Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Của cải vật chất và đức hạnh, chúng ta đang tích lũy cái gì ?

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

CỦA CẢI VẬT CHẤT VÀ ĐỨC HẠNH : TA ĐANG TÍCH LŨY CÁI GÌ ?

 

            Có thể nói tiền bạc, của cải vật chất mãi mãi là vấn đề làm cho con người đau đầu nhức óc. Chỉ đến khi nao con người chợp mắt khép mi giã từ cuộc sống thì những thứ đó không còn tra tấn con người nữa.

 

            Được gia đình người em họ đưa đi bách phố. Xe đi ngang một chiếc xe lạ. Hỏi giá chiếc xe đó thì chú em nói : “Con đó hơn 55 tỷ đó Cha”.

 

            Nghe xong, người vợ nói : “Mình cày hoài mà chả có chiếc đó. Mình cũng làm đó chứ nhưng sao lâu quá không được !”

 

            Quả thật, câu nói của người vợ nói đến khát vọng từ lòng mình. Phải chăng đó cũng là khát vọng rất bình thường trong đời sống con người bởi chưng chả ai không muốn mình được ở biệt thự và đi xe sang cả triệu đô. Thế nhưng rồi liệu rằng những thứ đó có đảm bảo được cái hạnh phúc ngay trong cái cõi tạm này hay không chứ chưa nói đến cái hạnh phúc ở đời sau.

 

            Đã hơn một lần nghe cũng như đọc câu chuyện về 3 người thân thương nhất trong đời của con người đó là tiền bạc, người thân và đức hạnh. Khi nằm xuống, tất cả đều bỏ rơi con người ngoại trừ đức hạnh.

 

            Thật vậy, mỗi khi chúng ta chứng kiến sự ra đi của ai đó có khi là cha mẹ thì cha mẹ cũng bỏ lại con cái, người thân và nhất là tiền bạc. Dù giàu có cỡ nào đi chăng nữa thì cũng không thể mang theo trong mình dù chỉ 1 xu sau khi chết. Cái còn lại mà con người mang theo đó chính là những nhân đức của mình.

 

            Với người Kitô hữu, khi ra trước tòa Chúa để Chúa phán xét thì chắc chắn Chúa sẽ không hỏi người đó khi ở trần gian đi xe gì, sống nhà to hay nhà rộng cũng như Chúa cũng sẽ chả bao giờ hỏi ở trần gian đã đảm nhận chức vụ gì. Có chăng thì Chúa lại đòi hỏi cao hơn nơi những tu sĩ, những linh mục gọi là những người được tiếng là tận hiến đời mình cho Chúa nhưng thực chất họ có tận hiến thật hay chỉ là diễn cho vui, diễn cho thiên hạ xem.

 

            Giằng co vật chất của cải và đức hạnh có lẽ là giằng co nhất trong đời sống của con người. Đơn giản là vì xu hướng thường tình thì con người thích tích lũy của cải để đi khoe với người khác.

 

            Chú em nói : “Cha biết không ? Cứ thứ Bảy và Chúa Nhật thì dân đổ về đây khoe xe, khoe quần khoe áo (khu Đồng Khởi – Nguyễn Huệ ...). Có lần con chạy ra đây 12 giờ đêm. Tưởng vắng ai dè ra dân khoe mẽ đông dữ thần luôn !”

 

            Có lẽ ở nơi lặng lẽ cũng như ít lên trung tâm thành phố nên ít biết về cuộc sống nhộn nhịp ở đây. Cũng không ngạc nhiên lắm khi nghe nói về chuyện khoe mẽ ở trên cái khu thị tứ này. Lang thang trên mạng xã hội ít nhiều gì cũng thấy được những người thích khoe mẽ.

 

            Thật ra tích góp hay khoe của cải vật chất cũng là quyền và tự do của mỗi người. Thế nhưng đối diện với của cải vật chất thì con người phải hết sức cẩn thận. Tiền bạc có khi là tên đầy tớ tốt nhưng có khi nó là ông chủ xấu do quan niệm sống của mỗi người.

 

            Phàm đã là người, dĩ nhiên là cần có cái ăn, cái mặc và cái để của vật chất nhưng cạnh đó cũng không quên về chuyện cần ky cóp đức hạnh và nhất là chuyện đi tìm phần rỗi của mỗi người sau cõi tạm. Có khi con người quên béng đi rằng cuộc đời này chỉ là cõi tạm để rồi cứ mãi cắm cúi loay hoay đi tìm vật chất mà quên đi cái đức hạnh của cuộc đời.

 

            Bản thân tôi cũng cần nhắc nhớ cho mình trong cuộc sống để biết rằng dù được lãi cả thế gian nhưng mất linh hồn nào được ích gì. Xem chừng ra là lý thuyết nhưng đây lại là điều căn cốt trong cuộc đơi của người Kitô hữu.

 

Truyện ngắn kể về người nông dân nghèo Pakhom và vợ ở một nơi hẻo lánh. Sau khi nghe khoe khoang về cuộc sống giàu có của người chị vợ, hai vợ chồng Pakhom đã có hai suy nghĩ khác nhau. Bà vợ bảo rằng chị hài lòng với những gì mình có, và tin rằng đời sống thanh đạm là chìa khoá của sự lương thiện. Trong khi đó, Pakhom nói rằng nếu có đủ đất đai, anh sẽ không có gì phải sợ hãi, kể cả ma quỷ.

 

Ai dè, ngay lúc ấy, có một con quỷ ở gần, và nó nghe những gì Pakhom vừa nói. Nó thề rằng nó sẽ cám dỗ anh bằng đất đai. Thế là lòng ham muốn đất đai của Pakhom trỗi dậy.

 

Trong quá trình mua đất, Pakhom tìm được món hời khi chỉ cần tặng chút quà cho người Bashkirs thì có thể mua được đất to giá rẻ. Họ giao ước diện tích của mảnh đất này lớn như khoảng cách mà Pakhom có thể đi chung quanh trong vòng một ngày. Tức là anh phải trở về điểm xuất phát trước khi mặt trời lặn. Giá của mảnh đất này chỉ 1000 rúp.

 

Thế là Pakhom bắt đầu hành trình "đo đất", đi từ lúc mặt trời mọc, đến lúc nắng gay gắt vẫn cố hết sức đi và trở về điểm xuất phát trước lúc trời tối thành công. Nhưng oái ăm thay, anh ta đã ngã đùng xuống đất chết vì kiệt sức. Người làm của anh đã sử dụng thuổng để đào mộ chôn anh, và họ biết chính xác anh cần bao nhiêu đất: hai thước mốt, đo từ đầu đến chân.

 

Tuy chỉ là chuyện hư cấu, nhưng văn hào Tolstoy gửi gắm cho tôi một bài học sâu sắc về cuộc sống, cũng như chuyện cố gắng làm việc, tích luỹ mua đất đai.

 

Một người cố gắng làm quần quật, tích góp thật nhiều của cải, đất đai thì cuối đời cũng chỉ cần bao nhiêu đó đất. Và nếu ai chọn hoả táng và rải xuống biển thì có lẽ cũng không cần tấc đất nào.

 

Và suốt thời gian dài sống trong thấp thỏm, tiếc nuối vì giá đất, làm việc quần quật, vay mượn tiền để mua đất thì có xứng đáng không?

 

Chắc chắn chúng ta sống là phải cần tiền và vật chất nhưng cũng đừng quên đầu tư cho mình những đức hạnh để khi ta nằm xuống ta có chút gì đó để gọi là ra trình diện trước mặt Chúa. Đừng sống sao để đến khi ra trước tòa Chúa mà ta chả có chút gì đó đức hạnh mang theo thì thật uổng phí cho cuộc đời ta cũng như những ky cóp về vật chất mà cả đời ta nai lưng ra tìm kiếm

 

Lm. Anmai, CSsR