Đời và những chuyến xe không như ý
ĐỜI VÀ NHỮNG CHUYẾN XE KHÔNG NHƯ Ý
Thương cho Sơ. Sau những ngày vật vã với buôn làng. Xong việc, Sơ trở về Nhà Mẹ gặp phải chuyến xe gây phiền hà khó chịu hay gọi là chuyến xe không như ý ...
Sáng nay, mở máy làm việc cho ngày mới thì đọc được dòng chia sẻ của một nữ tu :
Xe đầy khách. Nhà xe xếp cho mình giường tầng trên. Cứ nghĩ sẽ ngủ ngon sau hai ngày “đắm đuối” vì đường sóc trên các buôn làng.
Nhưng giường bên phía kia của chú nọ cứ nửa tiếng là có video call, loa ngoài mở hết cỡ và bên này nói lớn hết cỡ. Gọi từ 6- 9g tối
Cũng thông cảm vì toàn em và con hỏi đi đến đâu, nhà sẽ đón thế nào.
Cứ ngỡ là xong nhưng cứ hết nghe điện thoại thì chú ấy nghe nhạc, cứ loa ngoài mà mở.
Không chỉ chú, cô vợ giường dưới luôn miệng nói chuyện với chú lúc thì nhắc chú phải trả lời với người gọi điện thoại đến, lúc thì nhắc này nhắc kia…
Cả đến lúc xuống xe là 3g sáng chú ta xuống Bình Dương bà vợ trên xe vẫn nhắc, mà nhắc qua lớp cửa kiếng trên xe (cô vợ xuống sau ở bến Miền Đông).
Mười hai tiếng trên xe
Mình khó tính hay mình khó ngủ!?”
Đọc xong dòng chia sẻ của Sơ thì lại nhớ đến câu người ta hay nói “trời không chịu đất thì đất chịu trời” vậy thôi. Trên xe người ta hành xử như vậy, mình không chịu dược cũng chả làm gì được vì đi xe đò mà. Người ta hành xử như thế, Sơ không chịu thì cũng phải chịu thôi.
Với cảnh tình như thế, Sơ mà lên tiếng chẳng may gặp người dữ thì Sơ cũng không yên. Cũng đã xảy ra những chuyện không hay nên rồi cũng chả ai thèm lên tiếng. Bản thân tôi cũng đã từng đi xe cũng như gặp những cảnh y như Sơ gặp vậy.
Quả thế, ở đời ai ai cũng mong muốn mình có một hành trình suông sẻ và không gặp điều không muốn trên đoạn đường mình đi.
Cũng dễ hiểu và dễ cảm cho những chuyến xe đò dù đường dài hay đường ngắn. Đã lên xe thì phải chấp nhận trên xe đủ mọi thành phần trong xã hội bước lên xe. Và dĩ nhiên là khi đi thì phải chịu với tất cả những gì xảy ra trong hành trình.
Ai đã hơn một lần bước lên xe như vậy thì cũng sẽ có những cảm nghiệm giống như Sơ chứ chẳng phải mình Sơ. Cuộc đời như chuyến xe, có những chuyến xa hay có những chặng đường sống không như ý muốn của con người.
Dòng cảm nghĩ của Sơ làm tôi liên tưởng đến những cảnh sống ở những vùng xa, vùng sâu nơi mà kinh tế còn khó khăn và văn hóa còn hạn chế nơi các mục tử được sai đến ở với họ. Nhiều Cha phải đón nhận những cảnh ngộ thật éo le hay ngoài ý muốn hay không đủ sức để tưởng tượng.
Cảnh đi xe đò của Sơ nó cũng na ná cảnh mà ta có thể thấy như chuyện thường tình trong xã hội trong xã hội có người này người kia. Ra đường, nơi công cộng, có những người hành xử như thể là chỉ có một mình họ trên thế gian này. Họ ồn ào, xả rác và có những ngôn từ thiếu văn hóa và phản cảm ...
Và ta cũng có thể ví von như một xứ đạo, trong cộng đoàn hay trong hội đoàn. Có khi trong xứ đạo, cộng đoàn hay hội đoàn có những cách hành xử khác người nhưng Cha Xứ hay người khác phài chịu. Cha Xứ cũng như những người khác tuy khó chịu nhưng cũng phải đành chịu với những cách hành xử lập dị như thế.
Có lẽ ở xa, ở ngoài để rồi không thấy những khó khăn nơi những vùng được gửi đến không như ý. Và dường như tế nhị, ta chả thấy các cha Sở than van hay lên tiếng gì khi gặp những điều trái ý. Trong công việc của giáo xứ, Cha Sở đã kêu gọi, đã nói hết sức nói nhưng rồi dân không chịu hiểu và rồi làm ngược ý của Cha Sở nữa. Đứng trước tình cảnh như thế mà Cha Sở phản ứng gay gắt thì coi như hư đường hư bột và mất tĩnh nghĩa cha con. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự việc mà Cha Sở phải cam chịu trước những người không hiểu và làm trái ý của Ngài.
May mắn cho cha nếu như đa phần trong xứ hiểu và ủng hộ cho Cha. Ngược lại thì coi như cha phải trầy da tróc vẩy với những người chống đối cha.
Với người nghèo cũng như những người thiểu số thì đặc biệt sự tự ái và tính mặc cảm càng cao. Chính vì thế để đôi bên hiểu nhau không phỉa là chuyện dễ. Nếu họ hài lòng, họ sẽ cộng tác với cha Sở, bằng không là họ bỏ về. Cha Xứ phải mở lòng ra để đón nhận tất cả mọi sự việc, mọi biến cố và mọi con người trong giáo xứ.
Thật vậy, chỉ có tấm lòng, chỉ có tình yêu thương thì mới có thể bám trụ dược với những người không cùng ngôn ngữ và văn hóa. Dù có cố gắng nói tiếng của họ, sống chung và sống gần với họ nhưng để hiểu nhau không đơn giản chút nào.
Nhìn tất cả mọi biến cố xảy đến, tôi lại trân quý tấm lòng và sự chịu đựng của các Cha đang ở những nơi mà có nhiều sự khác biệt.
Nếu như Sơ hay ai nào đó chịu khổ trong một đoạn đường, một chuyến xe thì các vị mục tử phải khổ với đoàn chiên mà Cha được sai đến trong nhiều năm trường. Phải chăng những con người, những sự việc làm cho Cha Sở khó chịu lại rèn thêm sự kiên nhẫn và tính khiêm nhu của Cha. Trước khi phán xét chuyện gì, nên chăng ta cần nhìn từ nhiều phía. Thế cho nên trong cuộc sống, nhiều khi ta cũng phải hy sinh hãm mình và chịu đựng người khác y như vậy thì cuộc sống ta sẽ bình an.
Thương và thương các cha Xứ lắm cơ !
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: