Thương xót là một quà tặng - Khôi phục những gì đã mất
THƯƠNG XÓT LÀ MỘT QUÀ TẶNG
“Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.
Jean-Pierre de Caussade, linh mục Dòng Tên người Pháp, nói, “Để thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi về tương lai, hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa;trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Chúa bằng việc trung thành với ân sủng. Vì lẽ, ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay chứng thực điều cha Jean-Pierre nói, “‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”. Sự thật này thể hiện qua thái độ khiêm nhường tuyệt vời của viên sĩ quan ngoại giáo, khi ông sai người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đầy tớ mình, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành!”.
Một sự thật sâu sắc Tin Mừng hôm nay tiết lộ là ‘khiêm nhường, đức tin và lòng thương xót’ gắn liền nhau. Viên sĩ quan dường như đã nhận thức được sự vĩ đại của Chúa Giêsu mà ông đã nghe biết; từ đó, ông cảm thấy mình bất xứng tột cùng. Tuyên bố của ông là một hành vi đức tin cao cả; và kết quả là lòng thương xót được gửi đến cho ông và người đầy tớ của ông.
Rất thường xuyên khi cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện như thể chúng ta có quyền hưởng mọi ân điển của Thiên Chúa. Đây là một sai lầm sâu sắc! Hãy học gương tự hạ của viên sĩ quan bằng cách hiểu rằng, chúng ta không có quyền trước bất cứ điều gì đến từ Ngài. Thừa nhận khiêm hạ này là nền tảng cần thiết để đón nhận lòng thương xót dồi dào của Ngài; vì ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền! Nhưng tin tốt lành là trái tim Thiên Chúa luôn bùng cháy với ước muốn tuôn đổ quà tặng thương xót đó. Việc thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúanhư một món quà tuyệt đối mà chúng ta không có quyền đòi hỏi, mở ra sức mạnh của nó trong cuộc sống chúng ta. Hiểu được lẽ thật này là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và làm vui lòng Ngài cách tuyệt đối và dồi dào nhất.
Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến Bí Tích Thánh Thể, một hồng ân thương xót nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, một khi đến với Thánh Thể, tín hữu Côrintô phải nên tốt hơn, chứ không để nên tệ hơn. Thánh Thể biểu hiện rõ nét rằng, ‘thương xót là một quà tặng’. Vì thế, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thánh Lễ không là đặc quyền của ai, nhưng cho mọi người.
Anh Chị em,
“Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm về những lời đầy cảm hứng của viên sĩ quan ngoại giáo giàu có này, lời mà chúng ta đọc mỗi lần trước khi rước Chúa, “Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh!”. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần, hãy để những lời này ứatrào từ trái tim chật hẹp của mình; hãy để chúng trở thành nền tảng của mối quan hệ giữa bạn với Chúa Thánh Thể. Với sự khiêm nhường này, bạn và tôi sẽ được ban phúc dồi dào cùng với niềm vui chứa chan. Không ai trong chúng ta dám nói, lòng tôi xứng đáng trở nên cung điện cho Vua muôn vua, Chúa các chúa; cũng không ai dám nghĩ tâm hồn mình trong ngần như tâm hồn một trẻ thơ! Chúng ta là những tội nhân khốn cùng, đáng chết ngàn lần, nhưng được xót thương. Và như vậy, rõ ràng, ‘thương xót là một quà tặng’ hoàn toàn miễn phí. Vấn đề còn lại, mỗi người sống sao cho xứng đáng với quà tặng xót thương đó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con; xin giúp con bớt bất xứng mỗi ngày trước khi rước Vua các vua, Chúa các chúa, Chúa Cả Thiên Đàng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
“Đừng khóc nữa!”.
Hai giọt nước mắt nhỏ xuống, cùng trôi ra dòng sông cuộc đời. Giọt này nói với giọt kia, “Bạn là ai?”. Giọt kia nói, “Tôi là giọt nước mắt của một cô gái đang yêu một người đàn ông và mất anh ta! Còn bạn, bạn là ai?”. “Ôi, tôi là giọt nước mắt của cô gái đã lấy được anh ấy!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những giọt nước mắt, không phải của những cô gái đang yêu, nhưng của một bà mẹ mất con; qua đó, tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ ! Đó là một tình yêu lớn hơn sự chết ! Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ trên từng khuôn mặt; vì Ngài là tình yêu, luôn ‘khôi phục những gì đã mất’, và luôn làm cho sống!
Như quả phụ Nain mất đứa con duy nhất của mình, con người có nhiều “lý do” để tuyệt vọng, bởi nó vô phương giải quyết muôn vàn khó khăn, nhất là những lúc đối diện với cái chết; lúc ấy,nó bất lực thật sự trong việc giúp đỡ người khác. Vậy mà, Chúa Giêsu vẫn trấn an, “Đừng khóc nữa!”. Quyền năng vô hạn của Ngài giải phóng chúng ta khỏi những giới hạn bi thảm của con người; hơn nữa, “Chúng ta biết rằng, mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.
Với tư cách Đấng Cứu Chuộc, Ngài hành động! Vì thế, “Đừng khóc nữa!” mang trọng lượng của một mệnh lệnh hơn là một ủi an. Như ngày tận thế, khi đau khổ và cái chết có thể xuất hiện, thì cuối cùng, Thiên Chúa bày tỏ một tình yêu luôn làm cho sống; sách Khải Huyền viết, “Ngài sẽ lau mọi giọt lệ trên mắt họ, và sẽ không còn chết chóc, than khóc hay đau đớn nữa”. Quả phụ Nain sắp nhận được một ân sủng khôn lường,không thể tưởng tượng so với nỗi buồn của cô; vì rằng, con cô sống lại.Bạn và tôi cũng hãy hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa Kitô, Đấng ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi chúng ta và nơi cả những người thân yêu của chúng ta.
“Hỡi thanh niên, Tôi truyền cho anh hãy trỗi dậy!”. Chúa Giêsu không an ủi tôi chỉ đơn giản bằng cách loại bỏ cảm xúc hoặc để tôi tưởng tượng rằng, mọi thứ khác với thực tế. Thay vào đó, Ngài hành động để loại bỏ nguyên nhân gây ra đau khổ và buồn phiền; sách Xuất Hành viết, “Vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành các ngươi!”. Khi nói với quả phụ Nain, “Đừng khóc nữa!”, Ngài không kết tội cô là một phụ nữ dễ xúc động và làm quan trọng mọi việc; ngược lại, Chúa Giêsu xót thương cô vì sự mất mát con trai yêu quý. Vì vậy, với tất cả trái tim và linh hồn, tôi phải tin để hy vọng rằng, cuộc sống của tôi nằm trong tay Chúa; cuộc sống của những người thân yêu của tôi nằm trong tay Chúa. Như Phaolô, bạn và tôi cần mạnh mẽ tuyên xưng, “Chúng ta sống, là sống cho Chúa; và chúng ta chết, là chết cho Chúa!”.
Anh Chị em,
“Đừng khóc nữa!”. Đó là lời một thanh niên có tên Giêsu nói với bà mẹ Nain đi ra từ trong thành; thứ Sáu tuần thánh, Giêsu ấy cũng ra khỏi thành, Mẹ anh cũng khóc. Ô hay! Anh không an ủi bà, anh không tự cứu mình mà đã chết thật; để rồi, nhờ cái chết của mình, Giêsu ấy đã kéo toàn thể nhân loại vào Giêrusalem thiên quốc, thành thánh trên trời.Luca viết, “Đoạn tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại”. Lòng từ bi vĩ đại đã hướng dẫn hành động của Chúa Giêsu! Ngài quyết định đương đầu với cái chết, có thể nói là mặt đối mặt; và sẽ đối đầu với nó cách dứt khoát, trực diện, trên Núi Sọ! Với thanh niên Nain đã chết, Ngài nói lớn tiếng cho mọi người nghe, “Hãy trỗi dậy!”; với mỗi người chúng ta, Ngài cũng nói, “Hãy trỗi dậy!”. Giêsu muốn bạn và tôichỗi dậy, đứng thẳng; Ngài tạo ra chúng ta để đứng thẳng và đứng vững trên đôi chân mình. Vì lý do này, lòng từ bi vĩ đại của Ngài cũng sẽ chữa lành bạn và tôi; điều quan trọng là “Hãy trỗi dậy ! Đứng lên!”, và để Ngài ‘khôi phục những gì đã mất!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong dòng sông cuộc đời của con, xin gạt bỏ những gì trở ngại cho sự mới mẻ của cuộc sống mà Chúa gọi con trỗi dậy để sống. Xin ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: