Biểu tượng của bình an và hy vọng - Tắm trong ánh nắng phục sinh
BIỂU TƯỢNG CỦA BÌNH AN VÀ HY VỌNG
“Con Người phải được treo lên!”.
Sau Phục Sinh, cô giáo Bitram mang những chiếc hộp hình quả trứng làm quà cho học sinh; mỗi em được yêu cầu ra ngoài, tìm một biểu tượng nào đó cho ‘cuộc sống mới’, đặt nó vào hộp. Nửa giờ sau, từng chiếc hộp được mở ra. Nào hoa, nào bọ, bướm, kiến, lá…; cả lớp ồ lên sung sướng. Bỗng, có một chiếc trống rỗng! Có tiếng la, “Ngu ngốc!”. Philip, mắc hội chứng Down, lên tiếng, “Nó là của tôi!”. Bọn trẻ nhao nhao, “Philip không bao giờ đúng!”; Philip nói, “Tôi đúng! Nó trống rỗng. Ngôi mộ trống rỗng!”. Tiếp đến là im lặng! Philip được trọng nể. Không lâu sau, cậu bé qua đời. Tại đám tang, cùng với cô Bitram, lớp giáo lý các em 8 tuổi tiến lên bàn thờ; không phải với hoa, mỗi em đặt lên đó một quả trứng rỗng, ‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Như quả trứng rỗng của Philip,ngôi mộ trống của Đức Kitô đã nói lên một điều gì đó quá ư vĩ đại, thì Thánh Giá hôm nay Giáo Hội suy tôn,‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’, cũng nói lên một điều gì đó vĩ đại không kém! Bởi lẽ, trên đó, Đấng cứu sốngnhân loại, đã được treo lên!
Thật thú vị, nói đến việc Thiên Chúa cứu sống, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều nói đến một ‘cái gì đó’, hoặc một ‘Ai đó’ được treo lên! Vấn đề là ai muốn được cứu,phải nhìn lên và tin!Bài đọc Dân Số tường thuật việc Israel nổi loạn, Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môisen van xin và Chúa thương bảo, “Đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu; để ai bị rắn cắn mà nhìn lên nó, sẽ được sống!”. Rắn đồng được treo lên, hình ảnh tiền trưng cho Đức Kitô được treo lên, rồi đây cũng cứu sống cả nhân loại; cách riêng, những ai nhìn lên và tin vào Ngài. Thập giá Ngài là ‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’.
Nếu La Mã treo một tử tội bằng giá treo cổ, cung thánh các nhà thờ sẽ trưng một chiếc thòng lọng; nếu La Mã chọn ném đá một tội nhân cho đến chết, cung thánh sẽ có một đống đá để tín hữu nhìn vào đó mà hy vọng, với thi thể của một Giêusu bầm dập vô hồn nằm sóng soài kề bên. Chúng ta đã quen với thánh giá; đeo nó trên cổ, trên tai, khắc lên bia mộ… thậm chí đặt nó lên đỉnh tháp chuông và chiếu sáng nó khi đêm về. Giáo Hội đã thành công cách ngoạn mục trong việc truyền đạt sự thật về đau khổ và cái chết, về sự sống và sự sốnglại của Chúa Kitô. Thành công đến nỗi con cái quên rằng, qua bao thế kỷ, một thiết bị tra tấn chết chóc đến thế được coi như biểu tượng lớn nhất của thế giới về sự sống, ‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’.
Từ biến cố nhập thể, Thiên Chúa đã tự làm rỗng mình. Ngài tự khép mình để sống giữa chúng ta, và tiếp tục trút bỏ tận căn chính mình khi để con người treo Ngài lên. Chúa Giêsu không như một thầy thuốc lạnh lùng chạm vào cơ thể bệnh nhân rồi tắm mình trong thuốc sát trùng; không, nhưng như một bác sĩ trước khi mổ, chỉ về phía mình, Ngài nói với bệnh nhân, “Hãy xem vết sẹo của tôi!”; rồi chỉ vào vết thương hoang hoác trên ngực và nói, “Tôi cũng là nạn nhân của sự dữ”. Ngài chấp nhận cái chết tàn khốc để có thể cạn chung chén đắng và đi sâu vào nỗi đau thập giá của con người, hầu biến nó thành niềm vui và nên ‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’.
Anh Chị em,
“Con Người phải được treo lên!”. Lạ lùng thay, Con Thiên Chúa mà “vinh quang các tầng trời chứa chẳng hết” đã được treo lên để mọi người giàu nghèo, sang hèn đều có thể thấy mình trong thân phận làm người của Ngài. Và như thế, bạn và tôi dù đau khổ cùng cực đến mấy, vẫn nhìn thấy ánh mắt của Ngài đang nhìn mình. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu, chiêm ngắm Ngài trên thánh giá, nhất là những lúc não nuột, ê chề; chắc chắn, chúng ta sẽ múc lấy sự cảm thông, sự ủi an từ trái tim từ ái rộng mở của Ngài. Nhờ đó, mỗi ngày, chúng ta đủ sức ôm lấy thập giá đời mình. Hãy để Ngài đưa nó lên cao, gắn nó với chính thập giá của Ngài! Và như thế, thập giá của Chúa Giêsu hay của mỗi người chúng ta, luôn là ‘biểu tượng của bình an và hy vọng!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin làm rỗng lòng con, để con có thể chỗi dậy sống đời sống mới như Chúa. Xin Thánh Thần Phục Sinh đổ đầy con,biến đổi con, giúp con đi từ sự chết sang sự sống!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
TẮM TRONG ÁNH NẮNG PHỤC SINH
“Này là Mẹ của con!”.
Mùa hè 1206, Phanxicô Assisi đi vào nhà thờ San Damiano. Nhìn lên thập giá, từ gương mặt thanh thản và rạng rỡ của Chúa Kitô, Phanxicô nghe một tiếng nói bên trong, “Hãy đi sửa chữa các nhà thờ cho Ta!”; về sau, “nhà thờ” mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Nhân vật trung tâm của thánh giá là Chúa Kitô, với kích thước hùng vĩ và ánh sáng lộng lẫy của nó. Bên dưới cánh tay Ngài là năm nhân vật, một bên là Maria và Gioan; bên kia là ba phụ nữ khác. Điều đáng nói là tất cả như đang mỉm cười! Phải chăng họ đang cùng Chúa Kitô ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lễ Mẹ Sầu Bi nhắc chúng ta rằng, thập giá Chúa Kitô không bao giờ có thể tách khỏi sự phục sinh của Ngài. Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói đến việc Chúa Phục Sinh hiện ra cho người này, người kia.Và dẫu không nói đến Maria, nhưng vì đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Con, thì không chút nghi ngờ, Mẹ Maria phải là người thông dự sớm nhất vào sự phục sinh của Con mình; Mẹ phải là một trong những người đầu tiên ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!’.
Phaolô nói, “Ngài đã hiện ra với Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc… Ngài hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non”. Nói cách khác, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã cho những chứng nhân đầu tiên của Ngài ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Có lẽ hơn ai hết, Mẹ đã hưởng nhận hồng ân sống lại của Chúa Con. Bởi lẽ, cũng một Maria ấy, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá trong nỗi đớn đau tột cùng của Con; và rồi, chính trong Lễ Ngũ Tuần, Mẹ đã có mặt khi cùng cầu nguyện với các tông đồ. Bấy giờ, nỗi buồn của Mẹ và u sầu của nhóm môn đệ, trở thành niềm vui hớn hở trong Chúa Thánh Thần. Điều đáng chú ý là khuôn mặt Chúa Giêsu trên thánh giá ở Assisi, được miêu tả là điềm tĩnh và thanh thản đến lạ thường! Ngài như đang được siêu tôn trong vinh quang phục sinh;Mẹ Maria và Gioan cùng những nhân vật khác bên dưới tươi vui và như đang mỉm cười. Nó được rọi xuyên bởi ánh sáng và niềm vui của Đại Lễ Phục Sinh và ngay cả lễ Mẹ Sầu Bi hôm nay, cũng được ‘tắm trong ánh nắng phục sinh’. Vì thế, mọi nỗi buồn của chúng ta cũng được tắm gội trong đó, bởi Chúa Phục Sinh là ánh sáng trong mọi bóng tối; sức mạnh trong mọi yếu hèn của tất cả con cái Mẹ.
Trong lễ Truyền Tin vừa qua, Đức Phanxicô đã cầu nguyện rằng, “Lạy Mẹ, ước gì những giọt nước mắt của Mẹ nhỏ xuống vì chúng con sẽ làm cho thung lũng cằn khô bởi hận thù nàynở hoa một lần nữa ! Ước gì sự vuốt ve của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ khi chạy trốn những cơn mưa bom. Xin ủi an những ai bị buộc phải rời bỏ quê hươngvà nhà cửa. Cầu mong trái tim Mẹ Sầu Bi giục giã lòng trắc ẩn và truyền cảm hứng, để chúng con mở rộng cửa và quan tâm đến anh chị em mình. Lạy Mẹ, dưới chân thánh giá,Chúa Giêsu thấy người môn đệ đang đứng bên cạnh Mẹ; Ngài đã nói, “Này là con của Mẹ!”. Bằng cách ấy, Ngài đã giao phó mỗi người chúng con cho Mẹ; và Ngài cũng đã nói với từng người chúng con, “Này là Mẹ của con!””.
Anh Chị em,
“Này là Mẹ của con!”. Đây là ‘di chúc sống’ mà Chúa Giêsu trao cho bạn và tôi. Ngài tặng chúng ta món quà quý nhất, Mẹ của Ngài, người vẫn mỉm cười dưới chân thập giá. Vì thế, hãy đón Mẹ vào lòng mình, nhà mình, cộng đoàn mình, giáo xứ mình. Mỗi người hãy dọn một căn phòng xứng đáng trong tâm hồn để đón Mẹ. Hãy học nơi Mẹ để hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu hằng ngày mà cứu lấy bản thân,cứu lấy nhân loại. Có như thế, trên biển đời trần gian, cùng Mẹ, chúng ta vẫn mỉm cười mỗi ngày, vì luôn ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ, một nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang đứng với Mẹ dưới chân thập giá, trong đó có con. Để con có thể ‘tắm trong ánh nắng phục sinh’; xin giúp con ôm lấy thập giá đời mình, và luôn mỉm cười với nó như Mẹ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: