Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Còn đó những nỗi lo

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

 CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

 

               “Mấy hôm nay trên Cha có mưa không Cha ?”.

 

               Biết và cảm cho vùng đất hiếm mưa dư nắng này để rồi nhiều người thân quen hỏi thăm. Trả lời như thế nào đây khi khí hậu nơi cái vùng nóng này quá khắc nghiệt.

 

               Mỗi lần đi đâu đó công việc về, rơi xuống cái đèo là nỗi ám ảnh về khí hậu lại trào dâng. Chả hiểu sao cái vùng này nắng bao dư mà mưa thì không có. Chính vì lẽ đó mà đời sống của người dân ở đây ngày càng cơ khổ. Khổ đến nỗi mà họ cũng chả còn thiết gì đến kêu than.

 

               Ra chợ thì thấy rõ, hàng quán cứ thu gọn dần và có những người không trụ nổi nữa như cái chị bán thịt bò bên vệ đường nay đóng cửa. Chàng thanh niên bán thịt heo đối diện quầy của chị cũng không trụ nổi nữa nên cùng chị theo gót.

 

               Giữa chợ, có cái hàng bánh lọt là món khoái khẩu nhất nay cũng thưa dần ngày bán. Nếu như trước đây thì lâu lâu mới nghỉ thì nay lâu lâu mới bán. 2 chỗ còn lại bán chè đậu trắng cũng đi chung số phận. Ế quá và ít người mua nên họ đành phải đóng cửa chứ chả lẽ bán mà lại chả có người mua.

 

               Tội nhất có lẽ là bà già ngồi bên vệ đường với cái mẹt bánh tét. Dạo này chẳng còn thấy bà nữa vì bà bị ế. Có những hôm cần mua thêm thứ gì nên ra chợ trễ mà thấy bà vẫn còn đó để bán những chiếc bánh tét cuối cùng.

 

               Vì điều kiện cũng như khả năng kinh tế ngày một yếu dần để rồi sức mua ngày giảm bớt. Cái nghèo dường như nó cứ bám víu không chịu buông tha những người ở đây.

 

               Người Kinh đã như thế huống hồ chi là người đồng bào. Cái khổ và cái khó nó cứ như ôm chầm lấy họ. Nghèo và khổ quá nên rồi cái chuyện đi tìm con chữ là chuyện hơi lớn. Cứ học đến lớp 9 lớp 10 lại bỏ họ đi tìm kế sinh nhai. Sỉ số học sinh cứ giảm dần ở những năm cuối cấp.

 

Thật ra mà nói thì dù có học cao đi chăng nữa thì về đây cũng chả biết việc chi để làm. Cũng có đứa ráng học đó chứ ! Thế nhưng rồi cuối cùng cũng trở về làng với mảnh ruộng miếng rau.

 

Khi tiếp xúc gần thì càng cảm được cái khổ cái nghèo của con cái.

 

Sáng nay, có đứa thiệt thà nói : “Ma ơi ! Tụi con có người không có tiền để đổ xăng đó ma !”

 

Có người ngại khoèo người nói ý là nói ra như vậy làm phiền ma phải lo.

 

Chuyện là để giúp các em giáo lý thì cần phải di chuyển từ trong làng ra nhà thờ, mà cuộc sống khổ quá nên có khi đành chịu. Đứng trước tình cảnh đó thì nói luôn : “Thôi thì hoàn cảnh nào khó khăn thì ma xin chia sẻ !”

 

Có cái nguồn nào cố định đâu để mà chia ! Thế nhưng rồi chả lẽ lặng im trước những mảnh đời như vậy. Họ đã dành thời gian đến để giúp cho các em quả là quý rồi. Trong khi đó cuộc sống của họ vẫn còn đó những nỗi lo. Có khi mình không ở trong hoàn cảnh của họ thì mình không hiểu thôi. Chỉ khi nào mình ở trong vị thế của họ thì mình sẽ cảm thấu hơn.

 

Và cũng sáng nay, xin mời anh chị Giáo Lý Viên mỗi người nhận 1 túi gạo như là phần chia sẻ. Thương lắm khi có người nói : “Ma ơi ! Phần đó ma dành cho người nghèo mà !”

 

Họ cũng là người nghèo nhưng họ lại nghĩ đến những người nghèo hơn.

 

Với những gia đình khá giả hay đủ ăn đủ mặc và đủ chi phí xăng cộ thì chả có gì để nói. Với những người rơi vào cảnh khó khăn thì thật sự đây là một vấn đề thực tế.

 

Đôi khi trong cuộc sống mình ở cao quá, mình ở xa quá để rồi mình không cảm thấu được với những người nghèo.

 

Trong một lần sinh hoạt của giáo phận kia, một linh mục đứng lên đưa ra câu hỏi : “Dạ thưa Đức Cha ! Xin Đức Cha cho con hỏi Đức Cha có ngửi thấy mùi chiên và mang lấy mùi chiên chưa ?. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đi ra vùng ngoại biên cũng như mang lấy mùi chiên ...”

 

Một câu hỏi cho ta nhiều suy nghĩ. Có khi ta ở trên cao hay ta chỉ là người nói và nói thật hay còn đời sống của dân chả bao giờ ta hiểu thấu cũng như chả bao giờ mang mùi chiên vào trong mình cả.

 

Giữa cơn sóng xô của cuộc đời, giữa những thử thách của kinh tế và chuyện cơm áo gạo tiền thì phải nói thật với nhau giữ đạo thật khó. Để tham dự Thánh Lễ, để học Giáo Lý hay để sinh hoạt phụng vụ thì đâu phải ai cũng như ai. Mỗi gia đình mỗi cảnh sống nên cực kỳ khó nói.

 

Buổi sáng nọ, sau Thánh Lễ, cùng với một số người vào làng để chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn. Giật thót cả mình khi thấy bạn Giáo Lý  Viên nhiệt tình năng nổ sở hữu cái nhà thua cái chòi của người Kinh nữa. Điều đặc biệt là bạn này luôn nở trên môi nụ cười và dường như hễ nhà thờ cần là có mặt.

 

Vậy đó, dân ở đây là như vậy. Cười và đau nhất là nhà của gọi là Trưởng và Phó Ban Hành Giáo của cái xứ này lại là những người nghèo kinh khủng. Vì lòng nhiệt tâm, họ sẵn sàng nhận trách nhiệm khi được bầu chọn. Mà cũng lạ, ở đây thì ai cũng như ai cơ mà ! Dường như nhà nào cũng nghèo. Hơn nhau là nghèo nhiều hay nghèo ít mà thôi.

 

Chỉ không nghĩ thì thôi, nhớ đến họ thì lại càng thấy bế tắt và cuộc sống dường như không lối thoát. Mới đây, nghe loáng thoáng là một số người bị dụ cho vay nóng và nặng lãi để cuối cùng phải giao đất giao nhà cho người cho vay nặng lãi đó. Cuộc sống của họ đã nghèo nay không còn lối thoát.

 

Dĩ nhiên trong thân phận nhỏ bé cùng với những giới hạn của kiếp nghèo tôi chẳng làm gì được cho họ. Thế nhưng khi cùng sống chung với những mảnh đời như vậy, cái cảm nghiệm, cái dịu cảm của người nghèo đi vào trong cuộc sống của tôi để rồi khi phải chi tiêu thứ gì đó tôi lại dặn lòng mình cần kiệm hơn một chút để có chút gì đó chia sẻ với phận nghèo.

 

Lòng nặng trĩu với những giáo dân nghèo trong xứ đạo.

 

Thương và thương lắm những phận nghèo ơi !

 

Lm. Anmai, CSsR