Lòng dân với mục tử
LÒNG DÂN VỚI MỤC TỬ !
Là dân Thiên Chúa, trong vai trò là con chiên, người giáo dân luôn mong muốn giáo xứ của mình, cộng đoàn của mình có những mục tử hiền lành và nhân từ như lòng Chúa mong muốn. Thế nhưng rồi trong thực tại của cuộc sống, có một số mục tử đã để lại trong lòng giáo dân những nỗi buồn, những điều đáng tiếc trong cách hành xử của mình.
Thao thức có một mục tử tốt lành là thao thức chính đáng và cũng chả phải của riêng ai.
Trong bài chia sẻ của mình trong ngày Lễ nhận sứ vụ cai quản Tổng Giáo Phận Sài Gòn của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã nói lên thao thức của mình khi đối diện với hiện thực của cuộc sống :
“... Ta đòi lại đoàn chiên của ta. Sao kỳ vậy ? Sao mà Chúa đòi đoàn chiên ! Hóa ra là vì mấy ông mục tử thời bấy giờ làm ăn không ra gì. Chăm sóc cho chiên thì không chăm mà lo cho bản thân mình thôi. Chiên béo tốt thì làm thịt thưởng thức. Chiên nghèo khổ lạc lối thì chả quan tâm. Và như vậy thì ở trong Hội Thánh chứ không phải tội của giáo dân mà tội của hàng mục tử. Như vậy là tội của hàng mục tử. Và ngày hôm nay cũng vậy thôi, Đức Giáo Hoàng Phanxico rất nhiều lần cảnh giác các mục tử chúng ta về những tội mà Ngài mói rất rõ là sự lạm dụng quyền bính. Là những tính toán thế gian ẩn nấp dưới chiêu bài thiêng liêng. Là thứ chủ nghĩa nghề nghiệp. Coi việc làm mục tử như cái nghề kiếm lợi, kiếm sống cho bản thân. Đức Giáo Hoàng cảnh giác chúng ta. Thế cho nên tất cả chúng ta dù là giáo dân hay mục tử chúng ta phải thường xuyên hoán cải mới có thể làm chứng cho vẻ đẹp của Tin Mừng. Hội Thánh là cộng đoàn được mời gọi luôn luôn hoán cải bởi vì luôn luôn có khoảng cách giữa lý tưởng và hiện thực mà chúng ta đang sống. Sự hoán cải đó gửi đến tất cả mọi người dù là giáo dân hay mục tử. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần bằng cách ăn ở thuận hòa ...”
Thật sự như Đức Cha Phêrô nói, chuyện mục tử thế này thế kia đã được nói đến nhiều trong Kinh Thánh.
Mở lại những trang sách của ngôn sứ Edekien ở chương 34 ta thấy rất rõ :
Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. Ta lấy mạng sống Ta mà thề – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng -, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa : Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.
Thấy chiên như vậy và Đức Chúa đã hứa như thế này :
Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng. Chính Ta, Đức Chúa, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng. Chính Ta, Đức Chúa, Ta đã phán. Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an, Ta sẽ đuổi thú dữ ra khỏi xứ. Chúng sẽ cư ngụ trong sa mạc an toàn, sẽ nằm ngủ trong rừng. Ta sẽ đặt chúng ở các vùng chung quanh ngọn đồi của Ta; Ta sẽ cho mưa xuống đúng mùa, đó là những trận mưa phúc lành. Cây cối trên đồng sẽ trổ sinh hoa trái, đất đai sản sinh hoa lợi. Chúng sẽ sống an toàn trên đất của chúng.
Rõ ràng rằng Chúa đã thấy được lòng của những mục tử không yêu thương đoàn chiên như Chúa muốn nên Chúa cảnh báo. Âu đó cũng là chuyện thường tình trải qua bao thế hệ.
Ngày hôm nay, giữa cơn sóng của hưởng thụ, của lợi lộc trần gian, hơn bao giờ hết mục tử dễ bị cám dỗ sống theo kiểu trần tục, kiểu của thế gian chứ không sống trong tư cách là mục tử đích thự. Cùng với thao thức để chăm lo đoàn chiên cho tốt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngần ngại nói rõ với các mục tử về tâm tư của Ngài. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh : “Quyền bính thật sự là phục vụ, chứ không phải là khai thác bóc lột người khác”
Mượn hình ảnh của ngụ ngôn mô tả một ông chủ, sau khi đã chăm sóc rất kỹ vườn nho của mình (x. c. 33), vì phải đi xa nên đã giao nó lại cho các tá điền. Sau đó, đến kỳ thu hoạch, ông sai các đầy tớ đến thu hoa lợi; nhưng những tá điền đó dùng gậy đánh các đầy tớ và một số người thậm chí còn giết các đầy tờ. Ông chủ sai các đầy tớ khác đến, đông hơn, nhưng họ cũng bị đối xử tương tự (x. cc. 34-36). Đỉnh điểm là khi ông chủ quyết định sai con của mình đến: những người thợ làm vườn nho những không tôn trọng anh ta chút nào, ngược lại, họ nghĩ rằng bằng cách loại bỏ anh ta, họ sẽ có thể chiếm vườn nho, và do đó họ giết luôn anh ta (x. cc. 37-39). Đức Thánh Cha nói lên thao thức của mình.
Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn: Hình ảnh của vườn nho tượng trưng cho dân tộc mà Chúa đã chọn và hết lòng chăm sóc tạo dựng; các đầy tớ được chủ sai đi là các ngôn sứ, được Thiên Chúa gửi đến, trong khi người con chính là hình bóng của Chúa Giê-su. Và cũng như các ngôn sứ đã bị từ chối, Chúa Ki-tô cũng bị chối từ và sát hại.
Cuối câu chuyện, Chúa Giê-su hỏi các nhà lãnh đạo của dân chúng: "Khi chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì những tá điền này?" (c. 40). Và dựa trên trình tự và lý luận của câu chuyện, các nhà lãnh đạo đã đưa ra lời lên án chính họ: họ nói rằng người chủ sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ gian ác và sẽ giao vườn nho "cho các tá điền khác, những người sẽ nộp hoa lợi vào đúng thời hạn" (c. 41).
Đức Thánh cha nhận định: Với dụ ngôn rất mạnh mẽ này, Chúa Giê-su đặt những người đối thoại đứng trước trách nhiệm của họ, và Chúa làm như vậy hết sức rõ ràng. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Chúng ta đừng nghĩ rằng lời cảnh báo này chỉ áp dụng cho những người đã từ chối Chúa Giê-su vào thời đó. Nó có giá trị mọi thời, ngay cả cho thời đại của chúng ta. Ngay cả ngày nay, Thiên Chúa cũng mong đợi hoa trái trong vườn nho của Chúa từ những người Chúa đã sai đến làm việc ở đó.
Thật vậy, ta lại thấy giữa lý tưởng và hiện thực có một khoảng cách rất xa. Trong tư cách là mục tử, bản thân tôi cũng đã nghe và nghe rất nhiều về cách hành xử của cha này cha kia để rồi khi nghe thì tôi tự xét với lòng mình cũng như lặng trước Chúa để xem lại cách hành xử của mình.
Chả phải biện minh nhưng rồi ta lại thấy các mục tử cũng là con người. Dĩ nhiên cũng có một vài vị nào đó hành xử không như lòng giáo dân mong muốn và rồi trong tình bác ái và huynh đệ, ta lại nhẹ nhàng góp ý, chia sẻ cũng như cầu nguyện cho các vị ấy.
Trong mọi sự cũng như mọi đức cũng như tâm tình của Đức Cha Phêrô : Anh em hãy duy trì sự hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần. Vâng ! Chỉ có Thánh Thần mới là nguồn mạch của sự hiệp nhất và yêu thương. Mỗi chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử, cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta biết hoán cải để trở thành những mục tử, những con chiên như lòng Chúa mong muốn.
Lm. Anmai CSsR
- Tổng Hơp: