Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Huyền nhiệm của ơn gọi - Không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí

Tác giả: 
Lm Minh Anh

HUYỀN NHIỆM CỦA ƠN GỌI

“Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại”; “Và Ngài đã sai mười hai vị này đi”.

 

“Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những người yếu đuối!”. Hudson Taylor, nhà truyền giáo vĩ đại, trả lời như thế cho một người bạn khen ngợi ông. “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới để kiếm một người đủ yếu để làm công việc của Ngài; và khi tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’”. Đó là ‘huyền nhiệm của ơn gọi!’. Những người yếu đuối lại là những người khổng lồ đã làm những điều vĩ đại cho Chúa, vì họ tin vào sự hiện diện của Ngài.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Ơn gọi của ‘người khổng lồ’ Hudson Taylor lại được gặp thấy trong Tin Mừng hôm nay qua những ‘nhân vật chính’ đầy yếu đuối mà với họ, Chúa Giêsu sẽ xây dựng Nước Trời; Nhóm Mười Hai! Chúa Giêsu từ chối “sô diễn một người!”. Họ là những người sẽ truyền bá đức tin bằng cuộc sống, lời nói, việc làm và cả cái chết. Không có sự đáp trả của những con người yếu đuối này, sẽ không có Nước Trời! Qua đó, chúng ta cảm nhận sự ‘huyền nhiệm của ơn gọi!’.

 

Nhiều người đã ở trên núi với Chúa Giêsu vào ngày hôm ấy, nhiều người bị thu hút bởi Ngài và khao khát được gần gũi Ngài, nhưng chỉ có mười hai người nhận được lời kêu gọi để trở thành tông đồ. Chúa thích ai, Ngài chọn người ấy! Không ai hiểu tại sao mình được chọn; muốn biết, cứ hỏi Ngài! Chúng ta được gọi bằng tên, có nghĩa là Chúa Giêsu biết rõ chúng ta khi Ngài gọi, bao gồm tất cả mọi khiếm khuyết và yếu đuối của mỗi người. Ngài không hỏi Nhóm Mười Hai về sở thích, bảng điểm khảo sát, hoặc lý lịch của họ. Sự lựa chọn của Chúa Giêsu thuộc quyền tối cao của Chúa Cha, thể hiện qua việc Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện. Nhóm Mười Hai không thể nghĩ rằng, đã có một số sai lầm, hoặc một số tính toán sai lầm. Vì lẽ, chính tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng không lừa dối, cũng không thể bị lừa dối, đang nói!

 

Chúa Giêsu đã tự do kêu gọi; cũng trong tự do, Nhóm Mười Hai đã đáp lại! Ngài không đưa các thiên thần từ trời xuống để áp đảo họ hợp tác; Ngài chỉ cầu nguyện với Chủ Mùa. Ơn gọi làm tông đồ không phải là vấn đề ai đó muốn trở thành một tông đồ, cũng không phải là tài năng hay cảm xúc hấp dẫn của ai đó đối với điều này, điều kia; nhưng là sự nhận biết dựa trên đức tin về việc Chúa đang mời gọi và chúng ta đáp lại. Tại sao tôi đang ở vị trí ơn gọi hiện tại trong bậc gia đình hay đời dâng hiến này? Đó là ‘huyền nhiệm của ơn gọi’ mỗi người. Không bao giờ chúng ta có thể biết đầy đủ, vì chỉ Thiên Chúa mới biết chiều kích sâu thẳm sự khôn ngoan của Ngài. Đây là mầu nhiệm Nước Trời đầu tiên chạm đến cá nhân mỗi người chúng ta: Thiên Chúa gọi, Ngài muốn điều đó, và chúng ta thưa “Vâng!”. Và đây là câu trả lời duy nhất mà một môn đệ phải tìm kiếm; bất cứ điều gì khác sẽ chỉ làm chậm trễ sự cấp bách của sứ mệnh mà thôi!

 

Qua bài đọc thứ nhất hôm nay, ơn gọi lạ lùng của Hôsê cũng là một ‘huyền nhiệm của ơn gọi’. Hôsê đã đáp lại tiếng Chúa một cách nhanh nhạy khi ông được Ngài sai đến với dân, một dân chạy theo bụt thần. Hôsê lên tiếng kêu gọi họ trở về với Ngài, “Đây là lúc phải tìm kiếm Chúa”. Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp đi lặp lại một sứ điệp, “Hãy không ngừng tìm kiếm Thánh Nhan!”.

 

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại!”. ‘Huyền nhiệm của ơn gọi’ không chỉ được gặp thấy nơi Hudson Taylor, Nhóm Mười Hai, nhưng rõ nét nhất nơi Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa toàn năng, trời cao không chứa nổi, lại bỏ trời mà xuống trong hình hài một phàm nhân. Ngài đến thực thi ơn cứu độ trong kế hoạch vĩ đại của Chúa Cha; và Ngài đã chu toàn thánh ý Chúa Cha một cách tuyệt vời, “Của ăn tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”; Ngài đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, mỗi người chúng ta cũng hãy sống làm sao như muốn nói với Chúa Giêsu rằng, tất cả công việc của chúng ta hôm nay sẽ là sự đáp lại tiếng Ngài đã gọi để mỗi người trở nên ánh sáng cho những người khác trên thế giới, dẫu chúng ta hèn yếu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu con chưa là ‘người khổng lồ’ của Chúa, nhưng xin cứ chúc lành cho những công việc nhỏ bé của con; với Chúa, con tin rằng, chúng cũng có thể trở thành vĩ đại!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

KHÔNG CHỈ VÔ GIÁ, NHƯNG CÒN LÀ MIỄN PHÍ

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!”.

 

Richard Baxter nói, “Bạn và tôi không trả gì cho tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, không trả gì cho sự cứu chuộc của Chúa Con, không trả gì cho bảy nguồn ân huệ của Thánh Thần; và cũng không trả gì cho sự yên nghỉ đời đời của mình! Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ về sự khác biệt không thể đo lường giữa những gì chúng ta hưởng nhận và những gì chúng ta đáng chịu. Hãy gắn trên cửa địa ngục tấm bảng “Đáng Chịu”, và gắn trên cửa thiên đàng tấm bảng “Miễn Phí!”. Tình yêu này ‘không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu này ‘không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí!’”. Cùng với tư tưởng của Richard Baxter, Lời Chúa hôm nay đặt ra câu hỏi, giá phải trả của Tin Mừng là bao nhiêu? Có thể đặt một mức giá đối với Tin Mừng? Thật thú vị, không chỉ một, mà là hai; một giá ‘mua’, một giá ‘bán!’. Phải ‘tốn’ bao nhiêu để ‘nhận được’ Tin Mừng? Và phải ‘tính’ bao nhiêu, để có thể ‘trao tặng’ nó? Kết quả là một câu trả lời kép, Tin Mừng ‘không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí!’.

 

Vậy để có Tin Mừng, chúng ta phải ‘tốn’ bao nhiêu? Câu trả lời là vô giá! Tin Mừng không bao giờ được thanh toán bằng tiền hoặc có thể sở hữu nó bằng một hiện vật. Nó vô giá! Chúa Giêsu nói, “Các con đã lãnh nhận nhưng không”, nghĩa là không phải trả bất cứ một điều gì để có nó. Thật thú vị, ‘Tin Mừng’ vô giá đó cũng được tặng không cho Israel dân Chúa. Bài đọc Hôsê hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa nói với dân Ngài những lời không thể ngọt ngào hơn, “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó; Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”; “Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta”; “Quả tim Ta thổn thức trong Ta, ruột gan Ta bồi hồi”. Israel không phải trả gì cả, tuyệt đối không, khi được chọn làm dân riêng của Ngài!

 

Thứ đến, phải ‘tính’ bao nhiêu để chúng ta có thể cung cấp Tin Mừng cho người khác? Câu trả lời là “miễn phí!”. Chúng ta không có quyền tính phí hoặc mong đợi bất cứ điều gì để cho đi một cái gì đó mà chúng ta không sở hữu. Sứ điệp cứu rỗi của Phúc Âm thuộc về Chúa Kitô; Ngài đã đến thế gian, tự do trao tặng nó cho mọi người cách nhưng không! “Hãy cho nhưng không!”, chúng ta phải cung cấp miễn phí Tin Mừng cho người khác; hành động cung cấp này hàm chứa một đòi hỏi âm thầm, thúc giục chúng ta hiến dâng chính mình. Vậy đâu là lời biện minh cho việc tự do ‘cho đi’ này? Lời biện minh là, chúng ta đã nhận được mọi thứ “miễn phí!”.

 

Anh Chị em,

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!”. Tại sao? Bởi lẽ, Tin Mừng không là gì khác mà là một con người, Chúa Giêsu. Ngài đến sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta; thì đến lượt, chúng ta cũng phải trở thành một món quà miễn phí cho người khác! Mọi sự bạn và tôi có, ơn tự nhiên, ơn siêu nhiên; từ đôi môi biết nói, đôi tai biết nghe; từ hơi thở tự nhiên, hơi thở siêu nhiên; từ sự sống thể xác, sự sống tinh thần; từ những gì thấy được đến những gì vô hình… mọi sự đều miễn phí. Đó là “tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, sự cứu chuộc của Chúa Con, bảy nguồn ân huệ của Thánh Thần”. Và cụ thể hơn, một cơn mưa giữa hạ, dịch bệnh bay xa… bên cạnh đó, Tin Mừng được ban, Máu Thịt Con Chúa được tặng, giáo huấn Hội Thánh được dạy… Rõ ràng, tất cả ‘không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí!”. Nếu có đức tin, thấy như Thiên Chúa thấy, chúng ta đã thay đổi cách sống! Chớ gì chúng ta biết trao ban các giá trị Tin Mừng đó một cách nhưng không cho những ai đang cần đến; chỉ cần bắt đầu với một nụ cười, một sự hiện diện cảm thông, một ánh mắt nhân từ, một lời nói yêu thương!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin rộng mở trái tim con, hầu con có thể đón nhận chính Chúa như một Tin Mừng Sống, ‘không chỉ vô giá, nhưng còn là miễn phí’. Đến lượt con, con có thể ‘tặng không’ Tin Mừng “Giêsu” cho anh chị em con, qua chính cuộc sống con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)