Con đường dẫn đến tự do - Bùng cháy cho các linh hồn
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”.
Một nhà ẩn tu nói, “Bạn muốn được tự do? Bạn muốn khám phá sự tự do thực sự trong cuộc sống của mình? Chắc chắn là bạn muốn! Nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Và làm thế nào để bạn có được nó? Hãy nghe tôi, hãy sống một đời sống chay tịnh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Để có tự do, hãy sống một đời sống chay tịnh!”. Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Chúa Giêsu cho biết, khách dự tiệc sẽ không ăn chay bao lâu còn chàng rể, “Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Sẽ rất hữu ích khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa chay tịnh và tự do. Thoạt tiên, liên kết này có vẻ khá lạ thường; nhưng nếu hiểu một cách đúng đắn, chay tịnh sẽ là một phương tiện giúp đào sâu đức tin và là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực!
Chay tịnh có một vị trí nhất định trong việc nên thánh; bởi lẽ, nó tạo ra một cơn đói triền miên, đói khát Thiên Chúa! Mục đích của chay tịnh là nâng cao một điều tốt đẹp tự nhiên, giúp tâm hồn thanh thoát, tự do, để nhạy bén hơn với những của cải siêu nhiên, những gì thuộc về Thánh Thần. Chay tịnh là sự im lặng của xác thịt giúp cho sự khao khát thiêng liêng đối với Thiên Chúa trở nên mãnh liệt hơn. Trong cuộc sống, chúng ta cần có tự do để gạt qua các mối bận tâm cho những ‘điều tốt’, hầu quan tâm đến những ‘điều thánh!’. Vì thế, khi tự do từ chối bản thân, chúng ta sẽ sẵn sàng mở lòng mình ra, một sự mở ra của một bầu rượu mới vốn sẽ không rạn nứt khi Thiên Chúa đổ vào đó rượu mới Nước Trời.
“Tự do từ bỏ tự do để được tự do!”. Chính nhờ tự do, con người sống một cuộc sống trọn vẹn, trải nghiệm hạnh phúc khôn lường mà Thiên Chúa muốn ban cho nó. Tự do đích thực là tự do thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ hay khuynh hướng xấu để sống trong niềm vui với Thiên Chúa. Hơn bất cứ điều gì khác, tự do là một trải nghiệm về niềm vui sống với Chúa, sống gần Chúa, như được ‘Chàng Rể’ hằng luôn ở bên; đó là niềm vui đời đời, “Tiệc Cưới Con Chiên”. Như thế, chay tịnh, ‘con đường dẫn đến tự do’ giúp chúng ta vượt qua những ham muốn trần thế và xác thịt để phó mình cho Chúa Thánh Thần; nhờ đó, tâm hồn có thể luôn khao khát Chúa.
Trong cuộc đời chúng ta, có những lúc “Chàng Rể bị đem đi”. Đó là những lúc chúng ta cảm nhận sự vắng bóng của Chúa Kitô trong cuộc đời mình. Điều này có thể xảy đến do tội lỗi của chính chúng ta; ngược lại, nó cũng có thể đến do chúng ta ngày càng tự do đến gần Chúa hơn. Và lúc bấy giờ, chay tịnh có một vai trò quan trọng. Tại sao? Trường hợp thứ nhất, chay tịnh có thể giúp giải phóng chúng ta khỏi những ràng buộc tội lỗi đã mắc phải; nó củng cố ý chí, thanh lọc những ham muốn lăng loàn. Trường hợp thứ hai, những lúc chúng ta đang tiến rất gần Chúa Kitô, và kết quả là Ngài che giấu sự hiện diện của chính Ngài. Điều này thoạt nghe có vẻ lạ lùng, nhưng nó vẫn xảy ra, để chúng ta biết tìm kiếm Ngài nhiều hơn. Trong trường hợp này, chay tịnh có thể trở thành một phương tiện giúp đào sâu đức tin và sự cam kết với Ngài.
Anh Chị em,
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Thời khắc của Thương Khó và tang tóc sẽ đến. Việc chay tịnh mà các môn đệ đã sống, cũng như Giáo Hội và chúng ta đang sống là phương tiện hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô đau khổ. Như vậy, việc từ bỏ bản thân để làm theo ý Thiên Chúa trở thành sự tham dự vào Sự Cứu Chuộc của Ngài; và đó là ‘con đường dẫn đến tự do’ của Phục Sinh vinh hiển, là đường dẫn đến bữa tiệc đời đời! Qua bài đọc Amos hôm nay, Thiên Chúa phán, “Từ các núi non, rượu nho mới sẽ chảy tuôn tràn; từ các đồi, rượu sẽ vọt ra lai láng. Dân Ta sẽ trồng nho và sẽ uống rượu nho”. Chính Thiên Chúa là Đấng sẽ làm lại, trả lại gấp bội cho ai biết mở lòng ra với Ngài, trở về với Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Điều chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin hãy làm mới trong con khát vọng thánh thiện là tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự. Để được vậy, cho con dám kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
BÙNG CHÁY CHO CÁC LINH HỒN
“Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
J. Wesley nói, “Nhiệt tình mà không có kiến thức thì như chạy trong bóng tối. Như Chúa Giêsu, bạn hãy để trái tim ‘bùng cháy cho các linh hồn’, và người ta sẽ đến để thấy bạn cháy sáng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Người ta sẽ đến để thấy bạn cháy sáng!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, ngày Tạ Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, cho thấy ngọn lửa tình yêu đối với các linh hồn trong trái tim Thiên Chúa cháy sáng! Lửa ấy thật mãnh liệt và vô giới hạn. Hãy chiêm ngưỡng sự đói khát các linh hồn của Ngài vốn khắc khoải, sao cho lửa ấy ngày càng cháy sáng, ‘bùng cháy cho các linh hồn!’.
Với các linh hồn, qua bài đọc thứ nhất, Isaia cho thấy sự chăm chút của Thiên Chúa, “Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con”. Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, thánh Phaolô qua bài đọc hai cũng thốt lên với tín hữu Galata, “Nguyện ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em!”. Để từ đó, bao tâm hồn biết ca ngợi tôn vinh Danh Chúa tới muôn đời, Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ tâm tình hân hoan, “Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa!”.
Với bài Tin Mừng, những thao thức của Chúa Giêsu bộc lộ cách cụ thể hơn, Ngài nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hãy chiêm ngắm cơn đói của Chúa Giêsu, cơn đói mang lại sự cứu rỗi cho vô ngần vô lượng các linh hồn như một cánh đồng bạt ngàn lúa chín, vốn xem ra vượt quá sức người mà cần có sức Trời, “Hãy xin Chủ Mùa sai thợ ra gặt lúa về!”. Tình yêu nồng cháy, lôi kéo của trái tim Ngài dành cho các linh hồn phá vỡ mọi rào cản của một vị Thiên Chúa; Ngài muốn làm sao ‘nhân lên sự hiện diện’ của Ngài trên thế giới, mọi lúc mọi nơi. Điều đó cũng dễ hiểu, trái tim Ngài đang bị thiêu đốt, ‘bùng cháy cho các linh hồn’ bởi những nhu cầu không bao giờ cạn kiệt của muôn triệu sinh linh mà Ngài mong mỏi cứu chuộc. Chính Ngài cũng đã nói, “Thầy đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa ấy cháy bùng lên!”.
Chúa Giêsu những ước mong lửa mến yêu đó bùng cháy lên trong tâm hồn chúng ta! Nhưng trước hết, “Hãy xin Chủ Mùa sai thợ ra gặt lúa về”; vì lẽ, việc sai đi cũng như việc ‘gặt lúa’ thuộc về Thiên Chúa và trong sức mạnh của Ngài. Tiếp đến, chính “Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Sau khi dạy cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, Ngài sai chúng ta đi, dù rất khó khăn như chiên đi vào giữa sói. Hình ảnh mạnh mẽ này tiết lộ rằng, sứ mệnh Ngài trao không phải là điều chúng ta có thể tự mình làm được. Sẽ không tốt khi một chiên non đi vào giữa sói… trừ khi người chăn chiên ở ngay bên cạnh nó. Sứ mệnh đòi hỏi một sự can đảm lớn lao, nhưng không thể hoàn thành nó nếu không có Ngài. Tin cậy Chúa, vốn là một trong những điều khó làm nhất trong đời; ngay cả việc tin cậy Ngài, cũng không phải là điều chúng ta có thể tự động làm được, nó đòi hỏi một sự đầu phục và quyết tâm liên tục khi chúng ta được mời gọi ngày càng cam kết sâu sắc hơn để có thể ‘bùng cháy cho các linh hồn’.
Anh Chị em,
“Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Chúa Giêsu sai các tông đồ đi, không một hứa hẹn sẽ thuận tiện dễ dàng, nhưng báo trước những gì thật phũ phàng. Thế mà, các ông vẫn đi; và suốt hai ngàn năm, vẫn có những con người tiếp tục ra đi, dẫu thời cuộc chẳng sáng sủa hơn. Chính Chúa Giêsu, vị “Tông Đồ Tiên Khởi” cũng đã bước vào trần gian như thế. Bởi một tình yêu ‘bùng cháy cho các linh hồn’ mà Ngài chấp nhận sinh ra trong đồng, lớn lên ngoài đường và chết treo trên đồi. Cũng bởi tình yêu ấy mà Giáo Hội luôn có những con người tiếp tục ra đi, và Chúa Giêsu có thể tiếp cận nhiều linh hồn hơn, băng bó nhiều trái tim hơn, chữa lành nhiều người bệnh hơn. Ngày nay, đến lượt chúng ta, Chúa cũng sai chúng ta đi. Điều quan trọng trước hết là phải cầu nguyện để chạm được lửa tình yêu đang cháy trong tâm hồn Ngài; nhờ bén chính ngọn lửa đó, chúng ta bùng cháy lửa tình yêu trong lòng mình. Để từ đó, ra đi, dấn thân vì hạnh phúc và sự sống đời đời cho linh hồn của tha nhân.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để trái tim con có thể ‘bùng cháy cho các linh hồn’, xin cho con biết phải sống làm sao để có cho mình một chỗ trong trái tim của ‘từng linh hồn!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: