Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự khiêm tốn của sự im lặng

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

SỰ KHIÊM TỐN CỦA SỰ IM LẶNG

 

Tôi chưa bao giờ là người trầm lặng, ít nói. Ngay từ khi tôi chào đời, cha mẹ tôi đã mô tả tôi là người có “phổi tốt.” Đó là cách đùa dai trong gia đình tôi, nói rằng đôi khi tôi có thái độ hách dịch và cố chấp, nhưng luôn lớn tiếng. Giọng nói của tôi tốt lắm.

 

Là văn sĩ, tôi cố gắng chuyển giọng nói của mình lên giấy. Chữ viết có thể trung tính hơn hoặc kém hơn giọng nói, tùy thuộc vào cách giải thích của người đọc. Nhưng với kiến thức nền tảng về tâm lý học, tôi biết rằng âm điệu và thể ngữ tạo nên thông điệp thực sự; những thứ này chiếm ít nhất 85% tổng số thông tin liên lạc.

 

Đến một nơi im lặng không thường xuyên xảy ra trong cuộc sống của tôi. Mặc dù tính hướng nội nghiêm túc trong tôi rất khó tìm được trật tự và sự tĩnh lặng, nhưng tôi thường không có nhiều thời gian để dành cho việc suy nghĩ hay cầu nguyện. Nuôi dạy một bầy con năm đứa trẻ huyên náo ở các độ tuổi và giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm cả các nhu cầu đặc biệt, nghĩa là tôi càng phải rèn luyện kỷ luật trong việc dùng ngôn ngữ.

 

Từ ngữ thường được sử dụng để bào chữa. Chúng ta có thể chia sẻ quá mức hoặc giải thích quá mức, bởi vì chúng ta có nhu cầu cố hữu và tuyệt vọng để bảo vệ chính mình khỏi bị hiểu lầm hoặc bị từ chối. Đôi khi tính nói nhiều là một tín hiệu của sự lo lắng: chúng ta nói vì chúng ta đang lo lắng hoặc cố gắng đánh lạc hướng bản thân khỏi nỗi sợ hãi đang dâng trào bên trong.

 

Tuy nhiên, có hoặc có thể có sự khiêm tốn trong sự im lặng. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, như ở người sử dụng sự im lặng làm vũ khí để tránh xung đột hoặc làm ngơ việc đối mặt với những gì đau đớn hoặc khó khăn. Khi sự im lặng là dạng canh giữ miệng lưỡi thì đó là sự sỉ nhục sâu sắc.

 

Hãy nghĩ về một thời điểm trong đời bạn muốn tự vệ mà không thể. Hoặc khi quá tức giận, bạn muốn biện minh cho phản ứng của mình. Hoặc khi bạn đã trải qua một ngày rất căng thẳng và chỉ cần xả hơi trong ý thức. Tôi đã từng ở trong những tình huống này, và thường xuyên hơn là tôi không chú ý điều mình nói. Tôi không suy nghĩ kỹ trước khi nói, không cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Tôi cứ để tất cả trôi đi tự do đối với bất kỳ ai ở gần – thường là chồng tôi, và sự tổn thương có thể sâu sắc và kéo dài.

 

Lời nói có thể gây hại hoặc chữa lành. Sức mạnh của sự im lặng có sức nặng hơn nhiều so với sự huyên thuyên. Tất cả chúng ta đều biết một người nào đó ít nói, nhưng khi người ấy nói, mỗi từ ngữ đều được lựa chọn cẩn thận và phản ánh nhiều sự khôn ngoan, chẳng hạn như Mẹ Thánh Teresa Calcutta.

 

Thánh Giuse là mẫu gương về sự im lặng. Ngài không nói lời nào trong Kinh Thánh nhưng cuộc đời ngài đã phản chiếu nhân đức hoàn hảo. Các thánh là những người cố ý không nói khi muốn nói hoặc lên tiếng khi muốn im lặng, điều đó chứng tỏ cho chúng ta biết nên dùng lời nói của mình bằng cách nào hoặc vào lúc nào.

 

Thật hữu ích trở lại với Lời Chúa. Tôi thường xuyên nghĩ về cách Chúa Cha thổi Lời Ngài, và Lời trở nên xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta. Đó là quyền năng, là món quà mà chúng ta được ban tặng, nhưng chúng ta phải sử dụng Lời Chúa một cách thận trọng và khôn ngoan chứ không phải vì bốc đồng, tùy hứng hoặc thất thường.

 

Lý do mà sự im lặng có thể khiến nhiều người trong chúng ta khiêm tốn là vì có những trường hợp Thiên Chúa muốn chúng ta lắng nghe hơn là toan tính. Có thể Ngài muốn chúng ta cho phép người kia tin là họ đúng, thật vậy, chúng ta có thể có thêm thông tin về chủ đề này hoặc thậm chí là một chuyên gia trong lĩnh vực này.

 

Mục đích của sự im lặng trước tiên là để chúng ta có thể suy ngẫm, sau đó phân biệt chúng ta được gọi để làm gì: nói hay nghe? Thông thường, câu trả lời là hãy lắng nghe trước. Sự im lặng mang sức mạnh rất lớn, bởi chính trong sự yên tĩnh, những thông điệp tốt đẹp nhất, rõ ràng nhất mới được hình thành và được bày tỏ. Khi chúng ta lắng đọng tâm trí và trái tim của mình và tự vấn xem đâu là phản ứng tốt nhất, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sáng suốt trong giây phút đó.

 

Nếu chúng ta cần nói, trước hết chúng ta phải nói với lòng bác ái và sự tử tế. Nếu chúng ta cần lắng nghe, chúng ta cũng làm như vậy với tâm hồn tiếp thu hoàn toàn. Sự im lặng sinh ra sự khiêm tốn, bởi vì bằng cách nào đó, bản chất con người chúng ta đã được thuần hóa và tôi luyện để nhận trước rồi sau đó cho đi.

 

JEANNIE EWING

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)