Một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu - Hổ thẹn sẽ biến thành niềm vui
MỘT KINH NGHIỆM MỚI MẺ VỀ TÌNH YÊU
J.I. Packer nói, “Nếu không có lời giải thích của Thiên Chúa, không ai có thể nhận biết hành động cứu chuộc của Ngài; và người ta tự hỏi, nó có ra để làm gì! Tuy nhiên, thật trớ trêu! Sự mặc khải rõ ràng nhất về Thiên Chúa, công cuộc nhập thể, lại là điều không rõ ràng nhất đối với con người! Ấy thế, một khi hiểu được, con người sẽ có ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Con người sẽ có ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu’ khi hiểu được công cuộc nhập thể!”. Chúa Giêsu nhập thể, chữa lành và cứu độ con người! Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người bại liệt cho thấy, tội lỗi không chỉ làm tê liệt tâm trí và trái tim; nhưng còn làm tắc nghẽn dòng chảy của tình yêu. Giải pháp duy nhất là quyền năng tha thứ của Thiên Chúa, Đấng trả lại cho con người sự tự do đích thực.
“Bại liệt”, biểu tượng của tội lỗi, vốn là công việc của vương quốc bóng tối, nó giam giữ chúng ta trong sự trói buộc vĩnh viễn; tội lỗi làm chúng ta tê liệt hơn bất kỳ một loại ốm đau xác thể, tinh thần nào khác! Người bại liệt hôm nay nói với chúng ta về những người Pharisêu và linh hồn họ nhiều hơn là về người tàn tật mang nó! Chúa Giêsu nhìn thấy sự trì trệ trong lòng những người biệt phái, những người muốn đặt Thiên Chúa vào một chiếc hộp, nơi mà mối quan hệ của họ với Ngài có thể tích chứa đầy đủ địa vị, tiện nghi và ‘cái tôi’. Họ không có và cũng không cảm thấy cần có ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu!’.
Chính chúng ta, có thể cũng đã sống trong những ‘lề thói’ hủ bại của người biệt phái; sống đời sống tâm linh nhưng không chịu điều chỉnh theo yêu cầu của Chúa Thánh Thần. Đang khi với các linh hồn thánh thiện, Chúa Kitô luôn luôn mới; họ luôn được yêu cầu nhiều hơn, và kết quả là, ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu’ từ Chúa Kitô và Thánh Thần đã lấp đầy họ. Tình yêu của họ không bao giờ cũ vì họ từ chối tự mình kiểm soát những gì Chúa có thể làm với họ.
Như Amos, qua bài đọc hôm nay, tố cáo sự cứng lòng của Israel, Chúa Giêsu cũng đã tố cáo sự cứng lòng của những người biệt phái, “Tại sao các ông lại suy tưởng những sự xấu trong lòng?”. Sau đó, Ngài tỏ cho họ thấy một quyền năng không tưởng, “Nói rằng, ‘Tội con được tha rồi’, hay nói ‘Hãy chỗi dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng để các ông biết, trên đời này Con Người có quyền tha tội’. Bấy giờ Ngài nói với người bất toại, ‘Hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà!’. Người ấy chỗi dậy và đi về nhà”. Đó là một tuyên bố đầy thẩm quyền mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện và công bố. Chúa Giêsu không chỉ chứng minh uy quyền của Ngài đến từ Thiên Chúa, nhưng còn cho thấy sức mạnh tình yêu và lòng thương xót của Ngài qua việc chữa lành cả hồn lẫn xác. Ngài giải thoát người bại liệt khỏi gánh nặng tội lỗi và phục hồi thân thể anh; Ngài trả lại cho anh ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu’.
Anh Chị em,
“Hỡi con, hãy vững tin, tội con được tha rồi!”. Một người bại liệt, cần được chữa lành, mà Chúa Giêsu lại tha tội cho anh. Đúng là khó hiểu! Thế nhưng điều này lại chứng tỏ rằng, sức trì kéo của tội lỗi mạnh biết chừng nào; nó có thể đưa chúng ta đến sự bại liệt không chỉ thể xác mà cả khối óc và con tim. Vì thế, một khi con tim biết mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta mới thật sự được tháo cởi khỏi sức nặng của nó. Đó chính là ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu’ mà Chúa Giêsu muốn có nơi mỗi người chúng ta. Ân sủng Ngài mang lại cho chúng ta sự tự do khỏi quyền lực của tội lỗi và khỏi sự trói buộc với những ham muốn và nghiện ngập có hại; ân sủng Ngài cho chúng ta tìm lại các mối tương quan yêu thương. Vậy có điều gì ngăn cản bạn khỏi quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin sức mạnh chữa lành và tình yêu Ngài chạm đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và ký ức sâu thẳm của con; xin phục hồi cho con ‘một kinh nghiệm mới mẻ về tình yêu!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
HỔ THẸN SẼ BIẾN THÀNH NIỀM VUI
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”.
