Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hành trình nội tâm - Ôm lấy thế giới

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

HÀNH TRÌNH NỘI TÂM

 

“Maria!”.

 

“Aline!”, một trong những bản tình ca thành công nhất của nhạc sĩ người Pháp, Christophe, ở thập niên 70. Bài hát được các nhạc sĩ Việt Nam chuyển ngữ với tựa đề, “Gọi Tên Người Yêu”. Phải chăng Christophe đã cảm hứng từ sách Diễm Ca khi ông viết, “Tôi đã tìm người tôi yêu; nhưng mãi biệt tích và chẳng còn hy vọng… Người hỡi có ai, giúp tôi tìm người tôi yêu?”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, “Aline!”, “Maria!”, “Hỡi người tôi yêu!” là những gì có thể được gặp lại trong các bài đọc ngày lễ kính thánh Maria Mađalêna. Tin Mừng cho biết, Maria là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra, cũng là người tiên phong loan báo sự sống lại của Ngài. Thế nhưng, trước khi thực hiện cuộc hành trình bên ngoài, theo địa lý; Gioan tiết lộ,Maria đã phải trải qua một ‘hành trình nội tâm’ không mấy sáng sủa bên trong cho đến khi nghe gọi tên mình, “Maria!”.

 

Từ một người bị bảy quỷ ám, vốn được coi như một người tội lỗi, Maria được Chúa Giêsu chữa lành; để từ đó, Maria yêu Ngài hơn hết mọi người, đi theo làm môn đệ Ngài.Tin Mừng ghi nhận Maria có mặt dưới chân thập giá, đang khi các môn đệ khác bỏ Thầy mà chạy , trừ một mình Gioan. Maria đi ra mộ khi trời còn tối mịt, gặp được Thầy nhưng tưởng là người làm vườn; mãi cho đến khi tên cô được gọi, cô mới chợt nhận ra Thầy. Thế nhưng, Maria còn phải rảo qua một ‘hành trình nội tâm’ khác mới có thể hiểu được mối quan hệ mới với Chúa Phục Sinh; để từ đó, cô có thể chạy đi báo tin cho các tông đồ rằng, Chúa đã sống lại! Thật không lạ, phụng vụ Đông phương đã tặng cho Maria một danh hiệu khá kiêu sa, “Tông đồ của các Tông đồ!”.

 

Trước khi nhận ra Thầy, Maria vẫn ở trong bóng tối của Thứ Sáu Tuần Thánh; không chỉ một Giêsu đã chết mà thi hài Ngài dường như cũng bị đánh cắp ! Thất vọng và u buồn của cô thể hiện qua nước mắt. May thay,Maria được dẫn dần ra khỏi sự u minh tâm linh nàykhi ‘Ai đó’ gọi tên cô, “Maria!”; mắt cô mở ra và nhận biết Thầy.Nhưng ngay cả khoảnh khắc tuyệt vời đó, Maria vẫn phải vượt qua một sự thật khác: Thầy mình không còn như trước ! Quan hệ của Ngài với Maria đã thay đổi ! Phải bắt đầu một ‘hành trình nội tâm’ khác, hành trình của Thánh Thần!

 

Chỉ khi cởi mở hoàn toàn với mối quan hệ mới mẻ ‘hậu phục sinh’ với Chúa Giêsu , Maria mới có thể cất bước rao truyền sứ điệp; bằng không, ở cửa mộ hôm ấy, chỉ là cãi vã, hờn dỗi…‘Hành trình nội tâm’ là điều kiện tiên quyết để một người có thể ra đi loan báo Tin Mừng!Với bạn và tôi, hành trình này có thể là một đoạn tuyệt với một bám víu thế tục nào đó, một tính hư nết xấu nào đó; nó còn là một tiến trình dỡ bỏ cái tôi ích kỷ của mỗi người. Nhờ đó, bạn và tôi mới có khả năng nghe được tiếng gọi chính tên của mình! ‘Hành trình nội tâm’ là chuyến đi của cả một đời; một cuộc viễn du không bao giờ hoàn thành ở‘phía bên này’của cõi đời đời.

 

Bài đọc Diễm Ca hôm nay cũng mô tả‘hành trình nội tâm’ của một người đau khổ đi tìm người yêu, “Tôi tìm kiếm người tôi yêu, nhưng tôi không gặp được chàng”. Nhưng sau đó, niềm vui oà vỡ khi người ấy tìm được người yêu; ‘người ấy’ của Diễm Ca là hình ảnh tiền trưng của Maria, của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta trong hành trình tìm gặp Giêsu, Đấng đáng tôn thờ. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

“Maria!”. Tiếng gọi đích danh với âm vực quen thuộc thân thiện từ “Người Làm Vườn” đã làm giật thót trái tim Maria, vì “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”. Ngay từ thuở sơ khai, sự chết đã đến với loài người trong một khu vườn; thì nay, sự sống đã trở lại cũng trong một khu vườn ! Vui biết bao khi ‘lần hiện ra đầu tiên’ của Đấng Phục Sinh đã diễn ra theo ‘cách cá nhân’đến thế ! Một ‘Ai đó’ biết bạn và tôi, nhìn thấy sự đau khổ, thất vọng…và xúc động đến nỗi gọi tên bạn và tôi. Không phải chúng ta đi tìm Chúa, nhưng thật phi thường, Ngài đi tìm chúng ta! Ngài quan tâm đến cuộc sống chúng ta, Ngài muốn nuôi dưỡng nó, và để làm điều này, Ngài gọi chúng ta bằng tên; nhưng trước hết, Ngài mời chúng ta hãy bắt đầu tìm kiếm Ngài với một ‘hành trình nội tâm’ vốn đòi hỏi một sự biến đổi, một sự hoán cải bên trong với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chớ gì cuộc sống của con liên lỉlà một cuộc tìm kiếm Chúa và thánh ý Ngài; cho con khởi sự với một ‘hành trình nội tâm’ cho dù phải xót xa, nhưng nhất định cần thiết!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***************

 

ÔM LẤY THẾ GIỚI

 

“Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt!”.

 

“We Are the World”, “Chúng Ta là Thế Giới”, tên của một ca khúc do Michael Jackson và Lionel Richie viết, đã “tập trung sự chú ý chưa từng có của quốc tế về các vấn đề châuPhi”; cũng là tên của một đĩa đơn gây quỹ từ thiện do nhóm USA for Africa thu âm năm 1985 với hơn 45 siêu ca sĩ; đạt doanh số hơn 20 triệu bản, thu về hơn 75 triệu dollars giúp châu Phi. “Chúng ta là thế giới, những đứa trẻ… sẽ gầy dựng một tương lai tươi sáng hơn; vậy, hãy học biết chia sẻ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nói rằng, “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”, khác nào nói, hãy ‘ôm lấy thế giới!’. Và thú vị thay, Lời Chúa hôm nay tiết lộ thêm, đó là một thế giới ‘đầy cỏ’;một thực tếvừa xót xa, nhưng là một thực tế đáng vui mừng ! Cỏ ở khắp mọi nơi, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn nhiều hơn cỏ; nó bao trùm cả thế giới. Và điều quan trọng, mỗi người chúng ta được kêu gọi để ‘ôm lấy thế giới’ đầy cỏ đó; và cho phép Thiên Chúa ‘ôm lấy thế giới’ qua chính mình!

 

Nếu coi lúa tốt là tất cả những gì Chúa Kitô dạy và những gì chúng ta được kêu gọi trở thành, thì không cần nhìn đâu xa để thấy rằng, trong thế giới ngày nay, có nhiều điều trái nghịch Kitô giáo. Nói cách khác, có cỏ! Cỏ thậm chí có thể sinh sôi nảy nở nhiều hơn lúa hoặc dễ thấy hơn lúa. Thế nhưng, làm thế nào Chúa cho phép cỏ lấn át lúa? Không đâu! Chúa Giêsu nói, “Cha trên trời cho mặt trời mọc trên kẻ xấu và người tốt, mưa xuống cho kẻ công chínhlẫn kẻbất lương!”. Vì thế, khi thấy cỏ khắp nơi mọi chốn, chúng ta không nản chí; trái lại, tìm ‘ôm lấy thế giới’ lắm cỏ đó, để Vương Quốc Đức Kitô hiện diện trong thế giới, ít nữa là thế giới quanh mình!

 

Hãy tập trung vào tình yêu và lòng thương xót; đừng tập trung vào cỏ ! Phải,luôn luôn có cỏ, và sẽ có nó cho đến mút cùng thời gian ! Tập trung vào cỏ, chúng ta có thể rơi vào phán xét hoặc rút lui khỏi các tương tác với những ai không nhìn mọi thứ như chúng ta nhìn; trở nên tiêu cực, đánh mất hy vọng và niềm vui. Tình yêu kêu gọi chúng ta không chỉ thấy ‘những gì đang có’ nhưng còn kêu gọi chúng ta thấy ‘những gì có thể!’. Chúa Giêsu đã không nói “Hãy yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình!”; “Ai mạnh, không cần thầy thuốc, chỉ những kẻ ốm đau”; “Tôi muốn lòng thương xót, đâu cần lễ tế”; “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà là kẻ tội lỗi” sao? Kitô hữu được mời nhìn mọi sự với trái tim xót thương; nhất là với những ai sống xa đức tin. Mẹ Têrêsa nói, “Tôi tin rằng, Thiên Chúa yêu thương thế giới qua chúng ta!”. Vậy tôi có cho phép Chúa yêu thế giới qua tôi, và tôi có cùng Ngài ‘ôm lấy thế giới’ đáng thương đó không?

 

Thật trùng hợp, điều chúng ta được kêu gọi cũng là điều Giêrêmia thể hiện qua bài đọc hôm nay. Giêrêmia không nguyền rủa dân, một dân phản nghịch; trái lại, ôm lấy dân! Đúng hơn, Giêrêmia cho phép Thiên Chúa qua ông, ‘ôm lấy thế giới’ Israel khi ông nói cho dân sứ điệp của Ngài, “Chúa phán: Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này”. “Chốn” Chúa ở là đền thờ, là “​Cung điện khả ái” như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở.

 

Anh Chị em,

 

“Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt!”. Đợi “đến mùa gặt” chính là ‘thời gian xót thương’ của Thiên Chúa, Chủ Mùa ! Dẫu cỏ trên ruộng không thể trở thành lúa, nhưng con người lại hoàn toàn có thể biến đổi ! Lòng thương xót là nguồn gốc và động lực của mọi cuộc hoán cải ! Thánh Gioan Phaolô II nói, “Lòng thương xót là gì nếu không phải là tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã đương đầu với tội lỗi của con người, kiềm chế xung năng của công lý nghiêm khắc và để cho mình ‘bị lay động’ bởi sự khốn khổ của các tạo vật vốn thúc đẩy đến toàn bộ, đến nỗi trao cả món quà của bản thân, Con Một, trên thập giá!”. Cả chúng ta, hãy ước ao thật nhiều về một kinh nghiệm tái tạo của lòng thương xót, để có thể cùng với Đức Giêsu ‘ôm lấy thế giới!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, thật khó để con tiếp cận ‘cỏ’. Xin giúp con nhìn nhận họ như Chúa nhìn nhận; cho con một trái tim xót thương để có thể ôm lấy họ, ‘ôm lấy thế giới’ như Chúa đã ôm chặt!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)