Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một dấu lạ dứt khoát - Nét thánh thiện của linh hồn

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT DẤU LẠ DỨT KHOÁT

 

“Như Giôna đã nên dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.

 

M. S. Jameson, từng nói, “Tất cả chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho quá khứ, để hối tiếc những niềm vui đã mất, xấu hổ vì những điều tồi tệ đã làm; cả khi hướng về tương lai, chúng ta mất bao thời gian để khao khát hoặc sợ hãi nó. Cách duy nhất để sống là hãy làm việc ! Hãy nô đùa ! Hãy khóc! Hãy cười ! Chính những điều này làm nên cuộc sống của bạn. Tắt một lời, bạn hãy chấp nhận mỗi giây phút như ‘một dấu lạ dứt khoát’, một phép mầu không thể lặp lại!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nếu mỗi giây phút là “một phép mầu không thể lặp lại” đối với nữ văn sĩ Jameson, thì Lời Chúa hôm naynói đến một phép mầu lớn lao hơn. Rằng, để được cứu độ, nhân loại không cần phải tìm kiếm đâu xa, chờ một ai khác, hoài bãomột dấu lạ nào nữa… ngoài dấu lạ Kitô. Như Giôna đã nên dấu lạ để dân thành Ninivê được cứu thế nào, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là ‘một dấu lạ dứt khoát’ mang tính quyết định cho phần rỗi đời đời của cả nhân loại như vậy.

 

Chúa Kitô, mầu nhiệm trung tâm của đức tin. Mọi thắc mắc, nan đề, băn khoăn… đều tìm được câu trả lời và hướng giải quyết nếu chúng ta chỉ đơn giản bước vào mầu nhiệm cứu chuộc của mình trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Tìm kiếm một dấu lạ khác ngoài dấu lạ Kitô sẽ là sai chỗ và vô tình nói rằng,cái chết và sự sống lại của Ngài là không đủ. Trong thư Galata hôm nay, Phaolô quả quyết, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta!”.

 

Với câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến dấu lạ Giôna. Con cá voi vĩ đại hơn Giôna; nó nuốt trọn ông. Tuy nhiên, cái chết dữ dội trong bụng cá và sự hồi sinh của Giôna sau đó là thời điểm quan trọng trong cuộc đời và sứ mệnh của ông. Điều đó không chỉ cần cho sự cứu rỗi của chính Giôna, ông đã chạy trốn khỏi Chúa, mà còn cần cho sự cứu rỗi của cả dân thành Ninivê. Chúa Giêsu nhắc đến Giôna như một cảnh báo cho người đương thời rằng,Ngài vĩ đại hơn Giôna, và cũngvĩ đại hơn cái chết sẽ nuốt chửng Ngài. Chính điều này sẽ khơi dậy niềm tin và niềm cậy trông của chúng ta.Không dấu lạ nào vĩ đại hơn Ngài, ‘một dấu lạ dứt khoát’; không tiên tri nào vĩ đại hơn Ngài, ‘Tiên Tri của các tiên tri’; không sự kiện nào có thể làm tiêu tán Ngài, ‘sự kiện tử nạn và phục sinh’. Tất cả mọi sự đều nằm dưới quyền thống trị của Chúa Kitô ngoại trừ một điều: ý chí tự do của chúng ta ! Vì thế, Ngài không ép buộc, cũng không áp đặt nó; Ngài để cho nó hoàn toàn nguyên vẹn, hầu chúng ta có thể tự do đáp lại Ngài bằng cách hoán cải chính mình như dân thành Ninivê đã hoán cải.

 

Anh Chị em,

 

“Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này như vậy”. Dấu lạ Giôna báo trước một dấu lạ không chỉ cho một thế hệ nhưng cho muôn thế hệ thuộc mọi thời ; rằng, một nhân loại sẽ được cứu thoát vĩnh viễn bởi bửu huyết của Chúa Kitô.Chúa Kitô đã chết một lần và Ngài đã phục sinh vinh hiển để cứu độ thế giới và muôn người. Đây là ‘một dấu lạ dứt khoát’ và vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ấy thế, mỗi Thánh Lễ trên các bàn thờ lại tái hiện giây phút cứu độ ấy. Và như thế, hằng giây hằng phút của chúng ta, dẫu khi chúng ta làm việc, khi chúng ta cười, khi chúng ta khóc… chúng ta vẫn có thể kết hiệp với Đức Kitô trên các bàn thờ;như vậy, hằng giây hằng phút, chúng ta vui hưởng suối nguồn cứu độ của Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin đừng để những dấu lạ thế gian mê hoặc con, những dấu lạ vốn chỉ làm con thêm trống rỗng. Cho con biết tìm đến Thánh Thể, một dấu lạ luôn giúp con mạnh sức!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

NÉT THÁNH THIỆN CỦA LINH HỒN

 

“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Thật là ngốc!”.

 

Trên một ngôi mộ vô danh, “Con không đủ khả năng chiến thắng, nếu điều đó có nghĩa là mất mát của người khác. Con không đủ khả năng bỏ lỡ vương miện bằng cách vấp ngã trước thập giá. Con không đủ khả năng chơi với lửa hoặc dụ rắn cắn. Con không đủ khả năng đánh mất ‘nét thánh thiện của linh hồn’ vì hơi thở thoáng qua của thế giới! Ngoài Ngài, con mù quáng! Ôi, lạy Chúa, cho con ánh sáng để con biết những thứ con không mua được!”. Con,“Ngốc”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ngốc”, tác giả của những dòng chữ trên bia mộ kia là một con người đạo đức đến tuyệt vời, khi ông phải đấu tranh giằng co, để không thể, không thể... Và thật thú vị, chúng ta gặp lại “chàng” trong Tin Mừng hôm nay. “Thật là ngốc!”. Trời! Không thể tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là “Ngốc!”; nhưng đó là sự thật! Ngài đã gọi các biệt phái như thế. Tại sao? Vì Ngài thấy những con người này quá chú trọng vẻ bên ngoài mà bỏ qua ‘nét thánh thiện của linh hồn!’.

 

Vậy mà, ngạc nhiên thay, lời quở nghiệt ngã này lại là một lời đầy yêu thương. Không thể tin được! Tại sao? Chỉ vì Chúa Giêsu muốn cứu lấy những con người vốn đã rơi vào bẫy kiêu căng ; họ kiêu căng vì lề luật mà họ ra sức tuân giữ, chẳng hạn như rửa tay trước khi ăn. Phải, niềm kiêu hãnh của họ đã khiến họ bị ám ảnh bởi ‘dáng dấp công chính’của mình. Buồn thay, dáng dấp ấy chỉ là mặt nạ che đậy “những chuyện cướp bóc, gian tà” vốn đã khiến họ hỏng hóc từ lũng sâu linh hồn. Vì lý do đó, Ngài gọi họ là “Ngốc!”. Vì yêu thương, Ngài những mong họ nhìn vào những gì đang diễn ra tận chốn thâm cung ấy hầu tẩy sạch trái tim, tẩy sạch lương tâm khỏi mọi bất chính; Ngài muốn họ trực tiếp gọi tên những gian tà đó. Và đây là cách duy nhất để họ ăn năn, cũng là cơ hội để họ tìm lại cho mình ‘nét thánh thiện của linh hồn’.

 

Trước não trạng kiêu căng nệ luật này , thật bất ngờ, Phaolô cho chúng ta một lời cảnh báo đáng kinh ngạc,“coi chừngmất hết ân sủng!”. Trong thư Galata hôm nay,Phaolô viết, “Tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng!”. Nói cách khác, mất ơn nghĩa Chúa, vuột khỏi vòng tay yêu thương của Ngài. Thâm trầm biết bao lời khẩn xin của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin cho con được hưởng tình thương Chúa!”.

 

Vậy mà, điều đã xảy ra ở người biệt phái cũng có thể là những xung năng nơi mỗi người chúng ta. Ước gì bạn và tôi, mỗi khi đêm về, biết rà soát lương tâm bằng cách nhìn vào linh hồn mình để thấy được những gì Thiên Chúa thấy, những gì cần điều chỉnh. Nhờ cầu nguyện và xét mình với một nội tâm trung thực, Chúa sẽ ban ơn để mỗi người có thể hoán cải. Như người Pharisêu, có thể chúng ta thường tự đánh lừa mình rằng, mọi chuyện đều tốt, lương tâm tôiyên ổn. Vậy mà, không chắc! Hãy nhìn nó dưới ánh sáng của sự thật và nhìn cuộc sống như Chúa nhìn. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng để trở nên thánh khiết; đó không chỉ là cách để làm sạch linh hồn, nhưng còn là bước thiết yếu cho phép cuộc sống bên ngoài toả sáng với ánh rạng ngời của ân sủng một khi ‘nét thánh thiện của linh hồn’ tỏ rạng bên trong.

 

Anh Chị em,

 

“Thật là ngốc!”. Có thể Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta những lời yêu thương đó. Bởi lẽ, một đôi khi, bạn và tôi đều phải đấu tranh vì đã quan tâm nhiều đến hình ảnh của công chúng dành cho mình hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về mình. Tuyệt vời thay, Chúa Giêsu mở lối, “Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí”. Cái bên trong đó là gì? Là tình yêu, lòng thương xót, những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là cách biến sự ngu ngốc của chúng ta thành khôn ngoan; và đó cũng là ‘nét thánh thiện của linh hồn’ mà Thiên Chúa mong đợi. Ngài là Đấng nhìn thấy động cơ của chúng ta, tính cách của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, những chấp trước của chúng ta, và mọi thứ phải che giấu trước mắt người khác. Hôm nay, bạn và tôi được mời nhìn vào tâm hồn mình dưới ánh sáng của sự thật và Thánh Thần; từ đó quyết tâm cộng tác với ân sủng. Nhờ đó, nhất định chúng ta sẽ tìm lại được ‘nét thánh thiện của linh hồn’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chớ gìân sủng và lòng thương xót Chúa tẩy rửa con theo những cách thức Chúa thấy con cần. May ra con tìm lại được điều đã mất, ‘nét thánh thiện của linh hồn’ con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)