Có một người Cha - Thổi hơi và truyền cảm hứng
CÓ MỘT NGƯỜI CHA
“Đừng sợ, các con còn quý giá hơn nhiều con chim sẻ!”.
Một nhà tu đức nói, “Cái chết không dập tắt được ánh sáng từ các Kitô hữu; nó chỉ thổi tắt ngọn đèn.Vì kìa, bình minh đang đến! Phút lìa đời, chúng ta bỏ lại tất cả những gì mình có; cùng lúc, mang theo tất cả những gì mình có. Và niềm an ủi lớn lao nhất, chúng ta ‘có một người Cha!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi Tin Mừng hôm nay nhắc lại niềm an ủi lớn lao nhất đó ! Chúa Giêsu tiết lộ, mỗi người chúng ta ‘có một người Cha!’;một người Cha nói rằng, bạn và tôi “quý giá hơn nhiều con chim sẻ”; một người Cha dạy con cái Ngài biết điều gì nên tránh, và điều gì nên sợ!
Trước hết, Chúa Giêsu bảo chúng ta tránh “men biệt phái”; nghĩa là “men đạo đức giả”. Đối với người Do Thái, men là dấu hiệu của sự dữ. Đó là một miếng bột từ một ổ bánh thừa đã lên men; quá trình lên men có liên quan đến sự thối rữa và hư hoại, tình trạng phân huỷ có mùi thối. Tránh “men biệt phái” là tránh bắt chước người biệt phái, những con người vốn chỉ muốn người khác nhìn nhận họ là những người Do Thái tốt lành vì đã thực hiện các bổn phận tôn giáo một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Vậy mà, Chúa Giêsu cho biết, không phải mọi sự bên ngoài đều luôn phù hợp với ý định bên trong của trái tim; ai cũng có thể biểu hiện bên ngoài những dấu hiệu tốt lành đang khi bên trong lại ẩn tàng bao ý định xấu xa. Thiên Chúa, Đấng thấu nhìn vực thẳm; ánh sáng Ngài phơi bày bóng tối, biến đổi tâm trí và trái tim con người.
“Đạo đức giả” có nghĩa là diễn viên, người giả vờ như những gì anh ta hoặc cô ta không phải là. “Đạo đức giả”thể hiện mạnh mẽ ở việc tạo ra một vẻ bên ngoài đẹp đẽ và che đậy những gì họ không muốn người khác nhìn thấy. May thay, với ánh sáng của Ngài, Thiên Chúa phơi bày bóng tối của sự dữ và tội lỗi lòng người, ngay cả những tội không ai hay biết. Ánh sáng Ngài biến đổi trái tim và tâm trí, cho phép chúng ta chiến thắng thù hận bằng tình yêu, chiến thắng kiêu hãnh bằng khiêm nhường, chiến thắng sự giả vờ bằng chính trực. Thiên Chúa ban ân sủng cho những trái tim khiêm nhường và cầu thị hầu giúp chúng ta chiến thắng men của sự thiếu thành thật và giả hình. Qua thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói, “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta”. Và như thế, chúng ta ‘có một người Cha!’. Thánh Vịnh đáp ca nói lên niềm vui làm con Chúa, dân riêng Ngài, “Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!”.
Vậy thì sự sợ hãi có liên quan gì mà Chúa Giêsu lại nói ở đây? Sợ hãi là một sức mạnh tiềm tàng. Nó có thể khiến chúng ta hoảng sợ và bỏ chạy, hoặc có thể thúc đẩy chúng ta đến với niềm tin và hành động. Kính sợ Thiên Chúa là liều thuốc giải độc cho mọi nỗi sợ hãi, ngay cả cái chết; nó kéo chúng ta đến với tình yêu và lẽ thật của Ngài. Tổn thương hoặc mất mát lớn nhất chúng ta có thể trải qua không phải là thể xác mà là tinh thần, mất mát linh hồn và sự sống đời đời trước sức mạnh của địa ngục. May thay, chúng ta ‘có một người Cha!’.
Anh Chị em,
“Đừng sợ, các con còn quý giá hơn nhiều con chim sẻ!”. Hãy xem Thiên Chúa dành sự quan tâm lớn lao như thế nào đối với những kẻ Ngài yêu, và đối với những ai kính uý Ngài. Ngài bảo tồn vũ trụ, mở rộng sự trợ giúp cho những thứ vô giá trị, ngay cả những sinh vật nhỏ nhất như loài sẻ. Làm sao Ngài quên được những kẻ yêu thương Ngài; đặc biệt, khi Ngài ra sức chăm sóc họ? Ngài hạ cố đến với họ, biết chính xác từng tình trạng cụ thể của mỗi người, thậm chí có bao nhiêu sợi tóc trên đầu từng người... Đừng nghi ngờ, với bàn tay giàu có, Thiên Chúa sẽ ban ân huệ cho những ai yêu mến Ngài; Ngài không cho phép chúng ta sa vào cám dỗ, kể cả cám dỗ sợ hãi. Đối mặt với tất cả những nỗi sợ hãi này, một nỗi sợ lây lan như virus, huỷ hoại như“men biệt phái”, chúng ta hãy để mình được ủi an bởi những gì Chúa Giêsu nói. Bạn và tôi ‘có một người Cha’, một người Cha yêu thương chăm bẵm mỗi người, đêmcũng như ngày.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, khi con vờ vịt hay sợ hãi, con khác nào đứa con mồ côi. Cho con biết rằng, con ‘có một người Cha’ sáng chiều chăm chút thân xác và linh hồn con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
THỔI HƠI VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG
“Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”.
Các nhà soạn nhạc vĩ đại không bắt đầu sáng tác vì được truyền cảm hứng, nhưng được truyền cảm hứng vì chăm chỉ làm việc. Beethoven, Wagner, Bach, và Mozart cần cù với công việc của mình như một kế toán viên cần cù mỗi ngày. Họ không lãng phí thời gian để chờ đợi nguồn cảm hứng; nhưng nhờ chăm chỉ, họ trở nên những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng cảm với nhận định trên, Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, những tính cách luôn cần cù;đó là những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ vào đời sống Giáo Hội, đời sống mỗi người. Hơn hẳn các nhạc sĩ cần cù, Giáo Hội có một Phaolô, không chỉ nhờ vào sự cần mẫn của con người, nhưng còn được sức thiêng từ trên, Chúa Thánh Thần; Đấng mà Chúa Giêsu hôm nay nói đến, cũng là Đấng dạy dỗ, ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.
“Tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện”. Với lời lẽ hết sức đạo đức, Phaolô ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ cho các tín hữu Êphêsô. Vị tông đồ đưa ra một tầm nhìn tuyệt vời về sự vĩ đại tột bậc của Chúa Giêsu, Đấng đang ngự trong vinh quang bên hữu Chúa Cha; cũng là Đấng trở nên một phần thân thiết trong đời sống người Kitô hữu. Và sẽ là một trách nhiệm đáng sợ khi mỗi người chúng ta trở nên hiện thân thực sự của Chúa Kitô cho thế giới, một trách nhiệm mà chúng ta thường xuyên ý thức; Phaolô nói, “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi!”.
Một vai trò nổi bật khác là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho biết, vào những ngày khốn quẫn, khi chúng ta bị điệu ra trước vua chúa quan quyền, thì Ngài sẽ dạy cho biết phải nói thế nào! Tuyệt vời thay ! Chính Chúa Giêsu đã sống niềm tin ấy trong cuộc đời Ngài đến mức hoàn hảo. Ngài bị bắt, chịu tra tấn, kết án sai và bị tra khảo bởi các thượng tế, Hêrôđê và Philatô. Trong các cuộc thẩm vấn, đôi khi Ngài nói; và những lúc khác, Ngài giữ im lặng. Và để chuẩn bị cho những cuộc tra khảo này, Chúa Giêsu đã không nghiên cứu trước những nhân vật sẽ đối chất Ngài; cũng không tìm cách lựa lời để nói những gì và không nên nói những gì. Ngài không chuẩn bị một cách xử thế nào khác ngoài sự kết hợp hoàn hảo với Chúa Thánh Thần và với Chúa Cha. Từ đó, Ngài được Thánh Thần ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để mọi lúc, mọi nơi, luôn làm điều đẹp lòng Cha.
Anh Chị em,
“Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”. Mặc dù có thể sẽ không bị bắt bớ vì đức tin, nhưng chúng ta có thể sẽ phải trải qua nhiều hình thức thẩm vấn và kết án khác nhau từ anh chị em mình. Vào những lúc ấy, bạn bị thách thức phản ứng; và nhiều khả năng, bạn bị cám dỗ để tự vệ trong giận dữ hoặc tấn công lại. Vậy nếu những lời của Chúa Giêsu hôm nay được hiểu và được sống một cách thiết thực, nó có tác dụng xoa dịu và trấn an bạn trong bất kỳ trải nghiệm đắng cay nào về sự đoán xét. Vậy nếu bạn bị người khác đoán xét, cả khi những gì họ nói là đúng, thì điều quan trọng là bạn sẽ không phản ứng với một thái độ phòng thủ hay tức giận, nhưng tin tưởng rằng, Chúa Thánh Thần sẽ luôn dẫn dắt bạn trong khiêm nhường và nhẫn nhịn nếu bạn tìm cách làm theo gợi hứng của Ngài. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu bạn biết xây dựng cho mình một thói quen vững chắc là chú ý đến tiếng nói của Ngài, một tiếng nói bên trong linh hồn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi trải qua sự đoán xét của người khác, xin cho con được bình an vì tin rằng, Chúa Thánh Thần sẽ ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để con nên giống Ngài hơn!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: