Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nhàn rỗi nội tâm - Bùng cháy một cách triệt để

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NHÀN RỖI NỘI TÂM

 

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”.

 

Đức Cha Fulton Sheen thường trích dẫn, “Trong đời sống tâm linh, không có bình nguyên hay cao nguyên; đơn giản, ở đó, chỉ toàn dốc! Bạn đang lên dốc hoặc xuống dốc; ở đó, không có thời gian cho sự ‘nhàn rỗi nội tâm!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ rất thú vị khi chúng ta gặp lại ý trưởng của Đức Cha Fulton Sheen qua Lời Chúa hôm nay. Chúa Giêsu không chỉ nói đến mối ‘bận tâm’ của một người quản lý là trung thành và cẩn trọng, nghĩa là không chỉ tránh một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi’, nhưng còn nói đến một tình trạng tác hại nghiêm trọng hơn mà người quản lý phải tuyệt đối tránh,một sự ‘nhàn rỗi nội tâm!’.

 

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”. Thiên Chúa , Đấng còn có một cái tên khác,‘Thường Xuyên Vắng Mặt’, cũng là Đấng thường đến vào những lúc con người ít mong đợi nhất.Vì thế, để có thể gặp Ngài, sống với Ngài, chúng ta phải tập sống nhiệm hiệp hay cầu nguyện. Cầu nguyện là sự chờ đợi của linh hồn.Thánh Augustinô từng nói, “Tôi sợ Chúa đi qua và tôi không nhận ra”. Như thế, ngủ hay thức không quan trọng; quan trọng là sống với Chúa thường xuyên; nói cách khác, không bao giờ sống trong trạng thái ‘nhàn rỗi nội tâm’. Một người ‘nhàn rỗi nội tâm’ sẽ không nhận ra Chúa đang đi qua; người ấy sống như thể không có Chúa vốn là Chủ; hoặc họ nghĩ, mình là chủ. Đang khi kế hoạch của Chúa thì khá đơn giản; Ngài chỉ cần các chúng ta trung thành và cẩn trọng ! Trung thành,bạn và tôi ý thức mình là tôi tớ, không tìm cách áp đặt tầm nhìn hay ước muốn của mình lên ý muốn của Chủ; và nhất là làm sao ý chí của chúng ta đạt đến mức đồng hoá với ý muốn của Chủ. Cẩn trọng, chúng ta biết cách điều chỉnh lối nhìn và thích ứng nó với vô số hoàn cảnh. Tắt một lời, tìm cách áp dụng cho mình phương châm, “Chúa Giêsu sẽ làm gì” trong hoàn cảnh của tôi?

 

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô ví mình như một tôi tớ, “Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng, do ân huệ Thiên Chúa đã ban”. Gọi việc “phục vụ Tin Mừng”là “ân huệ Thiên Chúa ban”, Phaolô ý thức hồng ân được gọi. Vì thế, sẽ thật ngơ khờ khi chối từ bất cứ một trách nhiệm nào mà Chủ đã tin tưởng trao ban. Thiếu trách nhiệm, một tôi tớ sẽ nảy sinh ham muốn và lạm quyền; sự “trì hoãn” của Chủ, bấy giờ, mang lại cho anh ta một cảm giác an toàn giả tạo. Nếu không có sự quan sát của Chủ, niềm kiêu hãnh của anh sẽ mất kiểm soát. Tuy nhiên, Chủ nhất định phải trở lại, và cuối cùng, người ấy phải nếm trải quả đắng từ sự kiêu ngạo của mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhận thức rõ hơn về sự hiện diện thường xuyên của Ngài. Sự vắng mặt và chậm trễ của Chúa là điều đương nhiên, nhưng Ngài vẫn hiện diện đầy tràn cho những ai sống trung thực và có trách nhiệm. Ân sủng Ngài luôn dẫy đầy cho những ai sống nhiệm hiệp; bấy giờ, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ”, Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm! Bởi lẽ, không bao giờ họ có cho mình những khoảnh khắc ‘nhàn rỗi nội tâm’.

 

Anh Chị em,

 

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”. Chúa Giêsu là kiểu mẫu tỉnh thức tuyệt vời; Ngài từng nói, “Của ăn của Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”. Tìm và làm theo ý Cha là một tình trạng thường xuyên nơi Chúa Giêsu; nơi Ngài, không bao giờ có sự ‘nhàn rỗi nội tâm’, mặc dầu điều đó không loại trừ Ngài có những giây phút nghỉ ngơi, vui đùa với các trẻ nhỏ hay với các môn đệ. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ không là những quản lý tồi, “say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái”; nhưng là những quản lý chăm sóc tốt những ai được giao cho mình. Tuy nhiên, đôi khi trách nhiệm có vẻ nặng hơn là những gì chúng tamong đợi.Đang khi người quản lý tồi tận hưởng những đam mê, thì người quản lý tốt có nguy cơ mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn. Đừng sợ! “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ bổ sức cho!”. Hãy để Ngài bổ sức; từ đó, học cách gạt bỏ những phiền toái nhỏ nhặt sang một bên; thay vào đó, trung thành chăm sóc những ai Chúa trao trong sức mạnh vàân sủng mà Ngài sẵn sàng đổ xuống.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xuống dốc thì dễ chịu hơn lên dốc; xin đỡ nâng con. Cho con xác tín rằng, ‘nhàn rỗi nội tâm’ của con chắc chắn có và chỉ có, vào một ngày kia, khi con ở với Chúa trên trời!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

BÙNG CHÁY MỘT CÁCH TRIỆT ĐỂ

 

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.

 

Vince Lombardi nói, “Nếu bạn không ‘bùng cháymột cách triệt để’ với lửa nhiệt huyết, bạn sẽ chết cháy vì nó!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, câu nói của Lombardi được tìm thấy nơi Chúa Giêsu!Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.Hơn bất cứ nơi nào khác, những lời này cho thấy cường độ mãnh liệt và niềm đam mê cháy bỏng của ngọn lửa mến yêu trong trái tim Chúa Giêsu; nó ‘bùng cháymột cách triệt để’,và Ngài cũng khao khát nó cháy bùng lên trong lòng chúng ta, các môn đệ của Ngài !

 

Chúa Giêsu đã chịu một phép rửa thực sự trong đau đớn tột cùng trên đồi Gôlgôtha, chính xác là để phép Rửa Tái Sinh của chúng ta không chỉ là một nghi lễ đơn thuần; đúng hơn, là dìm mình trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài muốn tia lửa trong phép Rửa của chúng ta cũng thực sự trở thành ngọn lửa của một đời sống thần linh; và với sự chăm sóc, đào tạo của mỗi người, nó cũng trở thành ngọn lửa ngày càng gia tăng một sự thánh thiện đích thực trongđời sống làm con cái Chúa. Thật vậy, bổn phận của mỗi người chúng ta là thổi bùng ngọn lửa ấy và đừng bao giờ để những áp lực bên ngoài, hay sự tầm thường của bản thân dập tắt nó.Tia lửa Giêsu phải trở thành ngọn lửa, và nó phải ‘bùng cháy một cách triệt để’ như Ngài.

 

Ngọn lửa của phép Rửa nơi chúng ta không bao giờ được phép thoả hiệp với thế gian nhằm có được một sự hoà bình với bất cứ giá nào! Chúa Giêsu điều chỉnh nhận thức sai lầm nơi một số thính giả của Ngài. Một số người hẳn đã kỳ vọng Ngài sẽ mở ra thời đại hoà bình thiên sai, khi beo nằm chung với chiên. Không ! Thời gian cho sự hoà bình đó sẽ là lúc lịch sử kết thúc khi Nước Thiên Chúa được thiết lập một cách trọn vẹn. Cho đến lúc đó, Kitô giáo sẽ thấy mình xung đột với các quyền lực thế gian; chúng ta muốn được coi là người tử tế, nhưng niềm tin đôi khi buộc phải xung đột. Vậy mà, tia lửa trong tâm hồn chúng ta vẫn phải ‘bùng cháymột cách triệt để’ trong yêu thương, hoà nhã, thứ tha và nhân ái; đó là ngọn lửa đủ mạnh để chấp nhận những khó khăn và tránh xa những thứ hoà bình rẻ mạt khi phải tìm cách đẹp lòng thế gian.

 

Trongbài đọc hôm nay, Phaolô nói với tín hữu Êphêsô rằng, “Xin Chúa Cha thêm sức mạnh cho anh em để được nên người thiêng liêng; và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến”. Nhờ đó, có thể “hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa”. Nói cách khác, Phaolô cầu xin cho ngọn lửa trong các Kitô hữu ‘bùng cháy một cách triệt để’ hầu cả địa cầu có thể nhận biết Thiên Chúa, một “địa cầu đầy ân sủng Ngài” như Thánh Vịnh đáp ca mô tả.

 

Anh Chị em,

 

“Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Là người đã ném lửa vào thế gian, chính Chúa Giêsu là ngọn lửa ấy. Ngài đã bị thiêu rụi trên đồi Calvê và bị dập tắt hoàn toàn trong mộ sâu; thế nhưng, từ cõi tối tăm đó, Ngài đã trỗi dậy, bước ra khỏi huyệt; và cùng với lửa Thánh Thần, Ngài đã thắp sáng thế giới, thắp sáng nhân loại hơn 20 thế kỷ qua; cách riêng trong trái tim của những ai theo Ngài. Cùng Chúa Giêsu, ngọn lửa trong tâm hồn của bao người đã bùng cháy; đó là các thánh qua mỗi thời đại. Cả chúng ta, chớ gì ngọn lửa của Bí Tích Rửa Tội cũng bùng cháy trong tim bạn và tôi, qua môi trường sống của mình, ngay hôm nay, ‘ở đây và lúc này’ bằng một lối sống kiên định, một lối sống yêu thương;vì đó là tư chất của con cái Thiên Chúa. Tắt một lời, ngọn lửa từ thuở ‘khai tâm’ của chúng ta phải ‘bùng cháy một cách triệt để!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con thoả hiệp hay nhượng bộ thế gian; vì Tin Mừng, xin cho lửa mến yêu trong lòng con luôn bùng cháy, ‘bùng cháy một cách triệt để!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)