Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thương hại

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

THƯƠNG HẠI

 

          Tiếng việt ta thật phong phú với ngữ nghĩa. Ta thường thấy trong cuộc sống với từ “Thương hại”.

 

"Thương hại" là tỏ lòng thương một người nào đó khi thấy họ gặp điều không may. Thấy một người nào đó bị tật nguyền chẳng hạn. Ta vẫn hay nói: "Ôi! Thương họ quá". Như vậy nghĩa là đang thương hại họ, điều này nó xảy ra khi mình gặp thấy hoàn cảnh đó xong rồi thôi không nghĩ gì nữa. Nó giống như là một người ngoài vậy đó.

 

Không giống như tình thương của ba mẹ với con cái hay vợ chồng với nhau, thương từ trong đáy lòng của mình dù vui buồn hay xảy ra bất cứ điều gì. Sẵn sàng yêu thương và tha thứ.

 

Khi nghĩ đến từ “thương hại”, lắm lúc tôi lại nghĩ vui rằng có khi mình thương ai đó nhưng rồi cùng với thương, kèm với thương là mình hại người đó.

 

Trong cuộc sống, cũng khó xử. Có khi mình muốn điều tốt cho người mình thương nhưng không khéo thì người mình thương lại hiểu ngược lại và kết quả nó sẽ xấu đi cho mối tương quan tốt đẹp. Gọi là may mắn nếu như đôi bên hiểu và thông cảm cũng như đồng cảm với nhau. Không thì tình cảm có gì đó rạn nứt.

 

Nhớ lại, lần kia giảng và nói về chuyện mồ mả tô vôi. Rõ ràng rằng trên tòa giảng, mình nói rằng Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chính bản thân mình, không khéo mình cũng như cái mồ mả tô vôi. Tiếc thay sau Lễ, một người gọi điện : “Hồi nảy Cha giảng Cha chửi tui đó hả !”.

 

Nghe xong hết hồn. Nói luôn : “Dì ơi ! Dì nghe cho kỹ. Hồi nảy con nói là hôm nay Chúa nói với con chứ con không hề nói với Dì”.

 

Bài viết “Dị dạng” như muốn cành giới với phụ huynh về chuyện giáo dục con cái. Viết xong cũng được hờn giận oán trách. Vậy đó, lời nhắc nhở trân quý gửi đến quý phụ huynh nhưng rồi bị phản ứng ngược ! Hờn !

 

Cuộc sống là vậy, có khi mình thương người, mình nói ra nhưng hại mình ! Mình thay vì được hiểu, được cảm chứ đừng nói tới cám ơn thì mình lại là người bị oán trách.

 

Cuối cùng thương người và hại mình.

 

Rồi, cũng nhớ đến những bậc phụ huynh. Nghĩ cũng vô duyên ! Mình chả có con cái mà mình lại lo cho con cái của họ.

 

Cứ mỗi lần có việc đi ra ngoài ghé những nơi công cộng hay quán ăn thì nhiều lần đập vào mắt mình hình ảnh của con trẻ ôm chiếc điện thoại và nghiện với nó như không hề buông tha. Mới hôm kia chứ chả lâu. Vào quán ăn tô bún riêu cho đỡ đói khi đi công việc thì chợt thấy đứa trẻ tầm 3 hay 4 tuổi ôm điện thoại. Mẹ ngồi cạnh đó cũng ôm điện thoại, bố thì vừa đút cho con ăn vừa dụ con với chiếc điện thoại trên tay.

 

Như đã nói, chả phải vài lần nhưng nhiều lần cả con lớn chứ không phải con trẻ cứ ôm chiếc điện thoại khi vào quán. Có khi nhân viên hỏi món ăn mà người ăn chưa chịu trả lời vì mãi ôm điện thoại.

 

Vậy đó, cách nghĩ của cha mẹ thật đơn giản là dỗ dành con là đưa cho nó cái điện thoại nhưng đâu biết rằng chính chiếc điện thoại là sát thủ con cái của mình trong tương lai.

 

Nơi tôi đang sống rõ nét về sát thủ điện thoại chứ chả đâu xa. Làng quê nghèo, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn nhưng rồi dường như cứ lớn lên là phải sắm cho bằng được cái smartphone. Lớn lên một chút thì đòi cha mẹ mua cho con xe máy. Mà đâu phải mua xe máy thường. Phài mua con xe mấy chục triệu mới được. Và như thế, cách giáo dục của cha mẹ phải chăng là thương con hay hại con.

 

Sáng hôm nay, lên lớp với bài giáo lý Sinh sản có trách nhiệm và giáo dục con cái thì lại nặng lòng với những hoàn cảnh có con sớm cũng như có nhiều con.

 

Chàng trai năm nay 36 tuổi và vợ 26 tuổi với 5 mặt con ! Hỏi ra thì 2 người lấy nhau khi chàng 26 và vợ 16. Cứ như thế mà họ sinh con chứ không hề nghĩ đến chuyện nuôi và dạy.

 

Đau đầu với những câu chuyện như thế này giữa cuộc đời. Họ cứ sinh nở nhưng không nghĩ đến chuyện phải nuôi dạy con trẻ. Và theo sự hiểu biết chưa tới hay thương con cách mù quáng thì cũng sẽ như nhiều cha mẹ giáo dục con như hiện tại. Chỉ biết nuông chiều con với chiếc xe máy cùng với chiếc điện thoại để rồi cuộc đời muốn tới đâu thì tới.

 

Cho con điện thoại và xe quá sớm cũng là thương con đó chứ ! Thế nhưng đàng sau sự thương đó lại là chuyện hại con mà ít ai nghĩ đến.

 

Đứng ở góc độ lo cho con cháu, nói đến chuyện giáo dục con cái không khéo lại bị giận hờn như câu chuyện trong bài “Dị dạng”. Lòng mình muốn tốt cho phụ huynh và con cái nhưng có khi bị phản ứng ngược.

 

Lm. Anmai, CSsR