Truyền giáo , còn đó những nỗi lo
TRUYỀN GIÁO : CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO
Cứ nói ra những trăn trở về Giáo Hội, về các đấng các bậc hay về đời sống đức tin thì luôn được đáp lại câu rất quen thuộc : “Việc của Chúa để Chúa lo. Việc Chúa làm”. Nói đến truyền giáo hay suy nghĩ về việc truyền giáo cho ai đó thì cũng được nghe : “Chuyện đó cậu lo làm gì ? Đâu phải chuyện của cậu đâu ! Cứ để Chúa lo !”.
Nghe những câu trả lời đó xem chừng như hợp lý. Thế nhưng nó vẫn sao sao đó nhất là trong cuộc sống của những người tin cứ đổ cho Chúa còn mình dường như dửng dưng và cho rằng mình là người ngoài cuộc và những chuyện đó không dính dáng gì đến mình.
Thế nhưng, tưởng nghĩ rằng khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội thì ai ai cũng mang trong mình 3 sứ vụ : “Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế”. Ngôn Sứ ! Phải chăng là người đó có trách nhiệm sống đời sống loan báo Tin Mừng hay truyền giáo ngay trong đời sống của mình.
Truyền giáo ! Mãi mãi vẫn là mối bận tâm của những ai bận tâm. Và dĩ nhiên ngược lại, những ai không quan tâm thì có nói ra cũng bằng thừa.
Nhìn vào đời sống đạo chung chung chứ không đề cập đến đức tin của mỗi người thì e rằng có gì lo ngại. Không đề cập đến niềm tin vì lẽ chuyện tin hay không tin hay niềm tin ở mức độ nào rất tế nhị và chỉ có người đó và Chúa biết.
Số tín hữu được báo cáo hằng năm xem chừng có thể mừng nhưng xin không vội. Tăng ở báo cáo là tăng theo dân số tự nhiên có nghĩa là trẻ sơ sinh vì cha mẹ là Công Giáo nên rửa tội. Kèm theo đó cũng tăng tự nhiên vì rửa tội để cử hành bí tích Hôn Phối cùng với người phối ngẫu của mình. Còn con số thật sự để một người chưa phải là Công Giáo xin rửa tội theo Chúa thì quả thật dừng lại ở con số thật khiêm tốn.
Theo lời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong hội nghị Giáo Dân tại La Vang vừa qua cũng để lại ít nhiều suy nghĩ.
Đức Tổng nói Giáo Phận Đà Nẵng có 85.000 giáo dân. Giáo Phận Quy Nhơn có 70.000 giáo dân và Giáo phận Huế có 63.000 giáo dân.
Điều đáng suy nghĩ đó chính là theo lời Đức Tổng, trước năm 1975 thì Giáo phận Huế có đến 200.000 giáo dân. Vấy vậy mà cho đến nay còn 63.000 giáo dân.
Dĩ nhiên ai ai cũng hiểu là hoàn cảnh kinh tế xã hội, hoàn cảnh di dân cũng như nhiều hoàn cảnh khác nữa. Thế nhưng rồi từ con số 200.000 giáo dân trước 75 mà nay còn 63.000 thì quả là e ngại. Đơn giản là dân số vẫn tăng tự nhiên nhưng số tín hữu lại giảm một cách không tưởng.
Kèm theo đó, cũng qua lời Đức Tổng Giuse nói rằng ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ nói với Đức Tổng : “Chưa bao giờ trong lịch sử của Giáo Hội Việt Nam xây dựng nhiều như bây giờ !”
Vâng ! Xây dựng mới Nhà Thờ là điều rất mừng. Là tín hữu Công Giáo, ai mà không mừng khi thấy một Thánh Đường cao to đẹp và lộng lẫy được thay cho Thánh Đường cũ kỹ. Thế nhưng đàng sau nỗi vui mừng vì những Thánh Đường mới xây nên lại là nỗi lo âu khi không phát triển giáo xứ mới.
Cách đây không lâu, trong Thánh Lễ hành hương minh niên tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng nói lên thao thức của Đức Cha về việc Thánh Đường được xây mới. Đức Cha cũng rất trăn trở vì nhiều vùng ven Sài Gòn vẫn dường như không có giáo xứ hay Thánh Đường. Đặc biệt, những vùng có các khu công nghiệp lớn dường như không có Thánh Đường để phụng vụ việc phụng tự của anh chị em di dân.
Anh chị em di dân chắc hiểu rõ điều này hơn ai hết. Trong khu vực có các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp dường như muốn tham dự Thánh Lễ dường như quá khó. Các khu công nghiệp như Nhơn Trạch, Sóng Thần ... chắc chắn có nhiều giáo dân nhưng đành phải rơi vào cảnh chịu vậy. Họ dù có muốn đến Nhà Thờ nhưng hoàn toàn là điều không thể. Cạnh đó, những anh chị em di dân là người sắc tộc thì lại càng gặp khó khăn hơn trong việc giữ đạo và sống đạo. Vì miếng cơm manh áo để rồi đời sống đức tin của họ dễ bị đe dọa.
Truyền giáo ! Thật là vấn đề nan giải chứ không đơn giản để nói trong vài hội nghị hay hội thảo hay ở trên bàn giấy. Biết nao nhiêu hội nghị, sáng kiến, đề nghị nhưng dường như số người theo Chúa vẫn chưa có dấu hiệu sáng lắm.
Có người ngộ nhận hay nghĩ khác rằng truyền giáo là cho họ bao gạo, thùng mì. Một kinh nghiệm của cái đạo mà ngày xưa người ta vẫn thường nói “Đạo Ông Diệm” vẫn còn đó và đó là kinh nghiệm đau đớn khi dùng vật chất để dụ người ta theo đạo.
Mới đây, có một người tự quảng bá mình trong nhóm truyền giáo. Nhóm còn kéo lên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn để xin Cha xứ (cha lập nhóm truyền giáo) được ở lại xứ để thực hiện công việc đó. Thế nhưng rồi Cha xứ của họ vẫn đổi đi. Họ cùng Cha xứ thi thoảng đi trao quà cho người nghèo. Điều đáng tiếc là họ dừng lại ở chỗ đi cho quà cho người nghèo là truyền giáo.
Dĩ nhiên chuyện bác ái, lo cho người nghèo đó là chuyện của truyền giáo. Kinh nghiệm ai ai cũng biết đó là khi sử dụng vật chất trong công việc truyền giáo thì khi hết tiền hay hết gạo bỗng dưng người theo đạo cũng mất theo.
Và, cũng có nơi sống kiểu như người ta hay nói là “ăn mày quá khứ” để cứ nghĩ rằng nơi đó người ta theo Chúa nhiều. Dĩ nhiên là trong quá khứ hay một thời điểm nào đó người ta theo nhưng tính đến thời điểm hiện tại là cực khó. Ngày trước có thể quy tụ dân về để học hỏi, để chia sẻ về Giáo Lý, Kinh Thánh nhưng thử hỏi ngày hôm nay ai làm được điều đó. Thế cho nên không cứ “ăn mày quá khứ” mà hãy đối diện với thực tại.
Còn đó nỗi lo nhất về đời sống đạo đó chính là việc Kinh bổn, Giáo Lý, Thánh Kinh ... Có những nơi mà tra khảo giáo lý cơ bản nhưng dường như không biết hay không nhớ thì thử hỏi rằng đời sống đạo sẽ đi về đâu ? Đời sống đức tin phải bén rễ sâu trong Đức Kitô ngang qua Kinh Thánh, Giáo Lý của Hội Thánh nhưng thử làm cuộc điều tra hay trắc nghiệm xem thử giáo dân nắm gì về Giáo Lý và Kinh Thánh.
Điều đáng buồn và suy nghĩ đó là những hội nghị và báo cáo. Trong cuộc sống, ta hay chê bai thậm chí chửi những người sống theo thành tích, báo cáo và con số nhưng thử hỏi Giáo Hội ta có sống hình thức y chang như họ không ? Có khi họ phải gọi Giáo Hội mình là sư phụ về những hình thức, báo cáo và con số không chừng. Đơn giản là ta luôn nhìn thấy con số, báo cáo cũng như những định hướng cực đẹp. Thế nhưng rồi tất cả chỉ là để báo cáo hay ở trên giấy mà thôi.
Vừa rồi, vô tình tôi đọc tiêu đề chứ không dám đọc nội dung của bài viết : “Định hướng truyền Giáo xưa và nay” của một tác giả mà người đó ở Sài Thành và chưa bao giờ đến ở với người nghèo và bị bỏ rơi. Muốn thấy thực tế như thế nào thì phải đến ít là hiện diện.
Ngay như các đấng các bậc, các ngài dường như chỉ thấy khi đón tiếp linh đình khi đi kinh lý hay khi đi ban Bí Tích Thêm Sức. Thử hỏi có đấng bậc nào âm thầm và lặng lẽ đến với các xứ đạo, với các con chiên của mình trong vai trò như con chiên sống giữa đoàn chiên hay không ? Chính vì chỉ nhìn con số và sự hiện diện hoành tráng trong các kỳ Lễ Hội nên đâu biết được thực trạng còn bao nhiêu người lui tới Nhà Thờ. Nói ra thì bảo là chống đối hay bức xúc nhưng xin các đấng cứ âm thầm dạo quanh các xứ đạo trong tư cách là một người tín hữu thì sẽ hiểu được hiện trạng. Xin đừng nghe báo cáo và con số về truyền giáo cũng như đừng dừng lại ở Hội Thảo hay Chuyên Đề về truyền giáo.
Các đấng hãy đến, hãy ở lại, hãy đồng hành với đời sống của con chiên thì sẽ thấy rõ hơn để từ đó các đấng sẽ có phương thế để đưa Giáo Hội đi lên. Đơn giản là vì các đấng mãi mãi vẫn là những người cao nhất coi sóc đoàn chiên hay như các khẩu hiệu : “Đấng nhân danh Chúa mà đến” mà ta vẫn thấy trong các dịp Lễ hội.
Như mở đầu cho bài chia sẻ, thôi thì trăn trở ta cứ trăn trở. Mọi chuyện xin phó thác vào Chúa thôi.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: