Hiệp nhất trong khác biệt - Cho hiển vinh danh Ngài
HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.
Sử gia Justin nhận định, “Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất phát triển rất mạnh ! Bằng chứng là nhiều người đã thay đổi tính cách bạo lực và độc tài của mình. Họ bị khuất phục bởi sự kiên định họ chứng kiến trong cuộc sống những người hàng xóm theo đạo Kitô; bởi sự nhẫn nhịn phi thường mà họ nhìn thấy khi những người này bị lừa dối; bởi sự trung thực của những người mà họ giao dịch buôn bán; và nhất là bởi sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những người lãnh đạo!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận xét của Justin. Thánh Vịnh đáp ca cho biết, sứ mệnh của Hội Thánh từ thời các tông đồ và cho đến muôn đời là đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng; tuy nhiên, bất đồng trong Hội Thánh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào! Vậy mà, điều quan trọng không phải là những khác biệt nơi các sứ giả, nhưng quan trọng là sự ‘hiệp nhất trong khác biệt ’ nơi những con người này!
Thật hiếm hoi, bài đọc Galatatrưng dẫn một bất đồng nghiêm trọng xảy ra ở Antiôkia giữa Phêrô và Phaolô, hai trong số những trụ cột quan trọng nhất. Phaolô cáo buộc Phêrô“ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng” khi ông dùng bữa với dân ngoại, ở đây ám chỉ việc ăn của cúng; và khi các tông đồ khác đến thì Phêrô lẩn lút và lánh đi. Sự việc này gây gương xấu không chỉ cho những người đạo gốc mà còn cho anh em lương dân mới trở lại. Sự bất đồng giữa họ liên quan đến việc anh em gốc ngoại giáo được mong đợi sẽ tuân theo luật thực phẩm của người Do Thái; Phêrô đã làm điều không đúng khiến Phaolô phản đối gay gắt. Thế nhưng, sau nhiều năm, mỗi người đều rao giảng Phúc Âm trong các lĩnh vực khác nhau và cả hai đều chịu tử đạo vì Tin Mừng. Dẫu có thể có những bất đồng cụ thể, nhưng Phêrô và Phaolô vẫn ‘hiệp nhất trong khác biệt’; hai ngài tiếp tục thể hiện sự hiệp nhất về các nguyên tắc căn bản!
Các nguyên tắc căn bản ở đây là gì? Đó là những điều được tìm thấy trong Kinh Tin Kính; chúng cũng được tìm thấy trong Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta phải hiệp nhất trong nhiệm vụ kiến tạo không gian cho Vương Quốc Thiên Chúa hiển trị, “Nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc cầu nguyện và hoạt động để có cơm bánh hàng ngày cho mọi con cái Chúa trên thế giới; bánh vật chất, bánh tinh thần, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa và sẵn lòng trao tặng món quà tha thứ cho người khác, điều mà chúng ta đã nhận được từ Ngài, “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc tìm kiếm Chúa để có sức mạnh đương đầu với thế lực sự ác, “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ!”.
Anh Chị em,
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, ngày nay, vẫn có những thách đố về các vấn đề mà các đấng bậc trong Hội Thánh phải thảo luận và tranh luận. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa cái mà chúng ta gọi là ‘đôi cánh thể chế’ và ‘đôi cánh tiên tri’ của Hội Thánh. Mặc dù một số vị muốn có một sự ‘hoà hợp hoàn hảo’ giữa tất cả các thành viên, nhưng đó không phải là cách Giáo Hội vận hành. Đừng nhầm lẫn giữa ‘hiệp nhất’ với ‘tính đồng nhất’. Hiệp nhất giả định trước một sự hài hoà giữa các yếu tố khác nhau.Chúng ta cần ‘thể chế’ với tư cách là những người bảo tồn tính chính thống, truyền thống và tính liên tục; nhưng cũng cần đôi cánh ‘tiên tri’ để khơi lênnhững nhu cầu thích ứng thông điệp của mình với các nhu cầu và các tình huống vốn thay đổi trong một thế giới đổi thay liên tục. Không thay đổi có nghĩa là trì trệ, và cuối cùng, là chết; thay đổi quá nhiều đồng nghĩa với việc mất đi bản sắc. Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng, vì chính Thánh Thần sẽ là tác nhân duy nhất giữ cho Hội Thánh luôn ‘hiệp nhất trong khác biệt’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con biết tôn trọng những khác biệt nơi những anh chị em con. Xin giúp con biết loại bỏ cái tôi trước tiếng nói của Thánh Thần mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
CHO HIỂN VINH DANH NGÀI
“Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”.
George Mueller nói, “Niềm tin không hoạt động trong ‘lãnh địa khả thi’ của con người, nghĩa là nơi con người làm được mọi sự; ở đó, Thiên Chúa chẳng có chút vinh quang nào! Niềm tin chỉ bắt đầu khi sức mạnh của con người kết thúc, và Thiên Chúa có thể khởi sự ! Bởi lẽ, Thiên Chúa là tất cả, và tất cả ‘cho hiển vinh danh Ngài!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay làm sáng tỏ ý tưởng của George Mueller! Chúa Giêsu nói, “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”. Vậy mà, không ít người hiểu sai những lời này! Tại sao? Bởi lẽ, cầu nguyện với Chúa, trước hết và trên hết… tất cả chỉ nhằm một mục đích, ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.
Một số người có thể nghĩ, chúng ta phải cầu nguyện, và cầu nguyện nhiều hơn; để cuối cùng, Chúa sẽ nhậm lời. Một số khác cho rằng,điều này có nghĩa là Chúa sẽ không nhậm lời nếu chúng ta không cầu nguyện đủ chăm chỉ. Và một số khác nữa có thể nghĩ, bất cứ điều gì chúng ta cầu xin sẽ được ban, nếu chúng ta cứ tiếp tục kiên trì khấn xin. Vậy mà không phải vậy!
Chắc chắn, chúng ta nên cầu nguyện chăm chỉ và thường xuyên ! Nhưng một câu hỏi quan trọng đặt ra,“Tôi nên cầu nguyện điều gì?”, và đây là chìa khoá ! Bởi lẽ,Chúa sẽ không ban những gì chúng ta cầu, bất kể chúng ta cầu bao lâu và chăm chỉ đến đâu, nếu điều đó không nằm trong ý muốn của thánh thiện hoàn hảo của Ngài! Ví dụ, một ai đó bệnh, sắp về với Chúa, và việc cho phép người ấy lìa thế là một phần trong ý muốn của Ngài, thì tất cả những lời cầu nguyện trên thế gian cộng lại vẫn không thay đổi được mọi thứ. Thay vào đó, trong trường hợp này, chúng ta nên cầu nguyện để mời Chúa vào cuộc, vào hoàn cảnh khó khăn này để biến nó thành cuộc ‘tạm biệt’ đẹp đẽ và thánh thiện. Vì vậy, vấn đề không phải là cầu xin cho đến khi thuyết phục được Chúa sẽ làm những gì chúng ta muốn, như một đứa trẻ có thể mè nheo với cha mẹ; đúng hơn, chúng ta phải cầu nguyện cho một điều và duy nhất một điều,là ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.
Như vậy, lời cầu nguyện dâng lên không nhằm thay đổi ý định của Thiên Chúa, mà nhằm biến đổi chúng ta, củng cố chúng ta, hầu cho phép chúng ta chấp nhận tất cả những gì Ngài mời gọi chúng ta làm.Đây chính là công việc của Chúa Thánh Thần! Chính Chúa Giêsu bất ngờ xác nhận điều đó ở câu cuối cùng của trình thuật Tin Mừng hôm nay, “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”. Thánh Thần cũng là Đấng mà thánh Phaolô trong thư Galata hôm nay nhắc đến, “Đấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em”; cũng là Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca bóng bẩy gọi là “Đấng đã viếng thăm dân Ngài!”.
Anh Chị em,
“Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”. Lời cầu, tiếng gõ khẩn thiết của chúng ta như tiếng gõ vào chính trái tim Thiên Chúa;Ngài không ban điều chúng ta xin, nhưng ban cho chúng ta điều chúng ta cần! Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng mở ra mọi sự, biến đổi mọi sự ! Thánh Thần là quà tặng vượt quá sự hiểu biết của con người; để qua Ngài, chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Thiên Chúa là Cha toàn năng yêu thương, Ngài biết điều cần nhất đối với chúng ta. Và điều cần nhất trên trần gian này là cần chính Ngài, Thiên Chúa; và với Thánh Thần của Ngài, bạn và tôi chu toàn mục đích có mặt của mình trong thế giới này; đó là làm mọi sự ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,xin biến đổi mọi sự trong ngoài của con, kể cả việc cầu nguyện. Đừng để con làm mọi sự cho hiển vinh con, nhưng con sẽ làm tất cả‘cho hiển vinh danh Ngài!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: