Giáo sĩ trị ..
Giáo sĩ trị ..
Mới sáng sớm, chú em gửi cho đoạn clip chia sẻ về hiệp hành của một linh mục. Một cha phát biểu như thế này : “Con là một linh mục và có lẽ trong góc nhìn linh mục. có hơi vội một chút nhưng. Có lẽ lối sống hiệp hành nó bị tàn lụi qua nhiều thế kỷ. Và nhiều thế kỷ có nguyên nhân có lẽ lối giáo sĩ trị làm cho giáo dân mất nét chủ động, sáng kiến. Cha Xứ chẳng hạn, phán thế nào thì cả hội đồng giáo xứ cũng nghe như vậy mà thôi. Nét chủ động cho ý kiến không còn nữa, nét sáng kiến không còn nữa ...”
Thật thế, ai ai cũng biết tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ.
Giáo sĩ trị là một ung nhọt đau đớn, phản tiến hoá. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi nó:” Một điều thực kinh khủng, một phiên bản mới của sự dữ xưa”( Bài giảng tại nhà trọ thánh Marta, 13/12/2016)
Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng hàng giáo sĩ phải phục vụ giáo dân chứ không phải để được phục vụ, đồng thời Ngài lên tiếng chống lại Chủ nghĩa giáo sĩ trị, Ngài gọi đó là một trong những biến dạng lớn nhất ảnh hưởng đến Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh.
Não trạng giáo sĩ trị, thâm căn cố đế trong lịch sử Giáo Hội, đang gây ra những hệ luỵ lớn, cản trở bước tiến của phúc âm hoá, cần phải loại bỏ nếu muốn Giáo Hội Chúa Kitô song hành với thời đại và có tầm ảnh hưởng phổ quát vào nhịp sống đương đại.
“Não trạng giáo sĩ trị” được Tông huấn “Evangelii Gaudium” nhắc lại như là thách đố của thời đại, thách đố cho các tín hữu và là chướng ngại mà các tu sĩ, linh mục cần phải vượt qua để sống và cho mọi người thấy: Tin Mừng chính là niềm vui. Não trạng này được Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” cụ thể hóa qua hình ảnh của một Giáo Hội thừa hoạt động, nhưng thiếu chất sống. Một Giáo Hội quá chú trọng đến công tác tổ chức, xây dựng, mục vụ và hộ giáo… nhưng hời hợt trong việc làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng.
Như vậy, theo nghĩa rộng, “não trạng giáo sĩ trị” là cách sống quan liêu, tìm kiếm sự an toàn và tự coi mình làm trung tâm để ban phát hơn là để phục vụ của các tu sĩ và giáo sĩ. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn “Có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình”.
“Não trạng giáo sĩ trị” là căn bệnh mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến trong các bài nói chuyện và mời gọi toàn thể Giáo Hội loại trừ, vì nó đi ngược với tinh thần của Tin Mừng và đánh mất niềm vui đích thực mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Đức Thánh Cha đã chỉ cho thấy nguyên nhân gây ra căn bệnh độc hại này. Nguyên nhân đến từ những cám dỗ của thời đại và cũng đến từ những tâm hồn không được đốt cháy và nuôi dưỡng bằng nguồn sống thiêng liêng. Tuy nhiên, “thà thắp lên một tia lửa hơn là ngồi đó để nguyền rủa bóng đêm”, Đức Giáo Hoàng muốn chúng ta hãy sống niềm vui Tin Mừng là niềm vui giúp chúng ta gặp Thiên Chúa và chứng nghiệm được Ngài. Vì gặp gỡ được Thiên Chúa, ắt đời sống của chúng ta sẽ được biến đổi, gặp gỡ Đức Giêsu, “Đấng đã yêu con người cho đến chết” thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ sống được như Ngài.
Đây là một hành trình dài mời gọi tất cả mọi người, nhất là các giáo sĩ phải kiên nhẫn và luôn khao khát đi tìm Chúa để chứng nghiệm được Ngài, vì chỉ khi có sự chứng nghiệm này, đời sống con người mới có ý nghĩa và sẽ thể hiện được một cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng. Trong cuộc hành trình này, chúng ta sẽ đối diện với những thử thách, với dối trá, với “tham, sân, si” ngay trong chúng ta và đối diện với một thế giới đang tục hóa, đang đổi mới. Chắc chắn, sẽ có lúc chúng ta rơi vào nỗi thất vọng, sự chán chường, nhưng chúng ta hãy nhớ: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người”.
Đức Thánh Cha kêu gọi hàng giáo sĩ hãy trở nên gần gũi với giáo dân và quan tâm đến đời sống của người tín hữu hơn nữa để tránh rơi vào cái bẫy của việc áp dụng một vài khẩu hiệu nào đó, mặc dù khẩu hiệu đó có ý nghĩa rất tốt nhưng trong thực tế thì lại không đem lại hiều quả trong việc giúp đỡ cho đời sống của các cộng đoàn tín hữu chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc đến một câu nói nổi tiếng “đã đến thời của các giáo dân”, Ngài nói rằng trong trường hợp cụ thể này, cũng giống như một chiếc đồng phát ra những tiếng ken két vì đã đến lúc nó không thể hoạt động tốt và phải dừng lại.
Ngày hôm nay, trong Giáo hội, vẫn còn tinh thần của một thứ “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.
Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần "giáo sĩ trị", giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Tâm tình của thánh Gioan Tiền Hô : ”Ngài cần được lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3, 30) phải chăng là châm ngôn của đời giáo sĩ. Giáo sĩ là đại diện Chúa Giêsu. Nhiều người lầm tưởng như mình là Chúa, rồi sinh ngạo mạn, xem thường người khác. Như con lừa chở vua: thấy người ta tung hô vua mà cứ tưởng họ đang tung hô mình.
Tìm an nhàn và vinh hoa, lợi lộc vật chất trong nếp sống tu trì, chỉ có thể là người làm thuê chứ không phải là mục tử: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Đời tận hiến là biết quên mình mà vác thập giá, chết cho chính mình. Chân tu quả là khó, nếu không tự nguyện và chấp nhận hy sinh thật lòng.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: