Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vô cảm, bệnh không của riêng ai

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

VÔ CẢM : BỆNH KHÔNG CỦA RIÊNG AI

 

          Hơn bao giờ hết, vô cảm như là căn bệnh của thời đại đang ngày càng phát triển và len lỏi vào con người. Từ sự vô cảm, con người không cảm cũng như không chung chia nỗi đau của người đồng loại.

 

Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...

 

Vô cảm, điều này đã được bàn đến từ lâu, ồn ào trên những diễn đàn với những bức xúc, lo lắng. Song rồi nó cũng đã từ lâu trở thành “thói quen” của nhiều người với câu nói thường xuyên “chuyện thiên hạ, dính vào chi cho phiền!”. Vô cảm từ những chuyện nhỏ và cứ thế theo năm tháng thành... mãn tính.

 

Việt Nam đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế mà xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tính huyết thống, lối sống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” bị nhạt nhòa dần đi.

 

Người Việt Nam có truyền thống vô cùng tốt đẹp là "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"... Thế nhưng, có những cách sống ngày nay đang gặm nhấm những truyền thống tốt đẹp đó. Thế nhưng rồi chả phải một con ngựa đau mà có quá nhiều con ngựa đau nhưng lại im thin thít.

 

Sự việc mới xảy ra và vẫn còn rất nóng về em Lucia Hồ Hoàng Anh :

 

Khoảng 8g30 sáng 28-6-2022, tại đường 16-4 (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm làm em HHA, 18 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tử vong sau đó ít phút.

 

Theo clip ghi nhận tại hiện trường:

 

Em HHA đi xe gắn máy hiệu Dream (đi đúng làn đường dành cho xe gắn máy) và xe ô tô 7 chỗ do một cán bộ (thuộc Trung đoàn không quân 937 cầm lái, chở phụ nữ trên xe), cả 2 xe đi song song cùng chiều. Tài xế xe ô tô 7 chỗ quẹo phải vào ngân hàng nhưng không quan sát kỹ, không thấy mở đèn xi nhan trước khi rẻ phải đã làm em HHA đâm vào bên phải của xe ô tô. Cú tông này đã làm em HHA bay về phía trước, đập đầu xuống lề đường, va vào cây trụ đèn gần đó, nằm bất động tại chỗ.

 

SAU KHI XUỐNG XE, TÀI XẾ XE Ô TÔ 7 CHỖ VẪN BÌNH THẢN NGHE ĐIỆN THOẠI (có thể trước đó tài xế đã nghe điện thoại khi đang lái xe), thái độ của tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn rất vô cảm, không thể chấp nhận được, gây bức xúc cho gia đình người bị nạn.

 

Em HHA là một học sinh ngoan hiền, hiếu thảo với cha mẹ, được bạn bè và thầy cô quý mến. Em vừa đạt IELTS 7,5; trúng tuyển vào HVNG và một Trường ĐH... Ngoài ra, em cũng được học bổng của một trường nước ngoài và gia đình đã lên kế hoạch cho em đi du học.

 

Tuổi 18 với biết bao ước mơ, hoài bão, tương lại thênh thang, rộng mở phía trước đã phải khép lại vĩnh viễn một cách oan uổng. Sự ra đi em để lại để nỗi đau, mất mát quá lớn, không gì có thể bù đắp được cho cha mẹ, người thân và bạn bè vì sự bất cẩn, vô cảm, coi thường luật giao thông đường bộ của tài xế gây ra tai nạn thương tâm này.

 

Bao nhiêu nghịch lý từ kết luận của cơ quan điều tra.

 

Từ một tai nạn giao thông nhưng rồi được báo chí ra thông báo là Vụ nữ sinh lớp 12 tử vong: Bệnh viện đã có báo cáo, 'hồ sơ là mật'.

 

Với cảm nhận thật cá nhân, liệu rằng người gây ra cái chết cho em HHA có thoát được bản án lương tâm hay không ? Có thể bằng nghiệp vụ nào đó để có thể gọi là thoát được bản án của luật đời nhưng rổi lương tâm có bình an hay không trước sự đau xót của gia đình em HHA.

 

Một xã hội xem chừng ra tếu tếu ! Còn nhớ năm ngoái xảy ra cái vụ người ta tiêu hủy đàn chó thì có quá nhiều lời lên tiếng. Thực tế đau buồn thì những cái chết oan nghiệt như em HHA đây dường như quá ít người lên tiếng hay xem chừng có nhưng lẻ loi. Người ta dửng dưng hay vô cảm trước một cái chết bất công và còn bị vu oan nữa.

 

Thật thế, khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, làm nảy nở cái xấu, cái ác. Trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị triệt tiêu, công lý bị đẩy lùi.

 

Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công. Chỉ vì người ta ngại và sợ lên tiếng cho sự thật để rồi căn bệnh  vô cảm cứ ngày mỗi ngày lan truyền trong cuộc sống.

 

Điều mà mọi người thấy đó là cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp ở các cấp là đang hướng tới một xã hội như vậy.

 

Thật thế, một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết" - cái chết trước hết từ trong tâm hồn cũng như lương tâm của con người.

 

Lm. Anmai, CSsR