân; và sau cùng, mới là bạn! Đó là ‘một trật tự bất di bất dịch’ trong hành trình tìm kiếm kho tàng tâm hồn, tìm kiếm niềm vui của người môn đệ, ‘một niềm vui không cần khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc!’. Không có trật tự này, niềm vui chỉ là ích kỷ, lạm dụng và thế tục!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay không trực tiếp nói đến niềm vui, nhưng nói đến kho tàng; một cái gì đó bảo đảm cho con người sống trong hạnh phúc! Thế nhưng, điều quan trọng, kho tàng này là gì, vốn sẽ sản sinh niềm vui nào? Đó là kho tàng tạm bợ cống hiến niềm vui chóng qua; hay kho tàng vĩnh cửu tặng trao niềm vui đời đời, ‘một niềm vui không cần khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc!’.

 

Trái tim con người được tạo ra cho những lời hứa về hạnh phúc và về một kho tàng an toàn vì niềm vui mà nó mang lại! Nhưng vấn đề căn bản là, cho loại kho tàng nào mà mỗi người chúng ta sẽ giao phó trái tim và bản thân mình? Thông thường, chính “Cái Tôi” bên trong sẽ quyết định phải tìm kiếm kho tàng nào! Theo bản năng, hành trình tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui của chúng ta khởi đầu là “Cái Tôi”. Nếu “Tôi” trên hết và trước hết, nó sẽ khiến chúng ta suy nghĩ và hành động theo bản năng! Điều này sẽ đảo lộn trật tự của việc tìm kiếm ! Chúa Giêsu cảnh báo về những kho tàng giả tạo đang giằng xé trái tim chúng ta; đó là những kho tàng trần gian. Dĩ nhiên, chúng lần lượt sẽ bị tước khỏi tay chúng ta. Lúc chúng ta cần sự giúp đỡ nhất, thời điểm chúng ta đi về cõi vĩnh hằng, những thứ này chẳng giúp gì; đúng hơn, chúng phản bội ! Người Tây Ban Nha có một ngạn ngữ rất thực tế, “Không có túi nào trong tấm vải liệm!”. Vậy mong muốn sâu sắc nhất của tôi là gì, một kho tàng tạm thời hay vĩnh cửu?

 

Chúa Kitô ban cho chúng ta một kho tàng duy nhất xứng với trái tim, một kho tàng sẽ không phản bội, nhưng đồng hành với chúng ta xuốngnấm mồ và vượt qua ngưỡng cửa sự chết để đến sự sống vĩnh cửu. Kho tàng đó là gì? “Jesus and Others”, “Chúa Kitô và Tha Nhân”, nghĩa là tất cả hành động tốt lành cho tha nhân mà chúng ta làm vì lợi ích của Ngài! Chỉ khi sống cho Chúa Kitô và cho tha nhân, chúng ta mới có thể sở hữu kho tàng Giêsu, vốn đủ phong phú để thoả mãn trái tim và linh hồn. Chỉ kho tàng nàymới có thể tồn tại cho đến muôn đời, và chúng ta sẽ đắm chìm trong Ngài,‘một niềm vui không cần khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc!”.

 

Thật thú vị, bài đọc Các Vua hôm nay cũng nói đến một kho tàng mà Israel đã chọn cho mình, cho dân tộc mình; họ chọn Thiên Chúa! Sau khi tư tế Gioiađa đặt vương miện lên đầu vị tân vương, ấu chúa Gioas, “Ông ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với vua và dân, để họ trở nên dân Chúa”. Và thật bất ngờ, Thánh Vịnh đáp ca cho biết một điều ngược lại,không phải họ chọn Chúa, chính Chúa chọn họ, “Chúa đã chọn Sion, đã thích lấy chốn này làm nơi Người ngự!”.

 

Anh Chị em,

 

“Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó!”. Lời Chúa tự vấn lương tâm chúng ta, chúng ta đang chạy theo cái gì? Chúa Giêsu là kiểu mẫu ! Cả cuộc sống và cái chết  của Ngài cho biết kho tàng đích thực của Ngài là gì, “Thiên Chúa và con người”. Hôm nay, hãy suy gẫm về những điều mà bạn có thể đã coi đó là “kho tàng” quá lớn trong đời mình! Điều gì mà bạn quá lưu luyến trong một thế giới đang ‘tan chậm’ này? Đó có phải là tiền của không? Hay là một cái gì khác? Hãy lặng thinh, chìm sâu vào trong, và để Chúa Thánh Thần chỉ cho bạn; sau đó, cho phép Ngài giải thoát bạn khỏi mọi ràng buộc đó. Đây là bước đầu tiên hướng bạn tới một cuộc sống giàu có nhất, hạnh phúc nhất; bởi lẽ, bạn sắp sở hữu một niềm vui lớn nhất có tên Giêsu, ‘một niềm vui không cần khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ước gì niềm vui của con luôn theo ‘một trật tự bất di bất dịch’ vốn bắt đầu từ Giêsu; có như thế, con không sống theo bản năng, có chăng, cũng là ‘bản năng thánh thiện!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***************

 

SỰ HỒN NHIÊN CỦA TRÁI TIM

 

“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta thử mượn cho mình đôi mắt của trẻ thơ, hầu có thể nhìn xem và thán phục cách Thiên Chúa ‘cho chim trời ăn’, và cách Ngài ‘phục sức’ cho từng đoá huệ ngoài đồng! Với những hình ảnh đơn sơ này, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta đào tạo cho mình‘sự hồn nhiên của trái tim’; để từ đó, có thể nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự. Bởi lẽ, tất cả đều phát xuất từ tấm lòng từ ái của một hiền phụ nơi Ngài!

 

Hãy để cho những thực tế về sự chăm sóc của Cha trên trời đối với những tạo vật phù du này ngấm sâu vào lòng chúng ta ! Hãy để cho những bức tranh tuyệt vời này thúc giục đôi mắt tâm hồn chúng ta nhìn ra các tạo vật mà tin cậy vào sự quan phòng yêu thương vô bờ của Ngài! Từ những vật thể cỏn con cho đến những vận hành vĩ đại trong vũ trụ, bàn tay Ngài sắp đặt tất cả một cách trật tự. Điều cần thiết là chúng ta hãy suy gẫm cách thức Ngài chăm chút đến từng sinh vật nhỏ bé vốn chỉ đáng giá một vài đồng xu này! Từ đó,ngẫm xem làm sao Ngài lại không để mắt đến chúng ta, những con trai con gái như những công trình huy hoàng tột bậc của Ngài; những con người mà Ngài sẵn sàng để Con Một đến, đổ máu, chết thay cho họ trên thập giá!

 

Chúa Kitô đã thực sự thâm nhập vào ‘nguyên nhân cốt lõi’ của những lắng lo và băn khoăn vốn thường nuốt chửng và vùi dập chúng ta; đó là một đức tin còn quá ít ỏi nơi chúng ta ! Không chỉ ít đức tin; thậm chí,chúng ta còn quá hời hợt trước sự quan phòng của Cha trên trời. Hãy cám ơn Chúa vì sự kiên nhẫn của Ngài ,hãy cho phép tấm lòng hiền phụ nơi Ngài thấm sâu linh hồn.Chính sự thấm sâu này, nhận thức này, sẽ đào tạo một‘sự hồn nhiên của trái tim’, hầu chúng ta có được đôi mắt trẻ thơ, vốn luôn kinh ngạc và thán phục trước muôn việc kỳ diệu Ngài làm.

 

Thật trùng hợp, sách Biên Niên Sử hôm nay một lần nữa cho thấy sự kiên nhẫn đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Tư tế Gioiađa mất, các thủ lãnh Giuđa làm xiêu lòng vua, “Họ bỏ phế đền thờ để bái lạy những cây cọc thiêng và các tượng thần”. Thiên Chúa lần lượt sai các ngôn sứ đến để đưa họ về với Ngài; Dacaria bảo họ, “Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi!”. Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể bỏ dân Ngài! Ngài vẫn hoàn tất lời đã hứa với các tổ phụ, với Đavít. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở!”.

 

Anh Chị em,

 

“Hãy nhìn xem chim trời!”; “Hãy ngước nhìn cánh huệ!”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lắng nghe và đưa mắt ngắm nhìn những thực tại bé bỏng thường nhật này. Những cánh hoa lắc lư trước gió, những chú chim ca hót, múa nhảy đùa vui thật hồn nhiên và vô tư! Mặc cho mưa hay nắng, hạ hay thu; mặc cho bạn vui hay buồn. Cũng thế, nếu mỗi người chúng ta ý thức thực sự rằng, tôi đang được Thiên Chúa yêu thương, canh cánh bên lòng, thì bạn và tôi hẳn cũng sẽ có được ‘sự hồn nhiên của trái tim’ để nhận ra Ngài đang chăm sóc tôi đến từng chi tiết, độc đáo, trên từng chặng đường khác nhau của đời mình. Vì thế,hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, mắt hướng về thập giá Chúa Kitô, níu lấy Ngài,bạn và tôi cứ điềm nhiên bước đi và vui sống!

 

Anthony Fortosis nói, “Hãy chiêm ngắm Giêsu, vị Chúa làm người; những gì cao quý nhất, cao cả nhất đã trở thành hiện thân của khiêm tốn và giản dị ! Hãy mục kích cách Ngài cư xử với các tội nhân, những người nghèo và các em bé; qua đó, ‘sự hồn nhiên của trái tim’ Ngài thể hiện!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin đừng để một ai, một điều gì làm mất sự hồn nhiên trong trái tim con; nhờ đó, con có thể nhìn thấy mọi sự với đôi mắt của trẻ thơ; ở đó, chỉ có ngạc nhiên và thán phục!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)