Các bài chia sẻ về ma quỷ
1. Ma quỷ
Năm 1970, cuốn phim Quỷ Ám được trình chiếu và đã phá kỷ lục về số vé bán ra. Chuyện phim được xây dựng trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại bang Maryland vào năm 1949. Tờ Newsweek đã mô tả như sau: Tranh ảnh, bàn ghế và cả chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Về đêm cậu bé không thể nào chợp mắt. Sau khi được nhận vào bệnh viện trường đại học Geogetown cậu bé bắt đầu lâm râm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng một thứ cổ ngữ. Cuối cùng cậu được trừ tà và được cứu thoát. Hiện nay cậu đang sinh sống tại thủ đô Washington. Một vị linh mục già trừ tà cho cậu đã hứa không bàn luận gì về việc này, nhưng ngài nhấn mạnh rằng kinh nghiệm ấy đã thực sự biến đổi cuộc đời mình.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Với sự việc Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ chúng ta sẽ đưa ra 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất đó là nếu như Đức Kitô đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa 2000 năm rồi, vậy tại sao đến hôm nay điều ác vẫn còn lan rộng, hay nói cách khác vương quốc của Satan vẫn còn tác oai tác quái? Dĩ nhiên câu trả lời sẽ như sau: Nước Thiên Chúa không đến tức khắc, nhưng là một bước tiến từ từ. Nó không phải là một biến cố chỉ xảy ra trong một lúc nào đó, mà là một chuyển biến liên tục suốt dọc dòng lịch sử. Ngài khai mạc vương quốc ấy, nhưng lại trao cho chúng ta hoàn tất. Đó là lý do tại sao trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn kêu cầu: Xin cho Nước Cha trị đến. Đức Kitô đã gieo trồng, còn bổn phận của chúng ta là vun xới và chăm sóc để Nước Chúa được đâm bông kết trái.
Câu hỏi thứ hai được đưa ra đó là tại sao Nước ấy lại đến chậm như thế, hay nói cách khác tạo sao vương quốc của Satan lại lâu tàn lụi như vậy? Tôi xin thưa chỉ vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của mình một cách thoả đáng, đã không thực hiện những lệnh truyền của Chúa. Chẳng hạn có bao nhiêu người trong chúng ta đã thi hành giới luật yêu thương của Ngài. Sở dĩ chúng ta chưa yêu thương người khác, thậm chí cả những người thân yêu trong gia đình là vì chúng ta quá bận rộn với những công việc bên ngoài đến nỗi quên mất sự tuyệt vời của những người ấy. Vì chúng ta không biết dừng lại để nhìn ra được bản chất đích thực của họ, vốn là những tạo vật xinh đẹp, đáng được yêu thương, giống như chúng ta đã được chính Thiên Chúa yêu thương vậy.
Hãy sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó Nước Chúa mỗi ngày một trị đến, đồng thời nhờ đó chúng ta đẩy lui được ảnh hưởng của quyền lực Satan.
2. Các Bạn Có Tin Ma Quỷ Không? – Guy Morin.
Anh chị em có tin Satan không? Anh chị em có thực sự tin không? Anh chị em không biết phải trả lời ra sao nữa. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, ma quỷ đang hợp thời trang. Và anh chị em hãy nhớ lại sự thành công của phim Vị trừ quỷ và những lời của các nhà chính trị: nhà chính trị Mỹ xem nước Nga như là vương quốc của sự dữ và ông Khomeiny xứ Iran xem Hoa kỳ như là Satan vĩ đại.
Hình như có những nhóm nhạc Rock tôn thờ Satan. Một số người nói rằng họ khám phá ra trong đĩa hát của họ những sứ điệp của Satan.
Những mục linh tinh trên báo kể lại cho chúng ta những cuộc chém giết rất khủng khiếp như vụ Mc Donald ở Califonia (hai mươi mốt người bị giết) nên chúng ta có lý mà tự hỏi xem đây có phải là trường hợp quỷ nhập không. Bệnh tâm thần và đam mê có đủ để giải thích những tội phạm dường ấy không? Điều chắc chắn là sự dữ có thật, nhưng thủ lãnh của sự dữ thì sao?
Chúa Giêsu trừ một tên quỷ.
Trước việc trừ quỷ này, ta nên tránh hai thái độ trái ngược. Thái độ thứ nhất là chống đối và phủ nhận sự kiện này vì tính cách lạ lùng của nó. Vào thời Chúa Giêsu, người ta nhìn thấy ma quỷ khắp mọi nơi. Bệnh kinh phong, sốt, bệnh thần kinh đều được xem như bị quỷ nhập cả. Nhưng Chúa Giêsu chắc chắn đã đương đầu với những người bị quỷ nhập thật sự. Đây là trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay.
Thái độ thứ hai là thích thú trước tính cách lạ lùng của đoạn Tin Mừng này. Thích thú về hiểu biết của Chúa Giêsu về thần dữ.
Thánh Marcô muốn truyền đạt cho chúng ta sứ điệp nào? Đó mới là điều quan trọng. Ý định của ông là cho chúng ta thấy Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng bằng cách nào: bằng cách dạy dỗ và trừ quỷ, việc trước dẫn đến việc sau.
“Đi vào trong hội đường, Chúa Giêsu giảng dạy”, và những người đã bị đánh động và ngạc nhiên. Thánh Marcô nói điều này hai lần, ở đầu và ở cuối trình thuật, và ông nêu rõ lý do. Đây là một giáo huấn mới mẻ có quyền uy khác hẳn việc dạy dỗ của các ký lục.
Mấy ông này chỉ lập lại những gì họ đã học nơi các vị kinh sư mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu đã không theo học trường phái nào cả: Ngài có một cái nhìn mới mẻ và nói những lời chưa bao giờ nghe nói. Không phải là những lời đã học thuộc lòng và với một uy tín mạnh mẽ như các ngôn sứ. Chúa Giêsu giải thích luật theo một nghĩa giải phóng và hợp với ý Thiên Chúa.
Giáo huấn mới mẻ và đanh thép này không chỉ làm cho các thính giả của Ngài kinh ngạc mà thôi. Ngài còn buộc kẻ bị quỷ nhập ẩn giấu giữa họ phải lộ diện. Quỷ dữ cảm thấy bị đe dọa bởi một lời quyền năng như thế nên nó đối đầu với Chúa Giêsu, và Ngài đã vạch mặt nó ngay.
Đồng thời, một khía cạnh quan trọng của Tin Mừng được mặc khải cho chúng ta: Tin Mừng làm cho người ta được tự do. Chúa Giêsu giải thoát các thính giả của Ngài khỏi những xiềng xích mà những giải thích luật Chúa theo cách nhỏ nhen của loài người đã ràng buộc họ. Ngài đến giải phóng con người khỏi sự dữ và Satan. Ngài đấu tranh vì con người, cuộc đấu tranh này sẽ dẫn đưa Ngài đến thập giá. Nơi đó, các lực lượng của sự dữ sẽ bị tiêu diệt.
Được giải thoát đến mức nào?
Cuộc chiến thắng dứt khoát của Chúa Kitô được cụ thể hóa trong thời gian theo cách chúng ta đón nhận Tin Mừng. Một cách nghịch lý, chiến thắng đã đạt rồi nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm chứng ảnh hưởng giải phóng của chiến thắng ấy nơi chúng ta. Ta được mời gọi phát hiện những thông đồng của ta với sự dữ và với ma quỷ. Satan là “thủ lãnh của việc giết chóc” và “cha của sự dối trá”. Đối với đồng loại, chúng ta có sử dụng bạo lực và áp chế không, hay chúng ta là đầy tớ của họ? Chúng ta có sống trong sự thật với Thiên Chúa và với anh em chúng ta không?
Nguyện cho thánh lễ này, trong đó chúng ta tham gia vào cử chỉ giải phóng của Chúa Giêsu Kitô, làm cho chúng ta được tự do hơn nữa để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
3. Đấng Thánh Của Thiên Chúa – Charles E. Miller.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)
Đôi khi vẻ đẹp và sự thật đến từ những nguồn mạch không trông đợi. Các bạn sẽ không trông đợi những người trẻ đã sáng tác ra những bản nhạc lừng danh, nhưng một đứa trẻ thiên tài Moza đã làm kinh ngạc những người đồng thời của ông. Và khi Chúa Giêsu xuất hiện trong hội đường Caphanaum không một người nào trông đợi một người bị thần ô uế ám, một người bị quỷ nhập tuyên bố sự thật về Người. Những lời của ông ám chỉ Chúa Giêsu có một chân lý sâu xa: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Hội đường là một nơi chứa đựng một vẻ đẹp và chân lý. Đó là nơi Lời của Thiên Chúa được linh ứng trong những cuốn Thánh Kinh Do Thái đã được tuyên bố và suy niệm ở đây. Một thầy Rabbi giảng dạy ý nghĩa của Thánh Kinh và hướng dẫn cầu nguyện. Từ khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã được biết như một thầy Rabbi, một vị kinh sư. Sau đó, mọi người đã nhận biết Người như một tiên tri, không đơn giản là một vị thầy nhưng thật sự là tiếng nói của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu có thói quen đi vào Hội đường vào ngày Sabát. Khi Ngài được chấp nhận vai trò Rabbi, vào những dịp đó Ngài thường làm viên mãn Lời hứa của Môisê khi tuyên bố với toàn dân rằng: “Một tiên tri giống như tôi sẽ là Chúa, Thiên Chúa của anh em, người đó sẽ xuất hiện từ giữa con cháu của anh em; và anh em sẽ phải lắng nghe “Người”.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường Caphanaum, một người bị quỷ ám đã kêu: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” một sự bất ngờ chói tai, kẻ bị quỷ ám đã đưa ra “bài giảng” về sự đồng nhất của Chúa Giêsu. Những gì mà hắn thốt lên là sự thật. Tiếp đó Chúa Giêsu đã xác định việc làm chứng của kẻ bị quỷ ám bằng hành động của Ngài: Ngài đã đuổi quỷ ra khỏi kẻ quỷ ám. Thánh Marco đã ghi lại cho chúng ta câu chuyện đáng chú ý này, Ngài muốn chúng ta hiểu rằng, mục đích đầu tiên của việc xảy ra này không phải để hấp dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu như là một người chuyên làm phép lạ, nhưng hướng dẫn chúng ta thân mật với Người vì Người chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã có một nhận định khi Ngài nghĩ rằng người độc thân có thể phục vụ, làm nhiều điều cho Chúa. Nhưng kết hôn hoặc độc thân thì tất cả chúng ta đều được kêu gọi dâng chính mình cho Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Sau đó trong sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã đưa ra một bài giảng trong cùng một Hội đường này ở Caphanaum, Ngài đã hoàn tất lời hứa là Ngài sẽ ban Thân Mình và Máu Mình như thực phẩm, và là của ăn của uống để ban cuộc sống đời đời.
Những tổ phụ đầu tiên của chúng ta trong đức tin đã tiếp tục đi tới hội đường trong những ngày Sabát, tiếp đó, ngày Chúa Nhật họ đã họp nhau để cử hành Thánh Thể tại một nhà nào đó. Khi những người dân ngoại bắt đầu gia nhập Giáo Hội, hội đường phục vụ Thánh Kinh, bài giảng, và cầu nguyện nối kết với hy tế Thánh Thể vào ngày Chúa Nhật. Lời và Bí tích, Thánh Kinh và Thánh Thể trở thành nối kết thân thiết, chúng đã hình thành một sự độc nhất của việc thờ lạy.
Ngày Chúa Nhật chúng ta được đặc ân là thông dự vào hành động này của việc thờ lạy mà bây giờ chúng ta gọi cách đơn giản là Thánh Lễ. Chúa Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta trong Lời và trong Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng “đó là chính Đức Kitô, Người đã nói với chúng ta trong Thánh Kinh, khi Thánh Kinh được tuyên bố trong phụng vụ”. Đó là sự thật Chúa Kitô nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của loài người. Giáo Hội nhấn mạnh rằng đó là chính Đức Kitô đã đến với chúng ta trong Thân Mình và Máu Người dưới hình bánh, rượu. Việc rước lễ làm viên mãn lời hứa của Chúa Giêsu trong hội đường Caphanaum rằng Ngài đã cho chúng ta Thịt làm của ăn và Máu làm của uống. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ chúng ta được trao cho cơ hội để đến với Chúa Giêsu như là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
4. Chúa Giêsu Kitô đã thắng satan – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn Phúc Âm này đặc biệt hữu ích vì nó đặt chúng ta trước một sự biêu dương hết sức rõ rệt về quyền năng của Thiên Chúa trên ma quỷ. Thực ra, ý định của Maccô cũng muốn nhắm tới mục đích ấy: là chứng minh quyền lực chiến thắng của Chúa Giêsu trên các sức mạnh của tà thần, đặc biệt trên các tà thần được mệnh danh là ma quỷ.
Sự phát triển của Mạc khải qua tiến trình của Cựu Ước, vào thời Chúa Giêsu, đã đưa tới niềm tin rằng: có những tà thần cũng là loài thọ tạo của Thiên Chúa, nhưng đã phản loạn chống lại Thiên Chúa. Chúng là địch thủ của con người. Chúng chỉ theo đuổi sự dữ, dốc tâm làm hại con người mà qua họ, chúng hy vọng làm hại được Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vô cùng quyền phép hơn chúng. Phúc Âm chứng tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, đến giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỷ. Đoạn phúc âm hôm nay kể lại cho chúng ta nghe một phần của cuộc chiến thắng giải thoát ấy cuả Đức Kitô.
Vào thời Chúa Giêsu, não trạng dân chúng là nhìn thấy ma quỷ ở khắp những nơi có sự dữ. Thực ra, sự dữ cũng là kết quả của sự tự do con người khi tự do đó bị lạm dụng hoặc trệch ra khỏi đường ngay nẻo chính. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà một sự thất bại nào đó của tự do đã đem con người vào vòng đau khổ của bệnh tật và chết chóc. Quan niệm thông thường vào thời Chúa Giêsu lại có xu hướng gán cho ma quỷ đã tra tay vào mỗi khi có bệnh tật. Những câu chuyện ‘đuổi quỷ’ trong phúc âm lệ thuộc vào não trạng đương thời và phải được hiểu cách đơn giản, là Chúa Giêsu có quyền thế trên sự dữ nói chung và trên bệnh tật nói riêng. Rất nhiều trường hợp được coi là quỷ ám, thực ra chỉ là những thứ bệnh. Nhưng câu chuyện mà thánh Luca đưa ra trong bài hôm nay trình bày một vụ quỷ ám thực sự mà Chúa Giêsu đã dùng quyền năng Ngài để giải thoát. Đoạn Phúc Âm này có thể hiến chúng ta nhiều đề tài suy tư. Chúng ta hãy dừng lại ở điều này.
1. Quỷ đã tỏ hiện trước khi Chúa Giêsu ra lệnh cho nó đi.
Chắc chắn là Chúa biết có quỷ ở đó, nhưng Ngài bận tâm lo giáo huấn con người, bằng cách tỏ ra với họ thái độ tích cực của kẻ mang chân lý đến nên chính ma quỷ đã không chịu nổi sự hiện diện của Chúa và nó liền bắt đầu gào thét. Sự kiện đó đầy ý nghĩa. Để tóm tắt, khi chúng ta nhớ lại những gì đã xảy đến với các thánh tông đồ và hết các môn đệ lỗi lạc của Chúa từ nguyên thuỷ cho đến nay, chúng ta có thể nói được rằng: người bạn đích thực của Đức Kitô hôm nay vẫn còn sử dụng được đặc ân gây khó dễ cho mọi sức mạnh tà thần. Người bạn đó phải hiểu biết điều ấy. Người bạn đó phải lo hành động tích cực để truyền thông sứ điệp Tin mừng, rồi sẵn sàng chờ đợi một sự ‘la lối’ nào đó nổi lên trên con đường hành động của mình. Nối ưu tư duy nhất của mình chỉ là sự kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng ma quỷ.
2. Phúc Âm nhắc nhở chúng ta: là ma quỷ có thực.
Một ‘lối’ mới ngày nay xuất hiện trong Giáo Hội muôn liệt chuyện ma quỷ vào hàng huyền thoại. Nhưng Giáo Hội vốn trung thành với Phúc Âm, lấy chuyện có ma quỷ làm một quả quyết của đức tin. Chúng ta phải luôn nhớ rằng sự dữ không phải là một sự trừu tượng chỉ có trong đầu các nhà trí thức. Nhưng có một thực tại thuộc nhân cách. Sự hỗn loạn mà sự dữ reo rắc vào thế gian chỉ có thể đến từ hành động cá nhân. Không phải nhìn thấy ma quỷ khắp nơi, và phải biết rằng sự yếu đuối con người có thể biện bạch cho nhiều chuyện bất hạnh, song để đề phòng cho bản thân, chúng ta đừng bao giờ quên là bằng cách công khai hay nham hiểm ma quỷ luôn luôn chống lại Phúc Âm.
5. Người trừ quỷ.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Anh chị em có tin ma quỷ không? Anh chị em có thực sự tin không? Anh chị em không biết phải trả lời ra sao nữa. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, ma quỷ đang là vấn đề thời sự. Anh chị em hãy nhớ lại sự thành công của một cuốn phim mang tựa đề: “Exorcist” (Người trừ quỷ) được ra mắt khán giả vào năm 1970 đã phá kỷ lục bán vé. Chuyện phim kể lại một chàng thanh niên bị quỷ ám, giống hệt anh chàng trong Tin Mừng hôm nay. Cuốn phim được xây dựng dựa trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại vùng Mt. Rainier, bang Maryland, vào năm 1949.
Một hôm trong phòng của cậu bé, các tranh ảnh, ghế bàn và chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Ban đêm hầu như cậu ta không thể nào ngủ được, vì luôn bị quấy phá. Sau khi được nhận vào bệnh viện, cậu bé bắt đầu lầm bầm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng những thứ cổ ngữ, và đến một lúc nào đó, dù cậu đang bị cột vào chiếc giường ngủ, thì trên thân xác cậu lại hiện ra những vết cào dài nhuốm máu. Cuối cùng cậu đã được cứu sống nhờ được một linh mục trừ tà, và hiện nay cậu đang sinh sống tại vùng Thủ đô Washington. Một linh mục già từng tham gia vào việc trừ tà cho cậu bé đã thề hứa sẽ không bàn luận gì về việc ấy, ngài nhấn mạnh rằng kinh nghiệm này đã thực sự biến đổi cuộc sống của ngài tốt đẹp hơn.
Thưa anh chị em, như đám đông dân chúng chứng kiến Chúa Giêsu trừ quỷ ở Hội đường Caphanaum đã bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Ông ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo”. Chúng ta cũng thắc mắc: Đâu là ý nghĩa sâu xa ẩn chứa đàng sau quyền năng của Chúa Giêsu xua đuổi ác thần, quyền năng mà Chúa Giêsu đã trao ban cho Giáo Hội của Ngài?
Để trả lời cho câu hỏi này, Chúa Giêsu nói: “Ta trừ quỷ chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, và điều ấy chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã đến với các ngươi rồi” (Lc 11,20). Ý nghĩa sâu xa hơn ẩn chứa đàng sau việc Chúa Giêsu trừ quỷ chính là Vương quốc của Satan từng kiềm kẹp nhân loại dưới vòng nô lệ kể từ khi Ađam phạm tội, giờ đây đang nhường chỗ cho Vương quốc của Thiên Chúa: Nước đã đổi chủ. Nước Thiên Chúa đã đến. Điều này gợi ra cho chúng ta một vấn nạn khác: Nếu Chúa Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa từ 2000 năm nay, vậy thì tại sao đến ngày hôm nay, điều ác vẫn còn lan rộng trên thế giới? Nói cách khác: Nếu Chúa Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa khi Ngài còn sinh thời, thì tại sao Vương quốc Satan cũng vẫn còn tác oai tác quái trong thời đại chúng ta ngày nay?
Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là: Vương quốc Thiên Chúa không đến tức khắc. Đó là một bước tiến từ từ. Nó không phải là biến cố xảy đến chỉ một lúc, mà là một chuyển động liên tục xuyên suốt dòng lịch sử. Đức Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa, nhưng Ngài trao phó cho chúng ta công việc hoàn tất: Đó là lý do tại sao trong lời Kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến”. Chúng ta có thể sánh ví Vương quốc Thiên Chúa như một cây non. Chúa Giêsu trồng cây ấy, nhưng Ngài giao cho chúng ta nhiệm vụ vun xới, bón phân, tưới nước cho nó. Nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc làm sao cho Vương quốc ấy sinh hoa kết trái theo đúng ý định của Thiên Chúa.
Nhưng tại sao Vương quốc Thiên Chúa lại chậm đến như thế? Tại sao Vương quốc Satan lại lâu lụi tàn như thế? Đó là vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của chúng ta một cách thỏa đáng. Chúng ta đã không thực hiện trách nhiệm làm hoàn tất Vương quốc ấy đúng như chúng ta đã có thể làm. Thậm chí, có khi chính chúng ta lại đồng lõa với Satan, với thế lực của sự ác để làm lùi bước tiến của Nước Chúa.
Chúa Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất, nhưng cuộc chiến với Satan còn kéo dài đến tận thế. Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.
Anh chị em thân mến, Satan, ma quỷ thường được mô tả như một con vật xấu xí và đáng sợ. Nếu thế thì chúng ta rất dễ nhận ra nó, và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta. Trong thực tế, ma quỷ không bao giờ hiện nguyên hình của nó để cám dỗ chúng ta. Nó luôn ẩn nấp dưới những hình dáng xinh đẹp và hấp dẫn. Nó tấn công chúng ta bằng thủ đoạn tinh vi, ngọt ngào. Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân cũng như tập thể. Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều. Nhưng chắc hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết. Kitô giáo không bịa ra ma quỷ để hù dọa tín đồ. Ma quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo chúng ta xa Chúa. Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người. Chúng phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo. Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám. Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám bởi nhiều thứ quỷ: quỷ tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ… Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng: tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh… Cái ám nào cũng làm ta mất tự do, mất trong trắng. Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta, trở nên ô uế. Nó bắt chúng ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình vi tính. Chúng ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen. Chúng ta thấy mình bất lực, nên cần “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi: “Hãy xuất ra khỏi người này!”. Nhờ ơn Chúa, tôi cũng muốn ra lệnh cho ma quỷ hãy xuất ra khỏi thế giới này.
Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm chứng cuộc chiến đấu của chúng ta với Satan, để phát hiện những thông đồng của chúng ta với sự ác và với ma quỷ. Satan là “thủ lãnh của việc giết chết” và “cha của sự dối trá”. Đối với đồng loại, chúng ta có sử dụng bạo lực không, hay chúng ta sống yêu thương và phục vụ? Chúng ta có sống trong sự thật với Thiên Chúa và với anh em chúng ta không?
Nguyện cho Thánh lễ này, trong đó chúng ta tham gia vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên ác thần, trên tội lỗi và sự chết, làm cho chúng ta được tăng cường sức sống của Chúa để cộng tác với Ngài chiến đấu và chiến thắng sự ác trong ta và trong thế giới.
6. Xua đuổi ma quỷ – Arthur Tone.
Một nông dân giàu có nhất trong huyện và rất keo kiệt. Ông đã hối cải, khi ông ý thức rằng. Ông chỉ là một người quản lý đất đai và một người giữ tiền. Không lâu sau đó, một người lối xóm nghèo bị chấy hết cửa nhà, đến gõ cửa xin đồ ăn. Nông dân giàu có này định cho người ngheo một đùi heo trong bếp. Trên đường xuống bếp. Ma quỷ nói thầm bên tai ông: “Cho hắn cái đùi heo nhỏ nhất”.
Người giàu có này chiến đấu với tính keo kiệt cố hữu của ông. Cuối cùng lòng quảng đại đã thắng. Ông lấy cái đùi heo lớn nhất. Ma quỷ cười nhạo ông: “Mày khùng quá”. Nhưng người nông dân bịt miệng y: “Nếu mày không đứng im, tao cho hết mọi đùi heo tao có”.
Chúng ta vừa nghe Đức Giêsu đuổi ma quỷ ra khỏi người bị ám.
Thời đại chúng ta có nhiều chuyện liên quan đến ma quỷ, không những do những cuốn sách, những phim ảnh; gọi là “người trừ quỷ”, nghĩa là một người có thể xua đuổi ma quỷ, mà còn do những nhóm người kỳ dị, họ thờ cúng Satan.
Thật là một lầm lẫn lớn thường thấy ngày nay khi nghĩ rằng ma quỷ ở đâu xa, một nơi nào đó. Nó ở trong một người nào khác chứ không có trong tôi. Thực sự, ma quỷ có mặt nơi mỗi người chúng ta. Cảm tạ Chúa, chúng ta không hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chúng. Nhưng cái tinh thần ma quỷ thì ở trong hầu hết mọi con người.
Người hà tiện trong câu chuyện đã đánh bại con quỷ keo kiệt. Nhưng nó vẫn còn cám dỗ ông keo kiệt tiếp. May thay ông lại đánh bại nó.
Con quỷ kiêu hãnh ở trong nhiều người chúng ta. Chúng ta phải đánh bại nó hoài hoài, nói được là mọi lúc. Nhưng chúng ta phải luôn cảnh giác kẻo nó đưa chúng ta lên khi nghĩ rằng chúng ta thật là một nhân vật quan trọng do công nghiệp của riêng mình.
Quỷ mê ăn uống, nó cố gắng làm chúng ta ăn uống thái quá, nhất là uống rượu quá độ. Nó không bao giờ từ bỏ ý định xô đẩy chúng ta ra khỏi tinh thần tiết độ.
Quỷ khoái lạc là một con quỷ có mặt nạ dễ thương, có nhiều bạn trợ giúp như Tivi, phim ảnh, tòa án ly dị, sách báo đồi trụy và bạn bè xấu nết. Tuy nhiên nó cũng phải bị đánh bại. Hàng triệu người đã đánh bại nó.
Bất chấp ma quỷ đến với chúng ta dưới hình thức nào. Chúng ta luôn luôn có thể nương tựa vào Đức Kitô hộ giúp. Trên trần gian Chúa chúng ta đã trừ quỷ nhiều lần trong đời Ngài như trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng Satan vẫn trở lại, và thành công trong việc giết Đức Kitô trên thập giá. Xem như ma quỷ đã hoàn toàn thắng. Nhưng sự Phục Sinh đã đem lại cho Đức Kitô sự chiến thắng.
