Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!- Hãy quỳ gối mà làm mọi việc!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

THƯƠNG XÓT CÒN CÓ TÊN LÀ “CÙNG ĐAU ĐỚN

 

“Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” - “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy!”.

 

Ngày kia, một tín hữu trí thức nói với một mục sư vốn thường giảng rất dài, “Bài giảng của ngài nhắc nhở tôi về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nghĩ,‘nó’ sẽ tồn tại mãi mãi; bởi lẽ, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

‘Thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. Câu nói sâu sắc pha chút mỉa mai của người tín hữu kia được gặp lại trong phần kết của Tin Mừng hôm nay;câu hỏi của Chúa Giêsu và câu trả lời của người thông luật,“Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?”; ông không trả lời, “Người Samaritanô!”, thay vào đó là, “Kẻ đã tỏ lòng thương xót!”. Thương xót mới là trọng tâm, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. 

 

Thật dễ dàng để phán xét và khắc nghiệt với người khác. Đọc báo, nghe tin tức…chúng ta bội thực bởi những lời phán xét và lên án liên tục. Về mặt này, bản chất con người sa ngã dường như phát triển một cách ‘xuất sắc’; vì ai cũng có thể chỉ trích người khác một cách dễ dàng. Hoặc khá hơn, khi không chì chiết, phê phán, chúng ta lại rơi vào cám dỗ để hành động như thầy Lêvi và vị tư tế; chúng ta làm ngơ trước những người cần cứu giúp.Vậy điều quan trọng là phải luôn thể hiện lòng thương xót và thể hiện nó một cách siêu việt, anh hùng; nói cách khác, thương xót là phải chịu thiệt, chịu mất thời giờ, vì ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. 

 

Ơn gọi của mỗi người chúng ta là trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa. Giữa biển khơi của một thế giới tục luỵ ích kỷ, các Kitô hữu phải là những quần đảo xót thương! Và để lòng thương xót đó có thể trở nên chính hiệu, nó phải đau đớn, phải “tổn thương” thực sự theo nghĩa đòi hỏi bạn phải buông bỏ lòng kiêu hãnh, ích kỷ và giận dữ.Thay vào đó,bạn chọn cách thể hiện yêu thương đến mức nó khiến bạn đau đớn. Tuyệt vời thay! Chính sự tổn thương đó lại là nguồn chữa lành hiệu nghiệm ;qua đó, nó giúp bạn tẩy sạch tội lỗi mình. Mẹ Têrêxa nói, “Tôi đã tìm thấy một nghịch lý ! Rằng,nếu bạn yêu cho đến khi đau đớn, thì không thể có thêm tổn thương nào nữa; lúc ấy, bạn chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn!”. “Chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn” là loại tình yêu thoạt đầu có thể tổn thương, nhưng cuối cùng,nó chỉ để lại tình yêu và tình yêu!

 

“Yêu cho đến khi đau đớn, để không thể có thêm tổn thương nào nữa” chính là hoạt động của ân sủng vốn phát xuất từ Đấng đã từng “yêu cho đến cùng”.Trên thập giá, Đức Kitô không thể có thêm tổn thương nào nữa! Chính xác hơn, với Đức Kitô Phục Sinh, nói như thánh Phaolô, “Tội lỗi và sự chết không còn làm chi được Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

“Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Người Samaritanô, “kẻ đã tỏ lòng thương xót”, chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Xót Thương; và nạn nhân chính là hình ảnh của cả nhân loại đáng thương; và dĩ nhiên, đó còn là phiên bản của chính bạn và tôi! Khi chúng ta không thể tự cứu mình, khi bạn và tôi bị Thiên Chúa ghẻ lạnh vì tội lỗi chúng ta gây ra, thì chính Chúa Kitô trong tình yêu của Thiên Chúa đã dừng lại để cứu lấy chúng ta. Với Chúa Giêsu, thương xót không chỉ là xúc động hay những tiếc xót đầu môi,nhưng còn chịu đau khổ cùng, liên lụy cùng; nơi Ngài, hình ảnh đó thật đẹp và rõ nét ! Ngài đã mang thay những vết thương, để chúng ta được chữa lành; chịu sửa phạt thay, để chúng ta được bình an. Trên thập giá, Ngài đã thể hiện tất cả; ở đó, Ngài định hình và đặt tên cho thương xót,‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. “Hãy đi và làm như vậy!”,Ngài đang nói với bạn và tôi hôm nay!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin biến những khoảnh khắc đau đớn của con thành những khoảnh khắc tuyệt vời của ân sủng; hầu con có thể trỗi dậy, trở nên quà tặng tình yêu Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

HÃY QUỲ GỐI MÀ LÀM MỌI VIỆC!

 

“Maria đã chọn phần tốt nhất”.

 

Alex Maclaren nói, “Tôi không biết chúng ta ở trên thế giới này để làm gì trừ phi là để học cách lên thiên đàng! Cuộc sống trên trái đất sẽ rất hoang mang trừ khi chúng ta được đào tạo ở đây cho một công việc siêu phàm bên kia nấm mồ. Vậy từ bây giờ, hãy ‘chiêm ngắm trong hành động’; nói cách khác, ‘hãy quỳ gối mà làm mọi việc!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ rất thú vị khi ý tưởng của Maclaren được tiết lộ một cách kín đáo qua câu chuyện Matta - Maria hôm nay mà Luca cố ý đặt sau câu chuyện người Samaritanô nhân hậu hôm qua! Nó khôi phục sự cân bằng trong việc theo Chúa của bất cứ ai. Bởi lẽ, trở nên‘người thân cận’ có thể khiến một số người nghĩ, chỉ khi ‘hành động’, chúng ta mới yêu mến Chúa; không hẳn, nó còn là khi chúng ta ‘chiêm ngắm’ Ngài! Luca muốn nhắn nhủ, ‘hãy chiêm ngắm trong hành động’; nói cách khác, ‘hãy quỳ gối mà làm mọi việc!’.

 

Matta, một người hành động đến mức ‘nhắng nhít’, ‘to chuyện’; cô được biết là người đã “tất bật lo việc phục vụ”. Điều này thật tốt! Thế nhưng, thật tiếc, cô đón Chúa Giêsu vào nhà mà không mời Ngài vào lòng  ! Ngài chưa là Thượng Khách của trái tim cô; vì thế, sự phục vụ của cô mất hết ý nghĩa.Bằng chứng là điều này đã dẫn đến sự so nài với cô em!Vậy mà, cả Matta lẫn Maria và chúng ta…mỗi người chỉ có một đời để sống, một thời gian để phục vụ, nhưng việc biết lắng nghe và sống Lời lại định đoạt số phận của mỗi người,cũng như làm cho giá trị của người này khác với người kia. Chính việc lắng nghe, để cho Lời lớn lên, đời sống chúng ta mới được biến đổi;chính lúc đó, chúng ta mới thật là môn đệ của Chúa Giêsu.

 

Chúa Giêsu không ngừng nêu gương phục vụ, dạy các môn đệ và chúng ta phục vụ; thế nhưng, nó không đượctrở thành gánh nặng.Bằng chứng là sau khi Mattacàu nhàucô em gái, Chúa Giêsu lên tiếng,“Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá!”.Một đầy tớ chân chính không nên quá lo lắng; nó bộc lộmột nội tâm thiếu bình an! Maria thì dường như không làm gì cả, và xem ra lười biếng, thậm chí ích kỷ; nhưng Chúa Giêsu lại nói, “Maria đã chọn phần tốt nhất”, và “sẽ không bị lấy đi”; điều này khiến Matta phần nào hụt hẫng! Phần tốt nhất đó là gì? Là không làm gì? Không ! Maria ngồi dưới chân “lắng nghe lời Ngài”. “Lắng nghe”Ngài là điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ và dân chúng cần làm mọi lúc; nó liên quan với hiểu, chấp nhận và thẩm thấu Lời để Lời trở thành một phần cuộc sống của họ.Nếu không dành thời gian lắng nghe Chúa, làm sao có thể biết rằng hoạt động của bạn và tôi đã được định hướng đúng đắn!

 

Như vậy, dừng lại để lắng nghe, phân định và cầu nguyện là điều không thể thiếu; và cuối cùng, hình thức hoạt động cao nhất trong cuộc sống vẫn là chiêm ngắm. Nếu thấy mình không có thời gian để cầu nguyện hoặc chiêm ngắm, thì hẳn đã có một sự mất cân bằng nghiêm trọng trong các ưu tiên và trong sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc yêu thương và phụng sự Chúa! Vì thế, câu chuyện Matta - Maria kết hợp tuyệt vời với câu chuyện người Samaritanô nhân hậu đã diễn tả những gì phải trở nên cốt lõi của đời sống Kitô hữu; đó là hành động vì người khác được định hướng bởi những gì chúng ta học được khi chiêm ngắm!

 

Anh Chị em,

 

“Maria đã chọn phần tốt nhất”; Chúa Giêsu đã chọn phần tốt nhất ! Đây là khuôn mẫu trong cuộc sống của chính Ngài. Mỗi ngày, Ngài dành nhiều giờ chữa lành mọi người như một “người thân cận” của họ, nhưng cũng lui về nơi yên tĩnh để một mình ở với Chúa Cha. Đó còn là nhịp sống của mỗi người chúng ta, một nhịp sống có tên là ‘chiêm ngắm trong hành động!’. Được như thế, chúng ta sẽ nên như Chúa Giêsu, hoặc như Phaolô trong thư Galata hôm nay, để sống làm sao cho mọi người nhìn vào chúng ta, và “họ tôn vinh Thiên Chúa”. Ý nghĩa thay Thánh Vịnh đáp ca, đó phải là tâm tình của chúng ta mỗi ngày, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con lo lắng bối rối vạn chuyện. Giúp con chỉ lo một chuyện, lắng nghe và chiêm ngắm, hầu con có thể ‘quỳ gối mà làm mọi việc’ cho Chúa,cho anh chị em con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)