Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cần đặt lại tương quan với Chúa

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

CẦN ĐẶT LẠI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

 

          Trong cuộc sống, đôi khi mình trách móc Chúa thế này thế kia : Tại sao Chúa bỏ con ? Tại sao Chúa để cho con như thế này thế kia ... Nhưng có bao giờ chúng ta bỏ chút ít thời gian ra đặt mình trước mặt Chúa để duyệt lại mối tương quan giữa mình với Chúa hay không ?

 

          Hết sức cẩn thận ! Nếu không khéo mình sẽ biến Chúa thành thần tài để ban cho mình tiền tài và danh vọng theo ý mình cũng như biến Chúa thành nô lệ cho mình. Và mình chỉ chạy đến Chúa khi cần xin còn bình thường chả bao giờ mình nhớ đến Chúa.

 

          Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội thì người lãnh nhận trở thành con của Chúa và dĩ nhiên được đóng ấn trong mình dấu ấn và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Kể từ giờ phút lãnh nhận phép dìm thì người đó có Chúa ở trong người đó và người đó có Chúa. Có thể nói rằng Chúa và người đó như hình với bóng vậy.

 

          Chúa thì mãi mãi ở bên cạnh, ở trong và ở với con người cách đặc biệt khi con người cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và đặc biệt kết hiệp mật thiết trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể chính là lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của con người. Thánh Thể quan trọng đến mức trong thời gian giãn cách hay điều kiện không thể thì người Kitô hữu được mời gọi rước Chúa cách thiêng liêng.

 

          Càng ngăn cách, càng cách trở thì người Kitô hữu khao khát được tham dự Thánh Lễ, được rước Chúa vào lòng. Thế nhưng rồi khi hoàn cảnh sống trở lại bình thường với nhịp sống thường nhật thì tương quan giữa con người và Thiên Chúa được thấy cách rõ nét hơn.

 

          Dường như khi nhịp sống trở lại bình thường thì con ngườ ta lại hối hả lao vào cuộc sống để gọi là tìm kế sinh nhai. Miệng thì vẫn đọc và xin “xin cho chúng con lương thực hàng ngày” đó nhưng mấy ai chịu và dám dừng lại ở cái gọi là “lương thực hàng ngày” mà cứ quay quắt với của ăn của để. Chính vì lao vào vòng xoáy của thế gian để rồi người ta đánh mất dần tương quan với Chúa. Chỉ đến khi nào cuộc sống gặp bế tắc, gặp ngang trái thì khi đó người ta tìm đến Chúa mà thôi.

 

          Đến thời điểm hiện tại, xem chừng các sinh hoạt tôn giáo đã trở lại bình thường nhưng thử hỏi lượng tín hữu đến Nhà Thờ ít là trong ngày Chúa Nhật tính ra được bao nhiêu phần trăm. Rồi khi đến tham dự Tiệc Thánh có bao nhiêu phần trăm đến để nhận Mình Thánh Chúa ?

 

          Rất dễ tính số lượng tín hữu tham dự Thánh Lễ. Dĩ nhiên không chính xác nhưng vẫn có thể tính được con số tương đối đúng. Số người đến với Chúa chứ chưa nói đến chuyện tham gia các hội đoàn, ca đoàn chỉ ở mức thấp hay quá thấp.

 

          Một giáo dân chia sẻ rằng nơi họ đang sống có 900 tín hữu và vì là họ lẻ nên mỗi tuần có 1 Thánh Lễ và Thánh Lễ đó có 65 nữ và 15 nam dự Lễ. Người đó cho biết rằng chỉ có độ 25 người lên rước Lễ.

 

          Tính ra như vậy cũng là khá lắm rồi. Có những nơi tỷ lệ tham dự Thánh Lễ hay hội đoàn còn tệ hơn nữa.

 

          Và như vậy, ta nhận thấy có điều gì đó buồn với đời sống đạo như hiện nay. Có người bỏ Chúa, bỏ nhà thờ năm này sang năm khác mà chả thấy ngại ngùng hay tiếc nuối gì cả. Dĩ nhiên là họ có lý do của họ và mình không xét đoán và kết án làm chi.

 

          Tựu trung, ta thấy người ta chỉ tìm đến Chúa khi cần xin điều gì đó cho bản thân còn bình thường trong cuộc sống người ta cũng chả màng gì đến Chúa. Thử hỏi một điều đơn giản nhất là giờ kinh chung trong gia đình thì có bao nhiêu gia đình còn ngồi lại với nhau để đọc kinh. Dĩ nhiên là người ta cũng có cả hàng ngàn, hàng vạn lý do để ngồi chung với nhau dâng lên Chúa lời kinh gia đình.

 

          Đứng ở góc cạnh hay đặt thử xem mình là Chúa đi thì mình sẽ nghĩ sao về người Kitô hữu ? Chắc Chúa buồn lắm chứ vì lẽ người ta hời hợt cũng như xem Chúa như ông thần tài. Chỉ đến với Chúa khi cần xin điều gì đó cho bản thân còn bình thường thì chả nhớ gì đến Chúa.

 

          Điều mà người tín hữu quên rằng đó là Chúa đã biết trước nhu cầu cũng như nguyện ước của con người. Có điều rằng Chúa có cho theo ý nguyện hay không đó lại là quyền của Thiên Chúa. Có người phàn nàn hay trách móc rằng Chúa không cho họ điều này điều kia nhưng có bao giờ họ nghĩ ngược lại rằng Chúa không cho vì điều đó bất lợi cho họ hay không ? Là cha là mẹ, ta thấy điều gì có lợi ta mới cho con cái thì Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa cũng sẽ không yêu con người cách mù quáng như một số người.

 

          Như vùng tôi đang sinh sống, có những gia đình cực nghèo nhưng con cái đòi mua xe này xe nọ. Vì thương mù quáng nên cha mẹ bán đất mua cho con. Xe mua về chạy một thời gian thì con gây tai nạn chết người. Và khi đó nhìn lại thì quá muộn khi cha mẹ thương con cái cách mù quáng.

 

          Và ở một góc cạnh nữa mà có lẽ ít ai để ý. Là cha là mẹ, chúng ta thoải mái cũng như thưởng quà cho con khi con ngoan để như là khích lệ và thưởng cho chúng. Có bao giờ chúng ta đặt lại tương quan giữa ta với Chúa chưa ? Ta tự kiểm điểm đời sống của ta như thế nào với Chúa chưa ? Có bao giờ ta duyệt lại cung cách sống của ta chưa ? Ta có sống tốt đủ hay đức tin và lòng mến của ta với Chúa cũng như của anh chị em ta đủ chưa để được Chúa cho điều này điều kia.

 

          Sống đức tin một cách hời hợt. Sống thiếu bác ái, thiếu công bằng với anh chị em đồng loại ấy vậy mà cứ vòi vĩnh Chúa cũng như người khác cho mình điều này điều kia.

 

          Điều mà Chúa mời gọi chúng ta đó là tin yêu Chúa cũng như anh chị em đồng loại ta đã sống chưa mà ta đòi Chúa cũng như người khác ưu tiên cho ta điều này điều kia.

 

          Nên chăng chúng ta đặt lại tương quan giữa ta với Chúa. Nếu như chúng ta thật sự ngoan, chúng ta sống đời sống đức tin và lòng mến cách tốt đẹp chắc có lẽ Chúa sẽ không bao giờ từ chối ta điều gì. Mỗi người hãy tự đặt lại tương quan giữa mình với Chúa thì chắc chắn mỗi người sẽ nhận ra được câu trả lời cho chính mình.

 

Lm. Anmai, CSsR