Đo lường từ bên trong - Chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận
ĐO LƯỜNG TỪ BÊN TRONG
“Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.
Một nhà giáo dục nói, “Cuộc sống của chúng ta là những cánh đồng đầy cỏ dại; chúng không thể sản xuất dâu tây! Chúng ta có thể cắt cỏ, nhưng chỉ ngần ấy nỗ lực, sẽ không bao giờ tạo ra những quả dâu tây có thể chấp nhận được. Nếu thực sự muốn có loại quả đó, phải đào sâu hơn. Phải cày xới toàn bộ cánh đồng và bắt đầu lại với những cây mới!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như những quả dâu tây đáng mong đợi, Lời Chúa hôm nay nói đến những phẩm chất đáng mong đợi nơi một môn đệ chân chính. Sự tốt lành của người môn đệ không chỉ đo lường bằng những hành vi bên ngoài nhưng được ‘đo lường từ bên trong’. Chúa Giêsu nói, “Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.
“Mỗi cây có thể nói lên chính nó bằng quả của mình!”, và “Lời nói của một người tuôn ra từ những gì lấp đầy trái tim người ấy!”. Hành vi ‘tốt thường xuyên’ của người môn đệ là dấu của một nội tâm lành mạnh, đó là một hành vi được ‘đo lường từ bên trong’. Bạn và tôi cần tập trung vào chiều sâu tâm hồn; nếu điều đó tốt, phần còn lại sẽ tự lo. Một thước đo khác là ‘cách nghe!’. “Nghe” bao gồm lắng nghe, hiểu, chấp nhận và thẩm thấu vào cuộc sống lời dạy và tầm nhìn của Thầy; hành vi tốt sau đó tự nhiên sẽ diễn ra ở mức độ rất dễ dàng. Ai áp dụng lời Chúa Giêsu vào cuộc sống, người ấy như kẻ xây nhà trên đá; lũ về, nhà vững! Trái lại, ai lắng nghe nhưng “không đem ra thực hành”, thì như người xây nhà trên cát; lũ về, nhà sập! Chúa Giêsu từng nói, “Không phải những ai nói, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, là được vào Nước Trời!”.
Dụ ngôn xây nhà trên đá cần đọc trong bối cảnh Giáo Hội sơ khai, nơi mà vào thời bắt bớ, một số người vẫn đứng vững, vì đức tin của họ đã bám rễ sâu; đang khi những người khác đã bỏ đi ngay từ dấu hiệu đầu tiên của áp bức. Ngày nay, cả khi không có sự công khai bắt bớ Kitô giáo, Kitô hữu vẫn sống trong một thời đại bị đe doạ nghiêm trọng. Không có nền tảng vững chắc, chúng ta rất dễ bị cuốn vào cơn lốc vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc và thuyết tương đối. Sự hấp dẫn của ‘các ngẫu tượng’ vốn được nhiều người say mê sẽ tác hại hơn, dù là ngấm ngầm, so với các cuộc tấn công thẳng vào đức tin, vốn được ‘đo lường từ bên trong’. Thư Côrintô hôm nay cảnh báo, “Anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng!”.
Một lưu ý khác! Đôi khi, chúng ta sống trong sự an toàn sai lầm khi mọi thứ xem ra tốt đẹp. Khi không có các cám dỗ và thử thách lớn; hoặc có chăng, không đáng kể, chúng ta tự thuyết phục mình, tôi đang ở trên một nền tảng vững chắc. Coi chừng! Tôi có thể bị ru ngủ khi nghĩ rằng, tinh thần của tôi mạnh mẽ. Phải cẩn thận và hết sức khách quan, đây có thể là bảo mật giả!
Anh Chị em,
“Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”. Thiên Chúa gieo vào linh hồn chúng ta một điều gì đó còn quý hơn giống dâu tây gấp bội, đó là Thánh Thần. Thánh Thần ban đủ sức mạnh để chúng ta “cày xới toàn bộ cánh đồng” tận chỗ thâm sâu nhất, hầu biến nó thành một khu vườn hứa hẹn. Mỗi ngày, Lời Chúa và Mình Chúa như sương sa tưới mát khu vườn; chúng ta đem Lời ra thực hành, thẩm thấu vào từng giây phút của ngày sống; đương nhiên, kết quả không chỉ là những quả dâu tây có thể chấp nhận được, nhưng là những quả dâu tuyệt vời của Thánh Thần; đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Vậy, hãy không ngừng chăm sóc mảnh đất tâm hồn, can đảm nhổ cỏ dại, nhặt sỏi đá mỗi ngày; nếu cần, tìm đến Bí Tích Giải Tội! Từ đó, đón nhận cách bình an mọi biến cố buồn vui, những đổi thay chẳng mấy vừa ý, những điều khó chịu từ người thân. Tâm hồn bạn và tôi sẽ rất bình an, một bình an được ‘đo lường từ bên trong’, vốn sẽ toả ra một nhân cách rạng rỡ bên ngoài. Đó là phẩm chất thật của người môn đệ mà Chúa Giêsu chờ đợi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con muốn sẵn sàng cho ‘ngày lũ về’, đừng để con ngủ mê trong cảm giác an toàn giả tạo. Giúp con “cày xới toàn bộ cánh đồng” hầu có một mùa dâu như Chúa mong!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
CHẤP NHẬN ĐỒNG BÀN, KHÁT KHAO ĐỒNG PHẬN
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.
Tổng thống Woodrow Wilson nói, “Chúng ta thường đến với nhau cách hung hăng, hiếu chiến; đó là con đường dài chứ không phải con đường ngắn. Nhưng nếu bạn đến với tôi và nói, ‘Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện’. Bạn và tôi sẽ thấy, chúng ta không quá xa nhau; rằng, những khác biệt là rất ít, tương đồng là rất nhiều. Và nếu đủ kiên nhẫn, cùng với lòng nhiệt thành để mong muốn đến được với nhau, chúng ta sẽ đến được với nhau!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay còn đi xa hơn lòng hiếu hoà của Wilson. Trong đó, sự khiêm hạ của Thiên Chúa hiện nguyên hình, một sự khiêm hạ phát xuất từ lòng thương xót vô ngần của Ngài. Đó là một Thiên Chúa sẵn sàng ngồi xuống, ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân, đến nỗi bị kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.
Sách Xuất Hành cho thấy Israel là một dân bội nghĩa; họ đúc tượng bò con mà thờ. Chúa nổi giận! Ngài bộc bạch với Môisen, “Dân này là một dân cứng cổ. Ta sẽ huỷ diệt chúng”. Môisen van vái và Ngài lại xiêu lòng ‘ngồi xuống’, bỏ qua cho dân, “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ”. Với bài đọc hai, Phaolô tâm sự cùng Timôthê về lòng thương xót đó, “Đức Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi; trong số ấy, cha là người thứ nhất”. Đặc biệt với bài Tin Mừng, khi nghe các biệt phái kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”, Chúa Giêsu kể ra một chuỗi ba dụ ngôn về lòng thương xót; qua đó, Ngài mặc nhiên chứng tỏ, Thiên Chúa ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân.
Vậy, trình thuật này đang nói gì với bạn và tôi? Nó nói rằng, tình yêu Thiên Chúa luôn lớn hơn tội của con người! Chúa Giêsu đồng bàn với tôi; Ngài bỏ qua sự bất xứng của tôi để được gần tôi, nên giống tôi, hầu có thể cứu tôi. Và điều này thu hút tôi! Tôi biết tội lỗi mình và không cảm thấy bị phán xét, vì vậy tôi đến gần Ngài. Lối sống của tôi không hơn lối sống của một “thu thuế” hay một “tội nhân”; vậy mà Chúa Giêsu ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tôi, bất chấp những chỉ trích của người khác, đến nỗi, tôi có thể ‘ngồi xuống’ với Ngài đến mức ‘ngang hàng’. Tại sao? Chỉ vì Ngài hạ mình xuống, hầu có thể nâng tôi lên!
Với Chúa Kitô, mọi linh hồn đều vô giá! Không tội nhân nào có thể thoát khỏi tầm với đôi tay cứu chuộc của Ngài, Đấng đổ máu mình, vượt qua sự chết để cứu những linh hồn đã chết và làm cho sống. Tất cả những gì tôi phải làm là nghe cho được giọng nói của Giêsu mục tử. Chỉ cần để bản thân được tìm thấy, Ngài sẽ ôm tôi vào lòng, xua tan sợ hãi bằng hơi ấm tình yêu, và đưa tôi trở lại đoàn chiên. Để từ đó, mọi tội lỗi của tôi được thú nhận, nhân đức mới của tôi nảy sinh, và tất cả những gì nơi tôi là chiến thắng của ân sủng từ Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.
Anh Chị em,
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”. Dẫu chúng ta thuộc “phường tội lỗi” bất xứng, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với chúng ta mỗi ngày. Vậy, chớ gì việc rước Mình Máu Thánh Chúa không khiến chúng ta phạm sự thánh, nhưng ngày càng giúp chúng ta biết sợ tội hơn, ngay cả những tội nhẹ. Và điều quan trọng là quyết định của chúng ta phải như quyết định của người con thứ, “Tôi sẽ chỗi dậy, trở về với Cha tôi” như Thánh Ca Tin Mừng nhắc nhở. Mặt khác, Chúa đã đồng bàn với tôi; đến lượt mình, bạn và tôi ‘chấp nhận đồng bàn’ với tha nhân! Đây là một trong những hoa trái đẹp nhất khi linh hồn kết hợp với Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô; từ đó, hiệp thông với các chi thể của Ngài. Và điều này tạo ra niềm vui, không chỉ cho chúng ta, mà cho cả thiên đàng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa ‘chấp nhận đồng bàn’ với con, cốt để con được ‘hân hoan đồng bàn’ với Chúa; xin cho con biết sà vào lòng thương xót Chúa, hầu có thể xót thương anh chị em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: