Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hớn hở reo ca - Chứng nhân cho một tình yêu vô bờ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

HỚN HỞ REO CA

 

“Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”.

 

Mark Zuckerberg, tỷ phú trẻ,chủ Facebook, đã viết cho đứa con thứ hai,ngày cậu bé chào đời, “August, chào mừng con đến với thế giới! Thế giới có thể rất khắc nghiệt, nhưng quan trọng là con phải có thời gian để vui đùa. Tuổi thơ thật huyền nhiệm, con chỉ có một lần để làm trẻ thơ. Do đó, đừng nghĩ nhiều về tương lai, đã có ba mẹ, vốn sẽ làm mọi thứ có thể để biến thế giới này tốt đẹp hơn cho con và mọi đứa trẻ ở thế hệ con được ‘hớn hở reo ca!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Không riêng gì Mark Zuckerberg mà hầu hết mọi cha mẹ trên thế giới đều mong ước cho con mình không chỉ tuổi thơ mà cả cuộc đời được ‘hớn hở reo ca’. Cha mẹ trần gian còn như thế, phương chi Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời. Đó là giấc mơ của Ngài dành cho từng người. Và để giấc mơ ấy có thể hoá thực, Lời Chúa hôm nay nói đến tỉnh thức, như là điều kiện để con cái Chúa có thể reo ca. Bấy giờ, ngày sống của chúng ta sẽ là một lời tán dương liên lỉ,“Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

 

Thư Côrintô hôm nay cho thấy một Phaolô đang ‘hớn hở reo ca’khi ngài cảm nhận một niềm vui thánh thiện nơi giáo đoàn của mình, “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em. Trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn. Chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến”; ngài nói “Chúa Kitô lại đến”, và cảm tạ khi biết họ tỉnh thức. Với Tin Mừng, Chúa Giêsu ví mình như trộm trong đêm, như chủ chợt về. Ngài nói, hãy tỉnh thức vì không biết giờ nàotrộm viếng, chủ về; với thế giới, đó là ngày thế mạt; với mỗi người, đó là giờ lâm chung! Chúa không cố ý đến bất ngờ để bắt quả tang ai, nhưng Ngài mời chúng ta tỉnh thức và kiên trì chờ đợi. Chờ đợi là một thách đố của tình yêu. Ai biết chờ, người ấy biết yêu! Thật ra, Chúa không đến bất ngờ, chỉ bất ngờ với ai không tỉnh thức; bởi Chúa biết, nhiều người thức mà không tỉnh, nhiều người tỉnh mà không thức!

 

Thức mà không tỉnh là mê. Ở đây không nói đến mê ngủ, nhưng nói đến mê lầm, mê muội, mê đắm.“Mê” đến nỗi quên Chúa, quên người, quên cả chính mình; quên ruộtrà, quên bàcon; và nhất là quên nhân cách, quên lương tâm, quên linh hồn. Thức mà không tỉnh là thế ! Tỉnh mà không thức là thấy điều lành nhưng không ao ước; có ao ước cũng không thực hiện; có thực hiện cũng chẳng gắng sức; có gắng sức lại ngại hy sinh; và hy sinh lớn nhất vẫn là từ bỏcái tôi, từ bỏ chính mình. Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi người ta định nghĩa, “Hoả ngục là nơi được lát bằng những thiện chí”. Tỉnh mà không thức là vậy!

 

Anh Chị em,

 

“Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”. Chúa muốn chúng ta hồn nhiên vui đùa “chúc tụng Thánh Danh” như những trẻ thơ trước mặt Ngài. Sở dĩ, một đứa trẻ có thể hồn nhiên vì nó biết cha mẹ luôn để mắt đến nó, và nó cũng luôn hướng mắt về họ. Đó chính là sự tỉnh thức Chúa Giêsu mong đợi ! Như “Tuổi thơ thật huyền nhiệm, mà mỗi người chỉ có một lần để làm trẻ thơ”, thì mỗi người chúng ta cũng chỉ có một đời để sống. Bởi thế, thay vì quá chú tâm vào những sự dưới thế, chúng ta hãy biết ngước mắt về trời, hướng lòng lên Chúa, giữ mình sạch tội và ra sức làm điều đẹp lòng Ngài. Được như thế, đích thị, chúng ta đã sống tỉnh thức ! Thánh Phaolô nói, “Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, anh em hãy làm vì sáng danh Chúa!”. Tắt một lời, dù ở đấng bậc nào, chúng ta chu toàn bổn phận mình, nghiêm túc sống từng giây phút hiện tại, với xác tín rằng, tôi đang được Chúa yêu thương. Và như thế, chúng ta khác nào một trẻ thơ ngày ngày ‘hớn hở reo ca’ trước mặt Thiên Chúa, Cha của mình!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để mỗi ngàycó thể ‘hớn hở reo ca’, xin giúp con biết giữ tâm hồn mình luôn trong trắng như tâm hồn của một trẻ thơ!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

CHỨNG NHÂN CHO MỘT TÌNH YÊU VÔ BỜ

 

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”.

 

Nigel Wright nói, “Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác, Ngài là tác giả của sự sáng tạo và rủi ro vốn có trong nó. Thập giá có ý nghĩa rằng, kẻ đau khổ nhất vì tội lỗi là chính Thiên Chúa, không phải con người! Chính bằng cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, quyền lực sự ác mới thực sự bị đánh bại;Ngài là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tư tưởng của Nigel Wright được gặp lại qua bài đọc Côrintô hôm nay, một trong những bản văn hay nhất nói về thập giá ! Chúa Kitô là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Thiên Chúa Cha! Trước tình yêu đó, con người có thể đón nhận hay chối từ. Tin Mừng hôm nay nói đến hai nhóm trinh nữ, biểu tượng cho việc đón nhận hay từ chối Ngài, ‘Chàng Rể’ có tên Giêsu Kitô. 

 

Trước hết, Phaolô cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi thập giá Đức Kitô; dù với thế gian, thập giá là một điên rồ. Phaolô xác tín, “Vì chưng, người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm khôn ngoan; còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”. Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, Phaolô không ngần ngại sống chết cho Ngài, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”; và con người này thật sự đã trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ ấy. Thập giá Chúa Kitô vượt quá mọi trí hiểu. Nó không đòi hỏi phải thông minh và học hỏi nhiều; nó có thể được nhận biết, yêu mến, bởi một người hoàn toàn mù chữ. Thập giá không phải là một thông điệp về chiều sâu trí tuệ,mà là một lời sống động công bố một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”,đúng như Thánh Vịnh đáp ca tán tụng, “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất!”.

 

Thứ đến, đón nhận hay chối từ tình yêu ấy là tự do của mỗi người! Tin Mừng nói đến mười trinh nữ đi đón chàng rể; trong đó, năm cô khôn ngoan, mang đèn, dầu đầy bình, đón được chàng; năm cô khờ dại mang đèn, không đem dầu theo, bị bỏ lại bên ngoài. Chàng rể ở đây chính là Chúa Kitô, như có lần, Ngài ví mình như một chàng rể. Với cái nhìn của Phaolô hôm nay, chàng rể chính là Chúa Kitô, một Chàng Rể bị đóng đinh trên giá gỗ để cứu lấy con người, ban cho nó hạnh phúc, hưởng kiến sự sống đời đời. Như vậy, Chàng Rể Giêsu Kitô, hiện thân của Đấng Cứu Độ, là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Cha trên trời. Vậy bạn thuộc nhóm trinh nữ khôn ngoan hay nhóm trinh nữ ngơ khờ; bạn có đón được Ngài không? Bạn đang bỏ lỡ điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống? Không chuẩn bị trước có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có, và thậm chí là thảm hoạ! Áo phao để lại trên bờ khi thuyền đang chìm thì có ích gì?

 

Anh Chị em,

 

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”. Được tình yêu Chúa Kitô chiếm hữu, Phaolô say mê Ngài; chịu thương, chịu khó để loan báo Ngài; và cuối cùng, đổ máu mình minh chứng ơn cứu độ của Ngài. Như Phaolô, suốt hai ngàn năm qua, bao con người đã được tình yêu Ngài thúc bách, trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’. Cũng chính cách thức ấy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hôm nay trở nên chứng nhân, tỉnh thức với mọi bất trắc, hy sinh trong đời, biết đón nhận những khốn khó không thể tránh với mong ước hiệp thông với Đấng Chịu Đóng Đinh ấy. Được như thế,là chúng ta đang chuẩn bị dầu đèn cho mình. Vậy hãy tập trung vào hiện tại,‘ở đây, lúc này’, cho dù lúc này có thể là lúc chúng ta đang vác lấy thập giá nặng nhất; vàcho dù Chàng Rể đến sớm hay muộn, sẽ không thành vấn đề, vì Ngài đã luôn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bấy giờ, chính chúng ta cũng đã trở thành ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ khi yêu mến ôm chặt thập giá đời mình!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để có thể trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’, xin giúp con chọn Chúa mỗi ngày, dù là phải chọn ‘một Chúa trên thập giá’. Giúp con chọn một cách quyết liệt nhất!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)