Anthony Fortosis nói, “Thật nghịch lý, Ngài ăn uống với công chúng và tội nhân để họ không chết đói vì tội lỗi của mình! Đấng vô tội đã bị các tội nhân, những kẻ tự cho mình là ‘công chính’ gọi là bất hợp pháp, báng bổ, mê rượu, kẻ háu ăn và gã mạo danh! Đấng Toàn Thánh kết giao với phường tội lỗi để ‘hổ thẹn sẽ biến thành niềm vui’ bởi họ không còn phải thẹn thùng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Người tội lỗi không còn phải thẹn thùng!”, Tin Mừng hôm nay sẽ chứng thực điều đó! Chúa Giêsu bộc bạch, Ngài đến không vì người “công chính”, nhưng vì “kẻ tội lỗi”. Điều này thoạt tiên có thể gây ngạc nhiên! Lẽ ra, phải nói, Ngài đến vì tất cả mọi người, công chính và tội lỗi! Nên trước mặt Ngài, ai nhận mình có tội, sẽ không phải hổ thẹn, vì ‘hổ thẹn sẽ biến thành niềm vui!’.
Đúng! Chúa Giêsu đến vì tất cả mọi người, công chính và tội lỗi; thế nhưng, điều chúng ta cần hiểu là, không ai thực sự công chính; nói cách khác, tất cả mọi người đều là tội nhân cần đến Chúa Cứu Thế. Bằng cách nói không vì “người công chính”, Chúa Giêsu nói đến thái độ tự cho mình là ‘công chính’ của các biệt phái, những người nghĩ rằng, Chúa Giêsu chỉ nên kết giao với những ai không phạm tội. Họ hành động như thể Ngài chỉ nên giao tiếp với họ, và với bất kỳ ai khác, mà ‘cách công khai’, không ai biết họ là tội nhân! Nguyên não trạng đó và thái độ đề cao bản thân để khinh chê kẻ khác cũng đủ khiến hạng cho mình là ‘công chính’ hoá nên kẻ có tội!
Buồn thay, tội của người Pharisêu ‘có tính chất tử tế’ hơn nhiều so với tội lỗi của những người thu thuế và các tội nhân khác! Tội của họ là tội kiêu ngạo tâm linh khi cho mình là ‘công chính’; một người không nhìn thấy tội mình, Thiên Chúa không thể tha thứ cho họ, vì họ không ăn năn!
Dẫu đây là một lời lên án mạnh mẽ đối với giới biệt phái, nhưng nó còn là một lời mời gọi dành cho chúng ta, những ai sẵn sàng thừa nhận tội lỗi mình. Một khi có thể hạ mình trước sự tốt lành của Thiên Chúa, nhìn thấy tội lỗi mình trong ánh sáng vinh hiển của Ngài, chúng ta cảm thấy thất vọng và hổ thẹn; nhưng sự ‘hổ thẹn sẽ biến thành niềm vui’ và tự do, khi chúng ta cho phép Chúa Giêsu đóng vai Thầy Thuốc Thần Thánh trong cuộc sống mình. Mục đích của Ngài khi xuống thế là để chữa lành vết thương tội lỗi của chúng ta. Vì thế, nhận ra lòng thương xót của Ngài chữa lành một cách hoàn hảo như thế nào, chúng ta sẽ sẵn sàng chạy đến với Ngài như vậy. Sự mau mắn của Matthêu hôm nay cho thấy điều đó, “Ông đứng dậy đi theo Ngài!”.
Trong bài đọc thứ nhất, qua Amos, Thiên Chúa cáo tội hạng giàu có, những kẻ áp bức người nghèo. Ngài cảnh báo, rồi đây, họ không chỉ chuốc lấy tang tóc, đói khát; không chỉ đói cơm bánh, nhưng đói một cái gì lớn hơn, “Sẽ đến ngày Ta cho nạn đói đến trên đất, nhưng không phải đói cơm bánh hay khát nước, mà là đói nghe Lời Chúa!”. Thánh ca Tin Mừng lặp lại sự thật này, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ Lời Chúa dưỡng nuôi!”.
Anh Chị em,
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”, những lời này gợi lên mục tiêu của Chúa Giêsu khi Ngài đến trần gian. Vì thế, việc kết giao với người tội lỗi là niềm vui thật sự của Ngài. Chúa Giêsu chẳng những mời gọi, kết thân với tội nhân, nhưng chính Ngài đã trở nên ‘hiện thân của tội’ vì chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài để cho những người tự cho là ‘công chính’ hành hạ và giết chết. Bằng cách đó, Ngài thấu hiểu các tội nhân cũng như chạm đến những vết thương do tội lỗi gây nên trong linh hồn họ. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, sợ hãi hay mặc cảm khi thấy mình có tội; trái lại, tin tưởng và vui mừng, vì biết rằng, đó là lúc chúng ta gần Chúa nhất; và cũng là lúc Chúa gần chúng ta nhất! Ai tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, thì ‘hổ thẹn sẽ biến thành niềm vui’ thật sự!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con đã xúc phạm Chúa, Chúa là câu trả lời duy nhất cho tội lỗi của con. Xin thương xót và tha thứ mọi tội lỗi con, hầu ‘hổ thẹn của con cũng có thể biến thành niềm vui!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: