Quay quắt với nhau vì danh lợi
QUAY QUẮT VỚI NHAU VÌ DANH LỢI
Phải nói với nhau rằng cái danh lợi thú nó làm cho con người thất thiên bát đảo dù cho người đó là ai. Tệ hại nhất lại là những người khoác trên mình chiếc áo tu trì.
Những ngày này, bát nháo trên các trang mạng lời qua tiếng lại của những người tu. Chỉ dừng lại ở sự kiên chứ cũng chẳng có rảnh cũng như chẳng dính dự gì đến đời mình để bình phẩm cũng như để phê phán. Chỉ muốn suy nghĩ về cung cách sống, lời ăn tiếng nói và hành xử của những người được xem là có đạo đức hơn người.
Có vô vàn cơn cám dỗ khác nhau; nhưng tất cả đều quy về ba mối chính: Danh - Lợi - Thú. Ham danh, ham lợi ham phú quý là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng muốn giàu có ai cũng ham thích thú vui.
Danh - Lợi - Thú, đó là ba ham muốn chi phối toàn bộ đời sống con người. Ðó cũng chính là ba nguyên nhân gây nên biết bao khổ đau cho nhân thế. Kẻ được người thua cũng đều có thể phải đau khổ vì nó, đều cảm nghiệm rằng những bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu đều vì tiền, vì lạc thú, vì quyền lực. Nhìn vào xã hội, ở nơi này nơi kia đang xảy ra những bất hoà, tranh chấp, có khi giết hại lẫn nhau và làm khổ cuộc đời nhau cũng chỉ vì tiền, vì tình và vì quyền. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn những nề nếp gia phong bởi quá tôn thờ nó. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ. .Anh em bạn hữu bất hoà với nhau cũng chì vì tình, vì tiền và vì quyền. Vì nó mà người ta chà đạp lên nhau, người ta làm khổ nhau và làm hại lẫn nhau.
Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền mà đánh mất tính người. Nhưng có lễ cái cám dỗ nguy hiểm nhất của đời người chính là đồng tiền. Vì nhiều người cho rằng: "có tiền là có tất cả".
Vì tham lam đồng tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh dự, phẩm giá và tình làng nghĩa xóm, tình cha nghĩa mẹ, tình nghĩa vợ chồng cũng không bằng ma lực đồng tiền. Vì "Còn tiền còn bạc còn đệ tử - Hết tiền hết gạo hết ông tôi". Có biết bao kẻ đã bạc tình, bạc nghĩa chỉ vì đặt đồng tiền lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người. Ðồng tiền là đối tượng duy nhất để tôn thờ, vì thế dân gian mới có câu : "Ông tiền, ông Phật, ông Tiên - ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn".
Ðồng tiền liền khúc ruột nên họ sẵn sàng mạo hiểm lao vào, bất chấp đó là hiểm nguy, là lửa cháy có thể tiêu huỷ cả tính mạng. Vì tiền họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn mánh mung, cho dù phải chà đạp lên người khác bằng những phương thế bóc lột và bất công, tham nhũng miễn sao vơ vét, vun quén về cho đầy túi tham của mình.
Danh và lợi có quan hệ “thân thiết” với nhau. Chưa có cái “danh” thì tìm cách có, có “danh” rồi thì tìm cái “lợi”. Có những người mê “danh” đến nỗi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để “chạy” bằng cấp, chức tước, địa vị,… Thậm chí có người còn dám bán rẻ lương tâm để mua lấy cái “danh”, ngay cả tình nghĩa trong các mối quan hệ cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, như người ta “đùa mà thật” khi nói: “Tình cảm là chín (chính), tiền bạc là mười”. Đó là điều tất yếu? Vì “con gà còn tức nhau tiếng gáy” kia mà! Có lẽ dày dạn kinh nghiệm nên hiền sĩ Nguyễn Công Trứ mới chua chát nhận định: “Thế thái nhân tình gớm chết thay, Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy”, hoặc: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược, Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”.
Để đánh giá gọi là bề ngoài của một con người và nhất là đời tu, có lẽ tiền bạc và danh vọng là phép thử hay nhất và chuẩn nhất. Dù người đó đi tu bao nhiêu năm không biết nhưng cứ đưa vật chất và danh vọng ra thử sẽ biết ngay.
Cũng chả cần nói đến nhà tu, người bình thường nào đó muốn xem họ nhin danh vọng và vật chất thì cứ đem những thứ đó để thử. Ai nào đó nhẹ nhàng và thanh thoát trước những cám dỗ đó thì ta thấy họ nhẹ nhàng, thanh thoát và bình an. Và dĩ nhiên nhà tu chân chính hy đắc đạo cũng sẽ thật bình an khi đứng trước sự lựa chọn lợi danh của cuộc đời.
Những câu chuyện đang xảy ra, những biến cố đang xảy ra trong cuộc đời phải chăng là những bài học thực tiễn nhất dạy chúng ta. Chả có trường lớp hay nhà chùa nhà dòng nào dạy ta những bài học như vừa mới xảy ra. Qua những biến cố đó, ta có cơ hội để lượng giá về cuộc đời của ta dù ta có đang tu hay sống gia đình. Dù ở ơn gọi nào, ta cũng được mời gọi sống thanh thoát và buông bỏ. Nhất là với Kitô hữu thì lại được mời gọi họa ảnh lại cuộc đời của Chúa Giêsu là nhân lành, là hiền lành và khiêm nhường.
Và như vậy, bản thân ta ta có thể kiểm chứng được tâm hồn của ta, lòng của ta. Hơn ai hết, ta biết rõ bản thân ta hơn người khác biết ta.
Khi ta bị ai đó công kích, lên án, vu khống, thóa mạ ... Ta sẽ hành xử như ai đó là phản pháo, thóa mạ lại hay lòng ta vẫn bình an.
Rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm.
Đời là vậy đó ! No mất ngon và giận mất khôn. Dù là tu hay không tu ta cũng phải hết sức bình tĩnh trước những tình huống cay nghiệt nhất của cuộc đời.
Tôi vẫn nhớ và nghĩ về Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Nếu như Ngài thóa mạ, phản ứng mạnh với những kẻ hãm hại Ngài thì chắc hôm nay chúng ta sẽ không có Bậc Đáng Kính Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.
Con người của chúng ta ra sao dễ thấy lắm ! Nhất là mỗi khi đụng đến danh, lợi và thú sẽ bộc lộ ra hết con người thật của ta và nhất là với những ai đi tu.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: