Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời yêu thương cho người bé mọn

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

Thứ Tư trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm

Is 10:5-7,13-16; Tv 94:5-6,7-8,9-10,14-15; Mt 11:25-27

LỜI YÊU THƯƠNG CHO NGƯỜI BÉ MỌN

 

Giữa biển khơi trập trùng sóng vỗ, một con sóng nhỏ nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, nó tỏ ra bực bội và tự nhủ: - Thiệt bực mình ghê. Con sóng kia cao lớn mạnh mẽ biết bao, sao ta lại bé nhỏ yếu đuối thế này. Nghe vậy, con sóng to cười đáp: - Đó là vì bạn không nhận ra gốc gác của mình nên mới buồn bực như thế. Con sóng nhỏ đối lại: -Tôi không là sóng thế là gì? Con sóng to giải thích: - Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong chốc lát và sẽ thay đổi. Bản chất của bạn chính là nước. Một khi nhận ra bản chất của mình, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng và không còn buồn bực nữa. Lúc đó con sóng nhỏ hiểu ra vấn đề và vui vẻ cười nói: - Cảm ơn chị sóng lớn, bây giờ em mới hiểu, chị và em đều là con sóng như nhau.

 

Đối với người Do Thái, người thông thái là người sành sỏi sách Luật. Niềm tự mãn thông biết Lề Luật đã biến họ thành con người giàu kiến thức nhưng lại nghèo thiện chí tìm kiếm Nước Trời. Còn những người bé mọn mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, họ là những ai? Họ là những người nghèo khó, thất học, bệnh tật, bị bỏ rơi v.v. Tấm lòng chân thành là điểm chung ở họ. Kinh nghiệm truyền giáo đã cho Chúa Giê-su một kết luận “trên cả tuyệt vời” là: chính Thiên Chúa mở lòng cho con người biết mầu nhiệm Nước Trời. Ngài là tác nhân cho những tâm hồn dễ mở lòng đón nhận đức tin. Nơi họ không có thành kiến, không tự mãn về tài trí mà chỉ có lòng chân thành, niềm khao khát được ủi an, chia sẻ. Kinh nghiệm này củng cố tinh thần Ki-tô hữu biết bao, nhất là những lúc chưa thấy được kết quả trong việc truyền giáo.

 

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời. Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ nhưng một số dân thành Caphanaum, Khôradin và Bếtxađa tỏ ra cứng tin và không chịu sám hối. Chúa Giêsu liền quở trách họ và khẳng định trong ngày phán xét đất Xơđôm là vùng của dân ngoại sẽ được xử khoan hồng hơn.

 

Sau đó Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu tỏ thái độ kính trọng và tôn vinh Chúa Cha là chủ thể sáng tạo. Người cũng là Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí biết rõ ai là người xứng đáng lãnh nhận mầu nhiệm Nước Trời. Đây là lời cầu nguyện phát xuất từ trái tim, Chúa Giêsu luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Cha trong từng cử chỉ, lời nói, hành động và hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha.

 

Theo quan niệm của Do Thái, người khôn ngoan thông thái ở đây là những kinh sư kiêu căng tự cho mình là công chính, có nhiều kiến thức và am hiểu sách Luật. Họ như chiếc bình đóng kín nên không thể đổ thêm điều gì nữa.

 

Còn người bé mọn là ai? Họ chính là những người “vô danh tiểu tốt”, tầm thường không được ai biết đến. Họ là những bà góa không ai bảo vệ, những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người thất học, bệnh tật bị xã hội bỏ rơi. Những người nghèo thường có thái độ đơn sơ khiêm tốn biết mình còn thiếu thốn, họ sẵn sàng mở lòng ra để lắng nghe tiếng Chúa. Họ như mảnh đất khô mong đợi những cơn mưa mùa hạ. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu là vị thánh trổi vượt về tinh thần đơn sơ phó thác. Thánh nữ luôn tin tưởng tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và đã xác tín rằng: “Tất cả những gì Thiên Chúa ban cho con, con đều ưa thích, ngay cả những sự xem ra không tốt lành và không đẹp đẽ bằng những điều Chúa ban cho người khác”.

 

Người bé mọn là người nhận thức được những giới hạn của chính mình trước ân huệ cao quý đến từ Thiên Chúa. Đây phải là thái độ cần có đối với những ai muốn lãnh nhận mầu nhiệm Nước Trời. Đức hồng y Henri Nouwen chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm sống gắn bó với Thiên Chúa để lãnh nhận mặc khải Nước Trời: “Có những chuyện bạn hoàn toàn bất lực và không thể tự mình làm được. Hãy bắt đầu bằng việc thú nhận mình không thể tự chữa lành. Bạn phải hoàn toàn nhận mình bất lực để Thiên Chúa chữa lành. Khi chấp nhận mình bất lực là bắt đầu bạn để Thiên Chúa hành động. Hãy xem mình như một hạt giống nhỏ bé được gieo trong miếng đất màu mỡ. Tất cả những gì bạn phải làm là cứ ở đó tin tưởng rằng miếng đất có mọi thứ bạn cần để được lớn lên. Hãy bình tĩnh nhận mình bất lực và tin chắc có ngày bạn sẽ nhận được nhiều đến chừng nào”.

 

Chúa Giêsu chính là Ađam mới trong sự khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người là lời mặc khải yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại. Người đã được Cha ưu ái giao phó cho sứ mạng cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã chọn con đường tự hủy ra không để kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Suốt những năm tháng đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã đến những người nghèo, đồng cảm với hoàn cảnh của bà góa, đưa về đàn con chiên đi lạc, thao thức tìm kiếm những gì đã hư mất. Một Madalêna tội lỗi, một Giakêu thu thuế, một Phêrô thất trung và một Giuđa phản loạn...tất cả đều được cứu chuộc theo lòng từ bi của Thiên Chúa. Đáng thương thay đôi lúc chúng ta lại không nhận mình là người tội lỗi. Chúng ta xây tháp Babel để được bằng Thiên Chúa, tự mãn với những thành công mà quên rằng không có Chúa, chúng ta không thể làm được điều gì.

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình khiêm tốn, dám phó thác cuộc đời mình cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Hãy cám ơn Chúa vì niềm hạnh phúc lớn lao được làm con cái Chúa, được lãnh nhận mặc khải Nước Trời. Hãy đặt bàn tay nhỏ bé của ta trong bàn tay rộng lớn của Chúa để Người dẫn chúng ta đến bến bờ yêu thương, đến chân trời rộng mở và đến nguồn sống đích thực. Hãy xác tín một điều Thiên Chúa thấu hiểu chúng ta hơn chúng ta hiểu biết chính mình. Thiên Chúa quảng đại ban cho chúng ta những điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta ước muốn và cầu xin.