Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trở nên người bạn của thập giá - Cuộc xuất hành đổi thay lịch sử

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TRỞ NÊN NGƯỜI BẠN CỦA THẬP GIÁ

 

“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”.

 

Nick Vujicic, người không có tứ chi; đúng hơn, chỉ có 1 bàn chân 2 ngón.Từ 8 tuổi, muốn tự tử;khi lên 10, tự dìm mình vào bồn tắm. Ấy thế, tình yêu của Thiên Chúa và của cha mẹ đã giúp cậu vượt qua! Vujicic nói, “Chúa đã lên kế hoạch cho cuộc đời tôi ,tôi không thể tự dìm mình xuống. Tự coi mình là vô giá trị, bạn đặt giới hạn cho những điều kỳ diệu. Tôi không có tay để chạm vào người khác, nhưng trái tim tôi sẽ làm điều đó;nó làm rung động trái tim nhiều người!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Vujicic chỉ muốn quyên sinh mãi cho đến khi bằng lòng ôm lấy thập giá đời mình. Ôm lấy nó, anh đã trở nên một khí cụ tuyệt vời của Thiên Chúa; anhđã đến 26 quốc gia, truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người. Phải chăng Vujicic đã sống bí quyết Chúa Giêsu tiết lộqua Lời Chúa hôm nay, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”; nói cách khác, Vujicic đã  ‘trở nên người bạn của thập giá’ là chính thân thể không bình thường của mình.

 

Rất nhiều Kitô hữu sẵn sàng làm bạn với Chúa Giêsu trong thời gian thuận lợi; tuy nhiên, vẫn có một sốkhác là bạn thực sự của Ngài, họ luôn ôm lấy thập giá, cả trong những hoàn cảnh xấu nhất. Tất nhiên, không bao giờ là dễ dàng để ‘trở nên người bạn của thập giá’; cũng thế, Chúa Giêsu và Tin Mừng không luôn là những gì đem lại hân hoan, xuôi may và bình an, nếu không nói là ngược lại! Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục, một trận chiến khốc liệt kéo dài cả đời, trận chiến từ bỏ chính mình. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để đào ngũ khỏi chiến cuộc khắc nghiệt lúc này lúc khác; tuy nhiên, sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng ta không bằng lòng ôm chặt thập giá đời mình; cũng như không thể mong đợi một vinh quang vĩnh cửu đầy ắp kỷ niệm và niềm vui nếu không đổ một ít máu, mồ hôi và nước mắt ở đây, trong hoàn cảnh của mình, trên trái đất này, vì lợi ích của Chúa Kitô và lợi ích của anh chị em mình.

 

Chúa Giêsu còn nói, “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”. Ngài muốn nói, tiền không mua được linh hồn và tình yêu; không quan trọng bạn có bao nhiêu trong tài khoản, ‘bằng cấp’ các loại, cho đến khi bạn ‘bằng lòng’ với thập giá đời mình. Bạn dành cả đời để ky cóp đủ thứ xa xỉ, nhưng sẽ rất vô ích; bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa đích thực của cuộc sống và kho tàng đích thực của tình yêu. Đừng phạm sai lầm khi ra sức làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và thoải mái; bởi lẽ, càng ôm ấp nó, bạn càng kết thúc trong vô vọng, khổ đau và cô đơn tột cùng.

 

Trong cuộc sống, vì nhiều lý do, chúng ta lạc lối khi tránh thập giá, ngại thập giá và sợ thập giá! Nói như Đức Phanxicô, “Chúng ta chỉ tìm kiếm hạnh phúc ở những thứ, hoặc ở những người mà chúng ta coi như vật”. Vậy mà, hạnh phúc thực sự chỉ đến một khi tình yêu đích thực bắt gặp chúng ta, cho dù đó là một tình yêu ‘bước xuống’ từ thập giá. Đó sẽ là một tình yêu ‘làm cho ngạc nhiên’, ‘làm cho thay đổi’con người chúng ta từ trong lẫn ngoài, từ trái tim đến ý chí. Tình yêu đó thay đổi tất cả; nó có thể biến đổi mỗi người, với một điều kiện,tôi ‘trở nên người bạn của thập giá!’. Vujicic đã chứng minh điều đó, các vị thánh đã chứng minh điều đó!

 

Anh Chị em,

 

“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”. Mời gọi người khác đi theo Ngài, Chúa Giêsu lại nói đến một điều không ai muốn nghe, nhưng đó là một sự thật ‘không thể thay thế’. Ngài không đòi chúng ta vác thập giá người khác, nhưng là thập giá của mình, của gia đình mình. Hãy ôm trọn nó và thánh hoá sự khó chịu, sự khó dạy và cả tội lỗi… từ bệnh tật, từ tính khí, từ công việc, từ con cái, từ anh chị em mình… và chúng ta sẽ nên thánh!Con Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị thần thánh mà vác lấy thập giá cả trần gian để cứu độ cả gian trần! ‘Trở nên người bạn của thập giá’ đời mình, chúng ta không những biến đời sống hiện tại không mấy vừa ý nên nhẹ nhàng, mà còn để thập giá trở nên phương dược cứu linh hồn mình và tha nhân.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn trở nên một người bạn nghĩa thiết của Chúa; điều đó bao hàm việc con luôn ôm chặt thập giá đời mình. Được như thế, nhất định con sẽ nên thánh!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

CUỘC XUẤT HÀNH ĐỔI THAY LỊCH SỬ

 

“Kìa, có hai vị đàm đạo với Ngài, đó là Môisen và Êlia. Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”.

 

Một nhà tu đức nói, “Ngài có thể bước đi trên nước, nhưng không thể bước đi khỏi đôi mắt đầy nước mắt của quả phụ Nain. Ngài chỉ huy các tinh tú trong quỹ đạo của chúng, nhưng từ chối thay đổi hoàn cảnh cuộc xuất hành cuối cùng của mình, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Cùng với ý tưởng “cuộc xuất hành cuối cùng” của nhà tu đức, Lời Chúa lễ Hiển Dungtường thuật cuộc biến hình trên núi của Chúa Giêsu!Trong cuộc biến hìnhnày, Môisen và Êlia bất ngờ hiện ra đàm đạo với Ngài; nhưng bất ngờ hơn, các đấngđàm đạo về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành”. Cuộc xuất hành này còn vĩ đại hơn cuộc Xuất Hành thoát  Ai Cập xưa, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ nhân loại: giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗivà sự chết!

 

Thật lạ lùng, trong biến cố này, Chúa Giêsu không nói về những phép lạ Ngài sẽ thực hiện, những phú túc và vẻ đẹp của thế giới,những tham vọng Ngài đang ấp ủ; Ngài không quan tâm đến những cơ hội lẫn tài năng của mình…hầu vận dụng chúng để sở hữu những danh tước vĩ đại, tạo nên danh tiếng lấy lừng cho bản thân, và dành sự tôn trọng của người khác. Ngài không nói đến những điều này ! Ngài nói đến cuộc thương khó Ngài sắp chịu ! Bởi lẽ, mong muốn duy nhất của Ngài là hoàn tất cuộc xuất hành của chính mình,cuộc Tử Nạn và Phục Sinh,hầu Chúa Cha được tôn vinh và kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha được thành toàn.

 

Nội dung cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Cựu Ước và Chúa Giêsu như muốn nói rằng, đây là điều mà các ngôn sứ và các bạn hữu của Thiên Chúa hằng mong đợi. Thật ra, việc Chúa Giêsu rời cung lòng Cha khi vào trần gian,mặc thân xác phàm nhân, đã là một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ thế giới và nhân loại. Và rồi, với cuộc xuất hành lên Giêrusalem cuối cùng này, Con Thiên Chúa không vượt qua Biển Đỏ nhưng dòng máu đỏ thắm của Ngài sẽ đổ ra rửa sạch tội lỗi nhân gian. Phải, Ngài đã chết, chôn trong mồ, nhưng ngày thứ ba, đã sống lại vinh hiển ! Chính nhờ cuộc xuất hành này, vận mệnh con người đổi thay, tội Ađam được tẩy xoá và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết nữa; nhưng được trở nên con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống mới, sự sống phục sinh nhờ thông phần sự chết và sự sống lại của Ngài.

 

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta, môn đệ của Ngài, thấy mình thật khác xa. Đang khi chúng ta gắn bó với nhiều thứ, như tham vọng, thành công, thành tài, thành nhân… thì Chúa Giêsu đã dùng tất cả những khả năng này cho việc phụng sự Chúa Cha. Việc phụng sự này bao hàm ý nghĩa “tách khỏi” thế gian của người môn đệ; nghĩa là sẵn sàng từ bỏ mọi sựhầu có thể yêu mến Chúa Kitô trên tất cả.Chúa Kitô chính là Miền Đất Hứa đích thực và là sự giải phóng thật sự khỏi ách nô lệ của ‘chủ nghĩa vị kỷ’. Kết quả của việc thoát khỏi những ràng buộc của ‘chủ nghĩa vị kỷ’ là niềm vui, bình an, tình yêu; và nhất là, cuộc sống vĩnh cửu.Đây là ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ mỗi người,dẫu không hề dễ dàng! Tuy nhiên,tự cho mình là trung tâm sẽ làm chúng ta nghèo đi và làm hoen ố tình yêu; trên thực tế, chúng ta sẽ ‘ít yêu hơn’ so với khả năng có thể yêu. Vì thế, để có thể ‘xuất hành’, người môn đệ nhất định phải ‘biến hình!’.

 

Anh Chị em,

 

“Hai vị nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”. Nhờ cuộc xuất hành Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại bước sang một trang sử mới, một thời đại mới: thời đại ân sủng, cứu độ và giao hoà. Tỏ cho các môn đệ phần nào cuộc xuất hành của Ngài, Chúa Giêsu mời họ chuẩn bị bản thân để cũng có thể bước vào cuộc xuất hành của chính họ. Mừng Chúa Hiển Dung, ước gì chúng ta cũng được ‘biến hình’; tức là thay đổi suy nghĩ, cách sống, ước muốn… để tham dự vào công cuộc cứu độ của Ngài. Để được vậy, mỗi ngày, chúng ta cần có những cuộc ‘xuất hành nhỏ’ nhưng không ít đau đớn, để ra khỏi cái tôi ích kỷ hạn hẹp, những thói quen thế tục vô bổ. Can đảm lên, Chúa là sức mạnh của chúng ta!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chớ gì, với ân sủng Chúa, con được ‘biến hình’ mỗi ngày ! Nhờ đó, con cũng có thể may mắn có một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ linh hồn con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)