Trong mỗi thánh lễ, trên chiến long trời, lở đất này tái diễn: Đức Kitô chết – Đức Kitô sống lại. Trong sự lập lại chiến thắng của Chúa chúng ta. Bạn và tôi được thêm sức mạnh và can đảm để xua đuổi ma quỷ ra khỏi cuộc sống của mỗi người. Hãy tìm kiếm con quỷ trong cuộc đời riêng của bạn và với sự trợ giúp của Đức Kitô; Bạn trục xuất hắn ra.
Xin Chúa chúc lành cho bạn.
7. Hãy xuất khỏi người này
Suy Niệm
Một ông thợ ở Nadarét được mời giảng trong hội đường.
Maccô không cho ta biết Đức Giêsu đã giảng gì. Chỉ biết nội dung của lời giảng thì mới mẻ, và cách giảng thì khác hẳn với các kinh sư.
Kinh sư thì giải thích Kinh Thánh với thẩm quyền. Còn Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh với uy quyền. Ngài chẳng phải dựa vào sách vở, vào truyền thống có sẵn.
Một cách mới mẻ và đầy uy quyền, Đức Giêsu loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến, triều đại của Xa-tan phải bị đẩy lui.
Quả vậy, sự hiện diện của Ngài trong hội đường ngày hôm ấy đã khiến cho thần ô uế phải chường mặt ra và khiếp sợ. Đức Giêsu ra lệnh: "Hãy câm đi và xuất khỏi người này." Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ căn nhà nó đã ở. Nó chỉ ra sau khi đã vật vã người ấy và thét lên.
Đức Giêsu đã chiến thắng và giải phóng ta khỏi nô lệ. Ngài khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Nhưng cuộc chiến với Xa-tan còn kéo dài đến tận thế. Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.
Quỷ thường được vẽ như một con vật xấu xí đáng sợ. Nếu thế thì ta rất dễ nhận ra nó, và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta. Trong thực tế, quỷ mang dáng dấp xinh đẹp và hấp dẫn. Nó tấn công ta bằng những thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào. Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân, tập thể.
Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều. Nhưng hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết.
Kitô giáo không bịa ra quỷ để hù dọa tín đồ.
Quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo ta xa Chúa. Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người.
Quỷ phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo. "Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho tất cả". Làm gì có hạnh phúc vững bền khi ta quay lưng với Thiên Chúa!
Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám. Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác: tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ...
Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng: tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh...
Cái ám nào cũng làm ta bớt tự do, bớt là mình.
Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta và không chịu ra.
Cái ám khi trở thành tuyệt đối thì làm ta trở nên ô uế.
Nó bắt ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình. Ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.
Ta thấy mình bất lực, nên cần Đấng Thánh của Thiên Chúa.
"Hãy xuất ra khỏi người này": Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi như vậy.
Tôi cầu xin Ngài trục xuất khỏi tôi điều gì?
"Hãy xuất ra khỏi thế giới này": Nhờ ơn Chúa, tôi cũng phải ra lệnh cho ma quỷ như vậy.
Gợi Ý Chia Sẻ
· Lời xin cuối của kinh Lạy Cha: Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Theo sách Giáo Lý Công Giáo, sự dữ ở đây để chỉ một nhân vật, đó là Xa-tan, là vị thiên thần đã chống lại Thiên Chúa, là ma quỷ (số 2851). Bạn tin có Xa-tan, có ma quỷ không? Ma quỷ đã có tác động xấu nào trên đời bạn?
· Ma quỷ là kẻ dối trá và hay đánh lừa con người (Ga 8,44). Có khi nào việc bạn làm lúc đầu thấy là tốt, sau cùng lại thấy nó dẫn đến điều xấu không? Bạn có khi nào bị ma quỷ đánh lừa không?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.