Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót - Một kiến thức trọn vẹn

Tác giả: 
Lm Minh Anh

KHIÊM NHƯỢNG VÀ NIỀM TIN SẼ KÉO XUỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

“Này cô, cô có lòng mạnh tin. Cô muốn sao thì được vậy!”.

 

Andrew Murray nói, “Khiêm nhượng là sự tĩnh lặng hoàn hảo của trái tim; là ngôi nhà phước hạnh trong Chúa, nơi tôi có thể đi vào, đóng cửa và quỳ lạy Cha tôi trong kín ẩn; và linh hồn được bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố. Ở đó, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Nơi ‘ngôi nhà Giêsu’, người mẹ khốn khổ của Tin Mừng hôm nay “đã đi vào, đóng cửa và quỳ lạy!”. Nhưng đây cũng là một trong những trình thuật gây sốc của toàn bộ Tin Mừng! Một phụ nữ ngoại giáo cùng đường đến xin Chúa Giêsu một ân huệ, và cô lại nhận được một quả đắng! Thế mà, chẳng có quả đắng nào ở đây cả! Qua người phụ nữ này, Chúa Giêsu chỉ muốn tiết lộ một bí quyết, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!

 

“Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó!”. Chúa Giêsu có thực sự ngụ ý việc cứu giúp người mẹ này tựa hồ việc ném thức ăn cho một con chó? Không đâu! Hầu hết chúng ta cảm thấy xúc phạm với những gì Ngài nói; thế mà những gì Ngài nói là sự thật và không thô lậu dưới bất kỳ hình thức nào! Ngài không thể thô lậu; tuy bề ngoài, câu nói của Ngài có vẻ thô lậu! Về căn bản, Chúa Giêsu muốn nói, cô không xứng đáng với ân huệ này. Và đó là sự thật! Dẫu đây là một cách nói gây sốc, nhưng bằng cách này, lần đầu tiên, Ngài cho biết một sự thật về tình trạng tội lỗi và sự không xứng đáng của bất cứ ai trước ân huệ của Thiên Chúa; và người phụ nữ này, đại diện cho cả nhân loại, xác nhận điều đó!

 

Thứ hai, câu trả lời ‘muối mặt’ của Chúa Giêsu cho phép người phụ nữ này phản ứng với sự khiêm tốn và đức tin đến mức cao nhất. Sự khiêm tốn của cô thể hiện ở chỗ, cô không phủ nhận việc mình ‘được’ sánh với một con vật dưới gầm bàn; thay vào đó, cô khiêm tốn chỉ ra rằng, ngay cả những cún con cũng được phép lượm những đồ thừa từ bàn rơi xuống. Ôi, đích thực đây mới là khiêm nhượng! Trên thực tế, chúng ta có thể đoan chắc, Chúa Giêsu đã nói với cô ấy một cách nghiệt ngã, bởi Ngài biết cô khiêm tốn như thế nào; và Ngài biết, cô sẽ phản ứng bằng việc để cho sự khiêm nhường toả sáng hầu đức tin của cô được thể hiện; và Ngài biết, rồi đây, từ con người này, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Thiên Chúa. Cô không bị xúc phạm bởi sự thật về sự không xứng đáng; đúng hơn, cô đã đón nhận sự thật đó và tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa, bất chấp sự bất xứng của mình.

 

Sự khiêm nhường có khả năng giải phóng đức tin, đức tin lại giải phóng lòng thương xót và mở ra quyền năng của Thiên Chúa. Cuối cùng, đức tin của cô đã tỏ bày và Chúa Giêsu đã nắm bắt cơ hội để tôn vinh cô vì đức tin hạ mình thẳm sâu đó, “Này cô, cô có lòng mạnh tin. Cô muốn sao thì được vậy!”. Quả thế, ‘khiêm nhượng và niềm tin đã kéo xuống lòng thương xót’ Chúa.

 

Bài đọc Giêrêmia cũng cho thấy, chính đức tin và lòng khiêm nhượng của dân Chúa đã làm một điều tương tự. Dân nhìn nhận sự bất trung, phản nghịch Chúa; họ kêu cầu, và Ngài đã xót thương, “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương và dắt ngươi lên”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên”.

 

Anh Chị em,

Hôm nay, bạn và tôi, chúng ta hãy suy gẫm về sự khiêm nhường của mình trước mặt Chúa. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng những lời đã nói với người phụ nữ? Bạn có đủ khiêm tốn để thừa nhận sự không xứng đáng của mình không? Nếu vậy, bạn có đủ đức tin để kêu lên lòng thương xót Chúa dù bạn không xứng đáng? Khiêm nhường và đức tin đi đôi với nhau; chúng có khả năng giải phóng lòng thương xót! Nói cách khác, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước bao ân huệ Chúa, con thật bất xứng; nhưng xin giúp con can đảm đi vào ngôi nhà Giêsu mỗi ngày, “đóng cửa và quỳ lạy”, hầu con cũng được chính Ngài xót thương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT KIẾN THỨC TRỌN VẸN

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. 

 

Một nhà tu đức nói, “Hiểu biết ai, có kiến thức về ai, mới chỉ là ‘cái có’ trong đầu! Theo Thánh Kinh, “biết” ai là yêu mến, cam kết và đi theo người ấy... “Tôi biết chiên của Tôi, và chiên Tôi biết Tôi!”. Trả lời được câu hỏi, “Thầy là ai?”, cũng sẽ là đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Bởi lẽ, “biết” Chúa Giêsu, có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài, đòi buộc chúng ta phải thay đổi tận căn!”. 

 

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay xoay quanh việc Chúa Giêsu muốn biết dư luận quần chúng về Ngài; quan trọng hơn, các môn đệ nghĩ sao về Ngài! Cuộc đối thoại này đưa chúng ta về một câu hỏi cực kỳ quan trọng, “Tôi là ai?”; kiến thức của tôi về Chúa Giêsu là ‘một kiến thức từng phần’ hay ‘một kiến thức trọn vẹn’ theo nghĩa “thay đổi tận căn” của nhà tu đức trên? Nói cách khác, Chúa Giêsu có thay đổi cuộc đời tôi, cách sống của tôi và tôi có ngày càng nên giống Ngài hơn không?

 

Con người thu thập kiến ​​thức qua sách vở hay kinh nghiệm; người đương thời Chúa Giêsu biết Ngài qua kinh nghiệm với ‘kiến thức từng phần’. Họ cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ. Các nhân vật này có thể phù hợp phần nào với Chúa Giêsu; nhưng hiểu biết này không tiết lộ toàn bộ con người Ngài. Hiểu biết về một ‘Giêsu’ nơi họ chỉ khiến họ thán phục, ngưỡng mộ… nhưng không bao giờ biến đổi họ trở nên môn đệ Ngài; thậm chí cuối cùng, họ giết Ngài! Tại sao? Kiến thức của họ về Ngài chỉ dừng lại với hiếu kỳ, vui tai và chạy theo phép lạ; và một khi các yếu tố vật chất không còn, họ bỏ Ngài! Căn bản, họ không nhận ra ‘Giêsu’ đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Thế Giới; đang khi các ngôn sứ hoặc Gioan chỉ là những ánh sao le lói dọn đường. Ngài phần nào giống các vị ấy, nhưng vượt trỗi các vị; thay thế các vị, chiếu sáng các vị! Không ai trong những kẻ dọn đường này có thể mô tả cạn kiệt các chiều kích trong con người Ngài. Họ chỉ là những vệt sáng; ‘Giêsu’ mới chính là Vầng Hồng! 

 

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô thưa, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”. Tuyệt vời! Hoàn toàn đúng, nhưng Phêrô lại hiểu sai; vì vậy ông ngăn cản Ngài khi Ngài nói đến thập giá; và tiếp tục hiểu sai khi chối nhận Ngài. May thay, Phêrô được xót thương nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy; ông dần dần hồi tỉnh và bắt đầu có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài. Mãi đến sau biến cố Phục Sinh của Thầy; chính xác, sau lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần, Thầy Dạy đức tin, mới giúp Phêrô và các tông đồ “biết” Thầy mình một cách trọn vẹn. Từ đó, họ đã “thay đổi tận căn” từ nghi ngờ nên xác tín, từ sợ sệt nên can đảm, từ cửa đóng then cài đến mở toang; mở toang cửa, mở toang lòng… ra đi loan báo Tin Mừng. Các ngài “cam kết, dấn thân” cho Nước Trời đến nỗi bằng cả cái chết của mình. Như vậy, không chỉ hiểu đúng, nhóm Mười Hai còn được mời gọi sống đúng điều mình “biết!”. Đó là ‘một kiến thức trọn vẹn’ Chúa muốn. 

 

Anh Chị em,

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Đây là một câu hỏi mà Thánh Thần không ngừng khơi lên trong tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta phải quyết định hay bắt đầu thực hiện một điều gì. Và thật thú vị, câu trả lời đòi mỗi người đặt thêm một câu hỏi khác, “Tôi là ai?”. Trả lời câu hỏi thứ hai, “Tôi thuộc về Chúa Kitô”, tôi suy nghĩ, tôi chọn lựa, “Tôi sống như Chúa Kitô sống trong tôi”. Và như thế, tôi đã “biết” Ngài cách trọn vẹn nhất, một sự “biết” của chiên đối với Chủ Chiên đích thực nhất, ‘một kiến thức trọn vẹn’ nhất, tận căn nhất. Từ đó, tôi “yêu mến, cam kết và đi theo” Ngài. Thật trùng hợp, bài đọc Giêrêmia cũng nói lên điều tương tự, “Chúng không còn dạy bảo nhau, ‘Hãy học biết Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến lớn, sẽ biết Ta”. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng!”. Ai có tâm hồn trong trắng của một em bé, sẽ dễ nhận biết Thiên Chúa. Nhưng xin đừng quên, đây còn là công việc của Thánh Thần!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đọc Tin Mừng, Chúa khiến con mê mệt, nhưng chỉ ân sủng mới có sức biến đổi con, để con biết con là ai, Chúa là ai. Và như thế, tri thức của con về Chúa mới trọn vẹn!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)