Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngạc nhiên thiêng liêng - Ra chỗ nước sâu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NGẠC NHIÊN THIÊNG LIÊNG

 

“Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Chúa Giêsu; Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ!”.

 

Bác sĩ tâm thần Viktor Frankl nhận xét, “Ngày nay, các phòng khám tấp nập bệnh nhân mắc một loại rối loạn thần kinh mới, một cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trong một thế giới muốn loại trừ Thiên Chúa bằng mọi cách,quả là không lạ khi nhiều người có “cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”.Trái với nhận xét của Frankl, Tin Mừng hôm nay cho biết, dân thành Capharnaum đổ xô đến với Chúa Giêsu, họ là những người chứa chan hy vọng, và cuộc sống tràn đầy ý nghĩa; bởi lẽ, họ được ở bên Ngài!

 

Những người đến với Chúa Giêsu biểu lộ một tình cảm cao đẹp và một niềm tin tươi trẻ khi họ ngạc nhiên về giáo huấn, thán phục về quyền năng của Ngài. Nghĩ về đám đông và ước muốn được gần Chúa Giêsu của họ, chúng ta xét xem ước muốn được gần Chúa Giêsu của mình! Nói cách khác, sự hiện diện của Ngài có đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ diệu vợi tuyệt vời đến nỗi bạn không muốn rời Ngài nửa bước?

 

Chớ gì bạn luôn cảm thấy khát khao Chúa Giêsu,tìm kiếm Ngài, ở với Ngài, lắng nghe Ngài và kín múc ân sủng xót thương của Ngài ! Nhờ đó, bạn không bị cám dỗ thấy Chúa Giêsu và việc thực hành đức tin là nhàm chán và không hứng thú. Một trong những tác động đáng tiếc của công nghệ hiện đại là chúng ta dễ để mình bị lôi cuốn bởi nhiều thứ bên ngoài; có thể đó là một clip YouTube mới, một tập mới của bộ phim yêu thích, hoặc một bài mới đăng trên mạng xã hội. Ngày nay, rất nhiều thứ đang giành giật sự chú ýcủa bạn, khiến bạn tò mò và thậm chí, kinh ngạc. Giá mà Chúa Giêsu là một trong những ngạc nhiên cuốn hút đó trong ngày sống của bạn!

 

Trong một thế giới đầy kích thích và lắm mời mọc, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa ‘ngạc nhiên thế tục’ và ‘ngạc nhiên thiêng liêng!’. Loại ngạc nhiên thứ hai này hoạt động theo cách thức của Chúa Thánh Thần, vốn sẽ làm cho chúng ta thoả mãn ở mức độ thẳm sâu nhất; chúng là những món quà của Thiên Chúa vốn sẽ biến đổi linh hồn một cách bền vững và sâu sắc. Nhưng nếu cứ chạy theo những ‘ngạc nhiên thế tục’ với ít nhiều cảm giác, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, chúng chỉ tồn tại chốc lát, tâm hồn sẽ trống rỗng, khô khan, và luôn muốn nhiều hơn!

 

Thật thú vị! Với ngần này tuổi đời, sống trong ân sủng Chúa bao năm, nhưng nếu tôi cứ để cho những ‘ngạc nhiên thế tục’ cuốn hút, tôi khác nào những đứa trẻ còn phải uống sữa như thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay. Tại sao? Phaolô trả lời, “Anh em hãy còn là những con người xác thịt!”. Tôi chưa thuộc trọn về Chúa và Chúa chưa là tất cả đối với tôi! Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

 

Anh Chị em,

 

Cả thành đổ xô đến với Chúa Giêsu ! Họ đổ xô đến với Ngài, vì họ đã có những trải nghiệm tuyệt vời từ Ngài ! Ai đã một lần gặp được Giêsu, họ gặp được nguồn sống; ai đã từng nghe Lời Giêsu, họ kín múc lẽ thật; ai đã từng được Giêsu đụng chạm, thương tích tâm hồn họ được chữa lành! Vậy, sau mỗi lần lắng nghe Lời Chúa, mỗi lần rước Chúa vào lòng, bạn và tôi tự hỏi, “Chúa Giêsu muốn tôi làm gì?”. Sau đó, xin ơn biến đổi;từ cái nhìn, từ suy nghĩ, từ ứng xử. Đó sẽ là những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ khichúng đượcáp dụng trong cuộc sống. Chính nhờ những đổi thay từ sâu thẳm linh hồn này, chúng ta sẽ sớm thấy mình được biến đổi để nên thánh.Hãy cầu xin cho được say mê Giêsu như người Capharnaum; chắc chắn chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ của Thánh Thần!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con hoa mắt bởi những ‘ngạc nhiên thế tục’; cho con mê mệt Chúa, Đấng sẽ đưa con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ‘những ngạc nhiên có tên Giêsu!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

RA CHỖ NƯỚC SÂU

 

“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”.

 

Philip Clarke Brewer nói, “Chúa sử dụng cái bạn có, để đáp ứng một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; Chúa sử dụng nơi bạn ở, để đưa bạn đến nơi bạn không bao giờ có thể đến; Chúa sử dụng cái bạn có thể làm, để hoàn thành những gì bạn không bao giờ có thể làm; Chúa sử dụng bạn là chính bạn, để bạn trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ, với Phêrô trong Tin Mừng và cả với Phaolô trong thư Côrintô hôm nay, ý tưởng của Brewer gần như hiện thực trọn vẹn! Đặc biệt với Phêrô, Chúa Giêsu sử dụng ôngđể ông trở thành một ai đó mà ông không bao giờ có thể trở thành! Để bắt đầu, hôm nay, Ngài không chỉ truyền cho Phêrô thả lưới; nhưngbảo ông, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Điều này mới đáng kể!

 

Tin Mừng cho biết, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe Lời Ngài; Phêrô giặt lưới, ông không buồn chen lại gần Ngài. Vậy mà lấy cớ dân chúng đông đảo, Chúa Giêsu ‘chen vào thuyền ông’; để sau đó,bất ngờ ‘chen vào đời ông’, ‘chen vào nơi sâu thẳm trái tim ông’. Ngài ngỏ lời đề nghị ông ra nơi biển sâu để đánh cá, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Kìa, Phêrô đã không dùng sự khôn ngoan để từ chối Ngài; trái lại, ông mềm mỏng thả lưới vào nơi sâu thẳm của những nghịch lý nghề nghiệp. Vậy mà,nhờ sự vâng phục này, Phêrô được thưởng một mẻ cá thần kỳ ! Và còn hơn thế, Phêrô đã có thể làm những gì ông không bao giờ có thể làm; đó là khám phá ra cảnh vực thần linh trong con người đã chen vào đời mình, và khám phá luôn những gì thẳm sâu của lòng ông. Để rồi, điều phải xảy ra đã xảy ra, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay! Chúa Giêsu không tránh xa Phêrô; thay vào đó, Ngài kéo ông lại gần, xô ông tới, cho ông choáng ngợp từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác;để từ đó, Hội Thánh có vị Giáo Hoàng tiên khởi, một con người rồi đây sẽ sống chết cho Ngài.

 

Cũng thế, với Phaolô Chúa sử dụng Đamas, nơi Phaolô đang ở, để đưa Phaolô đến một nơi mà ông không bao giờ có thể đến. Ngài đánh quỵ ông ngay trên đường hãnh tiến của ông, vùi lấp ông đến mù loà, để mở mắt trái timông,hầu ông có thể nhìn thấy vực thẳm lòng mình, “Khốn thân tôi, khốn thân tôi; ai sẽ cứu tôi?”. Ba ngày đui chột thể lý đủ mở mắt linh hồn,con người này thấy được những ngổn ngang nội tâm; và nhờ Thần Khí, Phaolô biết phải làm gì, đồng thời,hiểu được những chiều kích thẳm sâu nơi Thiên Chúa.Từ đó, “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô”. Phaolô đã loại trừ những khôn ngoan thế gian, khôn ngoan biệt phái, khôn ngoan theo thói đời để có được khôn ngoan của Thiên Chúa.Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Khôn ngoan đời này là điên rồ trước mặt Chúa”, “Đấng làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín.

 

Anh Chị em,

 

“Chèo ra chỗ nước sâu!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ra chỗ sâu nhất của lòng mình; ở đó, dường như cũng lắm ngổn ngang các thứ theo thói đời. Như Phêrô, Phaolô, bạn và tôi hãy mềm mỏng trước Thánh Thần;và này, mỗi người cũng sẽ trải nghiệm không chỉ một ‘mẻ cá thần kỳ’ nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa sẽ sử dụng chúng ta theo những cách thức đầy quyền năng, “làm những việc mà bạn không thể làm”, “đi đến nơi mà bạn không thể đến”, “trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ trở thành”. Vậy hãy nói “Có” với Chúa cách mạnh mẽ như Phêrô, “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới!”. Với hành động trung thành này, Chúa sẽ làm trổ sinh hoa trái; nghĩa là chúng ta sẽ loại trừ những suy nghĩ riêng của mình, mặc lấy Chúa Kitô, cho phép Ngài đi vào chốn sâu thẳm lòng mình mỗi ngày. Giữa bao bề bộn tân toan, thi thoảng hãy trở về nơi rất riêng sâu thẳm linh hồn để gặp Ngài; chỉ ở đó, chúng ta mới gặp được bình an nội tâm.Nhờ bình an ấy, chúng ta ra khơi, đem trao sứ điệp tin yêu cho anh chị em mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con cứ lẩn quẩn,lần thần, trong ‘chỗ cạn’ nên không bắt được gì hết, cũng không thấy gì hết! Tin vào Lời Chúa, con sẽ “ra chỗ nước sâu” để bắt đầu một khởi sự mới!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)