Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mắt của lòng thương xót - Con tim mỏi mòn

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CON TIM MỎI MÒN

“Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”.

 

Một người cha lương dân đau khổ kia tình cờ ghé một nhà sách công giáo; ông mua một tượng chuộc tội. Về nhà, con gái 10 tuổi của ông kinh ngạc nói, “Nhà mình chưa đủ khổ sao, ba đem ông này về làm gì!”. Người cha nói, “Ông này đau khổ hơn ba, nên hẳn ông sẽ hiểu ba hơn!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay quả là một tin vui cho người cha khốn khổ, cho tất cả mọi người, thuộc mọi hạng; qua đó, Chúa Giêsu, mời những ai đang mang lấy một ‘con tim mỏi mòn’ cách này cách khác, đến với Ngài! Ngài bảo đảm, những con tim mỏi mệt đó sẽ được bồi bổ, nghỉ dưỡng và chữa lành, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”.

 

 

Nếu bạn đấu tranh hàng ngày để sống công chính về mặt luân lý, cả khi những người chung quanh đi đường tắt, hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu cuộc sống ích kỷ và thu lợi bất chính có vẻ quá hấp dẫn, hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu bạn đang bị đè nặng bởi một tội lỗi tái đi tái lại vốn ảnh hưởng đến ơn gọi hôn nhân hay đời sống thánh hiến, hoặc ơn gọi của một Kitô hữu… hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu cuộc sống của bạn có vẻ không công bằng và Thiên Chúa xem ra xa cách, hãy đến với Chúa Giêsu! Con Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta đến với một bộ quy tắc và lý tưởng cao đẹp, mà là đến với chính con người Ngài. Chúng ta không đi theo các quy tắc vì lợi ích của quy tắc, nhưng đi theo Chúa Giêsu, mang cho Ngài những ‘con tim mỏi mòn!’.

 

“Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. “Nghỉ ngơi” không phải là ngừng làm việc, ngưng chiến đấu; “nghỉ ngơi” mang ý nghĩa bình an trong tâm hồn, niềm vui và hạnh phúc sâu lắng. Đây là điều mà tất cả chúng ta hằng mong ước, điều mà một ngày nào đó sẽ không bị gián đoạn trong hạnh phúc thiên đàng; chúng ta đã từng gặp những con người trải nghiệm sự bình an và niềm vui này, bất chấp hoàn cảnh của họ. Hãy lưu ý, Chúa Giêsu không hứa trút bỏ gánh nặng, thử thách và đau khổ; nhưng nếu chúng ta tự nguyện mang lấy ách của Ngài, phục tùng kế hoạch của Ngài, làm theo ý muốn của Ngài… Ngài bảo đảm sẽ đem lại niềm vui và bình an cho chúng ta. Nếu bạn chưa bao giờ trải nghiệm nó, hãy bắt đầu ngay hôm nay! Hãy trao cho Ngài ‘con tim mỏi mòn’ của bạn và những gì bạn biết có trong đó! Dẫu có thể khó chịu hoặc đau đớn ban đầu, mọi chiếc ách đều như vậy, nó sẽ mang lại sự nhẹ nhàng và dễ chịu.

 

Nhật ký của một nhà thơ cổ đã để lại một lời cầu nguyện thật gần gũi, “Chúa ơi, con nản quá! Con không biết phải làm gì. Con có quá nhiều gánh nặng, và con đã trao tất cả cho Chúa. Vậy mà, Chúa đã không cất chúng đi. Ôi Giêsu, cho con biết tại sao như thế? Và Ngài trả lời gọn lỏn, Ta sẽ không bao giờ bỏ đi!”. “Ta sẽ không bao giờ bỏ đi!”, thật trùng hợp, bài đọc Isaia hôm nay ghi lại tâm tình tương tự của một dân tộc với một ‘con tim mỏi mòn’, “Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con tìm kiếm Chúa”; “Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con!”. Thiên Chúa là tình yêu, vì “Từ trời xanh, Chúa đã nhìn xuống địa cầu”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã xác tín một cách sâu sắc!

 

Anh Chị em,

“Hãy đến với Tôi!”. Chúa Giêsu biết một cuộc sống có thể gian khổ như thế nào. Ngài biết bao điều khiến con tim mỏi mệt: những thất vọng và vết thương của quá khứ; những gánh nặng và sai trái phải chịu trong hiện tại; những bất ổn và lo lắng trong tương lai! Trước tất cả những điều này, lời đầu tiên của Chúa Giêsu là một lời mời, một đề nghị ‘hãy di chuyển và đáp lại’; Ngài nói, “Hãy đến!”. Thật sai lầm khi chúng ta cứ ở yên vị trí của mình, lúc mà mọi thứ diễn ra không như ý! Chúa Giêsu không rút bỏ gánh nặng ra khỏi cuộc đời, nhưng nỗi thống khổ sẽ vơi dần và tự nó, sẽ ‘ra khỏi’ chúng ta; Ngài không cất thập giá, nhưng ‘mang nó theo’ chúng ta. Vì với Ngài, mọi gánh nặng đều trở nên nhẹ tênh; những ‘con tim mỏi mòn’ tìm được chốn an nghỉ!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng đỡ nâng những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rã rời, này con đến! Xin ân sủng Ngài tưới gội, để tim con không còn mòn mỏi nhưng đủ sức cho cuộc hành trình!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MẮT CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”.

 

“Chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng? Ngả người nằm dài trên đó?”. James Packer nói, “Không đâu! Chúng ta sẽ thờ phượng, làm việc, suy nghĩ; tận hưởng hoạt động, vẻ đẹp của con người và Thiên Chúa. Nhưng trước hết, chúng ta sẽ thấy và yêu mến Giêsu, Đấng Cứu Rỗi, là Thầy và là Bạn! Vậy mà, thật tuyệt vời, chúng ta có thể tận hưởng thiên đàng ngay bây giờ, khi yêu mến Giêsu, nên như Giêsu; nhìn mọi sự, mọi người như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’”. 

Kính thưa Anh Chị em,

“Nhìn mọi sự, mọi người như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’”, đó là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Khi trích dẫn Hôsê, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”, Chúa Giêsu tiết lộ, Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn mọi sự như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’. 

Một trong những câu hỏi quan trọng mà thỉnh thoảng chúng ta tự hỏi là, “Chúa muốn gì?”. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được điều Chúa muốn, nhưng chúng ta luôn tìm biết Chúa muốn gì! Trước sự việc các môn đệ bứt lúa mà ăn cho đỡ đói trong ngày Sabbat, người biệt phái cho đó là phạm luật; với Chúa Giêsu thì không, Ngài lên tiếng bênh vực! Cùng một sự việc, họ nhìn dưới thấu kính của lề luật; Chúa Giêsu nhìn dưới ‘mắt của lòng thương xót’. Bởi lẽ, thương xót luôn làm phấn khích, khiến chúng ta nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến bản thân; nó nâng chúng ta lên, lấp đầy với những năng lượng mới; nó thúc đẩy chúng ta thờ phượng, yêu mến, khiến chúng ta tràn đầy hy vọng. Nó cũng không đặt ra một gánh nặng nào; đúng hơn, lòng thương xót và lề luật cùng nhau trẻ hoá chúng ta và làm cho chúng ta nên tươi mới!

 

Chúa Giêsu muốn các biệt phái hiểu rằng, điều mà Thiên Chúa muốn trên hết là chúng ta sẵn sàng nâng đỡ sự hèn yếu của tha nhân; trong trường hợp này, là cơn đói của những người anh em, cho dù hôm đó là ngày Sabbat. Chúng ta thường bị cám dỗ đánh giá người khác một cách không công bằng và không cần thiết, khi không chấp nhận sự yếu hèn của người anh em; đang khi những yếu đuối là thuộc tính gắn trết với bản thân mỗi người. Vậy nếu nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta là ai mà lại từ chối xót thương anh chị em mình?

 

“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”. Ngỏ lời với Israel, Hôsê bóc trần một nền phụng tự trống rỗng và tạp nhạp; niềm tin tôn giáo của họ quá hời hợt, không sâu sắc. Đây là lý do tại sao vị ngôn sứ nhấn mạnh, “Ta muốn lòng nhân từ”; nghĩa là Thiên Chúa muốn mỗi người nhận ra tội lỗi mình, sửa chữa đường lối và trung thành với giao ước. Đó cũng là những gì Êdêkia tỏ bày trước nhan Chúa qua bài đọc Isaia hôm nay; và Chúa đã đoái nhìn vua với ‘mắt của lòng thương xót’, “Ta đã nghe lời ngươi, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi!”. Mặc lấy tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, vua đã thưa lên, “Lạy Chúa, chính Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong!”.

 

Anh Chị em,

“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”. Thước đo hành vi của chúng ta trong mắt Thiên Chúa không phải là việc tuân thủ thật kỹ luật Ngài, kỹ đến độ bất chấp bác ái, nhưng là mức độ yêu thương chúng ta dành cho anh chị em mình. Luật là vì con người; chứ không ngược lại! Đó là lý do tại sao một hành động yêu thương luôn vượt mọi luật lệ! Nếu trong mắt Chúa Giêsu, ‘mắt của lòng thương xót’, các môn đệ vô tội, thì họ vô tội! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách cư xử của mình. Chủ nghĩa ‘vị luật’ và nhỏ nhen có thể dễ dàng lây nhiễm vào đời sống Kitô giáo, khiến chúng ta đo lường mọi người, kể cả bản thân, bằng việc tuân thủ hoặc không tuân thủ những gì thực sự ít liên quan đến bản chất đức tin. Có một luật rất khắt khe mà chúng ta được kêu gọi tham dự đó là luật của tình yêu. Nó ban phép mà không có ngoại lệ; nhưng thực hành của nó chỉ có thể và luôn mang lại lợi ích đến cả ‘người nhận lẫn người cho!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con nhìn mọi sự với ‘mắt của lòng thương xót’ như Chúa; nhờ đó, con có thể luôn nhân ái với anh chị em con như Chúa hằng nhân ái với con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)