Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Từ bụi tro chúa nâng con lên hàng...

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

TỪ BỤI TRO CHÚA NÂNG CON LÊN HÀNG ...

 

Hồi còn bé, thi thoảng đi dự Lễ tạ ơn hay phong chức linh mục, tôi nghe ca đoàn hát : “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng ...” Có người còn đùa vui : “Chúa nâng con lên hàng khinh tướng”.

Sau này, có lẽ cái câu “khanh tướng” nghe nó khó khó làm sao đó để rồi người ta đổi lại là Chúa nâng con lên hàng “vinh phúc”.

Thật vậy, nghe câu “vinh phúc” xem chừng nó dễ nghe hơn là “khanh tướng” bởi vì đàng sau chức linh mục đó chính là người ban phát ân sủng của Thiên Chúa và chính linh mục là người thụ ơn của Thiên Chúa chứ linh mục cũng chỉ là phàm nhân. Có chăng linh mục được vinh phúc, được diễm phúc hơn người không chức linh mục là vì linh mục là những người được Thiê Chúa tuyển chọn. Và linh mục là người tiếp tục sứ vụ mục tử của Chúa ở trần gian để rồi linh mục trở nên trọn vẹn nhất là con người phục vụ cho sứ mạng Tin Mừng, cho ơn Cứu Độ, cho Nước Thiên Chúa.

 

Trong thánh lễ truyền chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi ứng viên:

- “Con quý mến, con có muốn trở thành linh mục, cộng tác viên của Giám Mục trong chức linh mục, để phục vụ và dẫn dắt Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?”

 

- “Con có muốn trung thành chu toàn tác vụ Lời Chúa, nghĩa là rao giảng Tin mừng và trình bày giáo lý Đức Tin công giáo theo truyền thống của Hội Thánh để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo không?”

 

- “Con có muốn mỗi ngày kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, Đấng tận hiến mình cho Cha Người và với Người, thánh hiến con cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người không ?”

 

Sau khi ưng thuận và hứa vâng phục Đức Giám Mục, tiến chức đến quỳ gối đặt tay vào lòng bàn tay Đức Giám Mục. Rồi cộng đoàn đọc kinh cầu Các Thánh, cả triều thần thánh, cộng đoàn Dân Chúa đều tập hợp và cầu nguyện cho tiến chức đang nằm phủ phục dưới đất. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động trong ngày thụ phong linh mục.

 

Linh mục là cộng sự viên của Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo Tin mừng của Thiên Chúa. Lãnh nhưng không, phải cho nhưng không. Lãnh Lời Chúa để phát, linh mục mắc nợ với mọi người. Các linh mục phải thông truyền chân lý Tin mừng mà Chúa đã trao cho họ và phải ra sức thực hiện điều này trong mọi trường hợp, dù khi họ sống một cuộc đời tốt đẹp gương mẫu giữa dân ngoại, lôi kéo dân ngoại ca tụng Thiên Chúa, dù khi họ công khai giảng thuyết cho những người chưa tin, dù khi họ dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích học thuyết của Hội Thánh cho các tín hữu, hoặc chuyên lo nghiên cứu những vấn đề thời đại đi nữa, nhất là chu toàn bổn phận truyền giáo đối với lương dân.

 

Những tiêu chuẩn được đưa ra cho các linh mục xưa nay là: Thánh thiện, nhiệt thành, trở nên muối đất đèn đời, hoàn toàn quên mình trong sứ vụ, bất chấp khó khăn, hoạt động hăng say dưới nhiều hình thức khác nhau để mở mang Nước Chúa, nêu gương nhân đức, chăm lo cho con chiên cả tinh thần lẫn vật chất. Muốn đạt được những tiêu chuẩn ấy, linh mục cần phải tự huấn luyện mình quảng đại, nhiệt thành, nội tâm sâu sắc, sống giản dị, phục vụ tận tình, sẵn sàng đối thoại không định kiến.

 

Sứ vụ của linh mục rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Một viên ngọc quý được đặt trong bình sành. Nhưng có Chúa ở cùng, chúng ta không lo sợ. Vì theo sát gót Chúa Giêsu, nên bổn phận chúng ta cũng làm con người-Chúa như chính Đức Kitô. Có nghĩa là làm trung gian giữa trời và đất.

 

Người ta thường nói linh mục là một alter Christus. Tiếng LaTinh, có nghĩa là một Đức Kitô thứ hai hay là một Đức Kitô khác. Theo niềm tin của Giáo Hội Công Giáo, một vị linh mục đương nhiên được xem là một Đức Kitô khác, hoặc là một Đức Kitô thứ hai. Để ngầm ám chỉ rằng đời sống các ngài phản chiếu "giống hệt" như hình ảnh Đức Kitô lịch sử vậy; với một nghĩa trọng kính hoàn toàn, không có gì đáng nói cả.

 

Chức linh mục thật sự cũng như vốn dĩ là cao trọng, là chức thánh, một chức thánh vĩnh viễn theo phẩm trật từ thượng tế Melchisedec trong Cựu Ước. Tuy là một thiên chức quý trọng như thế; nhưng các linh mục của Chúa phải luôn tự nhắc nhở mình, phải luôn tự răn đe mình, phải luôn biến đổi mỗi ngày để trở thành "bản sao" của Thầy Giêsu; tức là phải hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11, 29). Có như thế các đấng mới tránh được những cơ nguy vấp ngã trong thánh-vụ của mình, để từ đó thật sự là những Đức Kitô khác, chứ không phải là những vị khác Đức Kitô.

 

Hiện nay, cái địa vị "khanh tướng" của các linh mục là địa vị số một trong Giáo Hội, theo cách nhìn của nhiều người trẻ hiện nay. Nhiều bạn trẻ đi tu để tìm một vị thế trong tổ chức và để thể hiện mình trong những sinh hoạt của Giáo Hội chứ không phải trong ý nghĩa đời sống đức tin và giá trị Tin Mừng. Chính điều này dễ tạo cho các linh mục trẻ một nhận định phiến diện về sứ vụ của mình: Thay vì thi hành sứ vụ phục vụ vô điều kiện trong đức ái; thì họ dễ trầm mình trong sự phong phú của thế gian để tạo cho mình một vị thế, một cơ ngơi và một môi trường sống thoải mái riêng tư. Rồi từ những dễ dàng do vật chất mang lại, cái não trạng "khanh tướng" dần dần xuất hiện và lấn át cái thiên chức mục tử của mình đi. Mọi vấn đề bê bối, khả dĩ gây vấp phạm, "xói mòn niềm tin" trong cơ chế Giáo Hội hiện nay đều nằm ở đó.

 

Linh mục, ngài là ai? Ngài cũng là một con người, cũng mang trên mình thân phận yếu đuối của kiếp người. Cho nên không thể phủ nhận rằng cũng có một số ít linh mục không sống đúng với ơn gọi của mình. Tuy nhiên đó chỉ là một số ít trên muôn vàn linh mục của Chúa.

 

Và rồi chúng ta cùng nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc, giữ gìn các linh mục để các ngài mãi là đấng trung gian tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người, để con người nhìn thấy một Thiên Chúa giàu lòng xót thương qua người linh mục.

 

Lm. Anmai, CSsR