Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống như thể mình không bao giờ chết

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

SỐNG NHƯ THỂ KHÔNG BAO GIỜ CHẾT

 

Người ta sống như thể mình không bao giờ chết, rồi cuối cùng chết đi như thể mình chưa từng sống.

Sinh lão bệnh tử là định luật cho đời sống của con người. Đã là người, sinh ra thì phải có ngày chết chứ chả ai lột da sống đời.

Có chép một lời dạy dỗ khôn ngoan: "Đến nhà tang lễ hơn là đến nơi yến tiệc, vì ở đó người ta nhìn thấy sự cuối cùng của đời mình”.

Thoạt nghe có thể thấy hơi tiêu cực, tuy nhiên ngẫm nghĩ sâu xa hơn một chút ta sẽ thấy ý nghĩa của nó vô cùng sâu sắc và ẩn chứa một ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời mỗi người.

 

Thánh Vịnh 102 nói về phận người :

“Đời sống con người chóng qua như cỏ.
Như bông hoa nở trong cánh đồng.
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”.
(Tv. 102, 3)

 

Dẫu biết định luật đời người là như thế nhưng trong thực tế cuộc sống ta lại thấy có những người cứ nghĩ rằng mình sống như không phải chết hay mình như là cái rốn của vũ trụ. Nhìn dễ hiểu trong cách hành xử, họ cứ ngỡ không ai thay thế được họ nhưng rồi “không mợ thì chợ vẫn đông”.

 

Làm gì có cái chuyện gì là mãi mãi và vĩnh viễn. Đi làm thì cũng chỉ làm trong độ tuổi lao động. Đến tuổi hưu thì dù muốn dù không thì cũng phải nhường chỗ cho người khác.

 

Đâu đó ta thấy câu: “Người ta thường sống như thể mình không bao giờ chết, và cuối cùng thì chết đi như thể mình chưa từng sống”. Bao đời nay, dẫu triều đại đổi thay, ở Đông hay Tây, thì một đời người vẫn không ngoài mấy việc: thành gia lập nghiệp, sinh con đẻ cái, tích cóp làm giàu… Người ta thường nhọc nhằn chạy theo những ham muốn này, mà ít ai tự hỏi: Ý nghĩa cuộc đời mình rốt cuộc là gì?

 

Thế nên, để sống cuộc đời có ý nghĩa và để người đời còn nhớ tới mình sau khi đã chết, lời khôn ngoan đã khuyên dạy chúng ta:

“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (TV 90:12)

 

“Đếm tháng ngày mình sống” đồng nghĩa với suy niệm về cái chết, về một ngày không xa mình sẽ phải bỏ lại tất cả khi từ giãi cõi đời. Bởi vì mỗi ngày qua đi là một ngày ta tiến gần đến cái chết.

 

Một suy nghĩ sai lầm khá phổ biến ngày nay cho rằng, đằng nào cũng chết nên ta hãy tìm mọi cách để tận hưởng ngày hôm nay bằng cách thoả mãn bản thân bất kể giá nào, kể cả bằng cách vô đạo nhất, hậu quả của cách nghĩ này không những không mang lại cho người ta hạnh phúc mà ngược lại là đau khổ và thất vọng vô biên.

 

Khi chúng ta suy nghĩ cuộc sống là hữu hạn, chúng ta cần làm những gì tốt nhất và có ý nghĩa nhất cho trong ngày hôm nay không chỉ cho bản thân mà là cho gia đình, cho những người xung quanh, cho cộng đồng,… để ngày mai ra đi không phải hối tiếc, đó mới là cách sống tích cực nhất.

 

Một người biết mình đang đi dần đến cái chết thường sống cho thật trọn vẹn trong những ngày còn lại. Họ sống thật chậm để nhìn cuộc đời, để nhìn người thân lần sau cuối. Tất cả xung quanh họ đều thật đẹp, thật quý biết bao. Họ trân trọng từng phút giây đi qua và từng phút giây đang đến. Đối với họ, mỗi giây được sử dụng một cách cẩn trọng, không bao giờ họ đánh mất một giây phút nào cho việc làm vô ích.

 

Như vậy, suy nghĩ về những ngày giờ mình sống trên dương thế để tìm ra ý nghĩa khôn ngoan cho cuộc sống không những giúp ta sẵn sàng khi phải đối diện với cái chết, mà còn giúp cho ta sống tốt, sống hạnh phúc ngay ở đời này nữa. Một cuộc sống không buông thả, lo lắng, buồn phiền, mánh mung, chộp giật như cái nhìn của những người cứ nghĩ rằng mình không bao giờ chết, muốn sống lâu, sống hưởng thụ để rồi phải hối hận, cay đắng bỏ lại tất cả khi giờ chết đến.

 

Nhà cửa, công danh, thân bằng quyến thuộc… thảy đều không thể theo ta mãi mãi. Ý nghĩa cuộc đời là gì ? Ta có nghĩ đến ngày ta phải chết không ? Mỗi chúng ta đã có câu trả lời cho mình chưa?

 

Lm. Anmai, CSsR